Thứ 3, ngày 21 tháng 1 năm 2025
"Mùa báo hiếu ghi công đức mẹ dưỡng cha sinh, Hội Vu Lan nhớ tinh thần thầy tổ truyền dạy" KÍNH MỪNG ĐẠI LỄ VU LAN BÁO HIẾU 2023

Ý nghĩa 3 tháng trường trai trong năm

Ý NGHĨA 3 THÁNG

TRƯỜNG TRAI TRONG NĂM

Thích Thiện Phước

 

 

     4aBa Tháng Trường Trai còn gọi là Tam trường trai nguyệt, Tam trường nguyệt, Tam trai nguyệt, Thiện nguyệt, Thần tác nguyệt, Thần thông nguyệt, Thần biến nguyệt, chỉ mỗi năm vào tháng giêng tháng 5, tháng 9, trong ba tháng nầy giữ chế độ qua giờ ngọ không ăn. Trai nghĩa là thanh tịnh, sau dần dần chỉ cho pháp qua giữa ngày không ăn; Qua giữa ngày không ăn gọi là trai. Vào thời Đức Phật còn tại thế, Tăng chúng ăn một bữa giữa ngày, sống đời thanh tịnh, thân tâm ngay thẳng, an thiền vào đạo, cho là phép thường tu hành.

       Quyển Hạ, bộ Thích Thị Yếu Lãm, Kinh Tứ Thiên Vương chép: Nói tháng giêng, tháng 5, tháng 9 làm 3 tháng trai. Nhân vì Trời Đế Thích và Tứ Thiên Vương… ở các tháng nầy xem xét những việc thiện ác ở nhơn gian, Như Lai tùy căn cơ mà nhiếp hóa, khéo dùng phương tiện, khiến cho mọi người ở trong ba tháng nầy ăn chay trì trai tu hành phước thiện. Ăn chay và ăn trai có chỗ sai khác. Ăn chay là chỉ không ăn mặn, năm vị tân, - hành, hẹ, tỏi, nén, hưng cừ, vị tanh, - thịt động vật. Còn Ăn trai là qua giữa ngày không ăn, ăn trai bao hàm cả ăn chay, nhưng ăn chay thì chưa hẳn bao hàm ăn trai.

      1/ Tháng giêng: Trời Đế Thích dùng gương báu lớn, vào tháng giêng chiếu ở Nam Thiệm Bộ Châu, quán xét những việc thiện ác ở nhơn gian. Lại nữa, Bắc Phương Tỳ Sa Môn Thiên Vương đi tuần tra ở 4 châu, tháng giêng cũng trúng nhằm Nam Thiệm Bộ Châu, cũng dùng gương báu chiếu soi, cho nên người ở Nam Thiệm Bộ Châu vào trong tháng nầy ăn chay trì trai tu hành phước thiện.

       2/ Tháng 5: Trời Đế Thích dùng đại bảo kính, tháng giêng chiếu ở Nam Thiệm Bộ Châu, tháng 2 chiếu ở Tây Ngưu Hóa Châu, tháng 3 chiếu ở Bắc Câu Lô Châu, tháng 4 chiếu ở Đông Thắng Thần Châu, tháng 5 lại chiếu ở Nam Thiệm Bộ Châu, Bắc Phương Tỳ Sa Môn Thiên Vương vào tháng 5 cũng chiếu ở Nam Thiệm Bộ Châu.

       3/ Tháng 9: Trời Đế Thích tháng 5 chiếu ở Nam Thiệm Bộ Châu, tháng 6, 7, 8 lần lượt chiếu như thế, quán xét Tây, Bắc, Đông 3 châu thiên hạ, tháng 9 lại chiếu ở Nam Thiệm Bộ Châu, Bắc Phương Tỳ Sa Môn Thiên Vương cũng vậy.

       Hành Sự Sao Tư Trì Ký chép: “Tháng giêng, tháng 5, tháng 9, Nghiệp kính đài ở cõi U minh, Vua Chuyển Luân dùng kính chiếu soi ở Nam Châu, nếu có người thiện ác, trong kinh điều hiện, hoặc có khi “Trời Tứ Thiên Vương đi tuần hành ở Tứ thiên hạ, ba tháng nầy là đối với Nam Châu. Hoặc có thuyết nói: Ba tháng nầy là lúc ác quỉ được thời, cho nên phải khiến tu hành phước thiện.” Do đây có thể thấy: Tháng giêng, tháng 5, tháng 9, trong ba tháng nầy, Trời Đế Thích quán xét Nam Thiện Bộ Châu, đối với những người ở cõi nầy làm thiện nghiệp ác nghiệp, đều hiển bày rõ, ba tháng nầy gặp Trời Tứ Thiên Vương đi tuần tra ở Nam Thiệm Bộ Châu, cũng là lúc mà ác quỉ làm loạn, nhân thế mà mọi người trì trai hành thiện.

       Kinh Phạm Võng chép: “Ở trong 6 ngày trai, mỗi năm 3 tháng trường trai, làm việc sát sanh trộm cướp phá trai phạm giới, thì phạm khinh cấu tội”.

       Quyển 2, Kinh Bất Không Quyến Sách chép: “Vào tháng giêng, tháng 5, tháng 9, từ tháng trời “Bạch Nguyệt” có trăng mùng 1 đến 15 như pháp mà đọc tụng thọ trì, thì liền được thành tựu”.

       Ba tháng trường trai là thời gian hàng cư sĩ tại gia giữ giới trì trai, lễ Phật, sám hối, thắp nhang, rãi hoa, treo tràng phan bảo cái cúng dường Tam bảo. Bạch nguyệt còn gọi là phần trắng, đối với phần đen mà nói . Pháp tính lịch ở Ấn Độ lấy mặt trăng tròn khuyết mà đặt tên bạch hắc.

       Quyển 12, sách Lịch Đại Tam Bảo Ký chép: Năm Khai Hoàng thứ 3 (583) Hoàng đế hạ sắc lệnh: “Cội gốc cai trị của nhà vua là ham sống ghét chết, Phật đạo đã ban lời dạy, nương vào nghiệp thiện, bẩm khí hàm linh, chỉ có mạng sống là tôn trọng, nên khuyên thiên hạ đồng tâm cứu hộ. Từ Kinh Thành cho đến các Châu Quan, nơi lập chùa chiền mỗi năm tháng giêng, tháng 5, tháng 9, thường bắt đầu từ mùng 8 đến 15, nên đến chùa hành đạo. Ngày hành đạo thứ dân xa gần, phàm là loài có mạng sống, đều không được giết hại.” Đây chính là nói: Vào thời vua Tùy Văn Đế, Hoàng đế đã hạ chiếu chỉ, răng bảo mọi người không nên sát hại sanh mạng, gốc của quốc sách là thiên hạ được thái bình. Đức Phật dạy: Làm thiện thì được phước báu, nhưng sanh mạng là quí báu nhất. Nhân thế mà khuyên bảo mọi người phải cùng cứu hộ. Và khiến cho Kinh Thành cùng các Châu Quan Viên ở mỗi năm phải ăn ba tháng trường trai, từ mùng 5 đến ngày rằm nên đi chùa chiền tu hành. Ngày tu hành nầy, tất cả các nhân dân bá tánh không được sát sanh.

       Bộ Hội Yếu chép: “Năm Võ Đức thứ 2 vào ngày 24 tháng giêng hạ chiếu chỉ, từ nay về sau mỗi năm tháng giêng, tháng 5, tháng 9 và mỗi tháng ăn 10 ngày chay, dứt hẳn sát sanh”. Cũng chính là nói, vào thời nhà Đường, pháp ba tháng trường trai rất thạnh hành. Trong ba tháng trai nầy, phải cấm sát sanh, trì trai ăn chay, tụng kinh. Quốc pháp không hành hình tội nhơn, không sát sanh loài vật, nên gọi là tháng đoạn sát.

       Tuy nhiên theo phong tục ở Việt Nam ta, thông thường người ăn chay chọn  1,7,10 làm ba tháng trường chay trong năm. Bởi vì ba tháng nầy nhằm vào lễ thượng nguyên, trung nguyên, hạ nguyên. Mọi người ăn chay tu hành là để vun bồi công đức, tiến tu đạo nghiệp, cũng nói lên tinh thần đạo Phật đi vào cuộc đời, người dân qui hướng về lẽ phải, về tánh thiện mà xưa nay đã bị lãng quên./.

◊◊—————————–♦♦♦♦♦♦—————————–◊◊

Những Bài Viết Liên Quan
514864
Total Visit : 413176