Chủ nhật, ngày 03 tháng 11 năm 2024
"Mùa báo hiếu ghi công đức mẹ dưỡng cha sinh, Hội Vu Lan nhớ tinh thần thầy tổ truyền dạy" KÍNH MỪNG ĐẠI LỄ VU LAN BÁO HIẾU 2023

Kiêu mạn hao tổn phước.

Kieu man

Nếu chúng ta kiên nhẫn tu hành, sẽ càng lúc thu thập được nhiều công đức lành, tích lũy được nhiều thắng phước, rồi dần dần đạt được nhiều thành công. Nhưng điều trớ trêu là từ những cái rất đúng rất đẹp đó, một sai lầm xuất hiện. Đó là tâm kiêu mạn. 

Tâm kiêu mạn là một loại tình cảm thích thú, khoái trá, hả hê, sung sướng khi thấy mình hơn người khác. Sự khoái trá đó gây cho người ta cảm giác hạnh phúc.

Nhiều người còn bị ảo tưởng là mình vượt hơn người khác trong khi thật sự thì thua kém rất nhiều. Nhưng khi tự cho mình hơn người, một sự khoái chí, sung sướng cũng có mặt. 

Mỗi khi hưởng thụ niềm vui sướng hạnh phúc, chúng ta luôn luôn bị hao tổn bớt phước mà mình đã gây tạo trong quá khứ, đó là quy luật tất nhiên của Nhân quả. Nhưng có những niềm vui không làm hao tổn phước bao nhiêu, ví dụ như cảm giác hạnh phúc khi làm được việc từ thiện,vui mừng khi thấy người khác thành công hạnh phúc, theo đúng Hỷ tâm trong Tứ vô lượng tâm…

Tâm kiêu mạn đó trước hết sẽ phá vỡ những đức tính tốt đẹp có sẵn trong lòng mình. Ví dụ trước đây ta là người trầm tĩnh, nhưng sau một thời gian kiêu mạn, sự trầm tĩnh đó sẽ biến mất, thay vào đó là sự hấp tấp, vụt chạc, dễ nỗi nóng. Như trước đây ta là người hiền lành, nhưng sau một thời gian kiêu mạn, ta sẽ trở thành người ác độc. Như như trước đây ta sống đời thanh bai trong sạch, nhưng sau một thời gian kiêu mạn, ta sẽ trở thành người ô nhiễm … 

Cham 1.1

Tiếp theo việc hết phước là tài năng biến mất dần dần. Theo luật Nhân quả, phước đức sinh ra tài năng. Phước hết, tài năng sẽ mất theo. Như một Ni sư được ngộ đạo trong một tu viện ở Đại Hàn. Sau khi ngộ đạo, Ni sư liền bỏ dở trách nhiệm trông coi nấu bếp để ra đi dù đã được sự khuyến khích của các vị tôn túc là nên tiếp tục công quả cho hết thời hạn ấn định. Một vị Bồ tát cũng hiện ra trong giấc mơ cảnh báo rằng nếu Ni sư không công quả cho trọn vẹn công đức thì sau này không thể thuyết pháp được. Nhưng Ni sư đã bỏ qua tất cả lời khuyên đó để ra đi. Và như dự đoán, Ni sư đã không thể thuyết pháp trong suốt cuộc đời mình dù rất có uy tín về đạo hạnh. 

Hay có một Thầy Tỳ kheo trẻ học kém so với đại chúng. Vì biết mình học dở nên thầy rất siêng năng công quả. Những việc khó khăn nặng nhọc trong chùa đều được thầy xông pha gánh vác như đắp đường, bơm nước, kể cả may quần áo cho huynh đệ. Sau này Thầy có dự một khóa học diễn giảng rồi về Trụ trì một ngôi chùa ở miền Tây, và bắt đầu đi thuyết giảng đây đó, rất được cảm tình của Phật tử. Nhiều huynh đệ ngạc nhiên vì kết quả bất ngờ này; trước đó ai cũng nghĩ Thầy không thể nào ngồi trên bục giảng. 

Những câu chuyện như thế chứng tỏ một quy luật của Nhân quả: Phước đã tạo ra tài. Chúng ta cứ siêng năng làm các việc công đức rồi các công hạnh khác sẽ mở ra từ từ.

 

Ngược lại, khi kiêu mạn xuất hiện thì những đức tính tốt khác bị đánh vỡ; khi những đức tính tốt bị đánh vỡ thì những nghiệp bất thiện sẽ được gây tạo; khi những nghiệp bất thiện được gây tạo thì phước hết; khi phước hết thì tài năng cũng biến mất theo. Đó là tiến trình tất nhiên của tâm kiêu mạn. 

Thế là từ những thành công tốt đẹp, từ những khả năng đáng quý, từ những ưu điểm nỗi bật, chúng ta sẽ khởi lên tâm kiêu mạn. Và rồi tâm kiêu mạn đó sẽ đưa chúng ta trở lại tầm thường như buổi đầu chưa có gì cả. Ngay khi thành công, mầm mống của thất bại đã có mặt; ngay khi tài giỏi, mầm mống của kém dở đã khởi động; ngay khi được ưu điểm, mầm mống của khuyết điểm cũng sinh ra. Đó là nghịch lý đau đớn, khiến chúng sinh khó lòng bứt phá để vượt lên thành một vị Thánh siêu thoát. Tất cả chỉ bởi vì tâm kiêu mạn. 

Hiểu được điều này, chúng ta phải tu tập, phải chuẩn bị trước tâm khiêm hạ rất kỹ lưỡng để đón chờ những thành công đến với cuộc đời mình. Vì do phước đời trước, biết đâu chúng ta cũng sẽ có những thành công đáng kể nào đó. Nhưng nếu chúng ta không đủ lòng khiêm hạ thì những thành công tương lai sẽ là con đường dẫn đến đau khổ!

◊◊————————————————————————————————————–◊◊

Những Bài Viết Liên Quan
477373
Total Visit : 375685