Chủ nhật, ngày 15 tháng 9 năm 2024
"Mùa báo hiếu ghi công đức mẹ dưỡng cha sinh, Hội Vu Lan nhớ tinh thần thầy tổ truyền dạy" KÍNH MỪNG ĐẠI LỄ VU LAN BÁO HIẾU 2023

Ý NGHĨA LỄ THƯỢNG NGUYÊN (RẰM THÁNG GIÊNG)

ý nghĩa lễ thượng thượng nguyên

Thích Thiện Phước

      Phong tục dân gian chịu ảnh hưởng rất nhiều về tư tưởng Phật Giáo phát triển, qua quá trình chuyển mình hội nhập nhiều nền văn hóa khác nhau, dân tộc Việt Nam đã định hình tín ngưỡng phương đông, tạo thành sắc thái riêng, đặc biệt là lễ hội cúng rằm tháng giêng.

      Rằm tháng giêng, còn gọi là tết nguyên tiêu, lễ thượng nguyên (ngươn), nguyên tịch, tiểu chánh nguyệt, xuân đăng tiết, tết trạng nguyên….

      Nguyên tiêu 元宵, chữ nguyên là đầu tiên, thứ nhất. Chữ tiêu là đêm. Tết nguyên tiêu còn gọi là lễ thượng nguyên, vì còn có lễ trung nguyên – ngày rằm tháng 7, lễ hạ nguyên – ngày rằm tháng 10.

      Tục ngữ Việt Nam ta có câu: “Đi chùa quanh năm không bằng rằm tháng giêng”.

      Tháng giêng là tháng đầu tiên trong một năm, hoa lá cỏ cây xanh tươi rực rỡ, làn không khí ấm áp của mùa xuân, người dân nghỉ ngơi, đến chùa đình tạ ơn Phật tổ cùng các vị thần. Đó là ý nghĩa của Thiên Quan Tứ Phước.

xuan2022_30

      Rằm thượng nguyên, ngày này người ta làm lành lánh dữ, thiết lễ cầu an đầu năm, nguyện cho gia đình một năm đầy an vui hạnh phúc. Những hình ảnh theo ngày tháng trôi đi lặp lại trên khắp xóm làng đất Việt, nó in vào tâm trí người đến khi lớn lên, dù cho có xa cách phương trời nào đi nữa nhưng không thể nào xóa nhòa đi ký ức của quê hương với hình ảnh ngôi chùa đêm rằm lễ Phật vui tươi thanh bình.

 Từ thuở ra đi vắng bóng chùa

Đường đời đã nhọc chuyện hơn thua

Trong tôi bừng dậy niềm chua xót

Xao xuyến mơ về lại cảnh xưa

 

Thấp thoáng đâu đây cảnh tượng làng

Có con chim đỏ chạy lang thang

Có hàng tre gợi hồn sông núi

Im lặng chùa tôi ngập nắng vàng

 

Có những cây mai sống trọn đời

Bên hàng tùng bách mãi xanh tươi

Nhìn lên phảng phất hương trầm tỏa

Đức Phật từ bi miệng mỉm cười

 

Tôi nhớ làm sao những buổi chiều

Lời kinh giải thoát vọng cao siêu

Đây ngôi chùa cổ ngày hai buổi

Cầu nguyện dân làng sống mến yêu

 

Vì vậy làng tôi sống thái bình

Sớm khuya gần gũi tiếng chuông linh

Sắn khoai gạo bắp nuôi dân xóm

Xây dựng tương lai xứ sở mình

 

Mỗi tối dân quê đón gió lành

Khắp chùa dào dạt ánh trăng thanh

Tiếng chuông thức tỉnh lan xa mãi

An ủi dân hiền mọi mái tranh

 

Trầm đốt hương thơm bay ngạt ngào

Thôn trên xóm dưới dạ nao nao

Dân làng tắm gội lên chùa lể

Mười bốn, ba mươi mỗi tối nào.

 

Biết đến bao giờ trở lại quê

Phân vân lòng gởi nhớ nhung về

Tang thương dù có bao nhiêu nữa

Cũng nguyện cho chùa khỏi tái tê

 

Chuông vẳng nao nao nhớ lạ lùng

Ra đi ai chẳng nhớ chùa chung

Mái chùa che chở hồn dân tộc

Nếp sống muôn đời của tổ tông.

(Thích  Mãn  Giác)

      Đối với Phật giáo nguyên thủy, ngày rằm tháng Giêng có hai ý nghĩa chính:

  1. Ngày Ðại hội thánh Tăng tại Trúc Lâm tịnh Xá.
  2. Ngày đức Phật tuyên hứa và khẳng định với Ma vương rằng 3 tháng nữa Ngài sẽ nhập Niết bàn.

      Lễ hội rằm tháng Giêng là ngày đại hội thường lệ của chư Phật. Tuy nhiên, theo lịch sử những vị Phật Chánh giác trong quá khứ thì số lượng chư Tăng, thời kỳ đại hội, địa điểm, có phần khác với đức Phật Thích Ca. Còn những yếu tố căn bản cho kỳ đại hội thì hoàn toàn giống nhau. Dường như đây là truyền thống của chư Phật, hội đủ bốn chi phần là:

  1. Tổ chức đúng vào ngày trăng tròn tháng giêng Māgha.
  2. Ðại hội có 1.250 vị tỳ khưu, tự động đến bái kiến đức Phật mà không có sự thỉnh mời hay hẹn trước.
  3. Số tăng hội 1.250 vị đều xuất gia Thiện Lai Tỳ khưu (Ehibhikhu).
  4. Các ngài đều là Bậc Thánh tăng.

      Ðại hội thánh tăng này khai mạc đúng vào ngày trăng tròn tháng Giêng âm lịch tại Trúc Lâm Tịnh Xá.

      Phật giáo Nguyên thủy tổ chức lễ rằm tháng giêng bằng nhiều hình thức nghi lễ khác nhau: như lễ hội đặt bát đến chư Tăng, lễ thọ giới, lễ quy y, lễ thuyết pháp, lễ thọ đầu đà… nhằm giúp người Phật tử có cơ hội gieo duyên lành trong chánh pháp.

      Hệ phái Phật giáo phát triển, vận dụng một cách uyển chuyển, hòa nhập vào tín ngưỡng dân gian, đáp ứng nhu cầu của đồng bào bá tánh, làm cho họ có niềm tin vững vàng trong cuộc sống, đó là tổ chức lễ cầu an, kỳ tiêu tai tăng phước thọ, nhương tinh giải hạn, pháp hội Dược Sư…

xuan2022_5

      Rằm tháng giêng các gia đình thường sắm sửa lễ phẩm cúng dường chư Phật, dâng lên gia tiên. Người Việt theo đạo Phật, đạo Khổng, đạo Lão, tin tưởng rằng ngày ấy chư Phật, chư Thiên giáng lâm để cứu độ chúng sanh. Đây còn là ngày vía Thiên Quan theo quan niệm của đạo Khổng và Lão, nên người ta đến chùa để cúng sao giải hạn để Thiên Quan ban phước lành – Thiên Quan Tứ Phước. 

      Theo quan niệm của lão giáo, khi ngũ hành luân chuyển sanh khắc mỗi năm là một vì sao ứng hiện vào một tuổi của con người, và những hạn ách là cách thức riêng ứng với sao chiếu mệnh là tốt hay xấu. Vì thế mỗi năm phải cúng sao chủ mệnh để an lành. Và tập tục này cúng từ  mồng tám đến ngày rằm tháng giêng, có 9 sao và tám hạn) La Hầu, Thổ Tú, Thủy Diệu, Thái Bạch, Thái Dương, Vân Hớn, Kế Đô, Thái Am, Mộc Đức. Huỳnh Tuyền, Tam Kheo, Ngũ Mộ, Thiên Tinh, Toán Tận, Thiên La, Địa Võng, Diêm Vương.

      Mỗi tập tục dân gian, biểu hiện đời sống văn hóa, gắn liền với đời sống khao khát, hướng đến nếp sống hòa bình, an vui hạnh phúc của người Việt.

     Nhìn chung, trong dân gian ngày rằm tháng giêng, người ta thường đi chùa ăn chay niệm Phật tụng kinh làm phước lành,… nhằm mong cầu sự bình yên trong gia đình, đồng thời bày tỏ lòng biết ân chân thành đối với ông bà tổ tiên. Đó là chân lý của đạo Phật đã hội nhập vào tập tục của dân gian để hình thành một văn hóa tín ngưỡng riêng biệt “cúng rằm tháng giêng”.

 

 

Những Bài Viết Liên Quan
452967
Total Visit : 351279