Chủ nhật, ngày 15 tháng 9 năm 2024
"Mùa báo hiếu ghi công đức mẹ dưỡng cha sinh, Hội Vu Lan nhớ tinh thần thầy tổ truyền dạy" KÍNH MỪNG ĐẠI LỄ VU LAN BÁO HIẾU 2023

Nguồn gốc Kim Cang Xử trong Phật giáo

NGUỒN GỐC KIM CANG XỬ

TRONG PHẬT GIÁO

Thích Thiện Phước

 

 

      5  Kim cang xử tức chày kim cang, dịch âm là Phạt Chiết La, Bạt Chiết La, Phược Nhật La,… vốn là một loại binh khí của Ấn Độ xưa, nhân vì bản chất của nó bền chắc có thể phá được các loại vật khác, cho nên hai chữ đầu gọi là Kim cang, còn gọi là Bảo xử, hàng ma xử hoặc nói gọn là xử. Phật giáo dùng Kim cang xử làm dụng cụ cầm trong tay của các Tôn, là có ý nghĩa tượng trưng Bồ đề tâm có khả năng dẹp sạch các phiền não, lại còn tượng trưng cho đại dụng của trí tuệ sắc bén vững chắc,  kim cang có thể phá trừ được các ma chướng ngoại đạo và nội ma ngu si vọng tưởng. Nhân đây mà ở Mạn Đà La Hải Hội Kim Cang Bộ các Tôn đều cầm chày kim cang, đây là pháp khí mà hành giả Chơn Ngôn Tông luôn luôn mang theo bên mình.

       Những kinh điển có đề cập đến kim cang xử như: Bồ Đề Tràng Sở Thuyết Nhất Tự Luân Vương Kinh, phẩm Thứ nhất; Niết Bàn Kinh, phẩm Thứ ba; Đà La Ni Tập Kinh; Tô Bà Hô Đồng Tử Thỉnh Vấn Kinh; Nhất Thiết Như Lai Đại Bí Mật Vương Vị Tằng Hữu Tối Thượng Vi Diệu Đại Mạn Trà La Ni Kinh,…

        Hành giả tu theo Mật tông thường cầm theo bên mình là để phát huy kim cang trí dụng của Như Lai, mong phá trừ những ngu si vọng tưởng, để hiển bày ánh sáng trí tuệ, phá tan ngu si tăm tối. Trong Mật giáo các tôn Kim Cang bộ Mạn Trà La Hải hội, đều cầm kim cang xử. Người học sau này lấy ý chỉ “dẹp tan kẻ địch” mà diễn dịch thành một dụng cụ tác pháp hàng phục ác ma ngoại đạo.

        * Hình dạng Kim cang xử:

       Ban đầu chày kim cang làm bằng đá hoặc bằng gỗ, phần đầu rất bén, sau nầy hình thức bị biến dạng dần trở thành ngắn và nhỏ như hiện trạng và không còn bén nữa.

        Theo quyển thượng, Tô Bà Hô Đồng Tử Thỉnh Vấn Kinh chép: “Do pháp tu bất đồng, nên dùng chất liệu cũng bất đồng, ví  như: Vàng, bạc, đồng, sa thạch, hoặc có khi dùng hỗn hợp vàng bạc đồng, sắt, cây Thất Lợi Ban Ni, cây Tỳ Rô Bà, cây Khư Tha Ra, cây Ma Độ Ca, cây A Thiết Đa, cây Hại Nhơn, Xương Người, Thủy Tinh, cây Khổ Luyện, cây Tỳ Lê Lặc, cây Thiên, Đất, cây Ca Đàm, cây Át Ca, cây Vô Ưu, cây A Một La, cây Át Thuận Na, cây Liễu, cây Bạch Đàn, cây Tử Đàn,… ”

        Chất liệu chế tạo kim cang xử có: Vàng, bạc, đồng, sắt, đá, thủy tinh, cây bạch đàn,… hiện tại thì đa phần dùng đồng vàng để đúc.

        Từ hình dáng mà xem thì kim cang xử gồm nhiều loại, có xử 1 ngạnh (cổ), xử 3 ngạnh, xử 5 ngạnh, xử 9 ngạnh, …

        Kinh Nhơn Vương Niệm Tụng Nghi Quỉ chép: Các Tôn tay cầm kim cang xử để biểu thị chánh trí giống như kim cang kiên cố không có gì phá hoại được. Cho nên trong Phật giáo có rất nhiều vị Phật Bồ tát tay cầm kim cang xử.

        Thế nhưng sử dụng kim cang xử có qui tắc nhất định:

1/ Thành tựu sự vật dùng xử 5 ngạnh.

2/ Gia trì thần dụng dùng xử 3 ngạnh.

3/ Hành đạo niệm tụng dùng xử 1 ngạnh.

4/ Tu Phật bộ, Liên Hoa bộ pháp dùng xử 1 ngạnh.

5/ Tu Kim Cang bộ pháp dùng xử 5 ngạnh.

6/ Tu Đại Oai Đức Minh Vương pháp dùng xử 9 ngạnh.

        * Chủng loại Kim cang xử :

         Xử một nghạnh là một hình thức rất xưa, trong kim cang xử hình nhọn lại dài, là do 2 lực sĩ kim cang cầm. Ở trong xử 5 ngạnh, xử 1 ngạnh cùng tương ưng với Liên Hoa Bộ, để ở phương Tây của đại đàn, đầu nhọn là tượng trưng cho trí nhất pháp giới, tức nhất chơn pháp giới  của đại Nhật Như Lai.

         Bạch Bảo Khẩu Sao. Đế Thích Pháp chép: “Xử 1 ngạnh ngoài ý nghĩa trừ phiền não ba độc của chúng sanh, lại còn có ý nghĩa biểu thị ba cõi vốn đầy đủ. Ngoài ra, xử một ngạnh còn tượng trưng cho Tu Di Sơn, tay cầm Tu Di Sơn nầy là hàm ý, y báo chánh báo đồng một thể”.

        Bổn Tôn cầm độc cổ xử là: Trời Đế Thích, hình Bổn Tôn ấy đầu đội mão báu, đắp y Yết Ma, tay trái cầm xử một ngạnh để ở trước ngực. Trời Đế Thích vốn là vị thần của Ấn Độ giáo gọi là Nhơn Đà La, sau được Phật giáo gọi là Hộ pháp thần, Trời Đế Thích trấn giữ ở phương Đông, ở thành Thiện Kiến núi Tu Di trời Đao Lợi.  

 

        Ngoài ra Kim cang xử 1 ngạnh còn là 1 trong 40 tay của Bồ tát Thiên Thủ Quan Âm cầm, biểu thị sự ngăn dẹp tất cả các oán tặc, 1 trong 108 tay của Kim Cang Tạng Vương Bồ Tát là tay cầm xử 1 ngạnh.

      – Xử 3 ngạnh: Lại gọi là Tam cỗ phược nhật la, Tam cỗ kim cang… cùng với Yết ma la bộ tương ưng, để ở phương Bắc của đại đàn, phần đầu của Tam cỗ xử nầy có chia làm 3 ngạnh biểu thị ba bộ: Thai Tạng giới Phật kim cang, Liên Hoa, Tam Mật: Thân ngữ ý, tam trí, tam quán …

        – Kinh Tô Tất Địa chép: Nếu hành giả cầm xử 3 ngạnh thì không bị Tỳ Na Ca Diếp làm ngăn ngại. Trong lúc hộ ma và tụng niệm nếu tay trái cầm thì thành tựu các việc.

        Ngoài ra, ở “Kim Cang Đồng Tử Pháp” đem Tam cỗ xử làm thể của Bổn Tôn. Trong ấy ngạnh ở giữa là đầu, 2 ngạnh hai bên là tay, 2 đầu xử trên dưới họp hai làm một, biểu thị Bổn Tôn và hành giả bất nhị, chúng sanh và Như Lai vốn bình đẳng.

         - Xử 5 ngạnh: Lại gọi là Ngũ trí Kim cang xử, Ngũ phong kim cang xử, Ngũ phong Quang Minh. Ngũ cỗ xử phân ra 5 ngạnh biểu thị 5 trí 5 Phật. Trong đó một ngạnh tượng trưng cho thật  trí của Phật. Còn 4 ngạnh khác thì tượng trưng cho quyền trí của Phật, tức là dùng trí tuệ tạm nói phương tiện. Bốn ngạnh xung quanh cong lại và hướng về bên trong là biểu thị quyền trí cuối cùng rồi cũng qui về thật trí, 2 ngạnh trên dưới bằng nhau biểu thị cõi Phật, cõi chúng sanh đều đầy đủ 5 trí. Năm ngạnh trên dưới có 1 ngạnh biểu thị 10 Ba la mật, hay phá nát 10 loại phiền não, thành tựu 10 loại chơn như, liền chứng được thập địa, cầm giữ kim cang xử, chính là hay an trụ trong kim cang trí đức của Phật, Bổn Tôn tay cầm xử 5 ngạnh là Kim Cang Tát Đỏa Bồ Tát, là 1 trong 16 vị Bồ tát thuộc Kim cang giới.

         *Mật dụng Chày kim cang của thần Hộ Pháp, Mật Tích.

        Trong kinh Phật, đích thực có một vị thần hộ pháp đặc thù, lại vừa khéo là lực sĩ Kim Cương Mật Tích, tay cầm chày kim cương. Trong Luật bộ và kinh Đại Niết Bàn, phần nhiều có đề cập đến một đồng tử nghe trộm thuyết giới, bị thần Kim Cương Mật Tích dùng chày đánh giết. Phàm ngoại đạo khi thưa hỏi mà không trả lời Đức Phật thì thần Kim Cương Mật Tích cầm chày kim cương bay đến trên đầu người ấy, quát rằng: “Nếu không mau trả lời thì ta sẽ đập nát đầu ngươi thành bảy mảnh”. Việc này thường được thấy trong kinh A Hàm.

         Trong “Tỳ Nại Da tạp sự” quyển 17 chép rằng : “Trưởng giả Cấp Cô Độc có ý muốn trang nghiêm cổng chùa Kỳ Viên, Đức Phật cho phép ông vẽ hai vị dược xoa cầm chày”.

         Kim Cương Mật Tích nổi tiếng với hình tượng tay cầm chày kim cương, vốn thuộc Đại Lực Dược xoa, là vị thống soái của Từ Thiên Vương. Vị này thường theo hầu Đức Phật, bảo hộ Phật giáo nên trở thành vị thần hộ pháp rất thiết yếu và rất nhiệt thành trong Phật giáo. Đây là những việc được ghi rõ trong kinh luật Tiểu Thừa và được nói ra lúc Đức Phật còn tại thế. Còn “Mật Tích Kim Cương lực sĩ kinh” (xếp vào kinh Đại Bảo Tích) của Đại Thừa có chép: “Mật Tích Kim Cương trong hội Đức Thích Ca chính là hậu thân thái tử Pháp Ý, thề nguyện hộ trì chánh pháp của một ngàn người anh. Tuy hiện thân dạ xoa, tay cầm chày kim cương, nhưng thật là vị đại bồ tát. Đây chính là điều xuất phát từ bản địa Mật Tích Kim Cương bên Tiểu Thừa. Mật Tích Kim Cương lực sĩ trong kinh luật Tiểu Thừa dường như là các dạ xoa, có thể biết được qua việc xem bức vẽ ở Kỳ Hoàn.

         Hai ông Hanh (hầm), ông Cáp (hừ) bảo hộ các sơn môn Trung Quốc cũng là di ý của việc thờ thần Kim Cương. Song, trong nhóm Mật Tích lực sĩ, lại dường như là chỉ một trong các Kim Cương. Trì độ luận chép: “Năm trăm vị thần cầm chày kim cương là do lực sĩ tay cầm chày kim cương thị hiện”.

         Mật Tích lực sĩ, hậu thân của Pháp Ý thời, thường thị hiện làm các dạ xoa để hộ trì chánh pháp. Các vị dạ xoa hộ trì chánh pháp, đa phần cũng được ghép vào đoàn hộ pháp, dường như đã trở thành nghĩa chung của Phật giáo Đại Thừa. Lúc Đức Phật còn tại thế, Ngài cho phép vẽ nhiều dạ xoa ở sơn môn. Do đó, tượng hộ pháp cầm chày kim cương, đứng trước điện Phật.

         Cát Tạng, đời Tùy, ngộ nhận Mật Tích Kim Cương chính là hóa thân của Đức Phật Lâu Chí. Đến đời Tống, cũng còn thuyết này. Người đời sau cho rằng Vi Đà chính là Đức Phật Lâu Chí, cũng do theo thuyết này mà truyền lầm. Mật Tích Kim Cương lực sĩ vốn lầy việc hộ trì Đức Thích Tôn và giữ gìn chánh pháp làm trách nhiệm của mình. Nhưng, khi chuyển thành Kịm Cương Tát Đỏa, bí mật chủ, bên Mật độ liền xuất hiện bằng thân để hộ trì truyền thừa đại pháp Mật tông. Sự tích diễn hóa trên đây, thật có thể thấy được rõ ràng!

         Hộ pháp Vi Đà  hiện thân thiên tướng, tay cầm chày kim cương, là vị thần hộ pháp đặc thù của Phật giáo, cùng với vị thần Mật Tích Kim Cương lực sĩ rất hợp nhau. Vì thế, ngài Pháp Vân cho rằng hộ pháp Vi Đà chính là Mật Tích.

        Phật giáo vốn có thần hộ pháp đặc thù, tay cầm chày kim cương. Hai chữ “Kim Cương”, tiếng Phạn là Bạt Xà (Triết) La. Chữ “Xà” trong tiếng Hoa có âm là “Đà” như trà tỳ có chỗ dịch là “Xà duy”. Chữ “Vi” trong Vi Đà, người xưa thường dịch là “Tỳ”. Như Phệ Đà, có chỗ dịch là “Tỳ Đà”, “ Bì Đà”, “Ca Tỳ La”; có chỗ dịch là “Ca Duy”.

        Trong Thiền Môn Nhật tụng có bài khen ngợi công đức của Ngài Hộ Pháp dùng chày kim cang để chấn nhiếp ma quân hộ trì người tu hành:

        Phiên âm:

Vi đà thiên tướng

Bồ tát hoá thân

Ủng hộ Phật Pháp thệ hoằng thâm

Bảo xử chấn ma quân

Công đức nan luân

Kỳ đảo phó quần tâm

Nam Mô Phổ Nhãn Bồ Tát (3 lần)

         Tạm dịch văn xuôi: Vi Đà thiên tướng vốn là do Bồ Tát hóa thân, vì ủng hộ Phật pháp mà thệ nguyện rộng sâu, tay cầm cây gậy báu chấn nhiếp ma quân, công đức thật không thể suy lường, nếu như có ai cầu nguyện thì ứng hiện Ngài ứng hiện chứng giám lòng thành.

         * Chày Kim cang trong Nghi văn tán bái

         Trong khoa nghi Du Già đàn thượng, tán ngũ phương cũng có đoạn nói về chày kim cang nầy:

         Thế giới phương Đông, Phật A Súc

                 Án ma ni hồng

          Thân Ngài màu xanh

          Án á hồng

          Phóng ánh sáng

          Hồng hồng án ma ni hồng.

          Chấp trì thủ ấn kim cang xử

          Án ma ni hồng

          Chúng con dốc lòng

         Án á hồng

          Xưng tán lễ

         Chày kim cang được nhắc lại nhiều lần trong khoa nghi Du Già, vì nó là tiêu biểu cho trí tuệ nhạy bén.

Đây là tất cả chư Như Lai

Trong tay cầm giữ Kim cang xử

Kim cang Phật mẫu bậc dõng thức

Con nguyện luôn luôn làm như thế

Xin diệt ngu si loài hữu tình

Án hạ la hạ la hồng (3 lần)

Tay trái cầm giữ linh bảy báu mầu nhiệm

Hồng âm rung động mười phương và ba đời

Phạm âm trong trẻo tỉnh giác ma oán tâm

Phá nát tà yêu các vọng lượng quỷ mỵ

Tay phải cầm giữ chày kim cang hàng ma

Sức oai thế nặng tám vạn bốn ngàn cân

Dẹp sạch thiên và phi thiên ma quyến thuộc

Đều khiến hồi quang phản chiếu mà kính ngưỡng.

Ma oán trong ngoài ba độc bốn hại thảy.

        Trong nhiều loại chày kim cang thì hình thức 1 ngạnh là xưa nhất, mũi có dài nhọn, chày kim cang mà Mật Tích Kim Cang Lực Sỉ cầm chính là vũ khí rất bén nhọn. Sau nầy hình thức kim cang xử dần dần biến thành ngắn và nhỏ, thuần là một đạo cụ dùng để tu tập.

        Nhìn chung, trong Mật Tông Phật giáo, kim cang xử tượng trưng cho sức mạnh vô địch, không có vật kiên cố nào mà chày nầy đập không bể. Đây là ví như trí huệ và chơn như Phật tánh không có gì làm hư hoại. Chày kim cang nầy được dùng để đoạn trừ các loại phiền não, ngăn dẹp các hình sắc ác ma gây chướng ngại, là một trì vật trong các tôn của Mật giáo, cũng là pháp khí quan trọng dùng trong lúc tu pháp bên Mật Tông. Đời sau lại căn cứ về yếu chỉ chày kim cang hay ngăn dẹp được kẻ oán địch nên đem nó diễn dịch thành một dụng cụ tác pháp để hàng phục các ma ngoại đạo.

       Chú thích:

       (1) Hồi quang phản chiếu: Trong thiền ngữ, bốn chữ này chỉ ta nên trừ bỏ chân lý bên ngoài mà hãy quán sát lại tự tâm, tự thân mình. Dẫn văn: “Hồi quang phản chiếu, khán thân, tâm thị hà vật”. Nghĩa là: “Hãy chuyển cái nhìn lại để xem thân tâm mình là gì”. (Cảnh Đức Truyền Đăng Lục, quyển 26). Cũng còn được hiểu, soi rọi ánh sáng trở lại để xét thân mình.

 

♦♦——————————————————————————————–♦♦

Những Bài Viết Liên Quan
452995
Total Visit : 351307