Thứ 3, ngày 03 tháng 12 năm 2024
"Mùa báo hiếu ghi công đức mẹ dưỡng cha sinh, Hội Vu Lan nhớ tinh thần thầy tổ truyền dạy" KÍNH MỪNG ĐẠI LỄ VU LAN BÁO HIẾU 2023

Nguồn gốc Mõ trong Phật giáo.

MOThích Thiện Phước

 

 

 Mõ vốn là một loại nhạc khí thuộc bộ gõ tự thân vang, được lưu truyền rộng rãi trong dân gian, thế nhưng mõ có xuất xứ từ Phật giáo. Mõ là một trong những pháp khí quan trọng trong thiền môn, ngày nay được sử dụng rất rộng rãi.

* CHẤT LIỆU VÀ TÊN GỌI:

Mõ trong Phật giáo làm từ các loại gỗ chắc dẽo, cứng, để gõ lâu hư, thường có hình cầu dẹt với nhiều kích cỡ to nhỏ khác nhau, tất cả ở giữa đều khoét rỗng, hình lòng máng. Dùi gõ mõ cũng làm bằng gỗ, kích cỡ của dùi to nhỏ tương xứng với kích cỡ của mõ.

Thời xưa gọi là Mộc Ngư Cổ, Mộc Đạt, Ngư Cổ, Ngư Bản. Đây là loại pháp khí có khắc hình con cá, khi gõ thì phát ra tiếng: cóc cóc, cum cum,… âm vang đều đặn sâu lắng!. Tùy theo kích cỡ lớn nhỏ mà âm lượng cũng bất đồng, đây chính là loại mõ dùng để tụng kinh trong nhà chùa hiện nay vậy.

Trong điển tịch Phật giáo, những câu chuyện liên quan đến mõ rất nhiều, còn trong hoạt động tán tụng Phật giáo, mõ là một pháp khí quan trọng.

nen mo 2

 * CÂU CHUYỆN VỀ CÁI MÕ:

- Trong kinh Phật có câu chuyện chép rằng : “Trong gia đình Bà La Môn có người con tên là Bạc Câu La, thuở nhỏ mẹ ruột đã qua đời, người mẹ kế vô cùng khắc nghiệt ngược đãi, có lần cha Ngài không có ở nhà nên bị mẹ kế đánh, đem Ngài ném xuống sông, con cá to bèn nuốt trọng, cá nầy bị người chày lưới bắt rồi đem ra chợ bán và được phụ thân của Ngài Bạc Câu La mua về.

Khi đem về nhà, lúc làm thịt thì nghe tiếng kêu cứu của Ngài Bạc Câu La, ông bèn cứu được con mình ra. Sau nầy Ngài qui y Phật, trở thành người sống lâu đến 160 tuổi”.

Thế nhưng, sau khi câu chuyện nầy truyền đến Trung Quốc, thì tình tiết của nó trở nên thay đổi:

- Vào đời Đường, Ngài Huyền Trang từ Tây Vực thỉnh kinh trở về. Khi đi qua đất Thục, gặp một Trưởng giả và được mời đến nhà ông để thọ trai. Con của Trưởng giả nầy bị vợ kế làm hại, đem ném xuống sông và bị cá nuốt trọng, sau được Trưởng giả mua cá về làm thịt thì thấy con mình trong đó.

Sau khi nghe được chuyện ấy, Ngài Huyền Trang nói: “Cá vì cứu đứa con mà bị chết, nên phải dùng gỗ khắc hình cá treo ở trong chùa, mỗi khi đến giờ cơm thì đánh lên nhằm để báo đáp ân nó”.

2

- Trong “Pháp Khí Môn, sách Bách Trượng Thanh Qui” chép: “Thuở xưa, có Tỳ kheo trái lời Thầy dạy, thường chê bai giới Pháp. Sau khi chết đi bị đầu thai thành cá, nhưng trên lưng cá có một gốc cây dài, trong biển sóng cuồn cuộn nổi lên, lưng cá dao động không thôi, da thịt bị rách nát, máu chảy rất nhiều, con cá nầy đau khổ vô cùng”.

Về sau vị Thầy có việc qua biển, cá bèn quậy sóng, nói với vị Thầy rằng: Vì trước kia ông không dạy, nên mới ra nông nổi nầy, vì thế tôi nay báo oán giết chết ông.

Vị Thầy ôn tồn hỏi tên họ của nó. Sau khi cá đáp xong, Thầy mới biết duyên do quả báo, bèn khuyên nó sám hối và thiết lập Pháp hội siêu độ.

Sau vị Thầy nằm mộng thấy nó thoát khỏi thân cá và còn yêu cầu đem khúc gỗ trên thân nó đẽo thành hình cái mõ cúng dường Tăng chúng, nhằm để có dịp thân cận Tam bảo. Vị Thầy khi tỉnh mộng đi ra biển, quả nhiên thấy khúc gỗ và thây cá. Sau đó đem về khắc hình con cá và treo trong chùa, rồi định giờ khắc mà đánh, để biểu thị răn nhắc đại chúng”.

 1

 - Lại có câu chuyện cho rằng, sở dĩ mõ có hình con cá là bắt nguồn từ sự tích Trương Hoa đời nhà Tấn, dùng cái dùi bằng gỗ cây vông có chạm hình con cá để đánh trống đá.

- Trong Bách Trượng Thanh Qui chép: “Tương truyền cá ngày đêm thường tỉnh, bèn khắc hình nó để đánh, nhằm cảnh tỉnh sự hôn trầm của đại chúng, cũng nhằm nhắn nhủ: Tăng chúng khi tụng kinh phải gõ mõ, nhân vì tất cả loài cá khi ngủ con mắt không nhắm, (vì nó vốn không có mi mắt, do đó không thể nhắm lại – theo sách Mười Vạn câu hỏi vì sao của NXBVHSG). Cho nên người xuất gia mượn hình tượng cá, để biểu thị sự tinh tấn, không dám lười biếng”.

- Theo bộ “Thích Thị Yếu Lãm – còn gọi là Phật Học Bị Yếu” chép: “Tỳ kheo hỏi Phật, dùng gỗ gì để làm kiền chùy? Phật dạy: Ngoài cây sơn ra, còn tất cả những loại cây khác, chỉ cần đánh có tiếng kêu thì đều làm được”.

Mo

* HÌNH DẠNG CỦA CÁI MÕ:

Phương pháp để điêu khắc Mộc ngư, trước hết là đem một gốc cây chạm thành hình con cá xong xuôi rồi mới khoét rỗng ruột, ngoại hình phải chạm đầu, vây, đuôi. Sau đó sơn phết, rồi vẽ mắt.

Trong Tự viện Phật giáo sử dụng mõ có hai loại:

- Mõ dài: Khắc hình con cá hoặc đầu rồng vải cá, loại nầy thường treo ở trai đường, hoặc treo ở hành lang nhà bếp, đánh để tập họp Tăng chúng. Loại mõ nầy còn gọi là “Bang” tức là cái bảng trong thiền lâm, đánh lên để báo cho đại chúng biết giờ ăn, giờ đi tắm…còn gọi là Phạn Bang – bảng báo giờ ăn, mộc ngư – cá gỗ, ngư cổ – trống cá, ngư bản – bảng hình cá, ngư bang, minh ngư – con cá gáy.

Trong thiền lâm thời xưa, bảng thường treo ở nhà tắm, đánh lên để đại chúng biết giờ đi tắm.

images-6

Bang – Mõ dài

Sách “Thiền Lâm Tượng Khí Tiên, Đệ Nhị Thập Loại Bái Khí Môn” chép: “Trong quyển Sa Di Nghi Nhập Dục ghi rằng: Nước lạnh hay nóng cứ theo thường lệ mà đánh bang, không được gọi to”.

images-3

Bang thường dùng để thông báo cho đại chúng biết giờ thọ trai, ngày nay thì trong thiền lâm có đẻo cái bang gỗ mình hình con cá, đầu hình rồng, miệng ngậm trái châu, treo phía ngoài nhà Tăng hoặc nhà trai. Tuy nhiên, đây chỉ là một hình thức biến thái của loại mộc ngư ngày xưa.

Ngoài ra, nếu là “Bang” là loại mõ dùng để đánh hiệu thông báo với đại chúng trong các cơ quan chánh quyền của xã hội Trung Quốc thời xa xưa”.

images

Mõ tròn: Dùng để đánh khi đọc kinh, nhằm để hòa âm, cảnh tỉnh hôn trầm của đại chúng, trong tự viện mõ có lớn nhỏ bất đồng, lớn thì để trên giá, nhỏ thì cầm tay, mõ có tác dụng điều tiết nhịp điệu, đề tỉnh tinh thần.

images-1

Mõ tròn

+ Loại mộc ngư hình tròn này có đơn ngư và song ngư.

Đơn ngư là đầu đuôi nối tiếp nhau.

 

images-8

Đơn ngư

Song ngư là về sau nầy xuất hiện mộc ngư hình rồng 1 thân 2 đầu hướng vào nhau cùng ngậm hạt châu. Thuyết này lấy từ tích “cá hóa rồng” nhằm để biểu đạt chuyển Phàm thành Thánh.     

images-9

Song ngư

* CÁC LOẠI MÕ THƯỜNG GẶP TRONG DÂN GIAN(1):

- Mõ làng: Có loại làm bằng gỗ cứng hình cá trắm to dài khoảng 1m, khoét rỗng dài theo bụng  và thường treo ở điếm làng. Có loại làm bằng gốc tre già gọt theo hình trǎng khuyết, đường kính từ 15 – 20 cm, ở giữa có khoét một rạch rỗng. Cuộc  sống nông thôn người Việt xưa, mõ làng có chức nǎng thông tin, được làng giao cho một người đàn ông phụ trách, thường được gọi là thằng mõ hay anh mõ. Vào những dịp có việc làng, sự kiện đột xuất cần thông báo, thì  thằng mõ có nhiệm vụ gõ mõ thông tin cho khắp các gia đình trong làng biết.

mõ làng

Mõ làng

Mõ trâu: Làm bằng gỗ hoặc gốc tre già hình hộp đứng.  Mặt đáy hình chữ nhật khoét rỗng thông với mặt trên với chiều dài từ 20 – 25 cm, chiều rộng từ 10 – 15 cm. Mặt trên hình chữ nhật với chiều dài, dài hơn chiều dài của mõ và ở giữa buộc 2 đoạn gỗ dài hơn chiều cao của mõ khoảng 1 cm. Người ta buộc mõ vào cổ trâu. Khi trâu chuyển động, đi lại, 2 đoạn gỗ gõ đều đặn vào thành trong của mõ phát ra âm thanh nghe lách cách.

mõ trâu

Mõ trâu

Mõ trong Âm nhạc: Mõ thuộc bộ gõ, không định âm, tham gia hòa tấu trong các dàn nhạc sân khấu và nhiều loại hình ca hát khác. Cấu tạo của mõ loại này thường làm bằng tre già, hình trǎng khuyết như mõ làng, ở một số dàn nhạc tuồngchèo còn dùng mõ gỗ như mõ chùa, kích cỡ vừa phải, đường kính từ 10 – 25 cm. Ngày nay mõ còn được dùng trong các tốp nhạc dân tộc mới và trong dàn nhạc dân tộc tổng hợp. Mõ này làm từ sừng trâu cong, cắt bỏ phần đầu nhọn, lấy phần gốc dài chừng 10 – 15 cm. Âm thanh của mõ sừng trâu vang, khoẻ.

mõ trong nhạc cụ dân tộc

Mõ trong âm nhạc

* CÔNG DỤNG CỦA CÁI MÕ:

Mõ có rất nhiều công dụng, trước hết là dùng để tán tụng hòa điệu tiết tấu âm nhạc, đồng thời cũng biểu đạt sự tinh tấn không ngừng của đại chúng. Mõ còn dùng để tập hợp Tăng chúng.

Trong” Sắc Tu Bách Trượng Thanh Qui, quyển 8” chép: “Mộc ngư, hai thời cơm cháo đánh hai hồi dài, phổ thỉnh Tăng chúng đánh một hồi dài, phổ thỉnh hành giả đánh hai hồi dài”.

Mõ còn dùng để đánh canh, báo sáng. Phật Kinh chép: “Mỗi ngày khi giao thoa giữa thời khắc trong năm canh, hành giả các tự viện gõ kẻng hoặc gõ mõ để tuần hành báo sáng”.

Về sau mõ cũng là một công cụ để các Tỳ kheo đi khất thực hóa duyên, đánh liên tục lên để cảnh tỉnh người đời phát tâm từ bi.

images (10)

Khi đánh mõ hành giả thầm tưởng bài kệ:

Phiên âm:

Gia trì mật niệm tẩy trần tâm

Mộc ngư khuyến hướng chuyển tam thinh

Thánh chúng lục hòa tuyên bối diệp

Tứ sanh cửu hữu xuất phàm trần.

Án Kim Cang Trang Nghiêm Tóa Ha (3 lần) 

Tạm dịch:

Trì thêm mật ngữ hết lòng trần

Mõ khua ba tiếng chuyển tâm thân

Bốn chúng sáu hòa tuyên kinh kệ

Bốn loàn chín cõi thoát trầm luân.

An Kim Cang Trang Nghiêm Tóa Ha (3 lần)

 

Cách đánh “Mộc ngư” thường là ở mức trung bình, không nhanh không chậm. Tuy nhiên tùy theo tiết tấu âm điệu, nghi thức, thời khóa, mà uyển chuyển nhanh chậm bất đồng. Nếu như cần phải đánh nhanh thì phải khởi đầu từ chậm rồi dần dần tăng tốc đến nhanh.

Mõ có tác dụng làm cho hành giả tĩnh tâm, âm điệu hài hòa, khiến cho thân tâm rỗng lặng.

0

Theo cách xưng gọi về ngôn từ nghi lễ ở Việt Nam, khi phân vai đánh nhịp trong thời khóa, thì người đánh mõ gọi là Duyệt Chúng, nghĩa là làm vui lòng đại chúng, vì người đánh mõ nếu có trường canh vững chắc, biết điều tiết âm thanh nhanh chậm hợp lý, thì tinh thần đại chúng rất phấn chấn, đọc kinh ít thấy mệt.

Đối với các Tự viện Miền Nam Việt Nam thì mõ được để bên trái trước chánh điện từ ngoài nhìn vào, bên phải là chuông gia trì. Còn Miền Bắc thì ngược lại. 

Nhìn chung, trong sinh hoạt hằng ngày của một tòng lâm, lời kinh tiếng kệ ngân vang, với giọng phạm âm hùng lực được uyển chuyển lên xuống trên nền nhịp mõ điều đặn khoan thai. Lúc ấy, làm cho lòng người trở nên thanh thản, vơi bớt những nỗi phiền muộn sầu lo, như đang thật sự trở về với bản tánh thanh tịnh xưa nay sẵn có./. 

Lặng nghe tiếng mõ vang đều

Kinh hành niệm Phật sớm chiều tụng kinh

Các thời công khóa chuyên tinh

Não phiền giũ bớt xét mình tỉnh tâm.

(1)  Đề mục nầy biên tập từ http://vi.wikipedia.org/wiki/mõ.

◊-◊————————————————————————◊-◊

 

 

 

 

 

 

 

Những Bài Viết Liên Quan
490758
Total Visit : 389070