Chủ nhật, ngày 15 tháng 9 năm 2024
"Mùa báo hiếu ghi công đức mẹ dưỡng cha sinh, Hội Vu Lan nhớ tinh thần thầy tổ truyền dạy" KÍNH MỪNG ĐẠI LỄ VU LAN BÁO HIẾU 2023

CHÍ NGUYỆN XUẤT GIA

CHÍ NGUYỆN XUẤT GIA

Thích Thiện Phước     

          Kinh pháp cú Đức Phật dạy:

“Đường này đến thế gian

Đường kia đến Niết Bàn

Tỳ kheo đệ tử Phật

Phải ý thức rõ ràng”.

          Trong đời người, ai nấy đều có chí hướng và con đường riêng. Xuất gia là một trong những con đường và chí hướng ấy. Vì lý tưởng cao đẹp, vì hạnh nguyện cao cả nên mới phát tâm xuất gia. Để làm lợi ích cho mình và người, phụng sự Phật pháp, làm tốt cho cuộc đời.

          Đệ tử Phật được chia làm 2 chúng:

          1.Tại gia.

          2. Xuất gia.

          Theo giáo nghĩa Phật giáo, Tăng già xuất gia gọi là Tăng Bảo, là một trong Tam bảo, có trách nhiệm gánh vác hoằng dương Phật Pháp. Người xuất gia là xa lìa trần thế cho nên gọi là xuất trần. Xuất gia nhất định phải cạo bỏ râu tóc, bỏ phục sức thế gian, mặc vào mình chiếc y hoại sắc. Cho nên xuất gia lại gọi là lạc sức, thế phát, lạc phát nhiễm y, thế nhiễm, lạc nhiễm. Trong bảy chúng đệ tử của Phật, trừ hai chúng tại gia Ưu bà tắc, Ưu bà di ra, năm chúng còn lại: Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Thức xoa ma na, Sa di, Sa di ni là thuộc về chúng xuất gia.

350353678_1453200312090722_4095332707182238047_n

           Xuất gia không phải là việc có trước nhất trong Phật giáo, lại cũng không phải là danh từ chuyên môn dung trong Phật giáo. Bởi vì khi Thế Tôn chưa giáng sanh, tại xã hội Ấn Độ thời bấy giờ có rất nhiều Sa môn ngoại đạo. Sa môn là từ gọi chung đối với những người đã xuất gia của nước Ấn Độ, nghĩa là “tức tâm” hoặc “tịnh chí”. Sau khi Phật giáo được sáng lập vì để phân biệt đối với Sa môn, Bà La Môn ngoại đạo, nên xưng những người xuất gia trong Phật giáo gọi là Sa môn Thích tử, nghĩa là những người theo Phật Thích Ca Mâu Ni xuất gia làm đệ tử của Ngài.

          Do vì Tăng già ở trong Phật giáo đảm nhiệm trụ trì Phật Pháp, có trách nhiệm và nghĩa vụ hoằng truyền chánh pháp, nên gọi là: Bậc Thầy của trời người, Tăng bảo. “Xuất gia là việc của bậc đại trượng phu, chẳng phải tướng văn tướng võ có thể làm được. Vàng ròng, bạch ngọc chẳng cho là quý, chỉ có ca sa đắp trên vai mới là việc khó.” Cho nên có đầy đủ tính cao quý không thể sánh. Nhân thế, yêu cầu trong Phật giáo, người có đầy đủ những điều kiện mới cho xuất gia. Trong quyển 23, 24 luật Ma Ha Tăng Kỳ có nêu ra 26 hiện tượng không cho xuất gia. Về tuổi tác thì 7 tuổi, nếu chưa đến 7 tuổi không thể lo liệu những sinh hoạt hằng ngày thì đều không cho xuất gia, nếu tuổi tác đã đầy đủ mà còn phải khảo xét về những yếu tố sinh hoạt cá nhân như bệnh nan y… và những chế độ sinh hoạt khác nếu có liên quan đến những chế định trong giới luật thì cũng không cho xuất gia.

          Ngoài ra nếu như 2 căn (người âm dương), không căn, không đầy đủ hình tướng nam nữ thì không nên cho xuất gia. Cha mẹ không cho xuất gia thì cũng không xuất gia. Nhân vì khi Phật còn ở đời từng có vị Tỳ kheo độ một đứa bé xuất gia nhưng chưa được sự đồng ý của cha mẹ, và cũng chưa được sự đồng ý của Tăng đoàn. Cha mẹ của đứa bé đó đi vào tự viện, hỏi thăm các Tỳ kheo, các Tỳ kheo trả lời là không biết chuyện này, cũng chưa thấy đứa trẻ ấy, nhưng kịp khi cha mẹ của đứa trẻ đó gặp lại con mình, thì đứa trẻ đó đã bị cạo đầu rồi, thế là họ hiềm trách các Tỳ kheo. Cho nên Phật quy định độ người xuất gia phải được sự đồng ý của cha mẹ, và được sự chấp thuận của Tăng đoàn, vi phạm pháp luật của quốc gia không cho xuất gia, thân thể bệnh bạch lại, ung thư, điên cuồng… sáu căn không đủ, tàn tật… cũng không cho xuất gia. Nhân vì Tăng già cần phải ngoại hình nghiêm trang để khởi phát lòng tin của Tín đồ, mà những hạng người này không thể khởi phát được lòng tin của Tín đồ nên không cho xuất gia. Người phạm tội ngũ nghịch, giết cha, giết mẹ, giết A La Hán, làm thân Phật ra máu, người phá chuyển Pháp luân Tăng, sau khi thọ Tỳ kheo giới phạm 4 tội căn bản rồi hoàn tục sau khi xuất gia lại, mắc nợ người đều không được độ xuất gia. Nếu như có ngoại đạo tín ngưỡng Tôn giáo đến để cầu thọ xuất gia thì cũng phải phòng ngăn trường hợp hủy báng chánh pháp. Hơn nữa giới luật quy định nếu có người muốn cầu xuất gia thì phải nói với họ xuất gia là khổ, ăn ngày một bữa, ngủ một đêm dưới gốc cây, phải tham thiền đọc kinh, học vấn tinh tấn hành đạo… Nếu như có thể kham chịu như thế mới cho xuất gia, đây là ngăn ngừa trường hợp những người vì sự ăn mặc mà đến để cầu xin xuất gia.

356160579_215338094785188_635914782652190845_n

          Trong giới luật quy định phải trải qua thời gian 4 tháng để khảo sát, để khẳng định tâm tánh thuần thiện, chơn tâm xuất gia, mới có thể hóa độ cho xuất gia. Đây là ngăn ngừa trường hợp đến để hủy báng đạo pháp. Vả lại, giới luật quy định nếu như có người đến cầu xin xuất gia, hẳn phải nói với họ xuất gia có các điều khổ như: Về ăn mặc ngủ nghỉ, thậm chí chỗ ở cũng đơn giản. Phải thiền tụng, học vấn, tinh tấn hành đạo. Nếu như có thể kham chịu những nỗi khổ như thế thì cho xuất gia, đây là ngăn ngừa trường hợp lười biếng đến để tìm cầu sự ăn mặc. Một đoàn thể Tăng già được hình thành từ cá nhân, cho nên phải chọn lựa người rồi mới cho xuất gia, đây là điều tối quan trọng liên quan đến vấn đề thịnh suy của đạo Phật. 

          Phàm làm Thầy độ cho người xuất gia phải có những chuẩn tắc nhất định quyển 28, Luật Ma Ha Tăng Kỳ chép có 10 quy định: Phật dạy từ nay về sau người mà thành tựu được 10 pháp thì Ta cho độ người xuất gia.

          1/ Trì giới.

          2/ Đa Văn A Tỳ Đàm (Luận).

          3/ Đa Văn Tỳ Ni (Luật).

          4/ Học giới.

          5/ Học kinh.

          6/ Học huệ.

          7/ Có thể xuất tội Tăng Tàn.

          8/ Có thể chăm sóc bệnh, dạy người chăm sóc bệnh.

          9/ Đệ tử có nạn có thể khiến người đưa đi.

          10/ Đủ 10 tuổi hạ.

          Lại nói, tối thiểu là đủ 10 tuổi hạ, biết 2 bộ Luật Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, thì cũng được độ người xuất gia. Ngoài ra trong “Đại Tỳ Kheo Tam Thiên Oai Nghi”, “Thiện Kiến Luật” đối với Thầy trò có yêu cầu nhất định. Phàm làm Thầy độ Sa di phải có 2 điều kiện:

          1/ Đủ 10 tuổi hạ.

          2/ Thông hiểu Luật Tạng.

          Nếu muốn xuất gia trước hết phải chọn một ngôi chùa nào thích hợp với mình. Nhân vì chùa còn tùy thuộc vào Tông phái, đạo phong, vì thế có ảnh hưởng không ích đến đời sống tu tập sau này. Sau khi chọn được chùa xong phải đem giấy đồng ý của cha mẹ đến để chứng minh. Tốt nhất là nên có chư Tăng hoặc cư sĩ quen biết giới thiệu. Khi đến chùa thì nói lên nguyện vọng của mình. Nếu thích hợp thì cho ở.

          Nhân vì trong tự viện phải thử nghiệm sau một năm mới được xuất gia, cho nên phải làm hành giả ở trong chùa và do Khách đường sắp xếp công việc. Còn người muốn xuất gia, việc chủ yếu là phải gieo trồng phước huệ thiện căn, cho nên Khách đường sắp xếp những công việc phục vụ đại chúng như: Nấu cơm, pha trà, nấu nước, nhóm lửa, quét dọn nhà xí… Một vài người hiện tại cho rằng xuất gia rất thanh nhàn, không có nhiều tạp việc, vừa xuất gia thì liền tu hành ngồi thiền hoặc rảnh rang ngồi không nghiên cứu, nên rất khó vượt qua những vất vả về sau, cho nên phải thông qua sự khảo sát.

345668432_625099209667008_8101366713281586497_n

          Trong thời gian một năm này, ngoài trách nhiệm hoàn thành tốt công việc trong chùa sắp đặt ra, lại còn phải nổ lực học thuộc hai thời khóa tụng, học tập những oai nghi của người xuất gia, đọc nhiều điển tích Phật giáo, tự nâng cao nhận thức và tín ngưỡng của mình. 

          Qua một năm thử nghiệm, trong Tăng chúng biết được người này thật tâm xuất gia, thích ứng được nếp sống sinh hoạt của nhà chùa thì mới cho thế độ xuất gia.

          Xét theo “Thế Độ Sa Di Chánh Phạm”, nghi thức thế độ có hướng dẫn, khải bạch, thỉnh sư, khai đạo, thỉnh thánh, từ tạ tứ ân, sám hối, quán đảnh Thế Phát. Nhân vì người cầu thế độ chưa có quy y tam bảo nên cần phải nói pháp tam quy. Đại chúng sau khi tán hương xong, người cầu thế độ bước ra giữa, lạy Phật 3 lạy, kế đến là hướng về phía Bắc lạy 4 lạy, kế đến hướng về phương Nam lạy 4 lạy để từ tạ thiên địa, vua chúa, cha mẹ, sư trưởng. Sau đó lạy Thầy thế độ 3 lạy, quỳ gối chắp tay đọc bài kệ sám hối theo sự hướng dẫn của Thầy thế độ. Thầy thế độ bèn đến trước người cầu xin xuất gia, trước hết lấy nước tịnh bình rưới lên đảnh đầu người cầu xin xuất gia ba lần rồi cầm giới đao, trước hết cạo ba dao và nói:

          – Dao thứ nhất, đoạn trừ tất cả ác.

          – Dao thứ hai, nguyện tu tất cả thiện.

          – Dao thứ ba, thệ độ tất cả chúng sanh.

          Sau đó đại chúng đồng xướng:

“Kim đao thế hạ nương sanh phát.

Trừ khước trần lao bất tịnh thân.

Viên đảnh phương bào Tăng tướng hiện.

Pháp vương tòa hạ đại trượng phu”.

Dao vàng cạo sạch tóc mẹ sanh.

Trừ bỏ trần lao thân bất tịnh.       

Đầu tròn áo vuông thân tướng hiện.

Dưới tòa Pháp vương đại trượng phu.

          Sau đó đại chúng đọc kệ hồi hướng, người cầu thế độ về phòng thay đồ thế tục mặc vào Tăng phục, hiện tướng xuất gia. Sau khi nghi thức xong lễ tạ Thầy thế độ 3 lạy.

350793012_1038548170448015_7143630048032948819_n

          Mỗi người xuất gia phải lấy chơn tâm làm căn bổn, xuất gia là một việc khó, phải cứng rắn, chịu khổ, hay nhẫn được những điều khó nhẫn, hay làm được những điều khó làm.

 

◊-◊———————————————————————————-◊-◊

Những Bài Viết Liên Quan
452996
Total Visit : 351308