Thứ 3, ngày 03 tháng 12 năm 2024
"Mùa báo hiếu ghi công đức mẹ dưỡng cha sinh, Hội Vu Lan nhớ tinh thần thầy tổ truyền dạy" KÍNH MỪNG ĐẠI LỄ VU LAN BÁO HIẾU 2023

Nguồn gốc Pháp loa trong Phật giáo.

phap loaThích Thiện Phước

Pháp loa đây là một loại nhạc khí thuộc bộ hơi, tiếng Phạn gọi là Kha bái, Loa Bái. Âm Hán đọc là Thương Khư, Hán dịch là Kha, Bối, Lễ Bối. Pháp loa chỉ cho cái tù và nó còn là một loại nhạc khí. Vào thời cổ Ấn độ, người ta dùng vỏ ốc thổi lên để triệu tập đại chúng, ra trận, làm việc… 

Vì Loa khi thổi lên âm vang đi rất xa và hùng lực mạnh mẽ, nên dùng để ví dụ âm thanh thuyết pháp của Phật, khắp đại chúng đều nghe rõ, âm thanh ấy còn có năng lực hàng ma và chuyển hóa nên gọi là Pháp Loa.

* Câu chuyện về Pháp loa:

Kinh Trường A Hàm có kể câu chuyện thổi pháp loa dùng để dẫn dụ mối quan hệ nhơn duyên hòa hợp:

- Về thuở lâu xa về trước có quốc gia, người trong nước đó chưa có nghe qua pháp loa bao giờ, một hôm có một người thanh niên thổi pháp loa rất hay đi đến quốc gia nầy.

2a

Khi đi đến một thôn xóm, nọ anh ta bèn cầm pháp loa thổi lên 3 tiếng. Sau đó đem pháp loa bỏ xuống đất, các nam nữ già trẻ sau khi nghe được âm thanh nầy thì rất kinh ngạc, họ bèn chạy đến hỏi người thanh niên: Anh thổi loại âm nhạc gì, sao mà nghe du dương hay như thế? Người thanh niên chỉ pháp loa và trả lời: Do vật nầy mà phát ra âm thanh như thế.

Người dân trong làng chạm vào pháp loa và liền nói: Ôi! Ngươi có thể kêu lên một lần nữa không? Pháp loa im lặng không phát ra tiếng. Người thanh niên bèn cầm pháp loa lên thổi 3 tiếng, âm thanh vang dội khắp không trung. Người dân trong làng mới biết rằng: Âm thanh mê tai nầy chẳng phải là do sức của pháp loa mà cần phải có tay, miệng, hơi, của con người họp tác làm ra thì pháp loa mới phát âm thanh.

- Thuở xưa có người đi biển, vốn là một tín chúng Phật giáo, nên đem kinh Kim Cang theo đọc tụng dưới thuyền. Bỗng dưng một hôm sóng to gió lớn thuyền bị chìm, nhờ oai lực Tam bảo nên mọi người thoát nạn, thế nhưng bộ kinh không tìm được. Thời gian sau có người chài lưới chèo thuyền ban đêm thấy đằng xa có một đóm sáng rực ở dưới mặt nước, bèn chèo thuyền đến xem, khi vớt lên thì thấy một đám ốc đang bu kín một vật gì đó, ông lấy làm lạ mới đem về, mở ra thì thấy bộ kinh Kim Cang vẫn còn nguyên vẹn không bị ướt, loài ốc còn biết quí trọng và bảo vệ kinh như thế.

2d

 * Dùng pháp loa để nhóm họp Tăng chúng:

Theo Mật Tông Phật Giáo thì Kèn ốc là một trong 8 thứ quý báu để cúng dường cho Bổn Tôn. Kèn ốc cũng là thứ bảo vật mà ta thường thấy ở trong Bát Báu Kiết Tường mà Chuyển Luân Thánh Vương thường hay sử dụng.

Pháp loa được sử dụng trong Phật giáo là Hữu toàn hải loa tức con ốc biển có đường xoắn về bên phải. Bởi vì ốc biển có tả toàn và hữu toàn tức là đường xoắn xoay chiều bên phải và đường xoắn xoay chiều bên trái.

Chữ toàn: Là cái vòng xoắn của ốc. Vòng xoắn thuận theo chiều kim đồng hồ là hữu toàn, còn ngược chiều kim đồng hồ là tả toàn.

Pháp loa được dùng trong Phật giáo có trên 2000 năm lịch sử. Kinh chép: “Phật Thích Ca Mâu Ni trước khi thành đạo, trong lúc tu hành thiền định, thì ác ma đến quấy nhiễu Ngài, ngay trong lúc nguy nan nầy Trời Đế Thích thổi pháp loa, ác ma liền tháo chạy. Sau khi Phật thành đạo Ngài ở vườn Lộc Dã chuyển pháp luân, Trời Đế Thích bèn đem ốc biển màu trắng có vòng xoắn về bên phải dâng Ngài”. Từ đó “ốc biển màu trắng có vòng xoắn về bên phải” tượng trưng cho kiết tường viên mãn, được giới Phật giáo sử dụng rộng rãi.

2b

Pháp loa có hai loại: Trang sức và không trang sức. Pháp loa không trang sức thông thường là để chưng trên chánh điện, còn pháp loa trang sức là loại ốc biển, được sử dụng thổi lên trong các hoạt động Phật sự.

Thật ra vào thời đức Phật còn tại thế, pháp loa dùng để tập chúng. Luật Ngũ Phần chép: “Có lần Tăng đoàn Bố Tát, chưa thể nhóm chúng kịp thời, cho đến bỏ phế việc tọa thiền hành đạo. Về sau, đức Phật dạy các đệ tử phải xét theo thời mà đến, bèn đánh kiền chùy, hoặc đánh trống, thổi ốc để tập họp đại chúng”.

Trong Phật giáo, Pháp loa không chỉ đại biểu truyền bá Phật pháp, mà còn có công năng làm tiêu trừ ma chướng, Bồ tát Quan Âm 1000 tay 1000 mắt có một tay cầm pháp loa: “Nếu muốn kêu mời tất cả chư Thiên và Thiện thần, nên làm theo tay Bửu Loa”.

Loa được sự dụng trong các pháp hội, là một nhạc khí rất quan trong trong Phật giáo. Khi Tăng sĩ tu tập trong rừng thổi pháp loa lên để xua đuổi thú dữ.

3b

Ốc biển từng còn là hiệu lệnh của quân đội ở chiến trường thời cổ đại.

Trong Kinh Phật dạy: “Loa bái tiếng vang rất xa, vì thế lấy đây để ví dụ cho lời thuyết pháp của Phật truyền bá khắp đại chúng. Hơn nữa, tiếng ốc mạnh mẽ, biểu thị cho đại pháp hùng lực, thổi ốc còn làm hiệu lệnh điều khiển ba quân, nhằm để ví cho những lời Pháp của Phật, có công năng hàng ma”.

Pháp loa là một loại nhạc khí của Phật giáo thổi lên để tấu nhạc:

Sau khi Phật giáo truyền vào Phương Bắc, pháp loa trở thành nhạc khí thổi để tấu nhạc của các dân tộc: Tạng, Mông Cổ, Nạp Tây, Mãn… được lưu hành ở các khu tự trị và các tỉnh như: Tây Tạng, Nội Mông, Thanh Hải, Vân Nam, Tứ Xuyên, Cam Túc, …

Pháp loa còn gọi là Phạn Bái, Bối Lãi, Hải Loa Hiệu, Pháp Loa… Vào thời Nam Bắc Triều, Triều Bắc Ngụy (386 – 534). Trong những bức vách núi điêu khắc ở Vân Cương đã thấy hình ảnh pháp loa được thổi để tấu nhạc. Nhạc Thư đời Tống chép: “Bối lãi, ngày nay Phạn nhạc dùng để hòa với não bạt bằng đồng, họ Thích gọi đó là Pháp loa”.

1a

Vào thời cổ đại dân tộc thiểu số ở phương Bắc, thì pháp loa được dùng trong thổi báo hiệu trong quân sự và trong sinh hoạt cộng đồng, lao động… Vì tiếng của nó vang rất xa, âm thanh du dương hùng mạnh.

Hành giả điều khiển Pháp loa là một nghệ thuật diễn tấu đặc sắc, không phải ai ai thổi cũng đạt như ý, phải biết khi nào nhả hơi ém hơi và đương nhiên có sự diễn tập, trước khi thổi phải đổ nước vào ốc, sau đó nghiêng cho chảy ra, dùng miệng thổi, một tay cầm, một tay bịn miệng Pháp loa để điều khiển âm lượng, khi thổi không nên làm cho hai bên má quá phồng lộ bày thô tướng, không nên ngước cổ quá cao, lúc không thổi hai tay cầm để ngang ngực trông rất uy nghiêm.

7

Đối với Nghi Lễ Phật Giáo Việt Nam, pháp loa được sử dụng trong các nghi vệ cung nghinh, tấu lên hòa âm cùng chuông trống bát nhã, đặc biệt nhất là trong các đàn nghi: Mông Sơn Thí Thực, Cam Lộ, Du Già,… lúc thỉnh Phật, thỉnh Thánh thì thổi pháp loa, thật là một giai điệu hùng tráng, làm cho đàn tràng trở nên trang nghiêm mầu nhiệm, có sự cảm ứng lan tỏa rất lớn đối với người đang thật sự có mặt ngay trong giây phút hiện tiền.

Qua đó cho ta thấy tính trọng yếu của Pháp loa, không chỉ là một pháp vật tượng trưng cho sự truyền bá chánh pháp, mà còn có đủ công năng hòa điệu tiết tấu âm nhạc trong những lễ hội trọng đại của Phật giáo./.

◊-◊———————————————————————————————–◊-◊

 

 

       


 

     

Những Bài Viết Liên Quan
490801
Total Visit : 389113