Thứ 3, ngày 03 tháng 12 năm 2024
"Mùa báo hiếu ghi công đức mẹ dưỡng cha sinh, Hội Vu Lan nhớ tinh thần thầy tổ truyền dạy" KÍNH MỪNG ĐẠI LỄ VU LAN BÁO HIẾU 2023

Thập Ác

Thập Ác Sách:

THẬP ÁC

          Còn nói mười ác là: Ác tức là không thiện, do chúng sanh mê chơn theo vọng, tình thức so đo, đối cảnh trái nghịch. Lúc động tĩnh đều bị buộc ràng, ở trong ba nghiệp tạo ra mười tội ác, nghiệp nhân sâu dày, thì sẽ chiêu cảm đến quả báo khổ ở mai sau.

          1. Thứ nhất là cái ác của sự sát sanh.

          Sát sanh nghĩa là tự mình sát hại, dạy ngưới khác sát hại, tất cả chúng sanh đều lấy ba thứ thần thức, hơi thở, hơi ấm tức là noãn làm mạng căn. Cả ba thứ này khi chưa tan mất thì mạng căn còn, nếu ba thứ này đã lìa thì mạng căn đoạn. Nếu ở trong chúng sanh đồng loại, hoặc nhân oán thù kết hận để hành việc sát sanh, hoặc đối với  chúng sanh khác loại, hoặc nhân vì tham đắm mùi vị thơm ngon giết ăn để nuôi dưỡng thân mình. Như thế là tổn thương đến lòng từ, tăng trưởng điều sát hại. Nếu cố đoạn mạng sống của chúng sanh, thì chẳng họp với cái đức cứu độ chúng sanh của thánh hiền, có tổn đến lòng nhân đồng thể của mình. Thế nên thứ nhất là cái ác sát sanh.

          2. Thứ hai là cái ác của sự trộm cắp.

          Trộm cắp nghĩa là trộm lấy tài vật của người khác. Bởi lẽ người đời tiền của là nhân duyên để nuôi sanh mạng, gọi là ngoại mạng, nhưng tài vật này có chia ra tại gia và xuất gia bất đồng. Vật ở tại gia hoặc là của cha mẹ tông thân, hoặc là của đàn việt quen biết nhau, cho đến chẳng phải thân thuộc, chẳng phải tri thức… phàm là vật của người khác, thuộc về vật có chủ thì đều không được trộm lấy. Còn vật của người xuất gia là vật của Phật pháp, hoặc là vật của chúng Tăng. Vật của Phật pháp nghĩa là điêu khắc tượng thơm, họa vẽ kim dung, in ấn tạng điển, hoặc viết kinh văn. Trong đó tất cả những vật trang nghiêm thờ cúng. Vật của chúng Tăng, căn cứ theo bộ Nam Sơn Sao phân ra làm bốn loại.

          a.Vật thuộc thường trụ thường trụ: Nghĩa là chùa chiền, nhà kho, nhà bếp của chúng Tăng, tất cả hoa quả, cây cối, vườn rừng, tôi tớ, súc vật… không cho đem sang cương giới khác, chỉ được thọ dụng, không cho chia bán, cho nên nói lặp lại hai lần từ thường trụ thường trụ.

          b.Vật thuộc thập phương thường trụ: Nghĩa là những vật thực cúng Tăng, thể thì thông cả mười phương, tùy thời mà thọ dụng, chỉ hạn cuộc ở chỗ đó.

          c.Vật thuộc hiện tiền Tăng: Nghĩa là vật mà chư Tăng được thí chủ cúng, thì chỉ cúng cho hiện tiền ở trú xứ đó, không thông dụng đến mười phương Tăng.

          d.Vật thuộc mười phương hiện tiền Tăng: Nghĩa là như những vật thường của năm chúng Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Thức xoa ma na, Sa di, Sa di ni… tuy là Tăng ở mười phương, nhưng hễ hiện tiền thì đều có phần. Nếu yết ma chưa xong, người đến sau kể như là không có. Nên biết tài vật của tam bảo đều có ra từ của tín thí, họ cầu phước báu ở mai sau. Cho nên đời nay gieo trồng vào ruộng phước, nhân quả một khi sai lầm thì nghiệp quả trở về thân, huống chi trộm lấy làm của riêng. Thế nên gọi thứ hai là cái ác của việc trộm.

          3. Thứ ba là cái ác của việc dâm.

          Dâm nghĩa là dâm dật, là việc rất bỉ ổi, nham nhở ở thế gian, đây chính là căn bổn luân hồi sanh tử của chúng sanh, hoặc nam nữ trong lục thân và nam nữ chẳng bà con mà làm chuyện bất tịnh, hoặc phá phạm hạnh của người khác. Cho đến làm nhơ nhuốc Tăng già lam, hoặc xâm phạm trinh tiết, hoen ố thanh danh của người khác, do đây mà tự rơi vào địa ngục vô gián, chịu đủ các khổ. Thế nên gọi thứ ba là cái ác của việc dâm.

          4. Thứ tư cái ác của việc vọng ngữ.

          Vọng ngữ nghĩa là ngụy tạo hư ngôn khiến cho người tin tưởng, nhưng vọng ngữ có đại tiểu khác nhau. Đại vọng ngữ nghĩa là chưa đắc đạo nói đã đắc, chưa chúng nói đã chứng, do vì luống tham danh lợi, hiển bày dị tướng để mê hoặc mọi người, cho nên thành đại vọng ngữ vậy. Tiểu vọng ngữ nghĩa là không thấy nói thấy, nghe nói không nghe, không nghe nói nghe. Do vì khinh mạn tập tành giả bộ dối trá, phỉnh gạt người, siễm nịnh không thật. Thế nên gọi cái ác thứ tư là vọng ngữ.

          5. Thứ năm cái ác của việc lưỡng thiệt.

          Lưỡng thiệt nghĩa là tuyên truyền kia đây, tranh đấu thị phi, hoặc nhân hiềm khích mà báo thù, hoặc nhân chướng ngại bởi người khác hơn mình, hoặc làm cho hai bên khiêu khích nhau, sáng thì khen tối thì hại, khiến cho trên dưới đấu tranh nhau, ly gián thân duyên, oán hận mà vu khống tố cáo, đức mình toàn khuyết. Thế cho nên gọi cái ác thứ năm là lưỡng thiệt.

          6. Thứ sáu là cái ác của việc ác khẩu.

          Ác khẩu nghĩa là nói lời thô tục, mạ nhục người khác, hoặc nhân không toại lòng tham muốn, hoặc nhân đùa giỡn sanh nóng giận, mờ tối cang thường, mất hết luân lý, không thuận theo tôn ty, mặc tình mắng nhiếc, khiến người không vui, sướng thích tâm mình. Thế nên gọi cái ác thứ sáu là ác khẩu.

          7. Thứ bảy là cái ác của việc ỷ ngữ.

          Ý ngữ nghĩa là trái ngược với chơn lý, trau chuốc ngôn từ, hoặc khoe khoang tài năng mình, mờ tối theo tình trần hoặc làm bại hoại thanh danh đức hạnh người, khéo nói lời đường mật mê người, khiến người thấy nghe tăng thêm tình thức, buông lung tâm trí. Thế nên gọi cái ác thứ bảy là ỷ ngữ.

          8. Thứ tám là cái ác của việc tham dục.

          Tham dục nghĩa là ái nhiễm vừa ý, nhớ hoài không thôi, tại gia thì do công danh phú quí, xuất gia thì do lợi dưỡng tiếng tăm, tự cam chịu sống đời tà mạng, ở trong tình cảnh thuận thì tham lấy không biết đủ, còn nghe đến việc ban ân cứu giúp thì bỏn xẻn từng li từng tí, thấy dục lạc thì dính khắn như keo sơn, truy cầu các thứ, không sợ nghiệp khổ. Thế nên gọi cái ác thứ tám là tham dục.

          9. Thứ chín là cái ác của việc sân khuể.

          Sân khuể tức là việc làm cùng với lòng trái nhau, buông lung tánh ác, hoặc nhân ở trong cảnh tại gia danh lợi tài sản cầu mãi không toại ý, khởi các giận bực, còn trong cảnh xuất gia thì nhơn duyên tứ sự, mong muốn không vừa ý liền dấy tâm sân. Kinh chép: “Bồ tát khởi một tâm niệm sân, liền mở ra trăm ngàn vạn cửa chướng”. Thế nên gọi cái ác thứ chín là sân khuể.

          10. Thứ mười là cái ác của việc tà kiến.

          Tà kiến nghĩa là ngu si không có chánh tuệ, tri kiến nhiều thiên lệch. Do vì không rõ được, pháp tứ đế khổ tập diệt đạo, mà vọng kiến kể chấp vào “hữu vô đoạn thường”, bát bỏ nhân quả không có tịnh nhiễm, hủy diệt căn  lành xuất thế, thiêu đốt lòng tin, tà tâm xí thạnh, như Thiên chủ Bạch liên Trung Hoa, chỉ quán vô vi, ngửi mùi hương… các giáo phái tự mê rồi làm mê người, đều sa hầm hố, sống thì bị hoa báo vương pháp gia hình, chết thì bị quả báo luân hồi nơi địa ngục, dù có ngàn Đức Phật ra đời cũng không cho sám hối. Thế cho nên gọi cái ác thứ mười là tà kiến. Đây chính là danh nghĩa của mười điều ác.

          Nếu xét về hai hạng cầu giới thứ nhất và hai thì không cần phải hỏi qua bốn tội căn bổn, mà trực tiếp văn sau hỏi rằng: “Thiện nam tử, nay đã nghe đầy đủ những lời tôi nói…. Nếu xét về hai hạng người cầu giới thứ ba và thứ tư thì nên hỏi bốn tội căn bổn”.

          Hòa thượng vỗ xích nói.

          Nói về bốn tội căn bổn, tức là các vị hoặc khi còn ở tại gia từng thọ năm giới Ưu bà tắc và sáu giới trọng, 28 giới khinh, hoặc sau khi xuất gia từng thọ năm chi tịnh giới, nhưng trong đó bốn loại cấm giới ban đầu: sát, đạo, dâm và đại vọng ngữ, cho đến mười giới sa di, tỳ kheo cụ túc giới, ba tụ đại giới căn bổn của Bồ tát. Nếu sau khi thọ rồi không bền lòng giữ gìn, tùy theo phạm mỗi một giới thì không được thọ lại mười giới, cụ túc giới, và đại giới Bồ tát. Nhưng tội sát đạo dâm vọng nầy so với tội sát đạo dâm vọng trong mười tội ác trước thì khổ báo càng nặng hơn, do vì phá tịnh giới của Phật.

          Hòa thượng vỗ thủ xích nói.

          Này các thiện nam tử! Các vị đều đã nghe xong lời tôi nói, ai nấy nên biết rõ, như trong các điều ác trên tùy theo phạm một điều nào, thì phải hướng đến tôi dốc lòng sám hối tỏ bày, mảy may không được che giấu. Nếu như có chút tỳ vết thì chính là giới chướng, ví như chiếc áo cũ đã giặt sạch, thì điều tất yếu bản thể đã sạch sẽ, khi chất bẩn dơ đã tẩy hết, thì mới có thể nhuộm được sắc mới. Tôi nay hỏi các vị, các vị nên xếp hàng theo thứ lớp, tất cả một lòng chân thật mà đáp.

          Vỗ xích một tiếng.

          Dẫn lễ nói:

          Này các thiện nam tử! Các vị cùng nhau đứng dậy nghe tiếng khánh lạy ba lạy, lạy xong chia ra hai bên.

          Nếu chúng đông thì sai ba người phát lộ một lần, ít thì một người, cứ thứ lớp như thế mà phát lộ.

          Nói đến giới sư thì chớ để ngồi lâu sanh mệt, nhưng phải làm đúng theo việc, chớ nên giản lược qua loa, nhất định dạy người cũng không mệt, lòng thương yêu ân cần dạy dỗ. Còn phàm làm dẫn lễ một khi  đã phát tâm phụ giúp vào pháp môn, thì nên phục vụ mọi người như phục vụ chính mình, cũng chớ từ lao nhọc, cả đại chúng phân lập xong, trước hết là hàng đứng đầu  ba người hướng đến sư sám hối.

          Dẫn lễ bảo:

          Này các thiện nam tử! Các vị nghe tiếng khánh lạy ba lạy, nếu chúng nhiều thì một lạy cũng được, lạy xong quỳ gối chắp tay.

          Giờ này các vị nên lắng trong ba nghiệp, chí thành theo lời tôi mà xưng niệm:

          Nam mô Thập Phương Thường trụ Tam bảo (3 lần).

          Mọi người đều xưng pháp danh mình….

          Nói xong, sư vỗ xích bảo:

          Này các thiện nam tử! Trước hết tôi hỏi các vị về ngũ nghịch giới chướng, kế đến là hỏi về thập ác trọng nghiệp (xét hỏi lần thứ nhất là như thế).

          Lục nghịch giới chướng, kế đến hỏi các vị về thập ác trọng nghiệp (xét hỏi lần thứ hai là như thế).

          Thất nghịch giới chướng, kế đến hỏi các vị về thập ác trọng nghiệp và bốn  tội nặng căn bản (xét lần thứ ba, thứ tư hai cách hỏi như thế).

    Văn sau nêu chung về thất nghịch, nếu xét ngũ nghịch, lục nghịch thì căn cứ vào dấu hiệu O hoặc ∆.

          O  Trong ngũ nghịch thì tội làm thân Phật ra máu đứng thứ năm.

          ∆  Trong lục nghịch thì tội làm thân Phật ra máu đứng thứ nhất.

          Hòa thượng vỗ xích nói.

          1/ Các vị có từng làm thân Phật ra máu không? (Có thì nói có, không thì nói không, người bên cạnh không được nhắc, hoặc dạy bảo đáp có hay không, vì e rằng đến lúc hỏi không biết. Thế nên từ trước đến giờ đã chỉ bày cặn kẽ mọi điều, giờ đây mỗi người phải tự nói, không được dạy đáp, những điều sau này cũng đồng như thế).

          Này các thiện nam tử! Nên biết Đức thích Ca Như Lai, thời chánh pháp 1000 năm đã qua, thời tượng pháp 1000 năm cũng qua. Đây chính là một vạn năm thời  mạt pháp, nhưng lại qua hơn 600 năm rồi. Tuy bây giờ không còn có Phật ở đời để làm thân Ngài ra máu, nhưng có thánh dung họa vẽ đúc tạc, cho đến tháp miếu thờ Xá lợi Phật, đại thừa thật tướng Bát Nhã, kinh văn liễu nghĩa viên đốn, từng đem tâm sân ác mà hủy hoại, thì tội ác cũng giống như thế, vậy các vị từng có làm không?

          (Có không nên sự thật mà đáp).

          O Trong ngũ nghịch thì tội giết cha là thứ nhất, giết mẹ là thứ hai.

          ∆ Trong lục nghịch thì giết cha đứng thứ hai, giết mẹ đứng thứ ba)

          2/ Các vị có từng giết cha không? (Nên sự thật mà đáp như trước).

          3/ Các vị có từng giết mẹ không? (Nên sự thật mà đáp như trước).

          Con người ta có ba cha tám mẹ, nhưng nhất định là cha mẹ sanh mình ra, mới gọi là nghịch tội. Ngoài ra tuy chẳng thuộc về tội nghịch, nhưng cũng nhiếp ở trong điều hỏi cái ác của việc giết hại.

          4/ Các vị có từng giết hòa thượng không? (Nên thật lòng mà đáp như trước, đây là hỏi chỉ nhiếp về thất nghịch, còn ngũ nghịch lục nghịch thì không).

          ∆ Trong lục nghịch giết A xà lê ở hàng thứ tư.

          5/ Các vị  có từng giết A xà lê không? (nên sự thật mà đáp như trước).

          Trong điều này như năm loại A xà lê đã nói rõ như trước. Lại có năm giới A xà lê, như lúc còn tại gia, từng thọ tám phần trai giới thì có tám giới A xà lê, tùy theo đã từng thọ những giới nào thì hỏi những bậc A xà lê nào.

          O  Trong ngũ nghịch thì phá Yết ma, chuyển pháp luân Tăng thuộc hàng thứ tư.

           ∆  Trong lục nghịch phá Yết ma, chuyển pháp luân Tăng ở hàng thứ năm.

          6/ Các vị có từng phá chuyển pháp luân Tăng không? (nên sự thật mà đáp như trước).

          Trong câu hỏi này có hai loại:

          Là phá Tăng luân.

          Là phá Yết ma Tăng.

          Có chỗ thì cho rằng phá hòa họp Tăng. Nói hòa họp Tăng chính là tổng nhiếp cả hai loại, do vì phá thì không hòa, hòa thì không phá, nay nói phá nghĩa là trái với đạo lục hòa. Phật dạy phá hòa họp Tăng có hai:

          Vọng ngữ.

          Tương tợ ngữ.

          Hoặc yết ma, hoặc hành trù (đếm thẻ).. Nếu phá Tăng luân ít nhất là chín người, một người tự xưng là Phật, nhất định phải là người nam mới được, dù trong cương giới, hay ngoài cương giới đều có thể phá hoại. Còn chỗ phá đó là tục đế Tăng, hạn cuộc ở Nam Diêm Phù Đề, phạm tội nghịch Thâu lan giá không thể sám. Nếu phá Yết ma Tăng ít nhất là tám người, không cần phải có người tự xưng làm Phật, người nữ cũng có thể, nhưng cần ở trong cương giới riêng làm yết ma Bố tát. Còn chỗ phá đó, cũng gọi là phá Tăng đệ nhất nghĩa đế, thông cả ba châu thiên hạ, phạm phi tôi nghịch Thâu lan giá, có thể sám hối. Nói rằng phá Tăng luân, cũng là việc làm của Đề Bà Đạt Đa, nay không có tội này. Còn phá Yết Ma Tăng là việc có vậy.

          O  Trong ngũ nghịch tội, thì giết A la hán ở hàng thứ ba.

          ∆  Trong lục nghịch tội, thì giết A la hán ở thứ sáu.

          7/ Các vị có từng giết A la hán không? (nên thật tâm mà đáp như trước).

          Nếu ngũ nghịch, lục nghịch, thất nghịch đã không, lại còn có mười ác.

          Bây giờ tôi sẽ hỏi các vị.

          Giới sư vỗ xích bảo.

          1. Các vị có từng giết hại sanh mạng đồng loại nam nữ không?

          2. Các vị có từng giết hại tất cả sanh mạng dị loại súc sanh không? (thật tâm mà đáp như trước).

          Xét về giới này, nếu lúc ở tại gia, từng đoạn mạng người có làm những chuyện quốc cấm, những chuyện nặng có liên lụy đến pháp môn nên phải ngăn, nhưng trong câu hỏi này cần phải nghiên cứu kỹ, chớ làm sơ lược qua loa. Giới sau là tội ác nặng nề của việc trộm, do loại này nếu đoạn sanh mạng của súc sanh cần phải ân cần tha thiết sám hối, không thuộc về loại chướng ngại. Nếu xuất gia rồi, tuy chưa thọ giới, nhưng ở nơi việc sát sanh nhất định không được làm. Nếu đoạn mạng người, nhất định phải ngăn và diệt tẩn. Còn đoạn mạng của súc sanh thì phải sám hối, nếu ở tại gia, xuất gia sau khi thọ giới, hễ có phạm điều này thì nhiếp trong bốn tội căn bản, phân biệt khinh trọng. Hỏi: việc khinh trọng của tội sát sanh đã nhiếp về trong bốn tội căn bản này, thì sao phải phiền phức phân biệt phán xét? Đáp: Vì để thành đủ mười điều ác, nhằm để không loạn pháp số. Nếu nhiếp chung về câu hỏi trong 4 tội căn bản, thì pháp số 10 ác đã khuyết, còn người chưa thọ giới lại có điều gì để hỏi họ.

          2/ Các vị có từng trộm lấy tất cả những phẩm vật có chủ của người thế tục không? (Có hay không thì nên như thật mà đáp).

          Các vị có từng trộm tài vật của tam bảo Phật Pháp Tăng không? (Có hay không thì nên như thật mà đáp).

          Xét trong đây, nếu chưa xuất gia cũng như bọn cướp trộm những trọng vật của quan dân, thì quốc pháp khó dung tha, Phật luật cũng không thu nhận. Nếu trộm lấy vật của tam bảo, thì căn cứ vào bảy loại giới chướng trong kinh Thiện Sanh, còn trộm hiện tiền Tăng vật cũng nên ngăn. Nếu xuất gia rồi lúc mà chưa thọ giới, trộm lấy vật trọng có chủ và tất cả những vật của tam bảo, là do không sợ pháp vua, không tin nhân quả, không sợ đọa địa ngục, chẳng phải là đạo khí chân thật, thì cũng nên ngăn. Nếu ở tại gia, xuất gia, sau khi thọ giới có việc này thì nhiếp sau bốn tội căn bản.

          3/ Các vị có từng ở trong lục thân nam nữ mà hành dâm không? (Có hay không thì nên như thật mà đáp).

          Các vị có từng phá phạm hạnh của người khác, làm ô uế Tăng già lam thanh tịnh không? (Có hay không thì nên như thật mà đáp).

          Xét trong đây nếu lúc chưa xuất gia, thì hành dâm trong lục thân của cha: Bác, chú, anh, em, con, cháu. Lục thân của mẹ: Cô, dì, chị, em, con gái, cháu gái, hoặc phá tịnh hạnh của tỳ kheo ni giới, hai điều này căn cứ vào trong kinh Thiện Sanh. Trong bảy loại giới chướng, ở trong lục thân mà hành dâm, làm nhiễm ô tỳ kheo ni thì phải nên ngăn. Nếu xuất gia rồi tuy chưa thọ giới, thì việc này không được làm, từ lục thân cho đến chẳng phải lục thân, tất cả nam nữ hễ làm việc bất tịnh này, cho đến làm ô uế Tăng già lam thì cũng nên ngăn. Nếu ở tại gia, xuất gia, sau khi thọ giới có thực hiện việc bất tịnh này, thì đều nhiếp vào sau bốn tội căn bản.

          4/ Các vị có từng nói dối tự xưng là đã được thiền được định, được thần thông không? (Có hay không thì nên như thật mà đáp).

             Ngươi sau khi xuất gia cùng ở trong Tăng, tự thân vốn chưa thọ đại giới, dối trá xưng là tỳ kheo, rồi cùng với chúng Tăng ở một chỗ đồng Bố Tát, đồng Yết Ma, đồng lợi dưỡng, nhận người cung kính lễ bái, có phạm những việc như thế không? (Có hay không thì nên như thật mà đáp).

          Xét trong đây, nếu lúc chưa xuất gia, dối nói là ngộ đạo, lừa gạt hiền thánh, xem thường pháp sa môn. Nay tuy xuất gia, chẳng phải là pháp khí chơn thật, cũng khó thọ giới, theo lý nên ngăn. Nếu đã xuất gia, chưa đượm thấm giới phẩm, mà dối xưng là tỳ kheo, cùng chúng Bố Tát, Yết Ma, thọ nhận lợi dưỡng, chưa từng ngộ đạo, dối gạt tất cả, trường hợp nầy cũng phải nên ngăn và diệt tẩn. Nếu đối với người xuất gia sau khi thọ giới, phạm việc này thì nhiếp ở sau cùng trong bốn pháp căn bản.

          5/ Các vị từng tuyên truyền thị phi, khiêu khích kia đây, ly gián ân ái, làm tổn hại sản nghiệp người, khiến người sầu khổ, không được an lạc không? (Có hay không thì nên như thật mà đáp).

        Các vị sau khi cạo tóc, ở chung trong chúng, từng làm cho hai bên đấu tranh, khiến trên dưới bất hòa? (Có hay không thì nên như thật mà đáp).

          Xét trong đây, nếu lúc tại gia từng nói lời đấu cấu ly gián, có liên can sanh mạng con người, khiến họ oán hận trọn đời, mang mãi trong lòng không thể buông thả, vì vậy phải nên ngăn. Nếu hay sửa lỗi biết quấy, sanh đại tàm quí, khổ não ai cầu khẩn thiết, cũng có thể cho thọ. Nếu xuất gia rồi, không luận là hướng đến đạo tục, tạo ra nghiệp lưỡng thiệt, khiến cho người khác bất hòa, có liên can đến gia đình thân thế thì cũng nên ngăn. Cần phải chí thành khiển trách, bỏ đi những thói ác, không làm lại nữa thì mới có thể cho thọ.

          6/ Các vị có từng ngỗ nghịch khi mạn tất cả, hủy báng trên dưới, nói lời thô ác, khiến người chịu nhục, phiền não bất an không? (Có hay không thì nên như thật mà đáp).

          Xét trong đây không luận là ở tại gia xuất gia, phàm hễ gây ra nghiệp ác khẩu này, thì nên dùng phương tiện mở bày dẫn dắt, tha thiết khuyên bảo, khiến cho họ biết mà sửa đổi lỗi lầm, thường khởi lòng từ nhẫn, không gây ra nghiệp ác khẩu nữa, như vậy mới cho thọ giới.

          7/ Các vị có từng giả trá ngôn từ, khéo dùng văn tự, trái nghịch chơn lý, đem người không có đức, tâng bốc cho có đức; còn đối với người có đức, chê gièm không có đức, làm mê hoặc người khác, khiến họ mất chánh trí, tăng trưởng tà kiến không? (Có hay không thì nên như thật mà đáp).

          Xét trong đây không luận là ở tại gia xuất gia, thọ giới cùng chưa thọ giới, từng làm những điều thất âm đức, mất nhân luân này, liên can đến quốc gia chính trị, có ngăn ngại đến pháp môn, thì không được thọ giới. Do vì giữ gìn để khỏi bị thế đế chê trách, bảo toàn tôn đức của Tăng đoàn, nếu hay thề nguyện không làm, khổ tâm tiến đạo thì có thể cho thọ giới.

          8/ Các vị có từng thuận theo tình cảnh đam mê các thứ dục lạc tâm không chán bỏ, chỉ ham muốn được cho mình, không đoái hoài đến việc tổn người, không ban  ân cứu giúp chút nào, làm tan mất lòng từ, cho đến không cung phụng cha mẹ, sư trưởng, quyến thuộc kẻ trên người dưới? (Có hay không thì nên như thật mà đáp).

          Xét trong đây, người xuất gia nhất định trước hết nên làm trống không những vật đã có, bặt dứt phan duyên, nếu như tham cầu không chán, chẳng biết đầy đủ, thì bị trần lụy ràng buộc, bặt dứt đường đạo. Nhưng nay thời pháp mạt, Tăng sĩ đa phần giống thế tục, phận mình không xong, mà lại chìm đắm nơi duyên đời. Cho nên trước khiến cho hổ thẹn biết đủ, rồi sau có thể bảo trì giới pháp. Vả lại giới là cội gốc của chánh thuận giải thoát, giả như ở trong các cảnh chưa được giải thoát, thì bạch nghiệp sẽ đi về đâu. Cho nên không thể cho thọ giới một cách dễ dàng, mà phải khiến rửa sạch tâm trước, nhằm để gieo trồng giống đạo.

          9/ Ngươi đã từng ở trong những tình cảnh trái ý khời tâm giận hờn, sân não tự thân và người khác, nguyền rủa thần minh, oán hờn thiên địa, mắng nhiếc cha mẹ sư trưởng không? (Có hay không thì nên như thật mà đáp).

          Xét trong đây, phàm người xuất gia, nhất định phải nhiếp giữ tự tâm, tu nhiều về hạnh nhẫn nhục, dù gặp trái tình cảnh cũng nên tự điều phục. Khi có nghịch cảnh hiện tiền, liền buông thả tâm ý, để cho lửa sân hận bốc cháy, hoặc nguyền rủa thần minh, hoặc oán hờn thiên địa, cho đến mắng nhiếc cha mẹ sư trưởng. Người trong tục đế, còn phạm cấm hình, còn phận làm người xuất gia tu tập, đâu được dung tha. Đây là việc không biết sân não, cho nên cần phải xét hỏi kỹ càng.

          10/ Các vị có từng thân cận thầy tà, theo học tập tà giáo, đọc quyển xướng kệ, coi tay bói toán,  lầm giải đế lý, mù mờ dẫn dắt mọi người, tự xưng làm thầy bảo họ làm đệ tử, tự giam hãm rồi giam hãm người không? (Có hay không thì nên như thật mà đáp).

        Xét trong đây, phàm là người xuất gia trước phải rõ bốn đế bốn quả, sau nương vào bát thánh đạo tu hành, mới có thể xa lìa pháp tà hư ngụy, nếu tà kiến không bỏ, tịnh giới khó thọ, cho dù có thọ giới rồi, e rằng trở thành phá nội ngoại đạo, cho nên lúc trước khi chưa thọ đại giới, lại nên xét kỷ. Hoặc có người dùng  kìm kẹp tinh tấn, nhổ dứt tà căn, khiến cho kiên trì chánh tín, rồi sau mới cho trao nhận. Còn như do dự, sức tin không kiên định, vẫn phải can ngăn, nhằm để bảo trọng pháp môn, nên chọn lựa chánh tín. Gần đây kẻ ngu tà thạnh hành, rất nên nghiêm xét.

          Thiện nam tử! Các vị thất nghịch thập ác đã không, còn bốn tội căn bản cầm phải hỏi.

          Nếu xét về hai loại ba và bốn, thì mới hỏi tội căn bản, như văn sau sẽ trình bày rõ. Nếu xét về hai loại một và hai, thì không hẳn dùng ở đây, nhẫn đến bốn giới sát đạo dâm vọng ở văn sau, liền kết rằng:

         Thiện nam tử! Trước giờ đã hỏi thập ác giới chướng, các vị đã không phạm thì gọi là pháp khí thanh tịnh. Giờ nầy các vị nên đứng dậy mà làm lễ.

          (Dẫn lễ bảo lạy một lạy rồi lui ra, lại gọi hàng thứ hai vào)

          1. Các vị có phạm giới sát không?

          (Có hay không thì nên như thật mà đáp).

          Trong đây nếu đoạn sanh mạng đồng loại gọi là phá căn bản, không cho thọ lại. Nếu giết mà mạng không chết thì căn cứ theo luật mà trị, không gọi là phá căn bản tội. Nếu đoạn mạng loài khác, thì bảo sám hối tội Đột Kiết La. Nếu đoạn mà chưa chết, thì cũng mắc tội Đột Kiết La. Nếu tâm không cố ý giết mà trong khi sử dụng máy móc vô ý làm tổn thương, nên sám hối tội Đột Kiết La trách tâm, nhưng về sau phải cẩn thận chớ để việc dáng tiếc xảy ra nữa. Nếu lúc tại gia, thọ 6 giới trọng 38 giới khinh Ưu Bà Tắc,  không luận là đồng loại hay chẳng phải đồng loại, hễ khởi tâm sân ác đoạn mạng sống của chúng thì đều gọi là phá căn bản, rộng như trong quyển Đại Thừa Thập Nhị Môn Phân Biệt Quyền Nghĩa có chép rõ.

          2. Các vị có phạm giới trộm  không?

          (Có hay không thì nên như thật mà đáp).

          Trong đây nếu trộm 5 tiền, gọi là phá căn bản, không cho thọ lại, nếu ít hơn năm tiền cho đến một tiền phải bảo sám hối tội Đột Kiết La. Nếu trộm hơn năm tiền, thì xét theo số tiền mà định tội, đều không cho sám hối, rộng như trong quyển Đại Thừa Thập Nhị Môn Phân Biệt Quyền Nghĩa có chép rõ.

          3. Các vị có phạm giới dâm không?

          (Có hay không thì nên như thật mà đáp).

          Trong giới nầy, năm chúng xuất gia, đoạn hẳn dâm dục, còn hai chúng tại gia chỉ đoạn tà dâm, đối với thê thiếp mình, lại ngăn ở chỗ phi thời, phi xứ, phi thời là hoặc trong ban ngày, hoặc 6 ngày trai. Bát vương, 3 tháng trai trong năm, hoặc vợ mình có mang, sau khi sinh sản … phi xứ là trừ miệng, đường đại tiểu tiện ra. Nếu kiến cơ thì khai cho, nhưng chỉ đối với hàng Bồ Tát tại gia, xuất gia quyết không cho. Hễ 7 chúng thọ giới, làm hạnh bất tịnh này đều gọi là phá căn bản, hoặc không có tâm hỉ lạc, làm mà không thành, thì căn cứ cứ theo luật mà trị không gọi là phá căn bản, rộng như trong quyển Đại Thừa Thập Nhị Môn Phân Biệt Quyền Nghĩa có chép rõ.

          4. Các vị có phạm giới vọng ngữ không?

          (Có hay không thì nên như thật mà đáp).

          Trong giới nầy nếu tự nói ta được Pháp thượng nhơn, được thiền, được định, được quả chứng, thiên long bát bộ đều đến cúng dường. Nếu nói ở trước mặt người khác mà họ lãnh hội rõ ràng thì gọi là phá căn bản. Nếu nói mà không rõ ràng thì có khai cho, rộng như trong quyển Đại Thừa Thập Nhị Môn Phân Biệt Quyền Nghĩa có chép rõ.

          Thiện nam tử, trước giờ tôi đã hỏi về mười ác giới chướng, và bốn tội căn bản các vị đã không phạm. Thì gọi là tịnh khí, nên đứng dậy lui ra.

           Dẫn lễ bảo:

          Tất cả đứng dậy, nghe tiếng khánh lạy 3 lạy, nếu chúng đông thì lạy 1 lạy cũng được, ra khỏi đường lên chánh điện lễ Phật, đợi đánh kiền chùy đại chúng vào trong giới đường sám hối hồi hướng, mọi người làm lễ lui ra xong, lại bảo:

          Hàng thứ hai ra chúng phát lộ sám hối.

          Như thế có bao nhiêu hàng cứ theo thứ tự kiểm tra xong, đánh kiền chùy 3 tiếng, những người cầu giới từ từ tiến vào giới đường sắp xếp theo thứ tự như trên.

          Dẫn lễ nói: 

          – Tất cả đều ra trước xếp hàng, nghe tiếng khánh lạy 3 lạy, quỳ gối chắp tay.

          Sư vỗ xích nói:

          Thiện nam tử! Lúc các vị  ở trước tôi, mỗi người đều bày tỏ lỗi lầm của mình, nên tư duy sám hối, trong giới đường trên đất già lam, tam bảo quang lâm, vạn thần thủ hộ, ngũ nhãn đều thấy lục thông đều biết và như có các lỗi lầm khác chưa gột trừ, không ngăn mở bày lòng dạ hướng đến tôi mà nói lại, giống như chuyện giặt y cũ, tuy bỏ vết dơ, nhưng cần phải giặt đi giặt lại, mới có thể dễ dàng thọ y nhiễm sắc. Thế nên bây giờ tôi lại hỏi, các vị lại đáp, giả như không có phạm, thì đáng gọi là pháp khí trong sạch chơn thật, nếu có thì mà bước lên giới phẩm.

          Vỗ xích 1 tiếng

          Các vị đã nói  tội ra hết chưa.

          (Có không nên thật tình mà trả lời)

          Trong đây có người hoặc trước quên sau nhớ, đáp rằng chưa nói xong. Giới sư vỗ xích hỏi: Các vị  có việc gì chưa từng nói ra không? Giờ đây ở trước tôi mà nói sự thật. Căn cứ vào 3 khoa: ngũ nghịch, lục nghịch, thất nghịch, nên xét hỏi kỹ càng, để định cho biết khinh trọng.

          Thư ký ghi chép tên người, tội danh đã phạm, sau đó rời khỏi vị trí đến trước chỗ sư xá một xá rồi trình lên sự việc, nếu nhẹ thì ngay nơi tòa suy lường mà trừ bỏ, còn nặng thì trình lên Hòa thượng, hoặc tùy theo căn cơ mà cứu giúp. Căn cứ theo cách tác pháp của Đại Thừa Phương Đẳng mà quyết định chứ chưa thể biết trước được.

          Thiện nam tử, các vị tuy đã phát lồ xong, nhưng chỉ là những việc làm ở hiện đời. Tuy nhiên, từ vô thỉ đến nay, lúc chưa biết Phật, chưa nghe Pháp, chưa gặp Tăng, thọ vô lượng thân hình, tạo vô lượng tội nghiệp, hình thức mê mờ, không biết không hay. Chỉ có Chư Phật Bồ Tát, mới thấy biết rõ hết, bao nhiêu tội ác, hoặc nặng hoặc nhẹ. Ngày nay hướng đến 10 Phương Tam Bảo, khát ngưỡng kiều cần, chí tâm tác quán nói theo tôi, dốc lòng sám hối, mỗi người đều xưng pháp danh.

          Đại chúng xưng pháp danh xong. Sư cử bài kệ:

 (Chúng hòa đảnh lễ)

Con xưa đã tạo bao ác nghiệp

Đều bởi vô thỉ tham sân si

Từ thân miệng ý mà sanh ra

Nay đối trước Phật xin sám hối.

Con xưa đã tạo bao ác nghiệp

Đều bởi vô thỉ tham sân si

Từ thân miệng ý mà sanh ra

Tất cả tội chướng đều sám hối.

Con xưa đã tạo bao ác nghiệp

Đều bởi vô thỉ tham sân si

Từ thân miệng ý mà sanh ra

Tất cả tội căn đều sám hối.

           Khi thọ các giới của Phật thường thông dụng bốn câu kệ này, sám hội tội khiên từ vô thỉ, chẳng phải đơn cử hòa theo mà thôi, phàm làm Thầy, nên khởi lòng đại bi, nhổ bật hết nỗi khổ tâm. Người cầu sám hối nhất định đầy đủ lòng tin sâu xa, ý niệm tàm quý. Cất lên một tiếng nầy, âm thanh thấu suốt đến khắp hằng sa cõi nước của chư Phật. Vận một niệm nầy, thân hình biến khắp tòa Chư Phật. Tuy nhiên thân ta chẳng đi qua, Chư Phật cũng không từng đến, cảm ứng đạo giao, năng sở đều vắng lặng.

          Lại nguyện đem công đức sám hối này, hồi hướng cùng khắp tất cả chúng sanh trong pháp giới, nghiệp chướng tiêu trừ, mau thoát biển khổ trầm mê, cử hòa như thế mới gọi là hạnh nguyện sám hối chân Thật của Phổ Hiền vậy.

Sám hối công đức thù thắng hạnh

Vô biên thắng phước giai hồi hướng

Phổ nguyện trầm nịch chư hữu tình

Tốc vãng vô lượng quang Phật sát

Thập phương tam thế nhất thiết Phật

Nhất thiết Bồ Tát Ma Ha Tát

Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật

          Trước giờ sám hối đã xong, mỗi người nên định tĩnh tâm tư lự, sám sửa y bát và những điều nên học trong luật, tất cả kinh sách phải nên tìm hỏi, cung kính đợi Hòa thượng, sớm mai thăng tòa, xin thọ 10 giới Sa di. Vậy các vị có thể y giáo phụng hành không?

          Đáp: Y giáo phụng hành.

          Trong khi xét hỏi nếu không có người phạm tội trọng có thể ngăn, thì như thường lệ mà xuống tòa. Nếu có can phạm tội trọng có thể ngăn, thì sư nên đối với đại chúng nói rằng:

          Nay ở trong chúng mỗ giáp… đây có phạm trọng có thể ngăn, tội chướng cực trọng này, trong luật Phật chế phải nghiêm cấm, tôi đây không dám tự quyết. Sớm mai trình bạch Hòa thượng, hội đồng Thượng tòa ư Tăng, nếu có thể đề bạc, thì căn cứ theo giáo ứng cơ, hòa thượng tự có phương tiện. Nếu không kham đề bạt thì dù Chư Phật có ra đời cũng khó mà cứu giúp. Vì vậy phải phát lòng rất hổ thẹn, không thể cho là chuyện thường, nên theo chúng mà lui,

          Dẫn lễ nói : Tất cả đứng dậy

          Nghe tiếng khánh  lạy 3 lạy, lạy xong phân ban.

          Người nghinh thỉnh đưa sư trở về liêu

          Đưa Sư trở về liêu rồi, lại đến Yết Ma đường người mới cầu giới, lễ tạ các vị dẫn lễ, Thư ký 3 lạy, để đáp tạ sự giúp đỡ tác pháp, công đức thành tựu sám hối.

          Dẫn lễ dẫn chúng lên điện, dạy họ suốt đêm lạy Phật, tất cả đều phải kiền thành, chớ sanh lòng lười biếng.

          6. TRÌNH TỘI XỨNG LƯỢNG:

          Nếu trong khi xét hỏi có người phạm trọng, sớm đến các vị dẫn lễ, hội đồng thư ký. Trước hết nên ở nơi điện đường tra hỏi cho rõ nhân số bao nhiêu, bảo tập trung riêng một chỗ, những người kia hướng đến dẫn lễ và thư ký lạy một lạy rồi đứng qua một bên.

          Dẫn lễ nói:

          Đêm hôm qua Yết Ma trong giới đường sau khi thẩm vấn, đem những lời phát lồ của các vị ghi chép vào sổ. Nhưng việc này rất quan trọng, tôi nay trước dẫn các vị đến liêu của Thầy Yết Ma, cầu xin thương xót, đồng đến phương trượng, trình bạch Hòa Thượng, các vị phải đi theo tôi.

          Người phát lồ theo dẫn lễ, thư ký đến liêu thầy yết Ma, làm lễ như phép thường miệng tự nói ra lời khải thỉnh, khẩn cầu tác pháp cứu bạt.

          Thầy Yết Ma nói :

          Các vị tự nêu ra lỗi lầm, đáng gọi là người biết tàm quí, nhưng thiện ác do tâm, tội phước tự chọn, may mà các vị quán xét đó là quấy, còn có thể tìm ra phương tiện cứu giúp. Huống chi các vị cầu khẩn chí thành, tôi nay nở lòng nào ngồi nhìn, vì vậy các vị  theo tôi  đến phương trượng, để biết rõ các việc nên không. Tất cả lắng nghe lời thầy Hòa thượng dạy bảo.

          Nghe xong lạy một lạy, đứng dậy, liền theo dẫn thỉnh sư đến phương trượng, dẫn lễ để đương sự đứng đợi ở ngoài cửa. Trước hết là thị giả vào thông tri, bạch lại với Hòa thượng, Hòa Thượng ra phương trượng thăng tòa, thầy Yết Ma lạy một lạy. Kế đến dẫn lễ Thư ký cùng lạy 3 lạy, trình lên danh sách phạm tội, hòa thượng mở xem liền sai thị giả thỉnh chư vị Xà Lê và thủ lảnh của các đường đến phương trượng xong, mọi người đồng lạy Hòa thượng 3 lạy. Phân ra hai bên dẫn lễ gọi đương sự bên ngoài tiến vào đến trước tòa, như phép thường mà đảnh lễ, chắp tay quì gối.

          Hòa thượng vỗ xích nói :

          Các vị tuy phát lòng tốt, cầu xin giới pháp sao lại tạo trọng tội làm ô uế đạo khí, trong luật chế nghiêm cấm,  còn nhơn tình khó mà dung thứ. Nếu như có đầy đủ đại hỗ thẹn, phát đại đạo tâm, tôi nay cùng với hội đồng sư Tăng biết luật, noi theo sám pháp đại thừa Phương Đẳng, phương tiện cứu giúp.

          Xét trong kinh Tam thiên Chư Phật Danh. Phật dạy: “Nếu có chúng sanh, muốn trừ diệt bốn tội trọng, muốn sám hối tội ngũ nghịch thập ác, muốn được trừ diệt tội cực trọng, pháp không căn cứ vu báng, thì nên siêng năng đảnh lễ danh hiệu Phật và 3000 vạn đức hồng danh Chư Phật. Bởi do Chư Phật được tôn xưng là Đại sư  của 3 cõi, cha lành 4 loài, không có khổ nào mà không cứu, không có niềm vui nào mà không cho. Chúng sanh dù chỉ có một mãi tơ thiện căn, Phật liền duỗi tay cứu vớt. Còn lúc lễ sám cần phải tắm rửa thân mình, giặt giũ y phục, sắm đầy đủ nhang đèn, từ 7 cho đến 49 ngày. Cầu thấy hảo tướng, nếu thấy hảo tướng điềm lành hoa quang hiện, thì biết tội lỗi tiêu diệt hết không còn ngờ gì nữa, liền trở lại đạo khí thanh tịnh. Giả như trong lúc lễ sám, hoặc tâm không chuyên nhất, hoặc oai nghi không cung kính không tin tội phước, không sợ địa ngục. Lòng từ của Phật tuy bủa khắp, cảm ứng đạo giao như mặt trời rực sáng trên không, nhưng nước đục thì không thể nào ảnh hiện. Tại sao chẳng như thế.

          Vỗ xích một tiếng:

          Các vị có thể y giáo phụng hành không?

          Đáp: Y giáo phụng hành.

          Hòa thượng hướng đến hai bên  đề nghị rằng:

          Các đại đức nay căn cứ theo giáo pháp Phương Đẳng cho đương sự sám hối được không?

          Đại chúng đều đáp:

          Được.

          Hòa thượng nói: Các đại đức đã đồng lòng hứa khả đều nói là được. Bổn đường dẫn lễ giúp người ấy chọn chỗ để an trí. Liền phải chí thành nhiếp tâm lễ sám, khi lễ sám xong, lại bạch rằng:

          Dẫn lễ dạy họ pháp lễ sư như thường lệ, nhưng vẫn đứng yên bên cửa. Chư vị Xà Lê lễ bái xong, đợi Hòa thượng vào thất, sau đó đều giải tán. Dẫn lễ đem giới tử  đến các nơi để lễ tạ. Liền ở trước mỗ giáp… Phật tượng lễ sám. Nếu lễ sám xong, trước bạch dẫn lễ sư ở bổn đường, hoặc thấy hảo tướng hoặc nói không thấy. Kế đến dẫn lễ mới dẫn đến liêu của Yết Ma Sư cũng bạch như thế. Bèn dẫn đến các ty đường lễ thỉnh đại chúng vân tập ở phương trượng, vân tập xong rồi đem người lễ sám đứng ở ngoài cửa, đợi Hòa thượng ra thất thăng tòa xong, sau đó quì xuống. Hòa thượng căn cứ vào chúng hỏi rõ việc lễ sám của người kia, đã thấy hảo tướng chưa. Nếu đáp đã thấy thì vẫn căn cứ vào trong kinh. Lại xét nguyên do của việc thấy hảo tướng đó có được không. Nếu xét kỹ đúng như thật thì liền cho thọ giới, còn như lời nói tương tợ, cho đến nói không thấy hảo tướng, hòa thượng rửa tay đốt nhang, đích thân viết 3 cái thăm:

Một cái viết cho thọ.

Một cái viết cho sám hối lại.   

Một cái viết không cho.

          Hòa thượng dẫn đại chúng lên chánh điện, đem 3 cái thăm dâng lên trước Phật, hòa thượng niêm nhang đảnh lễ thầm cầu nguyện rằng:

          Ngưỡng bạch 10 phương pháp giới đại giác thế tôn tất cả Bồ tát. Nay có mỗ tỉnh… mỗ quận… mỗ giáp… phát tâm. Ở chỗ con là tỳ kheo mỗ giáp… xin thọ tịnh giới, người ấy đã ở nơi hiện đời tạo nghiệp cực ác. Can  phạm mỗ… trọng giá hủy phá phạm mỗ… cấm giới. Con tỳ kheo mỗ giáp… không dám trái luật Phật chế mà tự cho thọ giới, đã từng noi theo Đại Thừa Phương Đẳng, bảo họ đảnh lễ hồng danh Chư Phật. Xưng đúng vạn đức Thánh hiệu, cầu thấy bảo tướng, người ấy đã lễ xong, tướng hảo thì chưa thấy, hoặc sợ tội chướng sâu dày lòng tin kém cõi, ba nghiệp không kiền thành, nên nay đối trước chư Phật Bồ tát, thay cho đương sự thành khẩn cầu xin. Cúi mong không bỏ chúng sánh được thọ giới pháp, từ bi nhiếp thọ, khiến cho đạo khí thanh tịnh, tội nghiệp tiêu trừ, được vâng thọ giới pháp, như luật tu hành, và khiến cho tất cả cấm giới đã hủy phá, tạo ác nghiệp hữu tình, cùng vào trong biển tánh Tỳ Lô Như Lai, đầy đủ đoạn đức, pháp Phật tròn đầy, nay lấy 3 lá thăm này làm chuẩn cứ, thánh giám vô tư. Càng thêm xót thương, thùy từ tiếp thọ.

          Hòa thượng vận tưởng cầu nguyện như thế, đảnh lễ 3 lạy. Kế đến đại chúng cũng phát lòng đại bi cứu khổ, đảnh lễ 3 lạy, đây chính là pháp nghi hạnh môn của Phổ Hiền chớ khởi ý tưởng tùy chúng. Đại chúng lạy xong đứng sang hai bên dẫn lễ gọi người cầu sám hối tiến vào, dạy khiến phải chí thành phát nguyện, vận tâm tác quán lễ khắp 10 phương thường trụ Pháp giới Tam Bảo. Lạy ba lạy xong quì xuống, ở trước Phật tùy ý bốc một lá thăm rồi mở ra cho đại chúng xem. Nếu bóc lá cho thọ trì thì liền bảo đồng chúng thọ giới. Nếu bốc nhằm lá cần phải sám hối trở lại thì nên như pháp mà lễ sám, sám xong liền cho thọ giới không cần phải bốc thêm thẻ nữa. Nếu bốc trúng  lá không cho thọ thì cần phải lễ sám, càng thêm khắc khổ không hạn kỳ số, nhất định phải lấy việc bốc trúng thẻ cho thọ làm kỳ hạn như thế một lần, hai lần cho đến số mười lần. Việc tác pháp tập chúng nhất nhất như trên. Nhưng tất cả những lời điều Phật chế quyết không dị tình. Nếu ban đầu thẩm định sám theo pháp thường, thì sau khi thọ rồi làm sao có thể bền giữ? Cho nên trong nghi này việc tác pháp có sự trùng lặp, nhưng chớ chê là nhiều điều vụn vặt. Tất cả đều khiến cho thầy trò được thanh tịnh, mình và người đều lợi ích. Ngõ hầu, trồng cây quang minh giới tràng thời mạt vận, lắng trong biển pháp Tì Ni đó thôi.

—————————————————————————

 

 

 

 

9.5Tam Đàn truyền giới
490766
Total Visit : 389078