Thứ 6, ngày 04 tháng 10 năm 2024
"Mùa báo hiếu ghi công đức mẹ dưỡng cha sinh, Hội Vu Lan nhớ tinh thần thầy tổ truyền dạy" KÍNH MỪNG ĐẠI LỄ VU LAN BÁO HIẾU 2023

Thầy tôi.

Thay toi

1a

Loi mo dau

Khế kinh chép: Khi trưởng giả Cấp Cô Độc nhuốm bệnh lần thứ ba vô cùng trầm trọng, vì cảm nhận được sự đau đớn và tiều tụy của thân xác là một trở ngại lớn cho việc tập trung tinh thần để đối trị với cận tử nghiệp; nên ông cầu thỉnh hai Tôn giả Xá Lợi Phất và A Nan Đà đến bên giường bệnh để khai thị và tiếp độ.

Khi nhìn thấy sắc mặt xanh xao, hốc hác của Trưởng giả Cấp Cô Độc, biết chắc rằng mạng căn ông sắp dứt, không còn được bao lâu, Tôn giả Xá Lợi Phất khai thị:

- Này Cấp Cô Độc, ông hãy thực hành pháp giải thoát bằng cách buông bỏ dứt khoát tất cả những sự dính mắc của sáu căn: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý. Ông phải xem nó như sáu nguyên nhân đã làm cho mình đau khổ từ bấy lâu nay, ông cần phải tự giải thoát cho chính mình bằng cách tách rời tâm thức ra khỏi sáu trần: sắc, thinh, hương vị, xúc, pháp đừng để chúng lôi kéo nữa.

Sau khi nghe lời khai thị của hai Tôn giả xong, Trưởng giả Cấp Cô Độc hoàn toàn thoát khỏi mọi sự tham luyến thế gian, tâm thức tách rời được sáu trần và qua đời an lành trong chánh niệm.

Kinh Lăng Nghiêm có dạy: “Nhược năng chuyển vật, tức đồng Như Lai” nghĩa là: Nếu có ai chuyển hóa được vật thì thành Phật tức thì. Hàng Bồ tát thì chuyển được vật, còn phàm phu thì bị vật chuyển”.

Phật và chúng ta giống nhau ở chổ cũng có sanh, già bệnh, chết; song đối với đức Phật, khi gặp cảnh sanh, già, bệnh, chết tâm Ngài vẫn thản nhiên, không theo duyên mà chuyển biến. Đó chính là chổ tuyệt vời, tự tại hơn người của đức Phật vậy. Ở đây, cuộc đời của Hòa thượng phải chăng đã chuyển hóa được bệnh duyên, cho đến những giây phút cuối cùng ngài vẫn an nhiên “Thiện chung” trong chánh niệm!

Tiểu phẩm “Thầy tôi” là những mẫu chuyện mà môn hạ của Ngài được thân nghe; cùng những lời đối thoại của Ngài với các bậc Tôn túc, chư Tăng Ni, Thiện tín trong quãng cuối đời. Thầy Trung Quán đã ghi lại bằng tất cả nỗi niềm cảm xúc khi nhìn thấy những hạt mưa rơi, trông như những giọt thời gian của một kiếp người đang vội vàng trút xuống theo dòng nghiệp thức.

Mong rằng tiểu phẩm “Thầy tôi” này, khi đến tay các bạn, sẽ là một đề tài thực tập quán niệm về cuộc đời tu tập của chính mình.

Huệ Nghiêm, ngày Phật hoan hỷ.

Sa môn Thích Minh Thông

Kính đề                   

2a

Loi-ket

      “Có những bài pháp vô giá không thể diễn tả bằng lời, có những con người vẫn sáng ngời trong chốn tịch liêu”. Hơn bảy mươi năm thác tích diêm phù, cuộc đời hành đạo lặng lẽ của Thầy chính là bài pháp vô giá đó; và đạo hạnh ẩn nhẫn, khiêm cung của Thầy cũng chính là hình ảnh sáng ngời đó.

 

Đã hơn một năm trôi qua, một năm vắng bóng Thầy, cảnh chùa trống trải, mọi vật đìu hiu, tiếng chuông chùa vẫn đều đặn ngân nga trong hoàng hôn như gọi tỉnh những ai còn lặn hụp trong đường danh nẻo lợi. Chúng con mạo muội viết ra đây hành trạng của Thầy bằng những lời mộc mạc quê mùa, nhưng đó chính là cuộc đời bình dị của Thầy, những chuyện mà mọi người mắt thấy tai nghe. Tất cả chỉ với một tâm niệm là tự cảnh sách chính mình, cùng để củng cố niềm tin nơi hàng thiện tín.

Lúc này, tiết trời đã sang thu, những cơn mưa tháng bảy sao mà ray rức đến nhớ thương, như tiếc nuối một bậc Thầy khả kính đã mất đi mà không thể tìm lại được.

Trong lời kinh khóa sáng, lòng con chợt thấy bóng Thầy vẫn oai nghiêm, từ ái như thưở nào, vẫn đang đồng hành, dẫn đạo chúng con trên lộ trình đi đến Bảo sở.

Ngày Thánh đản Bồ tát Địa Tạng.

Năm Nhâm Ngọ – 2002

Pháp tử Thích Lệ Trang

So-2-349x530

1. Mưa Trong Cõi Lòng

Lần đầu tiên, tôi mới thấm thía được nỗi buồn thương cho một kiếp người, đó là một buổi chiều mưa nơi bệnh viện. Những gì tôi sắp viết ra đây được xuất phát từ tận đáy lòng với tràn ngập niềm cảm xúc vô biên.

Quả thật như vậy! Mưa ở bệnh viện, riêng tôi có sự cảm nhận sâu sắc hơn những đám mưa đời thường mà tôi từng gặp phải. Tôi không làm sao quên được một buổi chiều u ám cuối thu, từng cơn gió thổi làm rơi đi những chiếc lá giao mùa còn sót lại. Cái lạnh của không gian lúc ấy dường như chan hòa với cái lạnh buốt ở cõi lòng tôi. Trong gian phòng vắng lặng, chỉ có tôi và người bệnh, đó là Hòa thượng Viện chủ chùa Định Thành. Sự lạnh lẽo trống vắng ấy, tôi tưởng chừng như ai ai rồi cũng cảm nhận được khi người mình kính mến sắp sửa lìa đời. Thật là vô thường, già bệnh không từ bất cứ một ai trên thế gian này!

Tôi còn nhớ rất rõ, hôm ấy là chiều thứ bảy, bệnh viện trống vắng đến nỗi rợn người, chỉ còn lãng vãng vài cô y tá trực. Không gian dường như đang chìm lặng trong không khí nặng nề, thỉnh thoảng chợt vang lên những tiếng rên đau của một bệnh nhân nào đó, nghe sao thật đáng thương tâm! Tôi bỗng dưng cảm thấy buồn thương cho kiếp người, hay nói đúng hơn là thương cho chính mình. Thế là tôi băn khoăn lo lắng với nhiều câu hỏi xuất hiện trong tiềm thức: Già bệnh ư, mình có mắc phải không, khi nào, ngày mai, một tháng, hay một năm sau?… Nhưng tất cả là những gì còn đang đợi chờ phía  trước.

Sanh già bệnh chết là cái lẽ thường tình, ai ai cũng sẽ trải qua. Tuy nó thường diễn ra trong đời sống hằng ngày, nhưng thật là quan trọng, vì Đức Phật đã từng khẳng định: “Sanh tử là việc lớn”.

Trên căn phòng số 251, lầu 3, Bệnh viện Bình Dân, tôi nhìn qua khung cửa, thấy những hạt mưa rơi lưa thưa trong bầu trời ảm đạm, những giọt mưa lúc ấy trông như những giọt thời gian của một kiếp người đang vội vàng trút xuống để mang ta về với cát bụi hư vô.

Kiếp người thật là nhanh chóng! Trong khi đó, thời gian là con quỷ vô thường, luôn luôn níu kéo và lôi dắt  chúng ta đến chỗ tàn tạ già nua.

9a

2. Rỗng Suốt Nguồn Tâm

Hòa thượng Viện chủ chùa Định Thành họ Nguyễn, quê ở làng Tân Nhuận Đông – Sa Đéc (nay là Ấp Tam Bình, Xã Tân Nhuận Đông, Huyện Châu Thành, Tỉnh Đồng Tháp), nối pháp với Sư cụ Ngộ Đạo thuộc dòng thiền Lâm Tế, đời thứ 39. Người bẩm tánh ôn hòa, thiên tư đĩnh ngộ, cử chỉ phi phàm, căn trần thoát tục, nên sớm đã gieo duyên cùng đạo cả, may mắn gặp được Thầy hiền. Năm 12 tuổi, Ngài quyết chí từ bỏ gia đình, tìm đến nương tựa với Sư cụ Ngộ Đạo ở chùa Hội Phước và được đắc độ. Ngài có vóc người cao lớn, mái tóc màu bạch kim, đôi chân mày bạc trắng. Ngài thường mang cặp mắt kính trông như một bậc hiền triết, dáng đi chậm rãi, luôn luôn cúi đầu nhìn xuống và luôn toát ra một ánh sáng trí huệ siêu thoát. Hòa thượng thường nằm trên chiếc ghế bố đặt cạnh phòng khách, kề bên là một kỷ trà với hai cái tách đã rạn nứt. Bất kỳ lúc nào, Ngài cũng cầm chuỗi niệm Phật, thỉnh thoảng lại lấy tay xoa đầu. Ngài luôn mỉm cười khi tiếp chuyện với mọi người, dáng mạo trông thật nghiêm nghị, nhưng đôi lúc cũng toát lên vẻ hài hước, cốt để hòa nhã với mọi người. Ngài có giọng nói chậm rãi, nhưng rất cân nhắc và lựa chọn từng lời. Tuy ít nói, nhưng một khi Ngài thốt ra lời gì thì đều hàm tàng một chân lý sâu xa và mang tính giáo dục rất cao. Ngài ít khi thuyết pháp, nhưng lại có một chất giọng tán tụng rất đặc biệt.

Tương truyền thuở nhỏ, trong lúc công phu khuya, với giọng đọc kinh trầm hùng, Ngài đã tạo nên một sức mạnh cảm hóa khiến cho một số người đi đường mãi mê say sưa vào đó mà trễ hết phiên chợ. Mười mấy năm trước, có một bà lão ở tận Tây Ninh vào chùa lễ Phật, nhưng ở mãi đến tối mà vẫn chưa chịu về. Có người hỏi duyên do tại sao?. Bà đáp: “Mấy chục năm nay, tôi xa chùa, không nghe được giọng đọc kinh của Hòa thượng, nên nay tôi nán lại để nghe tiếng đọc kinh của Ngài có khác xưa không”.

Khi có Phật sự phải đi, Ngài thường xách chiếc cặp màu da bò, đeo một tràng hạt và ngồi trên một chiếc xích lô đạp.

Nền tảng đầu tiên để tôi có khái niệm về Ngài, đó là nhân lúc xem một buổi lễ nghi thức khiển điện di quan của một vị Hòa thượng viên tịch, trông Ngài rất uy phong, tay cầm cây phất trần, thân đắp tử y, đầu đội hiệp chưởng, đang tuyên pháp ngữ với âm giọng thật hùng hồn, làm cho người nghe không khỏi cảm động khi thấu hiểu được chân lý ấy.

Hành trạng của Ngài quả là nguồn cảm hứng vô tận của đời tôi, mang lại cho tôi nhiều bài học trong cuộc đời này, đặc biệt hơn nữa là lúc Ngài thị tật.

4a

3. Bài Học Vô Thường

Hòa thượng thuở bình sanh, tuy tôi không được gần  gũi người nhiều, nhưng đến khi Ngài lâm bệnh, cứ mỗi lần tôi đến thăm là nghe Ngài nhắc nhở, cho dù là tại gia hay xuất gia:

 “Vô thường lão bệnh, bất dữ nhơn kỳ

    Triêu tồn tịch vong, sát na dị thế”

(Vô thường già bệnh không hẹn cùng với người,

 Sớm còn tối mất phút chốc đã thành đời khác)

Thật ra, câu này tôi đã nằm lòng từ thuở mới nhập đạo, nhưng mãi đến ngày nay thì mới thật sự thấm thía và thực nghiệm được ý nghĩa của nó.

Đức Phật dạy: “Trong các dấu chân, chân voi là lớn hơn cả; trong các pháp quán niệm xứ thì quán niệm vô thường là hơn cả”. Cuộc sống hằng ngày, ta đã chạm mặt với không biết bao nhiêu cảnh tượng vô thường mà ta cứ tản lờ đi! Khi đang đi dạo dưới tàng cây, bỗng dưng ta thấy những chiếc lá vàng rơi, một cánh hoa đang héo rụng trên bàn, chiếc áo bạc màu, bức tường sắp sụp đổ, áng mây trôi lênh đênh trên nền trời… đều là những cảnh tượng để ta quán niệm về vô thường.

Có một nhà thơ đã từng nuối tiếc: “Đời là một con đường, chúng ta đi mà không bao giờ trở lại. Hạnh ngộ nào hóa kiếp thân tôi để mai đây tôi sẽ trở về làm cát bụi”. Điều tuyệt đối hẳn nhiên trước mắt chắc chắn là tất cả chúng ta ai ai cũng phải chết và không biết mình sẽ chết như thế nào? Trong cuộc sống, thường thì con người ta luôn bị mê hoặc bởi lòng ham muốn; đến nổi trong giây phút hiện tại, họ quên đi mình là ai, đang nói gì và nghĩ gì! Cuộc đời thật đơn điệu và tầm thường khi ta cứ mải mê sống trong ảo mộng và luôn đeo đuổi những chuyện hư vọng nhỏ nhen, nào là ăn mặc, ngủ nghỉ, nghe nhạc, xem phim… Nhịp sống của chúng ta quá rộn ràng, bận bịu đến nổi không có thời gian để chuẩn bị và nghĩ đến cái chết, thậm chí bận đến nổi quên cả ăn uống, tắm rửa nữa là khác! Thời gian cứ xâm chiếm  mạng sống chúng ta, phiền não cứ dằn vặt tâm thức ta, dường như đến mức ta không còn năng lực để kiểm soát chính mình. Những lúc rảnh rỗi hay giữa đêm khuya thanh vắng, bạn thử “bình tâm” ngẫm nghĩ về khoảng thời gian mà ta sống qua, cho dù hai mươi hay năm mươi năm có nhanh không?

Tôi đã từng hỏi rất nhiều người lớn tuổi:

- Cuộc đời này có nhanh không, thưa Cụ?

Và ai nấy đều trả lời như có một sự đồng cảm nhất định.

- Ồ, nhanh lắm! Có những chuyện đã xảy ra cách đây sáu bảy mươi năm rồi mà tôi vẫn thấy như mới ngày hôm qua thôi !.

5a

Có những phút giây, tôi chợt nghĩ lại đời mình thì thấy đã thay đổi rất nhiều: Răng hư mấy chiếc, mắt mờ mấy độ, làn da bắt đầu hiện ra những dấu chân chim… Cách đây bốn năm, tôi đang đọc sách trong phòng, thầy Thiện Lạc hối hả đi vào, vừa cười vừa nói, nghe như nửa thật nửa hư:

- Thật không ngờ, mới đây mà tóc tôi đã bạc cả rồi, bạc hồi nào chẳng hay!

Rồi Thầy hạ giọng nói tiếp:

- Nghĩ cũng đúng, tôi nay năm mươi mấy tuổi rồi chớ ít sao?  Thời gian trôi qua nhanh quá! Nghĩ lại cũng tủi phận, càng ngày càng già đi mà chưa làm được lợi ích gì cho Phật pháp và cho chính mình.

Lòng tham ái và dục vọng cứ bám chặt lấy ta, ta càng cố thoát thì càng lún sâu vào cạm bẫy đó. Cái chết đang chực chờ bên mình ta trong từng sát na một. Vô thường quả là một chiếc chìa khóa để ta tìm lại sự quân bình hạnh phúc trong cuộc đời. Ở nơi Hòa thượng, trong lúc thị tật, vô tình Ngài đã dạy cho tôi pháp quán niệm quí báu này.

6a

4. Lời Vàng Ý Ngọc

Một sáng nọ, cô Thu – người phụ trách về khoa Vật lý trị liệu cho Hòa thượng, đến điều trị. Cô vui vẻ hỏi:

- Sáng nay, Thầy có tập co duỗi chân tay không?

Hòa thượng lắc đầu.

Cô Thu hóm hỉnh nói:

-  Thật buồn năm phút!

Hòa thượng cũng cố gắng thốt lên một câu thật dí dỏm:

- Buồn chi lâu quá vậy, ba mươi giây thôi, buồn nhiều xấu lắm!

Mọi người đều bật cười, không khí lúc ấy trở nên sảng khoái hơn.

Sự tùy thuận vui theo duyên của Ngài là như vậy! Câu trả lời tuy mộc mạc, cốt nói cho vui, nhưng đã hàm tàng một chân lý sâu xa trong đạo Phật. Ngài khuyên mọi người hãy nên từ bỏ sự buồn giận để trở về với sự an lạc tỉnh thức ngay trong hiện tại, vì sự buồn giận ấy là một trong những món căn bản phiền não sẽ lôi dắt ta đắm đuối mãi nơi bể khổ sông mê.

Hòa thượng cũng đã từng dạy: “Các ông nếu bỏ được một cái thì sẽ có được chín mươi chín cái. Bỏ cái gì? Là ái dục vậy!”.

Quả  thật, lòng luyến ái tham dục là chất bùn dơ luôn khuấy rối và gây chướng ngại cho sự minh tâm kiến tánh của ta.

Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Đức Phật dạy:“…Sa  môn đương xả ái dục, ái dục cấu tận, đạo khả kiến hỉ!” (.. Sa môn các ông nên xả bỏ ái dục, ái dục cấu bẩn hết sạch thì mới có thể thấy được đạo – Chương  16 ). Ở đoạn khác, Ngài cũng dạy: “Ái dục chi nhơn, du như chấp cự nghịch phong nhi hành, tất hữu thiêu thủ chi hoạn”. (Người ham mê ái dục khác nào kẻ cầm đuốc đi ngược gió, ắt sẽ mắc phải nạn cháy  tay – Chương  25).

Hòa thượng còn dạy: “Các ông khi đi đến nơi nơi đông người, hãy lựa chỗ thấp nhất mà ngồi, lúc nào cũng phải cung kính nhún nhường, chớ có ngã mạn tự cao mà tổn phước”. Đạo hạnh khiêm cung của Ngài là như thế!.

10a

5. Du Phương Tham Học 

Ngài từng kể: “Thuở nhỏ, cuộc sống của tôi rất khó khăn, nào là gặp phải cảnh giặc giã, nghèo khó, cơm thì bữa đói bữa no; khi học thì phải ủ trái mù u để làm đèn đốt, lấy đất bùn non làm phấn và lấy lá chuối làm giấy. Hằng ngày vào buổi trưa, dưới ánh nắng gay gắt, tôi phải băng qua mấy cánh đồng, đi đến chùa Vạn An ở Cái Xếp để học những điệu tán với Hòa thượng Hải Nguyên, rồi phải hầu Thầy, giã gạo, cuốc đất trồng khoai, không có thì giờ nghỉ ngơi! Thời đại bây giờ văn minh lắm, vật chất không thiếu một thứ gì! Các ông nếu không cố gắng nỗ lực tu hành thì thật  là có lỗi với Phật Tổ!”.

Vào thập niên 40, Sư cụ Hành Trụ được cung thỉnh làm Giáo thọ ở Trường Hương – Tổ đình Hội Phước (Nha Mân). Vì mật hạnh ẩn tu, nên Sư cụ cất một cái thất nhỏ ở bên vườn tháp để tu niệm. Với dung nghi dễ mến, nét mặt hồn nhiên, Ngài đã được Sư cụ Hành Trụ chọn làm Thị giả. Tình Thầy trò muôn thuở được thắt chặt từ đấy. Thật là một nhơn duyên hội ngộ muôn đời hiếm có vậy!

Vài năm sau, giặc Pháp tràn vào chiếm cứ vùng Nha Mân. Chúng phá chùa đốt miễu và giết hại dân làng. Tăng  chúng buộc lòng phải ly tán khắp nơi như những cánh chim lạc loài giữa bầu trời giông bão. Bấy giờ, Sư cụ chùa Vạn An phải tản cư lên Tổ đình Hội Phước để lánh nạn, trong đó có chú Tám Thiện Nghiêm – Thị giả của Sư cụ, là người thông minh mẫn tiệp, lại rất giỏi toán quẻ Dịch. Ngài mới đến tham hỏi:

- Bây giờ, thời cuộc rối ren, chiến tranh bùng nổ. Bạch sư chú dạy con phải làm thế nào?

Thầy Thiện Nghiêm đăm chiêu giây lâu rồi nói:

- Tham phương học đạo là việc trọng hệ của đời người, để tôi xem sao!

Vừa dứt lời, Ngài nhóm dậy đi đến đầu giường, giở quẻ Dịch ra và bảo:

- Số ông phải rời khỏi miền sông nước hẻo lánh này, đi đến chốn thành thị đông người thì mới có thể làm nên đạo nghiệp.

Ngài lấy tay chỉ về hướng Gia Định – Sài Gòn và nói: “Chính nơi ấy, ông sẽ gặp lại duyên xưa”.

Kể từ đó, Ngài cứ đau đáu suy nghĩ. Một hôm, Ngài bỗng nhớ lại vài năm trước đây, khi mãn hạ, lúc tiễn Sư cụ Hành Trụ ra về, Ngài đã từng căn dặn:

“Vùng nầy sau nhất định sẽ loạn lạc, nếu có mệnh hệ gì thì ông hãy tìm gặp tôi”.

8a

Thế là Ngài quyết định khăn gói ra đi, cùng hai Sư huynh Nhật Trung và Nhật Sơn. Trước Tổ đường, hương trầm nghi ngút, Ngài rất đau lòng khi nhìn cảnh chùa vắng vẻ, trong thâm tâm như không muốn rời xa Tổ đình và như không muốn từ biệt làng quê vốn mang nhiều kỷ niệm suốt thời thơ ấu, đã gắn chặt vào đời Ngài… Ánh ban mai đã ló dạng ở đằng đông, những cánh chim đang tung cánh giữa bầu trời cao rộng như đón chào một ngày mới sắp bắt đầu. Ba huynh đệ sau khi thắp hương lễ Tổ xong lên đường tham phương cầu học.

Lúc ấy, Phật học đường Giác Nguyên cũng vừa thành lập. Tại đây, Ngài đã được Sư cụ Hành Trụ ân cần đón nhận và cho nhập chúng tu học. Vì nhận thấy Ngài là người tuổi trẻ tài cao, tuy chỉ là một chú sa di mười bảy, nhưng đã toát ra dáng vẻ của bậc Sa môn, nên Sư cụ đặc biệt mở ra Tam Đàn để cho Ngài tiến cụ. Có thể nói, tất cả giới thân huệ mạng của Ngài đều do Sư cụ tác thành và mọi Phật sự của Ngài đều được sự chứng minh, hộ niệm của Sư cụ Hành Trụ. Dù Ngài không phải là đệ tử, nhưng Sư cụ lúc nào cũng thương mến và xem như môn hạ thừa pháp của Sư cụ.

Thời gian sau, Tăng chúng đến tham học ngày càng đông. Hơn nữa vì thời cuộc nhiễu nhương nên kinh tế của Phật học đường Giác Nguyên bị khủng hoảng, tưởng chừng như không thể duy trì được nữa! Nhân thế, Sư cụ mới phương tiện lập ra Ban Kinh sư nhằm kết duyên với tín đồ, đồng thời cũng tạo điều kiện kinh tế cho tăng chúng an tâm tu học. Ngài cùng với thầy Bửu Tịnh, Thiền Phương… là những người trụ cột trong Ban. Cũng vào thời điểm ấy, Hòa thượng Hồng Nhơn chùa Từ Thoàn được Sư cụ Hành Trụ thỉnh đến trợ giảng bộ luật “Sa di sớ giải”. Nhân đó, Ngài lại được thân thừa học hỏi và nghiên cứu thêm về Nghi lễ cổ truyền của miền Nam…

Một hôm, Tăng phòng Phật học đường Giác Nguyên bị đánh bom. Nhưng may thay, Ngài thoát chết vì có Phật sự phải đi xa! Từ đấy, tăng chúng của Phật học đường cũng bắt đầu ly tán. Riêng bản thân Ngài, với ba y một bát, muôn dặm ngàn nhà, theo duyên ứng cúng gần xa, tùng chúng tham phương đây đó. Ngài lại lên đường vân du tham học, và đã từng thân cận với các sư cụ Hoằng Đức – chùa Bình Hòa (Bình đông), Sư cụ Đạt Thanh – chùa Giác Ngộ (Chợ lớn), Hòa thượng Long Vĩnh (tức Hòa thượng Quảng Đức – chùa Long Vĩnh – Đình Ông Súng). Trong khoảng thập niên 50, các Pháp hội Trai đàn lớn thời bấy giờ hễ có Quý Sư cụ Bình Hòa, Giác Ngộ…chứng minh, thì Ngài đều được đề cử làm chức Tri sự của Trai đàn. Thế rồi nhân duyên hội đủ, Ngài đi đến vùng Hòa Hưng – Xóm Bà Điểm, dừng chân du hóa và khai sáng ra Chùa Định Thành.

Định Thành là một ngôi chùa nhỏ nằm trong con hẻm ở đường Lê Văn Duyệt (nay là Cách Mạng Tháng Tám). Chùa trước kia vốn là một lô cốt của Nhật bị bỏ hoang và cũng là nơi tạm dừng chân của các vị du tăng. Đến năm Quý Tỵ (1953), Ngài mới kiến tạo lại và đặt tên là Định Thành. “Định” là một trong ba môn Vô Lậu học của Phật giáo, còn “Thành” là trọn nên sứ mạng giải thoát giác ngộ cho nhân sinh; với chủ ý là phàm muốn thoát ly sanh tử luân hồi thì điều trước nhất là phải có định lực.

Thời gian sau, công việc hành đạo cũng tạm ổn, tín đồ Phật tử ở khắp nơi hướng về Tam Bảo ngày càng đông. Lúc ấy, bà Thầu Hoa Lư vì mến đạo hạnh của Ngài, nên phát tâm cúng dường một khoảnh đất ở Khu công nghiệp Biên Hòa. Ngài thấy nơi ấy là vùng hoang sơ vắng vẻ, dân chúng ít biết đến đạo đức nhân nghĩa, nên tạm gác lại việc hành đạo ở chùa Định Thành, một mình đến đó để phát cỏ khai hoang và mở mang đạo nghiệp. Ban đầu, Ngài dựng một thảo am nho nhỏ để trú mưa trốn nắng và cứ đi đi về về nhiều năm như thế!

Đến năm Nhâm Dần (1962), Ngài nhận thấy nhơn duyên đã đủ, nên chính thức khai sáng ra một ngôi tăng già lam, đặt tên là Định Quang Tự, với ý nghĩa là người có định lực thì ánh sáng của pháp thân huệ mạng sẽ rạng ngời khắp cùng pháp giới. Ý Ngài cũng mong mỏi người dân ở vùng này nhờ ánh sáng đạo mầu của Phật Tổ mà được an cư lạc nghiệp, biết hướng thiện sống đời đạo đức, vô ngã vị tha. Song chí nguyện độ sanh truyền trì đạo mạch của Ngài cũng không dừng lại ở đó, Ngài nhận thấy còn nhiều Phật sự cần phải làm, chúng sanh nhiều nơi cần phải độ, không thể ở yên mãi một chỗ được; thế nên Ngài giao chùa lại cho đệ tử là thầy Lệ Hòa và lại tiếp tục ra đi mở mang chùa cảnh.

Với công hạnh hoằng pháp lợi sanh, đáp lời cầu thỉnh của hàng Phật tử vùng Tân Quy Đông – Nhà Bè, mong muốn có một ngoi chùa để sớm hôm lễ bái. Năm 1967, Ngài đã mua hai lô đất tại đây, xây dựng ngôi Định Thành tu viện (nay thuộc Quận 7) và giao cho Thầy Nhật Xuân trông nom (nay là Đạo tràng của ni chúng trong môn hạ, do Sư cô Lệ Mỹ Trụ trì).

Vì muốn tạo điều kiện cho các Phật tử gieo duyên Tam Bảo, nên Ngài đã đứng ra tổ chức đoàn cung nghinh tượng Phật để đi cúng dường các chùa ở nông thôn, không chỉ cúng tượng mà Ngài còn đưa đến tận nơi, làm lễ an vị chu đáo cho trú xứ đó và đoàn hành hương cúng tượng Phật cũng từ đây mà hình thành. Có thể nói Ngài là một trong những vị tiên phong tổ chức hành hương ở Sài Gòn thời bấy giờ.

Sau năm 1975, Hòa thượng Thiện Hưng – Trụ trì Tổ đình Hội Phước là vị Pháp lữ thân thiết nhất của Ngài, vì tuổi già sức yếu, không đảm đương nổi Phật sự, nên trước lúc viên tịch đã cung thỉnh và phó chúc Tổ đình Hội Phước cho Ngài để tiếp nối gia phong của Phật Tổ và cũng dặn dò bốn chúng đệ tử của môn đình phải y chỉ theo Ngài mà tu học. Thế là Ngài lại phải gánh vác thêm trọng trách nữa, làm Viện chủ Tổ đình Hội Phước, chứng minh và đảm đang mọi Phật sự tại quê nhà.

10a

6. Tuỳ Cơ Tiếp Vật

Cách đây vài năm, nhân dịp xuân sang, tôi đến khánh tuế Hòa thượng, trông thấy vài chú Sa di đang vui vẻ quây quần bên Ngài. Khi ấy có một chú Sa di nhỏ đến ôm choàng lấy Ngài, ngây thơ nói:

- Sư ông! Cho con làm Hòa thượng đi, làm Hòa thượng chắc sướng lắm hả Sư ông?

Ngài cười phào:

- Hừm!  Mệt lắm.

Sa di nũng nịu:

- Sao vậy Sư ông?

Ngài bảo:

- Hễ làm Hòa thượng thì không được đùa giỡn, không được ham ngủ, không được trốn học mê chơi, không được lười biếng tụng kinh. Mấy chú có làm được không?

Chú Sa di nọ lưỡng lự gãi đầu, rồi lãng sang chuyện khác.

Lúc ấy, tôi mới chợt hiểu! Phàm làm bậc Trưởng lão coi giữ một Tòng Lâm, cũng giống như các bậc làm cha anh ở ngoài đời vậy! Các ngài phải lo cho đại gia đình Phật pháp, làm khuôn phép dạy dỗ bốn chúng đệ tử, gánh vác những trách nhiệm nặng nề để đại chúng an tâm tu học. Các ngài còn phải chịu những nghịch cảnh ngoại duyên, làm cái bình phong che chở đào luyện đàn hậu côn, làm rường cột vững chắc để chống đỡ ngôi nhà Phật pháp.

Trộm nghĩ, nếu như các bậc cha anh hãnh diện vui mừng khi thấy con em mình nên người và không khỏi đau lòng khi thấy chúng bê tha hư hỏng thì có lẽ các Ngài cũng thế! Riêng Hòa thượng thì việc ấy đã được minh chứng trong thời gian Ngài nhập viện.

Những lúc trời mưa lớn, Hòa thượng đã quên đi sự đau đớn của thân thể. Ngài nói:

- Trời mưa lớn quá, chắc là chùa đã bị ngập nước rồi!

Hay Ngài vẫn không quên hỏi khi có người thân cận đến:

- Chùa có gì lạ không? Công phu bái sám, các ông vẫn hành trì đầy đủ chớ?

Tu và học là hai vấn đề không thể thiếu đối với người Tăng sĩ. Ngài luôn khuyên các đệ tử hãy nương vào sự tu học để tiến thân. Ở lúc khác, Ngài đã từng dạy:

- Đời tôi thà chịu dốt, chớ tôi không nỡ để các ông dốt. Vậy các ông hãy cố gắng mà học!

Ôi! Đó là tấm lòng cao cả của bậc “Đương gia chủng thảo”. Thảo nào, Chư tôn đức đã từng dạy: “Hạnh phúc nhất là khi còn nương ở trong đại chúng, vì khỏi phải lo chùa cảnh dột nát, khỏi phải lo điện nước, cơm ăn”.

 

7. Căn Trần Thoát Tục   

Trong thời gian nằm viện, một buổi sáng nọ, Hòa thượng Từ Quang ở Thủ Đức đến thăm. Tại đây, tôi đã chứng kiến đạo nghĩa côn bằng cao thượng của các Ngài đối với người sắp sửa ra đi.

Hòa thượng Từ Quang đến ngồi bên giường bệnh và ân cần nói:

- Thầy Định Thành! Chuyện sanh tử giống như đi chợ thôi, hễ có đi thì trước sau rồi cũng sẽ tới! Tôi đây đã trải qua bảy lần chết đi sống lại mà vẫn chưa kết thúc được kiếp người, âu đó cũng là nhơn duyên vậy! Nếu hiểu được như thế thì thầy nên tỉnh giác niệm Phật. Chuyện gì đến, nó sẽ đến; không nên buồn rầu lo sợ!.

Ngài nằm trên giường, chắp tay tiếp nhận và nói:

- Hoà thượng hãy yên tâm, sanh tử là chuyện thường. Tôi đã chuẩn bị xong rồi!

Hoà thượng Từ Quang lo lắng:

- Ấy ! Thầy đừng xem thường, đáng sợ nhất là cận tử nghiệp!

Ngài nhép miệng mĩm cười và chắp tay bái tạ.

12a

Sau khi xuất viện về chùa, sức khỏe của Ngài mỗi lúc một kém. Được tin, Hòa thượng Từ Quang và Hòa thượng Thiền Tôn lại đến thăm. Chú Thị giả đưa hai Hòa thượng vào trượng thất và bạch rằng: “Bạch Sư ông, có Hòa thượng Từ Quang và Hòa thượng Thiền Tôn đến thăm”.

Đang nằm trên giường bệnh, nghe nói có các Hòa thượng đến, Ngài liền chắp tay vái chào. Lúc ấy, Hòa thượng Từ Quang nói:

- Hôm nay, hai huynh đệ tôi đến thăm sức khỏe của thầy. Với đạo tình pháp lữ, tôi có vài lời nhắn nhủ với Thầy, gọi là “cảnh sách lẫn nhau”. Thầy Định Thành! Trước đây những việc của đã Thầy làm đều tốt đẹp cả. Còn những gì mà Thầy đang làm hoặc sẽ làm thì thôi đi, hãy bỏ hết mà nhất tâm niệm Phật cầu vãng sanh.

Nghe vậy, Ngài liền chắp tay ngang ngực và nói:

- Bây giờ trong tâm tôi rất thanh thản, không còn vướng bận lo nghĩ gì. Mọi việc tôi đã ủy thác xong. Ngừng một chút Ngài nói tiếp “sở tác giai biện” rồi.

Sau khi thăm hỏi xong, Thị giả rước hai Hòa thượng ra khách đường giải toạ. Hòa thượng Từ Quang vừa ra phòng khách, Hòa thượng Thiền Tôn mới đến bên giường, nói:

- Thôi, Thầy hãy phóng xả muôn duyên, nhất tâm niệm Phật, tôi xin phép cáo lui đây!

Ngài liền với tay nắm lấy tay của Hòa thượng Thiền Tôn và nói:

- Đời tôi tâm đắc nhất hai câu:

“Bất cấu bất nhiễm thị Tây Phương

   Vô não vô ưu chơn Cực Lạc”

(Không dính nhiễm bụi dơ, ấy mới thật Tây phương

Không ưu phiền não loạn, đó là chơn Cực Lạc)

Quý Hòa thượng đến thăm, tôi bệnh nên không đủ lễ tiếp đón, thật có lỗi. Tôi xin sám hối và cảm niệm công đức của quý Hòa thượng nhiều lắm.

Lúc ấy, tôi thấy tay Ngài nắm lấy tay Hòa thượng Thiền Tôn thật chặt như không muốn buông ra. Chắc có lẽ Ngài biết đây là lần chia tay mãi mãi, Ngài sẽ không còn gặp lại các Hòa thượng nữa. Phải chăng Ngài muốn siết chặt vòng tay với các Hòa thượng để cùng nhau làm hưng thạnh đạo pháp. Thế rồi các Ngài ai ai cũng không giấu được vẻ bùi ngùi trên những khuôn mặt từ hòa khả kính. Hòa thượng Thiền Tôn chậm chạp bước ra khỏi phòng, Ngài dõi mắt nhìn theo, cánh cửa thiền phòng từ từ khép lại.

Lát sau, Thầy Trung Phú vào trượng thất, hỏi:

- Hồi nãy, Sư ông nói câu đó ở đâu mà con nghe sao lạ quá vậy?

Ngài đáp:

- Đó là Pháp ngữ trong bài Khai chung bảng chớ đâu! Câu nầy nghe hoài mà ông quên rồi sao?

Cũng chiều hôm ấy, Hòa thượng Trí Quảng và Thượng tọa Giác Toàn đến thăm. Sau khi vấn an, Hòa thượng Trí Quảng nói: “Được biết Thầy là một hành giả chuyên thọ trì kinh Pháp Hoa, nên tôi có vật này xin cúng dường thầy để kỷ niệm. Đây là một huy hiệu bằng vàng có khắc hai chữ “Pháp Hoa”, mà tôi đã gia trì”.

Ngài đưa hai tay run run đón nhận một cách thành kính, cảm tạ và thì thào đọc lên bài kệ tán ở đầu Kinh Pháp Hoa.

Lúc ấy, Hòa thượng Trí Quảng rất đỗi ngạc nhiên, quay sang mọi người và nói:

- Tôi thật không ngờ, trong một cơ thể bạo bệnh như thế này mà Thầy vẫn còn tỉnh giác!

Ngày 12 tháng 8 (ÂL), Ban Trị sự Thành hội cùng Ban Đại diện Phật giáo Quận 10 đến vấn an, Ngài bảo tôi lấy chiếc ca sa trải ngang người và nói:

- Hôm nay, Chư tôn đức đến thăm, nhưng tôi không ngồi dậy nổi để đón tiếp, thật thất lễ quá!

Sau khi các vị ra về, tôi thắc mắc:

- Hòa thượng dạy con lấy y đắp ngang người, việc ấy nghĩa là sao? Con không hiểu!

Ngài ôn tồn bảo:

- Đức chúng như hải, làm như vậy là để tỏ lòng biết ơn đối với Chư tôn Đại đức.

Có thể nói hành trạng của Hòa thượng đã hội đủ những điều mà trong Kinh  Phước Đức, Thế Tôn cũng đã từng dạy:

Biết khiêm cung lễ độ

Tri túc và biết ơn

Không bỏ dịp học đạo

Là phước đức lớn nhất  

Cư  sĩ Vô Tận cũng nói:

- Ham sống sợ chết là lẽ thường tình của con người, chỉ có bậc chí nhân mới hiểu được chân lý. Xưa nay, vì không có sanh nên tuy sống mà vẫn không ham thích; vì không có diệt nên tuy chết mà cũng không sợ hãi.

Ta đã thấy được điều nầy trong tinh thần an định của Hòa thượng.

Vài hôm sau cơn phẫu thuật, được tin từ các y bác sĩ báo là Ngài mắc phải căn bệnh nan y ở thời kỳ cuối, như thế là thọ mạng của Ngài sẽ không tồn tại bao lâu nữa! Lúc ấy, thầy Thiện Sanh hối hả chạy vào phòng bệnh, khóc òa lên và sụp lạy.

Hòa thượng mở mắt phủ dụ:

- Sanh ký tử quy, đó là chuyện thường ở đời, hơi đâu mà ông khóc!

Im lặng giây lâu, Ngài lại nói nhẹ:

 “Ái bất trọng, bất sanh Ta Bà

 Niệm bất thiết, bất sanh Cực Lạc”

Ôi! Đời người như một cuộc hành trình vô tận, là quán trọ, là bến tạm qua đêm. Chúng ta là những lữ hành đang mệt mỏi lang thang và trú ngụ trong đó. Người thấu suốt được chân lý ấy thì không còn bị sanh tử ràng buộc, thong dong tự tại, nhẹ nhàng như gió thoảng mây bay, xem kiếp phù sanh như nước chảy qua cầu và xem cái chết như sự trở về. Đó chính là cái nhìn của Hòa thượng.

4a

8. Chết Là Chuyện Thường

Khi còn điều trị ở Bệnh viện 115, được giấy của Bác sĩ Bùi giới thiệu sang Trung tâm Chẩn đoán Hòa Hảo để chụp Citi. Sau khi chụp xong, trở về phòng nghĩ, thấy Ngài có vẻ hơi mệt, Phật tử Mỹ Anh vì muốn gợi ý cho Hòa thượng được vui nên hỏi đùa:

- Sao? Thầy cảm thấy thế nào, có dễ chịu không?

Hòa thượng khoe:

- Hồi nào tới giờ tôi mới biết! Lạ thật, tôi đang nằm thì bỗng dưng có cái gì nó chụp xuống tối đen như mực, giống như trong địa ngục vậy!

Cô Mỹ Anh nghe Ngài nói thế, liền thưa:

- Có chuyện này, con xin hỏi thật Thầy nha, vậy chứ Thầy có sợ chết không?

Hòa thượng mỉm cười:

- Chết là chuyện thường, có gì đâu mà sợ!

Trong thời gian dưỡng sức ở bệnh viện 115, một buổi trưa, có vài vị đệ tử đến thăm, biết là các chú đang học lớp Nghi lễ ở chùa Viên Giác, Ngài bảo:

Các ông ngồi lại gần đây, để tôi tán cho mấy ông nghe bài “Tam Tạng vãng Tây hàng”. Điệu này khó lắm, cả miền Tây cũng ít có Thầy nào tán được!.

Lúc ấy, có mấy Sư cô ở Tu viện Định Thành vừa sang hầu thăm, nghe vậy liền hỏi:

- Thầy đang vô nước biển mà còn tán được sao?

Hòa thượng đáp:

- Vô nước biển là chuyện của bác sĩ, còn tán là chuyện của tôi, chẳng liên can gì!

Thế là Ngài bắt đầu

:

- Tam á a Tạng a à vãng á a Tây a à ………

Lúc ấy, tôi nghe âm điệu của Ngài tuy không được như xưa, nhưng cũng thể hiện được tâm hồn tự tại, cho dù là thân thể đang bị bệnh duyên chi phối.

Một hôm, Hòa thượng bảo rằng: đã tới ngày cạo tóc, Thầy Nguyên Định liền nói:

- Sư ông đang bệnh, để tóc dài người ta không cười đâu mà sợ!

Hòa thượng bảo:

- Tuy người ta không cười, nhưng cũng phải cạo. Viên đảnh phương bào là tướng của Phạm tăng, bỏ mất đi sao được!

Thât vậy, “Chiếc áo không làm nên người tu, nhưng người tu không thể thiếu nó”. Qua đó, ta thấy phàm làm Tăng sĩ, dù ở trong hoàn cảnh nào đi nữa, chúng ta cũng đừng quên lãng bổn phận của chính mình.

Dù cơn phẫu thuật đã trải qua mười ngày, nhưng vết thương vẫn chưa lành, ở vùng bụng căng phồng lên. Thỉnh thoảng, Ngài ho, nước từ trong vết thương bắn vọt ra trông thật đáng sợ. Mọi người đều khiếp vía nhìn nhau, thế mà Ngài vẫn còn đùa:

- Trí Thông đâu rồi?

Thầy Trí Thông nhanh nhẹn đáp:

- Mô Phật! Con đang ở đây.

Ngài bảo:

- Ông tới phòng trực kêu bác sĩ đừng chế nước vào bụng tôi nữa. Chế vô nhiều, nó tràn ra làm ướt áo, thay hoài mất công quá!

Ai nấy nghe xong đều cảm thấy nửa lo sợ, nửa tức cười. Thật lạ lùng chưa từng thấy, đến lúc cận kề bên cái chết mà Ngài vẫn tỉnh bơ! Điều đáng nể phục hơn là cho dù bệnh trạng có chuyển biến, cơ thể có khó chịu thế nào đi nữa thì Ngài vẫn thản nhiên, không bao giờ có một lời than vãn!

Một hôm, đến giờ uống thuốc, vì liều thuốc uống hơi nhiều, Ngài mới nói với tôi rằng:

- Thuốc bữa nay nhiều quá, thôi ông uống dùm tôi đi. Tôi không uống đâu!

Tôi ngạc nhiên hỏi:

- Hòa thượng không uống thì làm sao hết bệnh?

Ngài bảo:

- Chớ ông thấy tôi có bệnh gì đâu!

Tôi thật không hiểu nổi:

- Hòa thượng đang nằm viện và bệnh rất nặng kia mà!

Ngài cặn kẽ giải thích:

- Ông này dốt quá, tôi không nói tới chứng bệnh đó! Cái bệnh trạng trong cơ thể con người lúc già yếu là lẽ đương nhiên, nhưng cái bệnh của tôi quá đát rồi, chữa trị không hết đâu! Hơn nữa, ai cũng mắc phải hai chứng bệnh: Thân bệnh và tâm bệnh. Bệnh kia thì tôi chữa hết lâu rồi, còn bệnh nầy già quá  rồi, còn phải chữa trị làm chi cho mệt!

Nghe Ngài nói xong, Thầy Nguyên Định cảm phục quá, viết ra mấy câu tán thán rằng:

“Thiếu niên thấu triệt lão bệnh chi bổn lai vi nan

Lão niên ngộ liễu lão bệnh chi bổn lai cánh nan

Lão bệnh nhị đồ tuy hữu dị

Hòa thượng bổn lai hữu hà thù”

 Nghĩa là:

“Khi còn trẻ, thấu suốt được nguồn cơn của già bệnh là chuyện khó. Lúc về già, biết rõ được nguồn cơn của già bệnh thì lại càng khó hơn. Hai nẻo già bệnh tuy có khác, nhưng bản tánh xưa nay của Hòa thượng thì có khác gì!”.

Nhớ lại lúc Ngài còn khỏe, có một vị Tăng hay chỉ trích lỗi người.

Ngài mới kêu lại mà dạy rằng:

- Ông thử chỉ tay vào cây cột đây, rồi tôi nói cho ông nghe!

Vị Tăng liền lấy tay chỉ vào cây cột.

Ngài nói:

- Đó! Ông thấy không, chỉ vào cây cột thì chỉ có một ngón thôi, trong khi đó có đến ba ngón tay thì chỉ lại mình. Việc nói lỗi người khác cũng thế, vì vậy tôi “Kính nhi viễn chi” không dám bàn tới!

Vị Tăng có vẻ thẹn rồi xin cáo lui.

Nói đến người xuất gia học đạo, tâm tâm niệm niệm phải tự xét mình, đau đáu lo nghĩ đến việc thoát ly sanh tử và lấy việc giác ngộ để làm kỳ hạn. Việc  mình chưa xong thì không nên dò xét lỗi người. Cổ đức có câu: “Nhàn đàm mạc thuyết tha nhơn phi” (nghĩa là lúc nhàn rỗi, đừng nên nói chuyện dở xấu của người)Hơn nữa, họa chính từ trong miệng mà ra.

Thiền sư Chuyết Am cũng từng bảo: “Việc nhiều chớ sợ, không việc chớ tìm, thị phi chẳng bàn. Người làm chủ một tòng lâm mà thấu suốt được điều này thì sẽ không bị ngoại vật làm mê mờ”. Đó chẳng phải là phong cách tiêu dao tự tại của người học Phật sao?

9. Huyễn Thân Giả Tạm 

Đức Phật dạy: “Phải quán sát thân này như cây chuối, như ánh nắng, như bọt nước, như huyễn hóa, như thành Càn Thác Bà, như đồ gốm chưa nung, như làn chớp, như hình vẽ trên nước, như người tù sắp hành hình, như trái chín mùi, như cục thịt, như bức dệt hết khổ, như chày giả lên xuống, phải quan sát các hành pháp như món ăn lẫn chất độc, pháp hữu vi nhiều tai hại.

Lại nói:

“Tất cả các thế gian

Có sinh đều có tử

Dầu thọ mạng vô lượng

Tất có kỳ phải hết”

(Kinh Đại Bát Niết Bàn)

Thời gian như một dòng chảy cứ mãi mãi trôi qua không bao giờ dừng lại. Hòa thượng nằm viện tuy đã hơn một tháng, nhưng bệnh trạng vẫn không thuyên giảm. Tối hôm ấy, linh tính báo cho biết là duyên trần đã tận, nên Ngài bảo các đệ tử:

- Tôi bệnh nằm viện, các ông ra vào chăm sóc cực khổ quá! Một người bệnh khiến cả chùa ai cũng bệnh, tôi không cam lòng. Vả lại, chữa trị mãi cũng thế thôi! Hãy để cho tôi được yên nghỉ ở mảnh đất già lam trong những giây phút cuối đời!.

Lãnh ý của Ngài, các Thầy trong môn hạ liền làm thủ tục xin xuất viện. Ngày 26 tháng 8 ÂL mọi người đưa Ngài về lại chùa để tịnh dưỡng.

Được tin, quý Tôn Đức Tăng Ni ở các chùa trong thành phố đến vấn an rất đông, ai vào thăm Ngài đều nhận biết rất rõ.

Vài ngày sau (30/8/ÂL) trong lúc đại chúng làm lễ sám hối trên chùa, chú Thị giả liền hỏi:

- Sư ông có nghe mấy Thầy tụng kinh gì không?

- Là sám hối Hồng Danh cuối tháng chứ gì!

- Sư ông biết đọc đến đoạn nào không?

- Đang đọc kệ Phổ Hiền

Rồi Ngài liền đọc:

“Ngã đẳng thanh tịnh thân ngữ ý…”

Hơn một tháng trời điều trị, Ngài chỉ dùng nước

thuốc qua loa, sức khỏe yếu dần, luôn nằm nhắm mắt. Hễ có ai hỏi thăm, Ngài đều tỉnh táo trả lời rất chính xác.

10. Truyền Pháp An Nhơn

Nhớ lại, vào ngày 16 tháng Giêng năm Tân Tỵ, Hòa thượng sang đạo tràng Viên Giác chứng minh lễ động thổ trùng hưng ngôi Tam Bảo. Hôm đó, Ngài nán lại, đợi đến khi khách về hết thì mới gọi thầy Lệ Trang vào phòng, nói rằng:

- Kể từ lúc tôi đặt chân lên mảnh đất Sài Gòn này, ngót đã năm mươi năm rồi! Định Thành tuy là một ngôi chùa nhỏ hẹp, nhưng đó được xem là dấu vết đầu tiên trong đời hành đạo của tôi. Nhiều lần nhìn thấy cảnh chùa xuống cấp, khi thì mưa tạt, lúc thì nước ngập mà đau lòng! Ý muốn tu bổ lại, nhưng chưa đủ nhơn duyên. Hơn nữa, phước đức chỉ có bấy nhiêu thì biết làm sao!

Với đôi mắt đăm chiêu như nhìn về một phương trời xa xăm nào đó, Ngài trầm ngâm giây lâu, rồi bảo:

- Sức khỏe tôi ngày một kém, đi đứng lại khó khăn, muốn làm việc gì cũng chẳng được, thật là “Lực bất tòng tâm”. Dù ông ở Định Thành hay ở đây (Viên Giác) thì tôi cũng đặt hết kỳ vọng nơi ông. Nay nhân lúc còn minh mẫn, tôi đã viết di chúc trao chùa Định Thành lại cho ông kế thừa để tôi có thời gian dưỡng tâm niệm Phật, khỏi phải bận lòng vì Phật sự ngoại duyên.

Thầy Lệ Trang cung kính bái lãnh tôn ý.

Kể từ đó, Ngài từ chối việc đi phó trai hay chứng minh Phật sự, mà chỉ ra vào trượng thất chuyên tâm niệm Phật.

11. Thọ Quang Bảo Tháp

Trong cuộc sống, ít ai biết được những gì sẽ xảy ra ở một tương lai xa thẳm mịt mờ, thế nhưng Hòa thượng hình như đã thấu suốt tất cả! Ngài sắp đặt mọi hậu sự một cách rõ ràng và chính xác đến nỗi không ngờ!

Một hôm, Ngài bảo Thầy Lệ Trang:

- Như tôi đã nói từ lâu, sau nầy nếu tôi có trăm tuổi già thì đem về đất Tổ đình để nhập tháp. Nay mọi việc tôi đã sắp đặt xong, vậy ông hãy hoan hỉ xây cho tôi một cái tháp.

Thầy Lệ Trang thưa:

- Dạ bạch, ở vườn tháp của Tổ đình Hội Phước, Thầy thấy nơi nào là tiện nhất?

Hòa thượng đáp:

- Phía sau tháp Tổ khai sơn còn một khoảng đất trống, ông cứ xây ngay đó! Tôi đã xem ngày kỹ rồi, nếu sắp xếp được thì khởi công vào ngày mùng 6 tháng – ÂL (Tân Tỵ) này!

Thầy Lệ Trang lại thưa:

- Vậy Thầy có định đặt tên tháp là gì không?

Hòa thượng ngẫm nghĩ giây lâu, rồi bảo:

- Tháp của Sư cụ Đông Hưng tên là Tịch Quang,  thôi thì tháp tôi đề là Thọ Quang.

Ngài lại giải thích:

- “Thọ” là Vô Lượng Thọ, còn “Quang” là Vô Lượng Quang; ý là muốn nương nhờ sự tiếp dẫn của Phật A Di Đà mà được vãng sanh Tịnh Độ và đó cũng chính là chỗ quy thú của tôi.

Thầy Lệ Trang thưa:

- Còn xung quanh tháp, Thầy có định trang trí gì không?

Ngài liền đáp:

- Mặt tiền đề chữ “Thọ Quang Tháp”, phía sau là “Liên Trì Hội”, bên phải là “An Dưỡng Quốc”, bên trái là “Cực Lạc Giới” và bốn mặt khắc bài kệ đầu trong kinh Pháp Hoa, mỗi mặt hai câu.

Thế là công trình xây dựng được bắt đầu như Ngài ấn định. Khoảng giữa tháng năm Âm lịch, Ngài kêu Thầy Lệ Trang, hỏi:

- Tháp làm đến đâu rồi?

Thầy Lệ Trang đáp:

- Bạch Thầy, còn đợi ngói đang nung.

Hòa thượng nói:

- Ông làm sao miễn đến đầu tháng bảy xong cho tôi là được rồi!

Khoảng một tuần lễ sau, Ngài gọi Thầy Lệ Trang xuống Định Thành, bảo rằng:

- Hồi hôm này, tôi nằm mơ thấy một vị Tăng, đắp y vàng sáng chói, nói rằng: “Thầy chọn nơi xây tháp rất hợp với phong thủy, nhưng sau này đầu nên hướng về cổng Tam quan (chùa) để hầu Tổ. Nói xong, vị Tăng liền biến mất. Lúc ấy, tôi thức dậy, nhìn đồng hồ thì thấy đã sắp đến giờ công phu.” kể xong, Ngài nhìn Thầy Lệ Trang và hỏi:

- Vậy ông nhắm có thể sửa lại được không?

Thầy Lệ Trang đáp:

- Bạch Thầy, khoảng trống ở dưới sanh phần thì con chừa rất rộng, muốn xoay về hướng nào cũng được!

Ngài có vẻ hài lòng, liền gật đầu:

- Vậy thì tốt!

Ngày 10 tháng 6, việc xây dựng đã tạm xong. Ngài cùng các Thầy trong môn nhân trở về Tổ đình Hội Phước, đến bên ngôi Thọ Quang Tháp chụp vài tấm ảnh kỷ niệm, rồi nói:

- Người ta sống có nhà, thác có mồ; vậy là tôi mãn nguyện rồi.

Lúc sắp ra về, sau khi thắp hương trước Tổ đường, Ngài hướng về các đệ tử, nói rằng:

- Hơn năm mươi năm về trước, tôi đã thế phát xuất gia ở đây với Sư cụ Ngộ Đạo. Cũng tại nơi nầy, biết bao kỷ niệm êm đềm trong khi hầu Thầy học đạo, cùng các pháp lữ tham cứu Phật lý; bây giờ thì chỉ còn lại một mình tôi. Đời là vậy! Tan rồi hợp, hợp rồi tan, có gì là tồn tại mãi đâu!

Trước cổng Tam Quan, Ngài lặng nhìn lại cảnh chùa. Trong vườn cây, những chiếc lá vàng rơi xào xạc và vài đám lục bình trôi lênh đênh trên dòng nước. Chiếc xe từ từ rời khỏi cầu Rạch Chùa và lao đi trên đường giữa buổi chiều nhạt nắng.

12. Dự Tri Thời Chí

Vài hôm sau khi rời khỏi bệnh viện, khoảng 12 giờ ngày 30 tháng 8 ÂL, Ngài gọi Thầy Lệ Trang, Thầy Trung Phú và Cư sĩ Lệ Nguyên vào trượng thất đỡ Ngài ngồi dậy, với thần khí vô cùng tỉnh táo, Ngài nói:

- Để tôi kể cho các ông nghe về môn phái của mình: “Sư Tổ khai sáng chùa Hội Phước húy là Liểu Ngọc, thuộc dòng thiền Lâm Tế đời thứ 37. Sư ông Vạn An húy là Đạt Thới, đời thứ 38. Sư cụ Thầy tôi húy là Ngộ Đạo, đời thứ 39. Đến tôi là đời thứ 40”.

Thầy Lệ Trang hỏi:

- Như vậy là thuộc dòng kệ

“Tổ Đạo Giới Đinh Tông

 Phương Quảng Chứng Viên Thông

 Hành Siêu Minh Thiệt Tế

 Liểu Đạt Ngộ Chơn Không…”

Hòa thượng đáp:

- Phải vậy!

- Thế còn chữ “Nhật Thiện” của Thầy?

Hòa thượng khoát tay:

- Chữ “Nhật Thiện” là Pháp tự, còn Pháp húy của tôi là “Chơn Như”; vậy thì tới đời mấy ông là chữ “Không”.

Lúc ấy, Thầy Lệ Trang liền quỳ bên thiền sàng và ân cần khải thỉnh:

- Bạch Thầy, nhân lúc Thầy còn minh mẫn, xin Thầy ban cho con Pháp hiệu.

Hòa thượng do dự:

- Chữ “Không” khó đặt lắm! Chẳng lẽ tôi cho ông là “Không Không”?

Ngài im lặng giây lâu, rồi nói:

- Thôi được, tôi cho ông là Không Uẩn” vậy!

- Bạch Thầy, “Không Uẩn” nghĩa là gì, con không hiểu?

- Là “Ngũ uẩn giai không” trong kinh Bát Nhã đọc hằng ngày, ông quên sao chứ? Hãy gọi hết các đệ tử về để tôi thăm lần cuối, nhắn luôn cả mấy đứa đang học ở bên Đài về.

Ngài lại dạy tiếp:

- Sau khi tôi đi rồi, các ông phải cùng nhau hòa hợp để làm hưng thạnh tông môn, chấn chỉnh thiền quy; chớ để điêu tàn mà mắc tội với Phật Tổ vậy! Nghĩ lại cuộc đời hành đạo của tôi thì không có gì đặc biệt cả! Tôi chỉ biết niệm Phật và tụng kinh Pháp Hoa mà thôi!

Thầy Lệ Trang thăm dò tinh thần của Thầy mình, hỏi:

- Vậy Thầy còn nhớ bài kệ đầu trong kinh Pháp Hoa không?

Ngài tuần tự đọc:

Lục vạn dư ngôn thất trục trang

Vô biên diệu nghĩa quảng hàm tàng

Hầu trung cam lộ quyên quyên nhuận

Khẩu nội đề hồ trích trích lương

Bạch ngọc xỉ biên lưu xá lợi

Hồng liên thiệt thượng phóng hào quang

Giả nhiêu tạo tội quá sơn nhạc

Bất tu Diệu Pháp lưỡng tam hàng

Dịch nghĩa:

Hơn sáu muôn lời thành bảy cuốn

 

Rộng chứa đựng vô biên nghĩa mầu

 

Trong cổ nước cam lồ rịn nhuần

 

Trong miệng chất đề hồ nhỏ mát

 

Bên răng ngọc trắng tuôn xá lợi

 

Trên lưỡi sen hồng phóng hào quang

 

Dầu cho tạo tội hơn núi cả

 

Chẳng nhọc Diệu Pháp vài ba hàng

 

(Hòa thượng Thích Trí Tịnh dịch)

                              

Đọc xong, Ngài bảo:

- Đây là bài kệ tôi thích nhất và thuộc lòng từ lúc còn nhỏ.

Sau đó, Ngài đòi nằm xuống nghĩ và yên lặng lần tràng.

13. Những Điều Trông Thấy

Ít lâu sau, tôi có duyên may được vào trượng thất của Ngài. Đấy là một gian phòng nhỏ trên cái gác với những khung cửa sổ đã cũ mục, mái nhà rỉ dột, chiếc giường gỗ đơn sơ, cái bàn giấy cũ kỹ và tấm ca sa bạc màu. Trên bàn Phật, một bộ kinh Pháp Hoa đã cũ nát, có lẽ vì giở đọc quá nhiều lần.

Ngài quả là:

Bổn tích thành nhất trí

Thiền Tịnh chơn song tu

Tam học các kiêm bị

Nhân quả viên thành thì

(Bài ai tán của học giả Lý Việt Dũng

và Tăng ni sinh lớp Luyện dịch Hán Tạng chùa Viên Giác)

Tạm dịch:

Bổn tích thành một mối

Thiền tịnh thật song tu

Ba học đều đầy đủ

Nhân quả trọn viên thành

Đời sống biết đủ và buông xả của Ngài như thế, nhưng đối với sự tu tập thì thật là sâu xa! Đúng như Tuệ Trung Thượng Sĩ đã từng nói: “Nhất hồi phóng hạ nhất hồi cao”, tức là mỗi lần buông xuống là mỗi lần vượt lên cảnh giới cao hơn vậy!

14. Trên Đất Ai – Lao

Nhận lời cầu thỉnh của chư Ni và Phật tử nước Lào, đầu thập niên 90, Ngài cùng Hòa thượng Minh Thành, Thượng tọa Minh Phát… sang chùa Bàng Long tại thủ đô Viên –Tiane để khai đạo. Năm ấy, Ngài làm Hòa thượng Đường đầu truyền Tỳ kheo Ni giới. Vì lòng khát ngưỡng giới pháp và mến mộ đạo hạnh thanh cao của Ngài, nên hàng ngàn kiều bào Phật tử ở các thành phố như Sa Va Na Khet, Lu-ang Pra Bang… đều về tham lễ.

Mùa xuân năm 1999, Ngài lại sang Lào để làm Phật sự, chuyến đi nầy thật có ý nghĩa.

Trên quãng đường xuyên biên giới gần 2000 km, phải vượt qua biết bao nhiêu ghềnh thác, núi rừng hiểm trở và cảnh vật hoang vu; có đoạn phải xuyên qua những lớp sương mù dày đặc, bên trên là vách núi cheo leo và phía dưới là vực sâu thăm thẳm. Thỉnh thoảng, có vài ngọn thác đổ từ trên cao xuống trông như tấm lụa mỏng nhẹ nhàng uyển chuyển; những cánh mơ rừng loang loáng phơi màu trắng sữa, mùi thơm nhẹ ướp đượm cả khí trời. Sắc trời dìu dịu, gió nhẹ thoảng đưa, vạn vật như đang rơi vào khoảng êm đềm tịch mịch.

Chiếc xe vừa xuống chân núi thì trời chiều cũng bắt đầu ngã bóng. Tại đây, Ngài viếng thăm một ngôi chùa, vừa bước vào điện Phật có một vị sư già tiến ra nghinh tiếp phái đoàn, chợt nghe vang lên một hồi chuông thì thấy các chú tiểu đều tập hợp đến trước Ngài đọc kinh chúc phước. Theo lời người phiên dịch, vị Sư cả nói:

- Được Ngài quang lâm, thật may mắn cho vùng núi đồi hoang sơ này.

Hòa thượng nói:

- Dù cho ngoại vật hoang vắng hay ồn náo, nhưng tâm người tu miễn sao luôn luôn giữ cho an lạc thảnh thơi là được rồi!

Thăm hỏi xong, trước lúc cáo từ Hòa thượng lấy xâu chuổi hổ phách đeo trên tay mà cúng dường cho vị Sư Trụ trì chùa.

Vị sư cảm động, nói:

- Không biết bao giờ mới gặp lại quý Ngài nữa?

Hòa thượng cười:

- Mình sẽ gặp nhau trong tinh thần Phật pháp.

Chiếc xe lại tiếp tục lượn mình trên triền núi. Ráng chiều ửng đỏ trên những ngọn cây, gió nhẹ thoảng qua, sương mờ quyện tỏa.

Sau khi Phật sự hoàn thành, Phật tử đưa Ngài đi viếng khắp các ngôi chùa ở thủ đô Viên – Tiane. Trong chuyến đi này, Ngài cùng phái đoàn có đến That – Luang để bái yết vị vua sãi của nước Lào.

15. Cái Nhìn Muôn Thuở

Mùa thu năm Mậu Dần (1998), Hòa thượng cùng Thượng tọa Minh Thông… đi vân du trên đất Trung Hoa và đến khu danh thắng Lạc Sơn Đại Phật. Đây là một tượng Phật Di Lặc do thiền sư Hải Thông điêu khắc vào đời Đường. Tượng Phật được tạc trong tư thế ngồi bên vách núi. Khi Ngài đứng trên thuyền đang trôi bên tả ngạn dòng sông, Ngài nhìn tượng Phật với đôi mắt đăm chiêu và nói:

- Dòng sông cứ cuồn cuộn trôi đi mãi, nhưng mắt Đức Phật thì vẫn như như bất động.

Thật vậy, xưa kia Đức Khổng Tử cũng đã từng than: “Thệ giả như tư phù, bất xả trú dã!” (Chảy mãi như thế ư, thời gian như dòng nước này, không bao giờ ngừng nghỉ).

Vả chăng, đời người như một dòng sông cuộn chảy, trôi đi, trôi đi mãi mà không bao giờ dừng lại! Sắc thân tứ đại luôn luôn thay đổi, sanh rồi diệt, diệt rồi sanh; song Phật tánh vẫn thường hằng bất biến, không thêm không bớt; bản thể chơn nguyên vẫn đại đồng, thông suốt từ trong ra ngoài và từ ngoài vào trong. Phiền não vọng tâm luôn trôi nỗi theo thế giới trừu tượng và tư duy. Năm uẩn sắc thân giống như những đám phù vân trôi lênh đênh trên nền trời tự tánh. Ba độc (tham – sân – si) là những con thuyền bào ảnh nhấp nhô trên mặt biển chơn như. Bốn núi (sanh – lão – bệnh – tử) luôn chằng chịt bủa vây chúng ta, nhưng thật ra chẳng liên can gì, vì trong ta vốn sẳn đủ chơn tánh. Chơn tánh ấy chính là “Đức Phật như như bất động” mà Hòa thượng đã nói. Đó cũng chính là chỗ để ta quy hướng và đạt đến chân trời giác ngộ.

Khi đoàn đến tham quan Vạn Lý Trường Thành, Ngài đi lên được một đoạn, rồi dừng lại, bảo:

- Thôi, các ông cứ đi đi, tôi đợi ở đây!

Thầy Minh Thông hỏi:

- Sao Hòa thượng không đi tiếp?

Ngài cười, đáp:

- Các Thầy khỏe,đi xa ngàn dặm cũng ở trên Vạn Lý Trường Thành. Tôi mệt, dừng lại ở đây cũng là Trường Thành Vạn Lý.

Tuy là chuyện đối đáp bình thường trong lúc vân du, nhưng hàm chứa một ý nghĩa thật sâu xa. Phải chăng Ngài ngầm khải thị: “Nhơn tu vạn hạnh”. Giáo pháp của Đức Phật nhiều như nước trong đại dương mênh mông, biết đến chừng nào ta mới uống hết được lượng nước đó ? Tuy mênh mông, nhưng ta chỉ cần nếm được một giọt trong đó thì cũng biết được vị mặn của nó. Cũng thế, pháp Phật tuy nhiều, nhưng chỉ có một vị, đó là vị giải thoát.

16. Bên Dòng Tào Khê

Trong chuyến tham quan Trung Hoa, đoàn có đến chùa Nam Hoa, tức đạo tràng của Lục Tổ Huệ Năng. Sau khi vãn cảnh và tham bái nhục thân Lục Tổ cùng chư Tổ Hám Sơn – Đơn Điền, Ngài và đoàn ra phía sau vườn chùa, đến bên dòng Tào Khê, lấy tay vốc nước lên uống và nói:

- Dòng Tào Khê này, tôi nghe tên và tán tụng đã lâu lắm rồi, nhưng mãi đến hôm nay mới tận mắt thấy và uống được ngụm nước trong mát như thế này!

Ôi! Câu nói tuy bình dị, nhưng mang một ý nghĩa thật sâu xa. Trộm nghĩ, Ngài không những thấy và uống được dòng nước ấy trong giây phút hiện tại mà Ngài đã thấy và uống tự bao giờ rồi! Ngài đã thật sự thực nghiệm  được “thể chất” của  nó. Chính dòng nước ấy đã ngấm vào máu, ăn sâu vào xương tủy, được toát ra ngoài bằng phong cách thánh thiện giải thoát. Điều đó khiến cho Ngài đã cảm hóa được biết bao người trở về kính ngưỡng ngôi Tam Bảo và làm hưng thạnh tông môn của Phật Tổ.

17. Dự Tri Thời Chí

Sau khi phó chúc các Phật sự còn dang dỡ, bệnh trạng của Ngài mỗi lúc nặng thêm. Khi có ai đến hỏi thăm sức khỏe, Ngài chỉ mở mắt ra nhìn, thỉnh thoảng đưa bốn ngón tay lên gật gật, sau đó lại để xuống. Mọi người nhìn nhau với trạng thái hồ nghi : Phải chăng Hòa thượng biểu thị là Ngài sẽ viên tịch vào mùng 4?

Đêm hôm ấy, các đệ tử thấy Ngài bị sốt cao và có lúc hơi thở dường như đứt quãng, Thầy Đồng Văn liền lấy ca sa trùm lên mình Hòa thượng. Lúc đó, Ngài mở mắt ra nhìn và cố gắng nói với giọng run run:

 - Chưa đâu! Hãy xếp y lại, chừng nào đi thì tôi báo!

Rồi Ngài đưa tiếp bốn ngón tay lên gật gật, sau đó trở lại trạng thái cũ.

18. Hành Trang Ngày Cuối   

Cổ đức dạy: “Người xưa khi có việc phải đi xa, lúc sắp chia tay nhau, họ không mong cầu trân báu mà chỉ xin một lời khuyên, xem đó là ân huệ”. Hơn bao giờ hết, nếu người đi tạm thời cần lời khuyên bảo, lấy đó làm hành trang thì người sắp ra đi vĩnh viễn dù tăng hay tục cũng rất cần sự nhắc nhỡ ấy để khơi dậy tiềm năng giác ngộ của họ, đó là lời tống biệt.

Hôm đó, quý Thượng tọa Chơn Lạc và Minh Thông ở chùa Huệ Nghiêm đến thăm. Trong lúc vấn an Thượng toạ Minh Thông đem bốn phương pháp “Niệm Phật Vãng Sanh” để thăm dò chánh niệm của Hòa thượng. Sau khi nghe xong, Ngài liền chắp tay đọc:

“Niệm Phật niệm tâm tâm niệm Phật

 Tham thiền tham tánh tánh tham thiền”

Nghe đọc xong, các Thầy rất hoan hỉ và cảm phục. Vả chăng, đối với bậc đạt quan, cho dù bệnh duyên có tăng có giảm, kiếp người có tử có sanh, nhưng cái bản thể giác ngộ vẫn rạng ngời như mặt trời lồng lộng giữa hư không. Người mà tỏ suốt được nguồn cơn ấy thì lúc sống hay lúc sắp chết, họa hoạn hay bình an, luôn luôn không bị ngoại duyên làm lung lạc chí hướng của mình.

19. Báo mãn Ta Bà

Quả đúng như sự biểu thị, Ngài đã thiện chung (1) vào lúc 6 giờ 45 phút ngày mồng 4 tháng 9 năm Tân Tỵ, nhằm ngày 20 tháng 11 năm 2001. Cuộc đời Ngài trải qua 72 năm trụ tích chốn Ta Bà và 52 mùa An cư kiết hạ.

Sau khi Ngài viên tịch đôi môi tươi thắm trông như người nằm ngủ. Sau tám giờ đồng hồ trợ niệm mà nhục thân của Ngài vẫn mềm dịu, không hề có trạng thái khô cứng như các tử thi khác. Thế mới biết:

“Dù cho tạo tội hơn núi cả,

Chẳng nhọc Diệu Pháp vài ba hàng”

“Dự tri thời chí, chánh niệm vãng sanh” Điều này đã đúc kết một quá trình dày công tu tập của Hòa thượng.

Biết rằng! Sanh trụ dị diệt là định luật muôn thuở của vũ trụ. Con người sanh ra rồi chết đi là nguyên lý tự nhiên, chắc chắn là điều mà không ai có thể tránh khỏi! Song cái chết đến với mỗi người mỗi  khác, mau chậm, hoảng hốt, an tường… đó cũng do nghiệp lực và công năng tu tập lúc bình sinh.

(1) Thiện chung là một trong năm thứ phước mà trong thiên “Hồng Phạm” kinh Thư đã đề cập đến: Trường thọ, phú quý, khương ninh, hảo đức và thiện chung. Vậy thiện chung là biết trước được thời gian mình qua đời. Có thể nói là người đã đạt đến mức tự tại giải thoát, thân tâm không còn bị ngăn ngại bởi nghiệp lực, thậm chí có người thấy chư Phật – Bồ tát đến tiếp rước về cõi tịnh.

20. Cảm ứng kỳ lạ

Ngay trong lúc Ngài thị tịch, có một Phật tử ở Đài Loan tên là Thẩm Xuân Cúc, vốn có túc duyên được gặp và ngưỡng mộ đức hạnh của Ngài lúc còn sanh tiền; trong giấc ngủ, bà thấy Bồ Tát Quan Âm đến báo mộng là Hòa thượng đã viên tịch, bèn giật mình thức dậy, nhưng lại do dự và tự nhủ rằng:

- Đã là mộng thì làm gì có thật!

Thế là bà lại nằm xuống và thiếp đi, nhưng chẳng mấy chốc thì nghe có tiếng người văng vẳng thúc giục bên tai:

- Dậy mau! Dậy mau! Hòa thượng đã viên tịch. Tại sao bà còn mê ngủ thế? Hãy gởi gấp các bức họa chư Phật – Bồ tát, chớ để khi Hòa thượng đi rồi thì không trở lại xem nữa đâu!

Nghe xong, bà hoảng hốt choàng dậy, biết chắc là có chuyện không lành nên liền gọi điện thoại sang hỏi. Quả nhiên, Hòa thượng đã viên tịch được mười lăm phút. Cũng may là có Pháp sư Thọ Lạc về Việt Nam, bà liền gởi các bức tranh sang để cúng dường giác linh Hòa thượng trước khi nhập tháp.

Phải chăng giấc mộng của bà là điều mộng thứ ba (2) trong bốn điều mộng mà luật Thiện Kiến đã từng dạy: “Trời người mộng”-Chư Phật, Bồ Tát, thiên thần… hiện ra cảnh mộng để báo ứng.

Một hôm, Thầy Trung Phú hỏi:

- Bạch Sư ông, con nghe nói trong kinh có một vị Tỳ kheo ni nhờ tụng kinh Pháp Hoa mà miệng thường tỏa ra mùi thơm. Còn Sư ông từ khi mắc bệnh đến nay, hơn một tháng không có tắm rửa súc miệng mà thân thể vẫn không có mùi hôi. Vậy có phải là nhờ công đức tụng kinh Pháp Hoa mà được như vậy không?

Hòa thượng đáp:

- Chắc là như vậy!

Vả chăng, Ngài thọ trì kinh Pháp Hoa đến chỗ thâm nhập, nên tâm duyên được với kinh; từ đó sinh ra vô lượng công đức lành làm tan biến những phiền não ngăn che và căn trần trở nên thanh tịnh. Chẳng những như thế mà đến lúc Ngài lâm chung, cả gian phòng đều có mùi thơm thoang thoảng.

(2) Theo luật Thiện Kiến, mộng được chia làm bốn loại:

1/ Bốn đại không điều hòa nên sinh ra mộng. Đây là do các cơ năng trong cơ thể bất an, nên sinh ra mộng, như thấy núi lở, sư tử, cọp, sói… ăn thịt mình; đều là những giấc mộng hư ảo không thật.

2/ Mộng do thấy trước: Người xưa thường nói: “Ngày có điều lo nghĩ thì đêm nhất định sẽ sinh ra mộng mị”. Đây cũng là thứ giả mộng, không có thật.

3/ Trời người mộng: Chư Phật, Bồ tát, thiên thần… vì người hành thiện, hiện ra cảnh mộng lành để cho họ tinh tấn thêm hơn. Đây là điềm mộng có thật.

4/  Mộng do tưởng tượng: Điềm mộng này là do người ở đời quá khứ tạo ra phước đức hay tội lỗi mà cảm vời ra, ví như người làm phước thì ứng mộng lành, người gây tội thì thấy cảnh ác. Tuy đây là một điềm mộng không thật, nhưng rất có ích cho việc răn ác hành thiện của người tu.

Mồng 8 tháng 9 là ngày chuyển cữu đưa nhục thân của Hòa thượng về nhập tháp tại vùng Nha Mân đất Tổ. Bầu trời quang đãng không một gợn mây. Không gian, cảnh vật thiên nhiên lúc ấy như đang chúc mừng tiễn đưa bậc đạt đạo trở về thế giới vô sanh. Đoàn xe tang đi ngang qua chùa Định Quang ở Thuộc Nhiêu – Cai Lậy, tạm dừng lại để đồng bào Phật tử chiêm bái với cả tấm lòng. Bằng lời truy tán:

“Cung nghinh nhục thân Hòa thượng Bổn sư nhập Nhất Chơn Pháp Giới”

Tiếng niệm Phật vang dội cả bầu trời. Phải chăng gót vân du hóa độ của Hòa thượng đã để lại trong lòng mọi người niềm cảm thương vô hạn?

Khi chiếc xe chở Linh quan của Ngài đến khoảng cầu Mỹ Thuận thì bỗng dưng tắt máy, vừa lúc ấy có đám mây đen xuất hiện trên nền trời xanh ngắt, che rợp cả xe linh quan. Rồi một cơn mưa nặng hạt trút xuống, nhưng rất lạ là chỉ mưa ở ngay chiếc xe chở nhục thân của Ngài mà thôi! Sự kiện này đã được ghi vào phim ảnh và được mọi người sở tại minh chứng.

Trộm nghĩ, cầu Mỹ Thuận là nơi nối liền hai bến bờ Tiền Giang và Đồng Tháp. Phải chăng sự kiện dừng lại giữa dòng Cửu Long Giang, là đất trời muốn Ngài ở mãi trong dòng đời phù hoa này để cứu độ chúng sanh, nên bầu trời vần vũ tuôn xuống những hạt mưa như tỏ lòng tiếc thương vô hạn.

21. Duyên Xưa Còn Mãi

Tuy huyễn thân đã mất, nhưng Ngài nào có đến có đi! Nếu ai đó dù chỉ một lần tham kiến hay chiêm ngưỡng từ dung thì không làm sao quên được cử chỉ vi mật toát lên từ đạo phong của Ngài. Quả thật, Ngài là người “Khó diễn tả”!

Khi tiễn đưa Ngài, tôi cũng thấy mưa rơi, nhưng mưa lúc này buồn hơn và có hàng ngàn người đang tuôn trào những dòng lệ như hụt hẫng nuối tiếc, tiễn đưa một bậc Long Tượng trở về với cõi Niết Bàn vô tung bất diệt.

Ngài mất ư? Dường như tôi vẫn còn nghe vang dội đâu đây những câu pháp ngữ khi chốn tòng lâm có bậc cao tăng thiên hóa:

“Hòa thượng, Hòa thượng, hội ma, hội ma phủ?

Tích nhật như thị lai, kim triêu như thị khứ…”

Vẫn còn đó, câu “Thiện tai khả nhỉ” với giọng hùng lực, dõng dạc như tiếng Sư Tử Vương đang uy hùng giữa rừng giới tử, sắp phát lên lời kiên thệ “Y giáo phụng hành” để chăm chắm hướng về phương trời Giác ngộ của mình.

22. Chốn Tổ Ngày Xưa

Hội Phước Tổ đình, ngôi chùa cổ kính có mái phủ rêu phong, ẩn mình trong xóm vắng như chứa đựng nỗi ưu tư vì từng chứng kiến và gắn bó với dung hạnh của Hòa thượng từ thuở ấu thơ cho đến ngày quy tịch. Ngài từ hòa lặng lẽ như dòng nước trong mát luôn âm thầm thấm vào lòng đất, làm cho cỏ cây tươi mát và hoa trái xum xuê. Đạo nghiệp của Ngài đã làm cho biết bao dân làng trở về quy kính ngôi Tam Bảo. Ngôi chùa tuy vẫn điềm nhiên như tự thuở nào, nhưng cảnh vật đã nhuốm màu tang tóc. Tấm băng rôn với hàng chữ “Cung nghinh linh quan Cố Hòa thượng Viện chủ Tổ đình Hội Phước vinh quy nhập tháp” vẫn còn phất phơ trong gió. Thọ Quang tháp với mái màu ngọc bích lóng lánh trong buổi chiều tà, làm cho ai nấy đều không khỏi chạnh lòng khi nghĩ đến Ngài.

Thật là:

Dép cỏ lối về còn in dấu

Hoa Đàm tuy rụng vẫn còn hương

23. Hiện Thân Thuyết Pháp

“Có những bài pháp vô giá không thể diễn tả bằng lời, có những con người sáng ngời trong chốn tịch liêu. Cuộc đời Hòa thượng là bài pháp đó, tấm gương Hòa thượng là hình ảnh sáng ngời đó”. Có một người đã từng thổn thức như vậy!

Ngài không thuyết pháp, nhưng đạo phong của Ngài vẫn đủ để cảm hóa lòng người. Ngài không hành thiền, nhưng khi hành tàng thì có sự trì niệm miên mật nhất quán như sức kim cang định đủ để ngăn trừ tạp niệm vô minh. Ngài không thị oai, nhưng vẫn dõng dạc toát ra vẻ đại hùng của bậc thầy mô phạm. Ngài không bảo người niệm Phật, nhưng tràng hạt vẫn chuyển mãi trong tay cho đến những giây phút cuối đời. Cách sống của Ngài là như thế!

Hôm nay, giữa mùa đông rét mướt, ngoài trời tuy không có mưa rơi, nhưng lòng tôi không khỏi ngậm ngùi khi nhớ đến một bậc cổ chùy mô phạm như ánh đèn thiền đã lịm tắt ở chốn trượng thất bụi mờ./.

Định Thành môn hạ

Trung Quán kính ghi

◊-◊———————————————-◊-◊

Những Bài Viết Liên Quan
462408
Total Visit : 360720