Thứ 3, ngày 21 tháng 1 năm 2025
"Mùa báo hiếu ghi công đức mẹ dưỡng cha sinh, Hội Vu Lan nhớ tinh thần thầy tổ truyền dạy" KÍNH MỪNG ĐẠI LỄ VU LAN BÁO HIẾU 2023

Ý nghĩa và Công đức Tảo địa.

tao diaThích Thiện Phước

“Tảo Địa” là âm Hán Việt, chúng ta thường gọi là: Quét nhà, quét đất, quét rác, quét chùa, quét sân, quét bụi… Nói chung, dưới nền đất bị dơ, dùng chổi để quét cho sạch thì gọi là “Tảo địa”. Chổi thì dùng tàu dừa, tàu cau, cành cây, cành tre trúc, bông lau…bó lại thành, có tra cán dài để cầm quét. Ngày nay công nghệ phát triển, thì người còn sáng tạo thêm chổi quét bằng nhựa, chổi quét nhà đa năng, máy quét,…Công đức Tảo địa rất lớn, có nguồn gốc từ thời Phật còn tại thế.

Đại thừa Phật giáo, đặc biệt Thiền Tông Trung Quốc cho rằng: “Tất cả những công việc trong sinh hoạt hằng ngày đều đạt đến mục đích tu tập. Cho nên nói gánh nước, bửa củi, mặc áo, ăn cơm đều là Phật pháp”.

Lúc Phật ở rừng Thệ Đa, thấy đất dơ, Ngài muốn khiến cho chúng sanh được phước vui, ở trong ruộng phước thù thắng, gieo trồng nghiệp thanh tịnh. Phật liền cầm chổi quét. Bấy giờ có đại Thanh Văn thấy vậy, cầm chổi quét theo. Phật dạy: Phàm quét đất có 5 việc thù thắng :

1/ Tự tâm thanh tịnh

2/ Khiến tâm người thanh tịnh

3/ Chư Thiên hoan hỉ

4/ Gieo trồng hạnh nghiệp đoan chính

5/ Mạng chung sanh về cõi Trời

Tao dia lam nen

Kinh A Hàm chép : “Đức Phật dạy Châu Lợi Bàn Đặc, tụng 2 chữ “Chổi quét”, lại dạy cầm chổi quét. Phật bảo: Thầy tụng 2 chữ nầy vì mục đích gì? chữ  chổi quét nầy còn gọi là trừ sạch dơ bẩn. Bàn Đặc liền tư duy: “Dơ bẩn tức là chỉ cho bụi đất gạch đá vậy. Còn chữ trừ là thanh tịnh. Phật đem chuyện nầy để dạy mình, Ngài muốn khiến cho mình tư duy về sự ràng buộc bụi bặm dơ uế, dùng trí tuệ để trừ, vậy bây giờ mình dùng trí tuệ để quét, để trừ hết những nghiệp cấu ràng buộc, nhân đây mà Tôn giả chứng quả A La Hán”.

Kinh Tăng Nhất chép: “Nói đến việc quét đất thì có 5 việc không được phước báu nghĩa là: Không biết ngược gió, không biết thuận gió, không biết gom lại, không quét sạch phân dơ, quét mà không sạch”.

Luật Tứ Phần chép: “Quét ngược gió không sạch, không trừ bỏ phân dơ, không quét lại chỗ cũ”.

Kinh Chánh Pháp Niệm chép: “Nếu quét Tháp của Như Lai, khi mạng chung liền sanh về cõi Trời, hương thơm xông khắp 100 do tuần”.

Trong oai nghi của thầy Sa di Phật cũng dạy rõ về phương pháp quét đất: “Không được nhóm bụi ngay cánh cửa, không quét ngược gió…”.

Lục Tổ Huệ Năng có nói một câu rất nổi tiếng: “Phật pháp ở thế gian, không lìa thế gian mà giác ngộ được. Lìa thế gian mà truy tìm sự giác ngộ, giống như tìm lông rùa sừng thỏ”.

Cho nên nói Phật pháp trong sinh hoạt hằng ngày, nếu lìa bỏ thế gian mà tìm Phật pháp thì giống như tìm lông con rùa, sừng con thỏ, thật không thể tìm được. Như vậy Tảo địa là một việc làm trong sinh hoạt hằng ngày. Mọi người đều hiểu, mỗi nhà đều làm. Thế nhưng việc Tảo địa trong nhà Phật có một nguồn gốc rất đặc biệt.

Quet chua

Sở dĩ nhà Phật chú trọng việc quét bụi bặm là vì tất cả những hiện tượng ở thế giới bên ngoài đều thuộc trần. Tổng cộng có 6 trần, thường tiếp xúc với 6 căn. Trần chính là sự cấu nhiễm, do 6 trần này mà làm cho bản tánh sáng suốt của con người bị ô nhiễm đi. Khi 6 căn tiếp xúc với 6 trần như: Lúc mắt thấy sắc đẹp, lúc tai nghe tiếng thì hay sanh ra những nhận thức phân biệt hư vọng, rồi dấy khởi lên rất nhiều phiền não. Cho nên người tu hành phải diệt trừ những trần ô cấu nhiễm này, mà trong Thiền Tông gọi là: “Xa hẳn căn trần, linh quang xán lạn.”, cũng chính là biểu đạt sự giác ngộ một cách triệt để về các pháp thân xưa nay vốn thanh tịnh. Ngoài ra nhà Phật cũng xưng cải tâm là tâm địa, nhân vì tâm địa thanh tịnh thì cõi Phật thanh tịnh, tức là ngay trong lúc nội tâm của mỗi con người sạch sẽ thì họ sẽ ở trong cái hoàn cảnh tốt đẹp. Cho nên gọi là Tịnh độ. 

Tịnh độ và uế độ trong nhà Phật là căn cứ vào tâm địa của chúng sanh có thanh tịnh hay không, có cái nhìn như thế thì việc tảo địa trong nhà Phật có một ý nghĩa tượng trưng. Ngoài ra còn một phương diện khác nữa là quét sạch những bụi bặm rác rến ở bên ngoài, cùng một ý nghĩa này thì đồng thời cũng quét sạch những trần cấu trong tâm.

Trong Thiền Tông Trung Hoa ta cũng thấy ý nghĩa này qua 2 bài kệ của Thiền sư Thần Tú và Lục Tổ Huệ Năng.

Một hôm ngũ tổ Hoàng Mai bảo đại chúng làm một bài kệ để trình kiến giải. Ngài Thần Tú bèn viết bài kệ và dán vào vách:

Thân thị Bồ Đề thọ

Tâm như minh cảnh đài

Thời thời thường phất thức

Vật sử nhạ trần ai

(Thân là cây Bồ Đề

Tâm như đài gương sáng

Thời thời luôn quét dọn

Chớ để dính bụi dơ)

HINH NEN TAO DIA

Đại chúng xem xong ai nấy đều trầm trồ khen hay. Khi ấy Lục Tổ Huệ Năng biết được điều này cũng muốn làm bài kệ nhưng ngặt nỗi không biết chữ, bèn nhờ người khác viết giùm như sau:

Bồ Đề bổn vô thọ

Minh cảnh diệc phi đài

Bổn lai vô nhất vật

Hà xứ nhạ trần ai?

(Bồ Đề vốn không cây

Gương sáng cũng không đài

Xưa nay không một vật

Chỗ nào dính bụi dơ?)

Khi bài kệ này dán lên làm kinh động cả đại chúng, vì đạt đến cảnh giới triệt ngộ.

Thiền Tông Trung Quốc chú trọng về việc quét đất vì có 2 nhân tố:

1/ Phật giáo Trung Quốc cải tiến việc khất thực của Phật giáo Ấn Độ, chính là xây dựng Tòng lâm, lập ra qui củ. Từ đời Đường trở về trước cuộc sống của người xuất gia là hoàn toàn nhờ vào sự ngoại hộ của quốc gia và tín chúng cúng dường. Đương thời, những người nào mới bước vào cửa Phật thì phải trải qua những thử thách để tịnh hóa thân tâm, nên làm những công việc rất bình thường như: Gánh nước, bửa củi, quét nhà, giã gạo.

Tổ Bách Trượng Hoài Hải đề xướng: “Một ngày không làm, một ngày không ăn”, cũng chính là nói mỗi người đều phải lao động. Ngay cả vị Phương trượng, đại Pháp sư… đều phải tham gia lao động, rất nhiều vị Thiền sư ngộ đạo trong lúc đang lao động. Trong Bách Trượng Thanh Qui có từ Phổ Thỉnh còn gọi là Xuất Pha, nghĩa là tập trung chư Tăng cả Tòng lâm để lao động tập thể: “Hành Phổ Thỉnh Pháp thượng hạ huân lực dã” (Thực hiện cách tập trung chư Tăng để lao động, mọi người từ trên xuống dưới phải gắng sức).

Tao dia 5

Ví như Thiền sư Triệu Châu, mỗi ngày tự thân cầm chổi quét dọn Tự viện, một hôm có vị Tăng hỏi: Hòa thượng quét dọn là quét đằng trước Phật hay đằng sau Phật.

Thiền sư Triệu Châu liền đáp: Trước sau đều quét.

Đây là việc quét dọn thông thường được thể hiện qua ý nghĩa đặc sắc của Thiền tông.

2/ Thiền Tông cho rằng việc quét dọn không chỉ tu tập tâm địa mà còn có ý nghĩa rèn luyện thân thể.

Khi hành giả quét đất cũng là phương pháp quán niệm, ta thấy bài kệ sau:

Cần tảo già lam địa

Thời thời phước huệ sanh

Tuy vô tân khách chí

Diệc hữu thánh nhơn hành

Tạm dịch:

(Siêng năng quét sạch đất chùa

Để cho trí huệ bốn mùa phát sanh

Tuy ngày không có khách lành

Thánh nhơn thường đến kinh hành nơi đây)

Tao dia

Ngoài ra còn có Chơn ngôn Tảo địa. Đây là một Chơn ngôn trì tụng khi quét dọn đất cát để kiến lập Mạn Đồ La trong Mật giáo.

“Án, hạ ra hạ ra tổ ngật ra hạ noa dã sa phạ hạ”.

Trong Căn Bản Thuyết Nhất Hữu Bộ Tỳ Nại Da tạp sự quyển 4 chép: “Hành giả khi Tảo địa được 5 thứ Phước báu.

1. Tự tâm thanh tịnh còn gọi là tự trừ tâm cấu:  ý nói khi quét đất chùa chiền sạch sẽ thì tâm cũng được sạch sẽ thanh tịnh.

2. Linh thanh tâm tịnh, còn gọi là trừ tha cấu: ý nói sau khi quét người khác thấy đất chùa chiền sạch sẽ, thì tâm họ cũng được thanh tịnh.

3. Chư Thiên hoan hỉ còn gọi là khử kiêu mạn: ý nói người quét đất chùa sạch sẽ giống như trừ bỏ bụi dơ kiêu mạn trong thân mình, Chư Thiên thấy người và đất đều thanh tịnh nên sanh lòng hoan hỉ.

4. Thực đoan chánh nghiệp còn gọi là điều phục tâm: ý nói người quét đất chùa chiền sạch sẽ thì điều phục được thân mình, cũng như gieo trồng phước nghiệp đoan chánh, đời sau nhất định sẽ được tướng mạo và đức nghiệp đẹp đẽ.

5. Mạng chung đương sanh thiên thượng, còn gọi là trưởng công đức: ý nói người quét đất chùa sạch sẽ thì tăng trưởng công đức, vì vậy sau khi mạng chung sẽ sanh về cõi trời.

chutieu

Trong kinh Vô Cấu Ưu Bà Di chép: “Bấy giờ Vô Cấu Ưu Bà Di, Hiền Ưu Bà Di… đi đến chỗ Phật, đầu mặt đảnh lễ dưới chân Phật rồi lui ngồi một bên. Bấy giờ, Thế Tôn liền bảo Vô Cấu Ưu Bà Di rằng: “Ưu Bà Di, ngươi không có hạnh phóng dật, không có tâm bê trễ chăng?”.

Ưu Bà Di nói: “Con không bê trễ, lại cũng không có hạnh phóng dật”.

Phật bảo Vô Cấu Ưu Bà Di: “Ngươi vì sao thường không có tâm lười biếng và không có hạnh phóng dật?”.

Vô Cấu Ưu Bà Di bạch Phật: “Thế Tôn, con thường dậy sớm quét dọn tháp Phật. Quét xong, con lau dọn bốn phòng ở bốn nơi. Lau dọn sạch sẽ xong, con lại rải hoa thắp hương, cúng dường như thế. Sau đó, con mới trở về phòng, kế đến ngồi thiền, tu bốn pháp phạm hạnh, chẳng lìa ba điều quy y và vâng giữ năm giới cấm. Con luôn hành trì như thế, không bao giờ bê trễ, lại cũng không buông lung”.

3

Vô Cấu Ưu Bà Di nói xong, lại bạch Phật rằng: “Thế Tôn, con nay vẫn chưa biết quét tháp Phật có được căn lành và phước báo gì? Lau dọn bốn phòng, có được căn lành và phước báo gì? Rải hoa và thắp hương cúng dường tháp Phật, có được căn lành và phước báo gì? Tu bốn pháp phạm hạnh, vâng giữ ba pháp quy y và thọ trì năm điều răn cấm, có được căn lành và phước báo gì? Cúi mong Đức Thế Tôn chỉ bày cho con hiểu”.

Phật bảo: “Vô Cấu Ưu Bà Di, quét tháp Phật có được năm thứ phước báo:

1. Tự tâm thanh tịnh, người khác thấy mình sanh lòng thanh tịnh.

2. Được người khác yêu mến.

3. Chư thiên sanh lòng vui mừng.

4. Gom chứa hạnh nghiệp đoan chánh.

5. Khi mạng chung được sanh lên cõi Trời.

Này Vô Cấu, nên biết, người quét tháp Phật có được những phước báu như thế”.

Việt Nam ta có câu tục ngữ : “Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm”. Quét đất ý nghĩa thông thường là để vệ sinh sạch sẽ, để có được cảm giác thư thái trong môi trường sống và đồng thời cũng thể hiện sự trân quí khi tiếp đón khách khứa bạn bè…đến trú xứ.

- Trung Quốc thời cổ đại có một phong tục gọi là “Ủng Tuệ” tức là khách vừa đến, thì chủ nhà hai tay cầm theo cái chổi ra tận cửa để nghinh tiếp khách, ý muốn nói rằng nhà cửa đã quét dọn sạch sẽ rất hân hạnh được đón tiếp.

 (Theo Lễ Nghi trang 64 của Nguyển Hải Yến biên soạn. NXB Lao Động)

- Khi Vua Cao Tổ đời Hán lên ngôi, cách năm ngày thì đến chầu Thái Công một lần. Thái Công lấy lễ cha con để đối đãi, quan gia lệnh (chức quan thuộc Thái tử, nguyên bản là Trủng lệnh) mới nói khéo với Thái Công.

2

Cao Tổ tuy là con, nhưng là bậc nhơn chủ rồi vậy. Còn Thái Công tuy là cha, nhưng vẫn thuộc về nhơn thần. Thế thì tại sao để bậc nhơn chủ phải lễ lạy nhơn thần, như thế thì không thi hành cái uy lớn của Thiên tử rồi.

Về sau Cao Tổ đến chầu Thái Công, Thái Công mới “ôm chổi ra cổng đón” mà đi giật lùi. Hán Cao Tổ thất kinh, ông bèn lật đật xuống xe đỡ Thái Công.

Thái Công nói:

- Vua là bậc nhơn chủ, tại sao vì tôi mà làm rối loạn pháp của thiên hạ,

Thế là Hán Cao Tổ suy tôn Thái Công làm Thái Thượng Hoàng.

(Theo Thiền Lâm Bảo Huấn họp chú)

Tuy nhiên nếu như khách đã đến nhà mà mới cầm chổi quét thì đó là một sự khiếm nhã.

Nhìn chung, vì sáu trần ô nhiễm mới có khổ đau, tuy nhiên bản lai diện mục xưa nay vẫn rạng ngời không thay đổi, một khi trừ sạch hết trần cấu rồi thì an vui muôn thuở. Qua việc quét dọn, ta cũng thấy được đời sống tu tập được thể hiện qua mọi thời khắc, mọi cử chỉ trong mọi sinh hoạt hằng ngày. Quan trọng nhất là biết vận dụng tu hành, thân đâu tâm đó, thu nhiếp ba nghiệp vào trong chánh niệm, không cho bụi trần dính vào bản lai thạnh tịnh của mình. Như thế thì tâm như vầng trăng tâm rỡ ở hư không, soi sáng khắp nhơn gian nầy./.

 

◊◊———————————————————-——————-◊◊

 

 

 

 

Những Bài Viết Liên Quan
514890
Total Visit : 413202