BÀN TAY VÔ SỰ
Thích Thiện Phước
Tướng quốc Bùi Hưu sống vào thời Đường. Từ khi theo Thiền sư Hoàng Bá, ông càng kính phục Thiền sư. Có lần ông đem việc tâm đắc khi tham thiền dùng văn tự để biên thành sách. Sau khi thành sách xong, ông rất cung kính đem trình lên Thiền sư Hoàng Bá mong rằng Thiền sư xem qua nội dung góp ý.
Thiền sư Hoàng Bá sau khi tiếp nhận xong, liền quăng trên bàn không nói năng gì, một hồi lâu lại hỏi: “Hiểu không?”.
Tể tướng Bùi Hưu thành thật đáp: “Không hiểu”.
Thiền sư Hoàng Bá liền phương tiện khai thị: “Thiền là truyền ngoài giáo điển, không lập văn tự. Ông đem Phật pháp dùng văn tự để nêu bày thì làm mất đi chơn nghĩa của Phật pháp, cũng như mất đi tông phong của thiền môn, cho nên tôi mới không thèm xem”. Bùi Hưu sau khi nghe xong thì khế ngộ thiền lý, càng kính trọng Thiền sư, liền đọc bài tụng khen rằng:
Từ khi đại sĩ truyền tâm ấn
Trán có châu tròn thân bảy thước
Quảy gậy mười năm dừng sông Thục
Nổi trôi hôm nay vượt bến Chương
Tám ngàn long trượng theo cao bước
Muôn dặm hương hoa kết thắng nhân
Con nay tôn kính làm Sư phụ
Chẳng hay đem pháp chỉ bày ai?.
Thiền sư Hoàng Bá sau khi xem xong, mặt không đổi sắc, lấy làm lạ Ngài liền đọc bài phú:
Tâm như biển lớn chẳng gì ngăn
Miệng nhả sen hồng nuôi bệnh thân
Từ khi có được tay vô sự
Không từng cung thủ đợi nhàn nhân.
Tục ngữ nói: “Chân truyền một câu nói, giả truyền vạn quyển sách”. Một chữ giả này phải chăng là hàm tàng thâm ý “ngôn ngữ không sánh kịp”./.
◊◊◊————————————————————◊◊◊