Chủ nhật, ngày 15 tháng 9 năm 2024
"Mùa báo hiếu ghi công đức mẹ dưỡng cha sinh, Hội Vu Lan nhớ tinh thần thầy tổ truyền dạy" KÍNH MỪNG ĐẠI LỄ VU LAN BÁO HIẾU 2023

VU LAN BỒN HỘI

VU LAN BỒN HỘI 2023

Thích Thiện Phước

         

       (trích dịch từ quyển Nghi Lễ Phật giáo Hán Truyền.)

       Vu Lan Bồn Hội là một Phật sự nghi thức Phật giáo, mỗi khi vào ngày 15 tháng 7 các Tự viện đều cử hành lễ cúng Phật trai Tăng nhằm siêu độ các vong linh của người thân đã qua đời.

       Đây là căn cứ vào quyển kinh Vu Lan Bồn mà mỗi năm đến ngày 15 tháng 7 cử hành Pháp hội siêu tiến lịch đại tôn thân. Phật Thuyết Vu Lan Bồn Kinh là bản kinh do Ngài Trúc Pháp Hộ dịch vào đời Tây Tấn. Toàn bộ văn kinh có hơn 800 chữ. Kinh này còn có bản dị dịch: Phật Thuyết Báo Ân Phụng Bồn Kinh đời Đông Tấn mất tên người dịch, lại gọi là Báo Tượng Công Đức Kinh, văn chữ rất ngắn chỉ hơn 300 chữ. Ngoài ra quyển 18, Khai Nguyên Thích Giáo Lục trong phần Nghi Hoặc Tái Tường Lục có 1 quyển, Tịnh Độ Vu Lan Bồn Kinh chừng 5 trang giấy, kinh này đã thất truyền. Quyển 60, Pháp Uyển Châu Lâm dẫn ra văn này xưng là Đại Bồn Tịnh Độ Kinh. Nói về 16 vị quốc vương nghe Phật nói về chuyện thoát khổ của mẫu thân ngài Mục Kiền Liên, nên các vua tạo ra những bồn báu để đựng đầy thức ăn dâng cúng cho Phật và Tăng. Tên đề Vu Lan Bồn Kinh, có hai cách giải thích:

       1/ Vu Lan dịch âm từ tiếng Phạn nghĩa là Đảo Huyền (Khốn khổ). Bồn là chữ Hán, vốn là món đồ đựng đầy thực phẩm. Phẩm vật này dâng cúng đầy đủ thì có thể cứu độ được nổi khổ treo ngược của các tiên vong.

       2/ Có một cách giải thích khác “Vu Lan Bồn” ba chữ này là dịch âm từ tiếng Phạn Ullambana, nghĩa là Cứu Đảo Huyền.

       Theo Vu Lan Bồn Kinh chép: Đệ tử Phật là Mục Liên dùng thiên nhãn thông thấy mẫu thân đọa vào loài quỷ đói, ngày đêm đau khổ, Mục Liên thấy rồi dùng bát đựng đầy cơm, mang xuống đưa cho mẫu thân, nhưng mẫu thân Ngài vì ác nghiệp thọ báo nên đồ ẩm thực hóa làm lửa dữ, ngài Mục Liên muốn cứu thoát mẫu thân, bèn đến trước Phật xin chỉ bày phương pháp cứu độ. Phật bèn dạy ngài Mục Liên vào ngày rằm tháng bảy khi chư Tăng tự tứ, dùng trăm vị đồ ẩm thực cúng dường Tam bảo do công đức này mà khiến bảy đời cha mẹ đã mất và cha mẹ hiện đời được thoát khỏi ách nạn lìa khỏi nẻo ngạ quỷ, sanh lên cõi trời hưởng thọ quả vui.
mục liên cứu  mẫu 2322

       Vu Lan Bồn Kinh chép: “Là người đệ tử hiếu thuận của Phật, nên trong mỗi niệm thường nhớ đến cha mẹ mà cúng dường, cho đến cha mẹ bảy đời, mỗi năm đến rằm tháng bảy vì nhớ đến ân sâu sanh thành mà thiết lập Vu Lan Bồn Hội để cúng Phật và Tăng, nhằm báo ân cha mẹ”. Ngoài ra trong Lễ Vu Lan Bồn sắm thức ăn cơm cúng dường nên gọi là Vu Lan Bồn Trai.

       Theo Vu Lan Bồn Kinh mà cử hành nghi thức, khởi xướng ban đầu là do Lương Võ Đế Tiêu Diễn. Quyển 37, Phật Tổ Thống Kỷ chép: Năm Đại Đồng thứ tư (538) Lương Võ Đế đến chùa Đồng Thái, thiết lập Vu Lan Bồn Trai, vào ngày rằm tháng bảy hằng năm vua Lương Võ Đế đều đem “Bồn” đến cúng dường các tự viện. Phong tục Vu Lan Bồn Hội này vào đời Đường rất coi trọng. Trong thiên “Tế Tự”, quyển 62, bộ Pháp Uyển Châu Lâm chép: “Đương thời chùa Tây Minh, chùa Từ Ân ở Trường An… Hoàng đế mỗi năm đều hiến cúng bồn chậu. Lễ cúng vô cùng trang nghiêm, dùng vàng bạc làm trang sức, Lễ Vu Lan Bồn ở dân gian cũng rất náo nhiệt”. Quyển 4, sách Nhập Đường Cầu Pháp Thần Lễ Hành Ký của ngài Viên Nhơn ở Nhật Bổn chép: “Đương thời dân chúng ở Trường An làm các thứ hoa sáp mầu nhiệm, hoa quả… để trang trí trong các chùa cúng dường ngày rằm tháng bảy, dân chúng trong thành đều đến chùa tham quan, Pháp hội này rất lớn. Không những người tại gia dâng phẩm vật cúng dường mà người xuất gia cũng vậy.”
vulan20232w

       Đến thời Liêu Tống, phong tục này lại tiếp tục lưu truyền. Nhưng việc trang nghiêm của Lễ Vu Lan Bồn, ý nghĩa cúng Phật và Tăng đã giảm đi nhiều, ý vị siêu tiến độ vong thân lại sâu xa. Phần Trung Nguyên Tiết, quyển 8, sách Đông Kinh Mộng Hoa Lục của Mạnh Nguyên Lão thời Bắc Tống chép: “Đương thời trong tự viện in ấn, đọc Tôn Thắng Đà La Ni kinh, Mục Liên kinh, lại dùng cây trúc đóng thành cái giá ba chân, cao chừng 3, hoặc 5 thước, trên cần trúc ấy có kết đèn, gọi là Vu Lan Bồn Hội. … Ở trên những đại lộ, từ mùng 7 đến ngày rằm, những người am hiểu về âm nhạc diễn tấu hí kịch điển tích cứu mẹ trong kinh Mục Liên, dân chúng coi rất đông. Từ đời Tống trở về sau, Vu Lan Bồn Hội trở thành một Lễ lớn trong các tự viện, nội dung chủ yếu là tụng kinh Thí thực, bố thí, phóng sanh, ăn chay, niệm Phật…nhằm siêu độ cho người quá cố, lan tỏa tình thương đến mọi người mọi loài được an lành trong ánh sáng giác ngộ giải thoát của đạo Phật.

Những Bài Viết Liên Quan
452994
Total Visit : 351306