TAM ĐÀN TRUYỀN GIỚI CHÁNH PHẠM
QUYỂN 1
Núi Bảo Hoa đất Kim Lăng Ti luật sa môn Độc Thể soạn.
Đàn thứ nhất trước khi muốn trao giới Sa Di, trước hết là thỉnh giới sám hối.
1. PHÁP TỊNH ĐƯỜNG TẬP CHÚNG.
Phàm muốn tác pháp, trước hết phải kết giới, nếu ba lớp giới tướng như pháp, không có các chướng ngại, thế mới thành tựu tất cả. Cho nên trong luật Phật dạy, phàm nơi Tăng ở, nhất định phải nương vào pháp kết giới, như vậy Tăng là người hoằng luật chế, sao dám vượt qua?. Người mới phát tâm, vào già lam theo Tăng xin giới, trước phải tập Tăng xướng phương hướng kết giới xong. Kế đến là thỉnh hòa thượng hứa khả ấn định ngày rồi mới thỉnh bạch dẫn lễ sư, tập chúng ở tịnh đường. Kế đó khải bạch hai vị A Xà Lê rồi mới được vào tịnh thất lễ thỉnh. Lúc ấy nên đuổi người cầu giới ra đến chỗ mắt thấy tai không nghe. Nếu trú xứ đã hành trì luật lâu, giới trường đã ấn định sẳn, thì không cần phải xướng tiêu tướng kết giới nữa.
Mấy ngày trước khi thọ Sa di giới, dẫn lễ sư sai tịnh nhơn bao sái, quét dọn pháp đường, ở chính giữa trải một tòa, thắp nhang đèn cúng dường. Đến giờ sai tịnh nhơn đánh kiền chùy, nếu không có tịnh nhơn thì sai Sa di cũng được, đánh kiền chùy định số, nên căn cứ theo Tăng pháp trong luật. Tất cả đều có chuẩn mực nhất định, nay chỉ tập tiểu chúng, chỉ cho ba người trở lại, ngoài ra như trong luật chế không cho nhiều hơn. Những người cầu giới nghe tiếng kiền chùy đánh, tập họp đại chúng xong, trước hết chọn bốn người đến chỗ dẫn lễ sư lạy một lạy, sau đó thỉnh lên pháp đường, chúng cầu xin thọ giới, cùng nhau lạy ba lạy, đứng dậy. Trong đó chọn ra một người quỳ gối chắp tay bạch rằng:
Chúng con mỗ giáp… nay phát tâm, dốc lòng cầu thọ tịnh giới, do vì trần tình từ lâu che lấp, không rõ phép tắc, cúi xin chư dẫn lễ sư, không từ lao nhọc, dũ lòng hướng dẫn cho chúng con.
Dẫn lễ đáp:
Lành thay! Các vị là những người mới vào cửa giới luật, nghi tắc không rành, tôi nay giúp các vị khải bạch hai thầy. Nên cung kính đến phương trượng lễ thỉnh hòa thượng để được khai đạo, chờ đến lúc lên tòa, trao cho các vị mười giới Sa di. Vậy bây giờ trong chúng nên chọn ra một người, hướng dẫn bốn người nữa theo tôi để khải thỉnh hai thầy, còn bao nhiêu thì đứng nguyên vị trí.
(Tất cả đại chúng đều hướng đến dẫn lễ sư lạy một lạy, đứng dậy chia ra 2 bên phải trái).
2. KHẢI THỈNH HAI THẦY.
Nếu căn cứ theo luật chế, người thọ mười giới Sa di, chỉ cầu thỉnh Hòa Thượng và Yết Ma A Xà Lê, không có thuyết thỉnh Giáo Thọ A Xà Lê, nhưng luật dạy khi độ Sa di thập giới nói tóm có ba loại:
1.Từ 7 tuổi đến 13 tuổi, thuộc loại Khu Ô Sa Di.
2.Từ 14 tuổi đến 19 tuổi, thuộc loại Ứng Pháp Sa Di.
3.Từ 20 tuổi trở lên, đều thuộc loại Danh Tự Sa Di.
Ngày nay các người cầu thỉnh giới, tuổi đã ngang hàng với danh tự, bổn ý muốn thọ cụ giới làm Tăng, cho nên nhờ danh vị của Sa di để tăng tiến lên đại giới tỳ kheo. Nếu chẳng có giáo thọ, thì oai nghi chẳng rành, cho nên cần phải thỉnh. Giả như chỉ có hai loại thọ Sa di trước, thì vẫn tuân thủ theo luật chế, chỉ thỉnh hai thầy xuống pháp đường tới lui kia đây, chớ nên tạp lộn lẫn nhau, nhằm dễ bề răn dạy người mới học.
Vị dẫn lễ đem hai người đến liêu Yết Ma sư, đến đó xong, dẫn lễ trước hết là hướng đến Yết Ma sư lạy một lạy rồi đứng sang bên trái, bảo hai giới tử ấy lạy ba lạy. Sư nhận lời cầu thỉnh rồi bèn đi theo đến pháp đường, còn việc thỉnh Giáo Thọ cũng giống y như vậy.
Dẫn lễ bảo:
Này các thiện nam tử, các vị cùng nhau lạy ba lạy, quì gối chắp tay (Dẫn lễ bạch thay cho giới tử rằng).
Nay có các tịnh nhơn mỗ giáp… này, muốn đến đây xin hầu, cầu thọ mười giới Sa Di. Nay thỉnh Yết Ma sư đồng đến phương trượng, khải bạch hòa thượng đại từ dũ lòng giúp đỡ, cúi xin Yết Ma Sư dũ lòng phương tiện, xót thương hứa khả.
Yết ma sư bảo:
Này các thiện nam tử! Lòng tin vào giới khó phát, còn việc giữ gìn chí hướng càng khó hơn. Các vị đã phát tâm thọ giới, mong muốn thanh tịnh hành trì, đều là do đời trước có trồng nhân lành. Cho nên nay gặp thắng hội này, tôi sẽ vì các vị đi đến phương trượng khải bạch hòa thượng, thành khẩn cầu thỉnh, để ngài trao cho các vị mười giới Sa di.
Dẫn lễ bảo:
Các giới tử nghe tiếng khánh đứng dậy lạy ba lạy sau đó phân ban.
Người nghinh thỉnh đưa Yết Ma sư trở về liêu, sau đó đi thỉnh Giáo Thọ sư. Cách thức giống như trên, chỉ trong văn bạch sửa đổi chữ Yết Ma thành Giáo Thọ mà thôi.
Giáo Thọ sư nói:
Này các thiện nam tử! Lòng tin là cội nguồn để vào đạo, còn giới chính là gốc rễ để thành tựu thiện nghiệp. Các vị đã bỏ nhà thế tục, cầu thọ tịnh giới, thì cội nguồn có căn cứ, công đức xuất thế tự nhiên phát sanh. Vậy phải dốc lòng siêng năng, cẩn thận trước sau. Đây thật là duyên lành khó hội ngộ, hạt giống lành do đây mà sanh trưởng. Tôi sẽ vì các vị đến phương trượng khải bạch hòa thượng, cầu thỉnh ngài trao cho các vị mười giới Sa di.
(Cách thức hành lễ cũng giống như trên).
3. THỈNH GIỚI SƯ KHAI ĐẠO.
Xét Tát Bà Đa, Tỳ Bà Sa luận chép:
Phàm người muốn thọ giới, trước phải thuyết pháp cho họ nghe, hướng dẫn mở bày cho họ hiểu, chủ yếu là để sách tấn tâm chí, nhằm muốn cho người biết ý chỉ qui về của giới. Nay thì chỉ lấy tướng của y bát mà chung làm việc trao nhận giới thể. Thật gọi là chấp nơi sự mà mê nơi lý, nào không biết việc làm đó cốt yếu là để bền giữ cái tướng y bát mà thôi, còn quan trọng nhất là hiển bày cái diệu dụng của chỉ trì và tác trì. Nếu hay bên trong thì nghiêm tu giới thể, nghiệp nhân ô nhiễm tự nhiên đoạn trừ, bên ngoài thì nhờ y bát oai nghi mới được an tỉnh, rồi sau tánh tướng đầy đủ, trong ngoài in họp, được vậy thì định tuệ và phạm hạnh mới mong vẹn toàn.
Cho nên Đại Luận chép: “Hàng Thích tử thọ cấm giới đó là tánh, cạo tóc, đắp y, cắt rọc đó là tướng”. Chính là ý này vậy. Vì thế, nay ở trước những người chưa thọ giới Sa di, lễ thỉnh hòa thượng khai thị cho họ. Còn nghi chánh thức để thỉnh pháp, lại là ở lúc trao nhận, không ghi chép ở đây.
Thỉnh Hòa thượng thì cần chín người, một người đi đầu cầm hương, Thầy dẫn lễ đánh kiền chùy, hướng dẫn tám người còn lại đi theo sau, hai Thầy lại đi ở cuối cùng. Khi đến phương trượng xong, dẫn lễ và người thỉnh đứng nép sang hai bên, hai Thầy đến trước Hòa thượng đảnh lễ rồi thì cũng đứng ra hai bên hải trái. Người thỉnh bước ra lạy ba lạy, cung nghinh Hòa thượng đến pháp đường thăng tòa, hai Thầy trước hết lạy Hòa thượng ba lạy, sau đó mới trở về chỗ ngồi.
Dẫn lễ nói:
Dâng hương, trở lại vị trí, tất cả cùng nhau xếp hàng, nghe tiếng khánh lạy ba lạy, lạy xong quì gối chắp tay.
Thầy yết ma bảo:
Này các thiện nam! Các vị đã phát lòng tin cầu thọ tịnh giới, nếu như có lời chi thì cử người đứng đầu chí thành tác bạch.
Người đứng đầu bạch rằng:
Ngưỡng bạch Hòa thượng từ bi nhiếp thọ, đệ tử chúng con hình mạo tuy xuất gia đã lâu, nhưng thẹn chưa đượm nhuần giới pháp, luống mang dòng họ Thích, lạm xen vào hàng Tăng bảo. Cho nên nay chí thành quì trước cao tòa, cúi xin thương xót ban cho giới tử chúng con giới phẩm thanh tịnh, để như pháp mà chuyên tinh tu tập, vâng theo lời Phật dạy hành trì, hồi hướng về ba cõi, dốc lòng chí thành tha thiết cầu xin.
Thầy dẫn lễ bảo:
Các vị lạy một lạy.
Hòa thượng vỗ xích nói:
Phàm người tại gia xuất gia, bên trong vốn không có hai lẽ, đắc niệm hay thất niệm, trong ấy chưa mảy may nào loạn động. Thấy nghe hiểu biết đều là pháp thân thanh tịnh, sáng tối sắc không, vốn là cõi mầu viên dung, điều này người người đầy đủ, ai nấy thảy vậy, đã không có sự khác biệt về nhiễm tịnh, thì nào có các tướng thủ xả, tại sao ở trong cảnh không ràng buộc mà lại cầu giải thoát. Bởi do chúng sanh mê chướng, thức tánh mờ tối, đem cái thể mầu nhất chơn, lầm chia ra vóc dáng ta và vật, đem giác tràng bất nhị, vọng kể làm cái nhà của mình người. Do đây mà bị cái dây tham ái buộc ràng, buông thả sân si, chìm đắm trần lao, luân hồi chẳng dứt, từ mê chứa mê, không nghĩ suy phản chiếu, đem khổ để vào khổ, mãi không chán lìa. Cho nên tất cả chư Phật xuất hiện ở thế gian thương xót muôn loài chúng sanh đắm chìm, mới cứu vớt như thế. Phật biết sự tham dục của chúng sanh, phần nhiều có nhân duyên ràng buộc, cho nên chỉ bày, lấy việc xa lìa của đạo để khiến xuất gia, biết chúng sanh bị ràng buộc là do ân ái, cho nên lấy giải thoát của đạo chỉ bày, để khiến xả bỏ ái tình.
Kinh Hoa Nghiêm chép: “Nếu có người không biết phép tắc xuất gia, thì sẽ vui đắm ở trong sanh tử, không cầu giải thoát. Thế nên Bồ tát bỏ quốc gia của cải, xuất gia cầu tịch tĩnh”.
Kinh Bảo Tích chép: “Không có đạo của tại gia tu tập vô thượng chánh giác. Vì cớ sao? Vì tại gia thì tham chứa, xuất gia thì xả bỏ. Tại gia thì còn nhân ngã, xuất gia thì bình đẳng. Tại gia thì trần cấu, xuất gia thì tịch tĩnh. Tại gia thì nhiếp ác, xuất gia thì nhiếp thiện. Tại gia thì chìm đắm nơi bùn dơ ái dục, xuất gia thì dứt hẳn bùn dơ ái dục. Do đó mới biết, muốn cầu thánh đạo trước phải xuất gia”.
Cho nên, đức Thích Ca thế tôn của chúng ta, ứng tích tại Trung Thiên, nửa đêm vượt thành, thúc vó ngựa trắng vượt ngàn không, đến thẳng núi xanh mà cắt tóc, sấm vang dậy tiếng, Thiện Lai trước độ năm người, mưa pháp vừa đượm nhuần, Yết Ma phồn hưng nơi bốn biển, loài người từ đó đến nay đều nhận sự ban ơn ấy.
Này các thiện nam tử! Các vị do trước đã trồng nhân lành nên nay được nhờ ân Phật dạy, lìa dục xuất gia, được thành Tăng tướng, đem hảo tâm đăng đàn thọ cụ. Nếu không biết ý nghĩa của giới là gì, thì chuyện đăng đàn cũng chỉ là cái danh suông mà thôi, chứ không phải là chơn thật thọ giới, sẽ uổng phí một đời, thể chất vẫn là bạch y. Cho nên trước khi thọ giới, tôi chỉ bày cho các vị hiểu giới có bốn tầng ý nghĩa: Giới pháp, giới thể, giới hạnh, giới tướng của Sa di. Khiến cho tâm của các vị hiểu rõ ràng, rồi mới trao nhận như pháp, ngõ hầu hành trì có phương hướng, không trái với luật của Phật dạy.
1.Giới pháp nghĩa là Phật dạy Xá Lợi Phất, ban đầu độ La Hầu La xuất gia, chế ra mười tịnh giới, 24 môn nghi tắc, và trong 12 năm Phật vì các vô sự tỳ kheo rộng chế học xứ, gồm chế tất cả những luật nghi của Sa Di vậy.
2.Giới thể nghĩa là đang lúc các vị thọ giới, do vì hiện tiền ý thức thứ sáu, vận tưởng qui y tam bảo xong, biến tất cả các duyên tình cảnh phi tình cảnh. Ở nơi duyên cảnh trên có công năng phát khởi lời thề muốn ngăn ác, thề muốn có tu thiện vậy. Các vị chẳng nên thích buông thả mà sợ lao nhọc, chán rườm rà mà nghĩ đơn giản.
3.Giới hạnh nghĩa là khi mới vào đạo, ban đầu thì nên sửa sang lễ tiết thờ thầy, kế đến thì chấp lao phục dịch cho Tăng già, nhẫn đến sớm tối động tĩnh, hạnh nghiệp vi tế, đều nương vào giới mà làm, cho nên mới gọi là giới hạnh.
4.Giới tướng nghĩa là các vị chẳng nên để tục đế sanh trưởng, khiến cho hình chất sánh đồng với phàm phu. Nay may mắn được lên giới phẩm, bèn trong thì đầy đủ đức từ hòa, ở ngoài thì mặc y hoại sắc không điều tướng. Lại nữa, khi ở thì đồng với đại chúng, lúc đi thì tất cả chuộng ung dung, đạo nghiệp xuất thế nhân giới mới thành, có chút ít gì sai trái thì gọi là can phạm, cho nên gọi là giới tướng.
Các vị nếu hay tin nghe theo mà suy nghĩ, suy nghĩ rồi thọ trì, vâng theo luật chế, giữ bồi gốc đức. Ngõ hầu trên khế với ý chỉ của Như lai, dùng giới để nhiếp thọ chúng sanh, dưới thì không thẹn cái danh dứt bỏ nhiễm ô, hành từ cứu giúp. Vậy các vị có thể chí thành lãnh thọ như pháp mà vâng làm không?
Cùng đáp: Y giáo phụng hành.
Hòa thượng nói: Các vị đã nói y giáo phụng hành thì ta nay sai các dẫn thỉnh sư vì các vị trước thỉnh giáo thọ A Xà Lê kiểm tra y bát. Kế đến thỉnh yết ma A Xà Lê, để các vị sám hối gột rửa thân tâm. Nếu y bát đúng pháp, thân không có chướng ngại, thì ngày sau đăng đàn trao cho các vị 10 giới Sa Di, để làm cái thềm bậc của giới Tỳ kheo.
Dẫn thỉnh xướng:
Này các thiện nam tử! Các vị cùng đứng dậy, nghe tiếng khánh lạy tạ ba lạy, phân ban, trước hết những người nghinh thỉnh xuất ban đưa hòa thượng trở về phương trượng.
Hai Thầy chuyển xuống dưới lạy ba lạy xong, cùng dẫn đại chúng đưa Hòa thượng trở về phương trượng. Sau đó giới tử lại trở về pháp đường lễ tạ hai Thầy xong, trong chúng cử hai người đưa sư trở về liêu. Kế đến lễ tạ chư dẫn thỉnh sư, đại chúng tuần tự giải tán.
4. NGHIỆM Y BÁT THỨ TƯ.
Nếu luận về cách thức y của Sa di. Xét bộ Tát Bà Đa, Tỳ Ba Sa Luận chép: “Sa di được chứa hai y thượng và hạ, một đảm nhận y An Đà Hội, hai đảm nhận y Uất Đa La Tăng, khiến cho thanh tịnh vào trong chúng và đắp lúc đi lại”.
Lại bộ căn bản chép: “Sa di thọ y man điều, nếu tuổi đủ 20 có thể thọ cận viên, vị thầy mới sắm đưa cho Sa di ba y và bình bát.
Sở dĩ nói chữ đảm nhận là chẳng đồng với tỳ kheo. Y năm điều là một lằn dài một lằn ngắn, y bảy điều là hai lằn dài một lằn ngắn, cắt rọc may thành như bờ ruộng. Ở đây chỉ mượn cái danh năm điều, bảy điều để thọ trì mà may thành, chứ thật ra không dùng tướng của năm điều bảy điều.
Còn nói là “man điều” nghĩa là không có lằn vậy. Đến lúc cận viên, vị thầy mới sắm y cắt rọc thành điều tướng. Ý nghĩa về cách chế thì tụ hội cả luật luận, đại khái là như vậy. Nhưng ngày nay không luận ba loại Sa di, liền cho đắp ba y có tướng phước điền, cũng không biết phát khởi từ lúc nào, thói quen đã lâu chưa thể thay đổi liền.
Từ năm Bính Tuất tôi truyền giới, tạm diễn tỳ ni, đến mùa đông năm Giáp Ngọ mới bắt đầu “trái nay chuộng xưa” tuy cố gắng làm đúng theo luật dạy, nhưng trong khoảng đó vẫn còn dùng phương tiện.
Nếu năm từ 7 tuổi đến 19 tuổi muốn thọ giới Sa di, nhất định phải đắp man y. Như đủ 20 tuổi sắp lên, người quyết chí đăng tam đàn giới pháp, thì chẳng hạn cuộc đơn thuần hành trì pháp của Sa di, chẳng qua chỉ là theo thứ tự dần dần thăng tiến, không vượt qua giai cấp vậy. Cho nên ở trong phạm vi nội giới, tạm thời cho thọ trì hai y có tướng phước điền, nhưng không được đắp Tăng già lê.
Thế nên, ngày nay lúc trao giới cho Sa Di ba y thiếu một cũng không được, đợi sau khi đầy đủ oai nghi mới thỉnh giới, hòa thượng trước bảo thỉnh giáo thọ sư kiểm nghiệm y bát cho rõ ràng. Kế đến khiến thỉnh yết ma sư nghiêm tịnh thân khí. Xét trong luật, lúc thọ tỳ kheo giới, sai giáo thọ sư ở chỗ khuất hỏi: Ba y một bát này là của ông có, đúng không? Đó gọi là nghiệm y bát.
Nay ở trong lúc thọ giới Sa di mà nghiệm ngay điều đó thì dường như hơi quá sớm, nhưng duyên thì chẳng phải thuần cổ, lòng người giả trá ngày càng nhiều, vốn vì mượn y bát đem lại. Hỏi ra thì đáp rằng đã có, nhưng sau khi thọ giới rồi trở về thì đều trả hết cho chủ nhơn, làm rối loạn qui củ của Phật để lại. Nay thánh chúng ở trong đàn giới, nếu không khám nghiệm trước, thì lỗi của hai thầy trò khó mà trốn tránh. Cho nên nay thiết nghi này thật là việc gấp.
Hòa thượng khai đạo xong, nghỉ ngơi giây lát, lại đánh kiền chùy, những người xin thọ giới đem y bát đến chỗ tác pháp. Dẫn lễ bảo đại chúng đứng theo thứ lớp, đem y bát để trên án, nhưng phải nhớ chỗ để khỏi lấy nhầm y, rồi đứng kế đó, chớ để lộn lạo làm mất oai nghi. Hai vị dẫn lễ dẫn năm người đi thỉnh sư, một người cầm lư hương, bốn người còn lại thì theo sau, đến giới tràng lên tòa xong, dẫn lễ bảo:
Dâng hương, trở về vị trí cũ, nghe tiếng khánh lạy ba lạy, quì gối chắp tay, hai vị dẫn lễ tiến đến phía trước vấn tấn xong, sau đó trở lại chỗ cũ chắp tay bảo rằng:
Này các thiện nam tử! Các vị hình dáng tuy giống Sa di nhưng tâm chưa đượm giới pháp, đã cầu luật chương Tức Từ, nên mặc pháp phục xuất thế. Cho nên vâng theo hòa thượng sai bảo, tôi sẽ thỉnh sư kiểm tra y bát cho các vị, nếu tôi có nói ra lời chi, các vị phải lắng nghe cho kỹ.
Sư vỗ xích bảo:
Nói đến lẽ cốt yếu của việc xuất gia thì phải lấy giới hạnh làm đầu, nhân duyên chánh để thọ giới y bát là gốc. Bởi do dáng dấp của đệ tử Phật khác xa trần tục; tâm lượng của đệ tử Phật chẳng giống với phàm tình. Ba y nếu đủ, mới có thể tánh tướng giúp nhau; y bát không lìa, mới đủ ít mưu cầu để làm xong việc đạo. Các vị ngày hôm nay muốn cầu giới phẩm. Nếu không y bát, mà đi mượn của người khác, thì cho dù có thọ giới rồi cũng không đắc giới. Nếu như giới sư biết mà cố trao giới cho các vị, thì việc thọ giới sẽ rơi vào phi pháp. Thế nên tôi kiểm tra kỹ lưỡng, trước khi cho các vị thọ giới. Nếu chánh duyên của các vị được đầy đủ, tướng xuất gia thành tựu, thế mới gọi là như pháp, như luật, như lời Phật dạy, khiến cho các vị đều được giới pháp thanh tịnh. Thế mới thật là đệ tử Phật (vỗ xích một tiếng).
Nay đã có y bát hiện tiền, thế y bát nầy có phải của các vị không?
Chúng đáp: Phải.
Giới sư nói: Đã có thì rất tốt, chỉ e rằng trong đó xen tạp, cố phá ba y, nhẫn đến dùng lụa mỏng, năm sắc chính. Nay tuy chỉ cho Sa di thọ trì hai y, nhưng vì các vị tuổi đã đủ, không bao lâu nữa sẽ lên bảo đàn, cầu mong tròn đầy giới cụ túc. Cho nên cần phải kiểm nghiệm trước, chẳng để đến khi có việc mới lật đật. Lại nữa, nếu bát đã đủ thì nhất định khiến cho họp với cách thức mới được thọ trì. Nếu như mới lìa trần vâng giữ giới pháp, liền đắp ca sa cũ rách, thế thì biết tâm cầu giới thật tha thiết không lường. Nếu mới chán tục bỏ nhà, liền tìm loại lụa mỏng quí, nhất định là còn tâm yêu thích, tập khí chưa trừ. Ngay cả ba y của Đại Ca Diếp còn vá 100 mảnh, Kiều Trần như mặc vải thô năm tiền, đến như ngài Hành Nhạc trọn đời mặc vải thô, ngài Nam Sơn dứt hẳn tơ lụa. Các vị sư Tây thiên Đông Độ, còn sống đời trong sạch tiết kiệm như thế, chúng ta là hạng tầm thường thì không nên kiêu ngạo. Nay tôi rời khỏi chỗ, đi kiểm tra cho rõ y bát của các vị để tiện bạch lên Hòa thượng.
Dẫn lễ nói:
Các thiện nam tử lạy một lạy rồi đứng dậy, mỗi người đến chỗ y bát của mình đợi giới sư đích thân đến để nghiệm cho rõ.
Sư rời khỏi chỗ ngồi, chư vị dẫn lễ đi theo, tất cả đều kiểm tra rõ, giả như y cũ rách, cho đến bằng chất tơ lụa và năm sắc chính, giới sư nên khéo dùng lời dạy bảo khiến họ sanh lòng hoan hỷ, như luật đã dạy rõ. Nếu xuôi theo tình mà trái luật, thì chẳng phải là phép tắc của giới sư, người biết được phép tắc há không cẩn thận ư? Khi kiểm tra xong, giới sư và dẫn lễ đều trở về chỗ.
Giới sư vỗ xích bảo:
Ta vì các vị kiểm tra y bát xong, thật may mắn cho các vị, y bát đã đầy đủ, đúng pháp thì duyên thành, ngõ hầu có thể thọ được tịnh giới. Bây giờ cần phải chí thành sám hối, để tiện cho việc ngày sau lâm đàn lãnh thọ giới pháp.
Dẫn thỉnh bảo:
Các thiện nam tử nên xếp hàng nghe tiếng khánh lạy ba lạy, đứng lên phân ban, những vị trong ban dẫn thỉnh nên đưa giới sư trở về liêu, còn bao nhiêu vẫn đứng nguyên vị trí.
Như pháp thường đưa về xong, để y lại chỗ cũ, tất cả đều lạy tạ dẫn lễ sư một lạy, mọi người nhận lấy y bát của mình, thứ lớp cầm trở về chỗ cũ, dẫn thỉnh đi sau cuối.
Việc kiểm nghiệm y bát nhằm đề phòng những đồ vật phi pháp, nhưng không nhân vì y bát của Tăng qua đời rồi mà thành ngăn vậy. Gần đây ngoa truyền bảo rằng, y bát của Tăng qua đời thì không nên trì đắp, những hạng người nầy đều là chưa học tập tỳ ni, không biết nguyên do.
Xét trong luật về việc Yết ma chia y vật của Tăng qua đời rằng: “Phàm các thầy tỳ kheo, tuy nương vào tam bảo xuất gia, nhưng tài vật nhất định phải theo Tăng mà được. Phật pháp vốn chẳng có phần. Cho nên phải vào trong hai bộ Tăng Yết ma mà phân chia. Nếu trước khi chưa Yết ma mà riêng lấy, thì mắc tội với mười phương Tăng. Nếu ngay trong lúc Yết ma mà riêng lấy, thì mắc tội với hiện tiền Tăng. Nên tập Tăng hòa họp, như pháp bạch nhị Yết ma mà cho”. Vậy ai bảo rằng không được dùng? Nếu bảo y của người đã mất thì không dùng, vậy sao của người mất bỏ ở giữa bãi tha ma. Đức Phật dạy: “Người thực hành hạnh đầu đà nên lượm về giặt sạch chằm vá lại, làm y phấn tảo”. Ý này lại hiểu thế nào? Bởi do ngày nay vật của Tăng qua đời, ít thấy, ít nghe có ai noi theo luật mà Yết ma, để việc đắp dùng được thanh tịnh.
Thời nay thường thấy người làm đệ tư, hễ khi thầy tổ vừa qua đời, để y vật lại thì xem như con kế thừa sự nghiệp của cha, không đem chia cho trong đại chúng, há không biết như thế là trộm vật của Tăng, đem tài sản của Tăng về làm của riêng mình. Thuốc độc nhưng lại cho là cam lộ, thật đáng thương thay, nhân vì ngoa truyền trong đời cho nên chép thêm ở đây.
5. SÁM HỐI PHÁT LỘ:
Tân giới tử phát lộ lỗi lầm, về sự thì có sai khác, xứng lượng nhơn pháp, căn cứ theo nghĩa thì có bốn:
1.Khi mới xuất gia liền cầu thọ giới.
2.Cạo tóc đã lâu, nay mới cầu thọ giới.
3.Xuất gia nhiều năm nhưng chỉ thọ năm giới, nay nghĩ tiến tu, mới cầu thọ cụ giới.
4.Hoặc ở tại gia từng thọ năm giới và thọ Bồ tát Ưu Bà Tắc giới, nay lại xuất gia cầu thọ đại giới, gom cả bốn loại trên đến lúc tác pháp nên phân ba môn, chớ nên qua loa hàng loạt, sẽ rơi vào trường hợp mắc căn bệnh này mà cho loại thuốc kia, nhơn pháp sự cả ba đều bị phi pháp.
– Xét về hạng thứ nhất cầu giới, nếu căn cứ theo “Nam Sơn Yết Ma Thọ Thập Giới Pháp,” nên hỏi già nạn, đây thì chỉ hỏi về năm tội nghịch, đó gọi là giới chướng, hễ có thì liền ngăn đuổi, vì luật chế không cho thọ. Tội căn bổn tứ khí giết hòa thượng, Xà Lê v.v… không cần thiết phải hỏi hết. Vì cớ sao? Vì người kia vừa xuất gia liền xin thọ giới, mà ba thầy đã chưa thỉnh chưa biết, bốn tội trọng cũng chưa thọ trì, thế thì không có thầy để giết, không có giới để phá, chỉ xét về năm tội nghịch chứ, không hỏi bảy tội nghịch.
– Xét về hạng thứ hai xin thọ cụ giới, những điều đã hỏi về giới chướng, tuy không đủ bảy tội nghịch mà căn cứ theo nghĩa thì có sáu tội nghịch. Bởi do lìa tục đã lâu, hầu thầy nhiều năm, theo luật thì nên hỏi thêm một câu là giết A Xà Lê. Hơn nữa, trong luật có năm loại A Xà Lê thì trước hết là thầy cạo tóc, nếu có phạm thì theo pháp là không dung thứ, lý họp với ngăn đuổi.
– Xét về hai loại ba và bốn, cầu xin thọ cụ giới, căn cứ vào các kinh luật, tội nặng thất nghịch, bốn tội căn bổn, theo lý thì nên cật mvấn nghiêm ngặt. Do vì người ấy ở dù xuất gia, tại gia nếu từng lên giới phẩm, thì Hòa thượng, A Xà Lê ai ai đều có, bốn tội căn bổn mỗi việc phải vâng giữ, đã không thuộc hai hạng người trước thì nên xếp riêng thành một loại để xét rõ.
Bốn cách hỏi trước, tuy tuân theo luật chế, nhưng ngày nay thì chẳng phải thời Phật còn tại thế, năm trược giao tranh, hoặc liên can bởi quốc cấm, hoặc gá mượn cửa không. Nếu không hỏi tra xét kỹ lưỡng, sao gọi là nội hộ pháp môn. Cho nên, nay thuật chung khoa này, riêng thêm mười ác để hỏi rõ, phàm giữ chức vụ trọng đại, rất nên cẩn thận.
Còn việc sám hối tác pháp, hoặc trong ngày, hoặc cách đêm, nếu luật đường vắng lặng u tĩnh cách xa quán chợ ồn náo, người cầu giới ít, lại không có những duyên khác, thì ngay trong ngày trước hết là thẫm xét sám hối, sau đó mới truyền thọ giới pháp. Nếu luật đường tuy ở chỗ hẹp hòi, mà người cầu giới thì nhiều, hoặc nhóm cả 1000 người vân tập thỉnh giới, cho đến gấp bội hoặc có nhân duyên tam bảo cùng những việc khác, thì có thể cách đêm sám hối, đến sáng thọ giới. Nếu luật đường kề cận với thôn xóm thành thị, không luận là người cầu giới nhiều ít, thì phải xứng lượng cơ nghi, có thể tùy tiện trong ngày hay cách đêm tác pháp cũng được.
Nếu cách đêm mà thẫm xét sám hối, thì vào đầu hôm chia ra, ở Yết Ma đường trãi một tòa, dùng hương hoa cúng dường, lại ở phía sau tòa chánh, thiết lập một bàn án ở bên cạnh, để thư ký sao chép nhơn sự, nhưng cần phải khiến cho đèn đuốc rực rỡ, sáng suốt như ban ngày, nhang trầm thơm ngát, nghi ngút như tán mây. Nương vào thắng cảnh trang nghiêm nầy, mà khiến cho lòng giới tử kinh sợ, tự nhiên tội lỗi từ trước không dám che giấu nữa, bày tỏ hết tất cả những tội lỗi. Trong lúc tác pháp nếu có bạch y lẫn vào, thì vị dẫn lễ nên dùng phương tiện đuổi ra, nhưng khiến họ sanh lòng hoan hỉ.
Đến giờ đánh kiền chùy, nhóm họp các giới tử, cách thức thỉnh Yết Ma sư giống như thường lệ, sư đến Phật đường lễ Phật xong lên tòa, niêm hương cử bài tán hương.
Dẫn lễ xướng.
Dâng hương.
Vị nghinh thỉnh ra ban, lạy ba lạy, lạy xong trở về chỗ chắp tay. Các vị nghe theo lời tôi, cùng nhau đọc rõ ràng thần chú Đại Bi, nương nhờ năng lực của thần chú này, để đàng tràng trong sạch, xa lìa các ma chướng.
Lúc tụng chú đừng nên nín miệng trộm an, nên biết người người đều có đàn tràng, ai ai đều có ma chướng, nếu không chí thành trì tụng rõ ràng, trái lại tăng thêm tội lỗi, tụng chú xong tiếp đọc:
Nam Mô Cam Lộ Vương Bồ Tát Ma Ha Tát (ba lần).
Dẫn lễ nói.
Các thiện nam tử, cùng một lúc xếp hàng nghe tiếng khánh lạy ba lạy, quì gối chắp tay lắng nghe lời tôi nói, chẳng nên nghĩ ngợi gì khác. Hôm nay Hòa thượng sai chúng ta nghiêm tịnh pháp đường, đốt hương, trải tòa cung thỉnh mỗ giáp… luật sư, để thực hiện xét tội sám hối cho các vị.
A Xà Lê là tiếng Phạn, Trung Hoa gọi là Quỉ phạm, cũng gọi là Chánh hạnh. Quỉ phạm là luôn luôn làm khuôn phép cho hậu học, đúng theo oai nghi phép tắc mà hành. Chánh hạnh nghĩa là hay khiến cho đệ tử làm đúng qui củ, chánh tâm chánh hạnh để đi về nẻo chơn, rửa sạch thể phàm, luyện thành pháp khí, cắt sạch cỏ ái, phát khởi tâm hoa, nhưng tất cả đều nhờ luật sư đúng như trong luật mà khai đạo, nương vào pháp Phật mà sám hối. Nếu không có những vị thầy trừ sạch ba nghiệp, giúp hiển bày chánh nhân, thì do vì thấy biển Phật pháp quá mênh mông mà thối lui. May mắn thay! Nay đã gặp được, giống như bệnh gặp thuốc, thế nên các vị phải chí thành, ân cần bày thỉnh. Lời thỉnh sư thì các vị phải tự bạch, mọi người đều xưng tên mình, còn những lời khác thì nói theo tôi.
Bạch Đại đức một lòng nghĩ, đệ tử chúng con là mỗ giáp… nay thỉnh đại đức làm A Xà Lê xét tội sám hối, cúi xin đại đức vì con làm A Xà Lê xét tội sám hối, con nương theo đại đức được sám hối như pháp. Xin thương xót cho chúng con (Thỉnh ba lần như thế, mỗi lần thỉnh xá một xá).
Sư vỗ xích nói:
Nói về thể tánh thì luôn tròn sáng, vốn không sanh diệt, nhưng vì bị tình trần che lấp, nên mới có thánh phàm riêng biệt. Thế nên, việc gấp là cần phải sớm giác ngộ, tiến tu trong mọi thời khắc, nhưng cửa ban đầu vào đạo cốt là ở chỗ chuyển nhiễm thành tịnh. Nếu chưa dứt nhiễm tâm, thì ác nghiệp theo đó mà sanh, còn định niệm đã hiện tiền, thì phạm hạnh mới lập. Tôi nay lên giới đường, để hướng dẫn cho các vị sám hối ba nghiệp, đây chính là phương pháp chuyển nhiễm thành tịnh. Vì lẽ trong bốn châu thiên hạ thì có sáu đường, nhưng chỉ có nhơn đạo ở cõi Nam Diêm Phù Đề là tối thắng, thể chất gần lên bậc Phật, dễ bề tu tiến. Nay may mắn được dự vào hàng tối thắng, ngõ hầu chứng được ngôi vị cao siêu, nhưng e rằng các vị từ trước đến nay ở trong các cõi, có người làm nghiệp nhân bất thiện sâu dày, làm ngăn chặn đại đạo xuất thế, lại trái với thắng duyên thọ giới, vậy cần phải súc sạch bình lưu ly mới có thể đựng sữa sư tử. Nay thì trước nhà sám hối, như mặt trời sáng rỡ ở giữa hư không, chẳng thể giấu được hình bóng, như đối mặt ngay đài gương sáng, mắt mi sẽ hiện đủ. Các vị mỗi người phải dốc lòng gột rửa, thay cũ đổi mới, nên ở trước tôi trong mọi khoảnh khắc mà chí thành bày tỏ, nếu biết tội thì bỏ đi cái hổ thẹn, còn như im miệng che giấu, thì cho dù có thọ được giới cũng không đắc giới. Do vì nhiễm tịnh xen nhau, tội phước lẫn lộn, ở nơi đạo vô ích, biết theo hướng nào mà chứng đạo. Vì vậy, nói sám hối là việc cốt yếu có đầy đủ sức tin lớn, sanh đại tàm quí.
Kinh Niết Bàn chép: “Có hai pháp bày tỏ hay cứu vớt chúng sanh, một là tàm, hai là quí. Tàm là bên trong, tự hổ thẹn, quí là hướng đến người để phát lồ.”
Kinh Tạp A Hàm chép: “Thế gian không có hai pháp tàm và quí thì trái với đạo thanh tịnh, nhất định sẽ hướng đến con đường sanh lão bệnh tử”.
Thế nên, phải sanh tâm tàm quí, tin sâu nghiệp quả. Các vị nay mới vào cửa giới luật không biết danh tướng, giới chướng. Danh tướng không biết, cùng những điều khác không thắc mắc. Cho nên tôi noi theo kinh luật, phân biệt chỉ bày cho các vị, các vị phải nhất nhất phải nghe và suy nghĩ kỹ, xét biết có không. Giờ đây, các vị theo thứ lớp xếp hàng, như thật mà phát lồ (vỗ xích một tiếng).
Còn nói đến giới chướng tức là các vị từ xưa đến nay, ý căn chấp trì nhớ nghĩ.
Ngũ nghịch thập ác, là tội nghiệp cực trọng (Đây là xét nêu chung về hạng người thứ nhất, văn nghĩa sau đây sẽ giải thích. Chỉ lấy số hiệu hình tròn O dùng nêu chung ở văn này).
Lục nghịch thập ác, là tội nghiệp cực trọng (Đây là xét nêu chung về hạng người thứ hai, văn nghĩa sau sẽ giải thích. Chỉ lấy số hiệu hình tam giác ∆ dùng nêu chung ở văn này.
Thất nghịch thập ác và bốn loại tội trọng căn bản. (Đây là xét nêu chung về hai hạng người ba và bốn, văn nghĩa sau sẽ giải thích, thuận theo văn mà dùng chung, không họp với hiệu số).
Nếu có phạm mỗi một điều thì gọi là giới chướng, đây chính là luật chế cấm ngăn, không cho thọ giới. Dù có nhân duyên cho cứu vớt, nhưng phân cơ giáo để ứng với sám môn. Nếu là người lợi căn thượng trí, thì nhất định phải thâm nhập thiền định, khơi mở cội gốc trí tuệ, quán thân tâm như huyễn, năng sở đều không, rõ biết tự tánh chơn thường, các pháp không thật, một niệm tương ưng, hợp với lý như như, chứng nhập vô sanh. Đây là nhiếp về huệ môn, thuộc về lý sám. Chẳng nên gọi là trần lao tạm hết, rồi liền cho rằng lên trường giải thoát, nghiệp tánh chưa trống, rồi cho là đã vào biển tịch diệt. Nhất định phải lý quán sạch làu, thật chứng vô sanh, mới được tội hoa rụng hết. Nếu người căn cơ bậc trung bậc hạ, phải tuân theo đại thừa Phương Đẳng, huân tu sám pháp, quán tam luân thể vốn là không, dứt sáu trần duyên theo ảnh, đúng hẹn tiến đạo, bảy ngày, mười bốn ngày, cho đến một tháng, một năm, cầu thấy hảo tướng, nếu không thấy hảo tướng, càng thêm khắc khổ, bội phần thành khẩn. Nhẫn đến suốt đời như vậy, tất phải lấy việc thấy hảo tướng làm kỳ hạn, đây là nhiếp về định môn, là thuộc về sự lý sám vậy. Chẳng phải gọi là thân thì lễ bái tâm thì tán loạn, ứng theo sự mà bày danh, đâu thể đem chút ít thiện của vài ngày mà tránh khỏi nghiệp nặng cực ác. Cho nên nói ngũ, lục, thất nghịch nghĩa là không thuận với lý, trái ân, quên đức, lại càng thêm hại, pháp thế gian và xuất thế gian, đều khó mà tránh.
(Văn sau chính là thuận kể ra thất nghịch, nếu xét về ngũ nghịch, lục nghịch, riêng lấy hiệu số hình tròn O, hình tam giác ∆ để họp dùng).
—————————————————————————