Thứ 5, ngày 18 tháng 4 năm 2024
"Mùa báo hiếu ghi công đức mẹ dưỡng cha sinh, Hội Vu Lan nhớ tinh thần thầy tổ truyền dạy" KÍNH MỪNG ĐẠI LỄ VU LAN BÁO HIẾU 2023

Hành trạng Tổ sư Khai sơn Chùa Hội Phước.

hanh trang tsuHanh trang 1

Khai sơn Hội Phước đường Thượng, tự Lâm Tế

Chánh Tông tam thập thất Thế, húy Liễu Ngọc

thượng Phổ hạ Minh đại lão Hòa thượng

Giác linh Nghê tọa.

Tổ Sư họ Trần húy Viên Ngoạn, sanh năm Mậu Tý (1828) đời Vua Minh Mạng năm thứ 9, tại làng Bình Thủy, tổng Định Thới, hạt Cần Thơ, Pháp danh Liễu Ngọc, tự Phổ Minh hiệu Minh Ngọc Châu Hoàn. Tổ sư sanh ra trong một gia đình trung lưu, thuở nhỏ theo Nho học, được thầy khen là người thông minh và có nết hạnh. Chẳng may phụ thân mất sớm, Ngài được mẹ già thương yêu chăm sóc, lại nhờ căn lành đời trước sâu dày, nên đến năm 16 tuổi Tổ xin phép mẫu thân được xuất gia học đạo tại chùa Long Quang ở quê nhà.

Rồi từ đó, nương mình dưới bóng từ bi, trên nhờ minh Sư huấn thị, dưới cùng pháp lữ tham tầm, sớm chiều làm bạn với hoa đàm đuốc tuệ, tham cứu thiền lý, chẳng bao lâu Tổ đã đạt được bước tiến rất dài trên đường ngộ nhập. Một hôm, nhân trong buổi Tịnh Độ tại Chánh Điện, chợt thấy cánh hoa héo rụng trên bàn, Tổ liền bừng khai tánh giác. Sau đó Ngài tìm đến Tổ đình Giác Lâm (Phú Thọ Sài Gòn) lễ cầu Thiền sư Tế Giác Quảng Châu (Tiên Giác Hải Tịnh) ấn chứng. Sau khi được thọ ký, Ngài ở lại Tổ đình Giác Lâm duyệt đọc tam tạng.

Thật là:   

Tào Khê nước chảy về Đông

Y bát nối dõi lâu không nhớ ngày

Trăng thiền nào khác xưa nay

Châu Hoàn ấn chứng đã dày lòng tu.

Nen Hanh trang 1

Hoàng triều Tự Đức năm thứ 2 (1849) ngày mùng 10 tháng 10 năm Kỷ Dậu, thiền sư Tế Giác Quảng Châu cử Tổ về vùng Nha Mân, Sa Đéc, trụ tích khai sơn chùa Hội Phước, lúc ấy Tổ  22 tuổi.

Hoàng triều Tự Đức năm thứ 3 (1850) năm Canh Tuất, Tổ nhận thấy chùa Hội Phước tuy có tên là chùa nhưng thật ra chỉ là một thảo am nhỏ không đủ để tiếp chúng độ Tăng. Tổ liền đi đến hạt Tây Ninh mua cây rừng về tạo dựng tòng lâm xiển dương chánh pháp.

- Năm Mậu Thìn 1868, Ngài được thỉnh vào ngôi vị Giáo Thọ A Xà Lê tại Giới Đàn Chùa Phước Lâm Mỹ Tho.

- Vào ngày 20 tháng 4 năm Tân Mùi (1871), Ngài được thỉnh vào hàng đệ nhất tôn chứng tại Giới Đàn chùa Tây An, núi Sam Châu Đốc, An Giang do lão Tổ Tế Giác Quãng Châu làm đường đầu.

- Tháng 12 năm Quý  Mùi 1883, Ngài được thỉnh vào ngôi vị Giáo Thọ A Xà Lê tại Giới Đàn chùa Phụng Sơn do Yết Ma Chơn Ứng thiết lập. 

 Suốt mấy mươi năm khai hương kiết hạ, tiếp chúng độ Tăng, xây dựng Già Lam, trùng tu Phạm Vũ, công đức của Tổ thật là “Cao sơn ngưỡng chỉ” khiến đàn chim cảm mến đến quy y, bầy ong quây quần theo ủng hộ.

Đến năm Tân Sửu (1901) ngày mùng 3 tháng 3, nhận thấy cơ duyên hóa đạo đã mãn Tổ gọi môn đồ đến phó chúc, rồi chắp tay an tường thị tịch, trụ thế 73 tuổi, pháp lạp 53 hạ. Nhục thân của Tổ hoàn đến 49 ngày mới nhập tháp trong khuôn viên Tổ Đình.

11k

Thế mới biết:  

Đức hóa thật cao lớn

Thấm nhuần khắp mọi nơi

Cây đèn thiền muôn thuở

Sáng soi mọi chân trời.

Hôm nay Tăng Ni thiện tín chúng ta ôn lại công hạnh của Tổ, tuy đã là chuyện xa xưa, nhưng dư âm của Ngài đã in đậm trên trang thiền sử, Pháp tử của Ngài vẫn còn truyền bá khắp miền Cửu Long Giang vô tận.

Mặc dù Tổ Sư đã vào cảnh Niết Bàn, nhưng gương sáng của Ngài vẫn còn ảnh hiện nơi đây. Hơn 70 năm trụ thế, sớm tối tinh cần sùng tu Tam Bảo, tế độ chúng sanh, lâm bệnh nhẹ rồi nhập Niết Bàn nhất tâm mà thôi.

Một cành hoa nở,

Mùi hương xúc cảm lòng người

Năm cánh lá tươi,

Màu sắc đậm đà ý Tổ

Nguồn trong nước sạch

Cội tốt, cây xanh.

Phụng vì khai sơn Hội Phước đường thượng, nối Thiền pháp Lâm Tế đời thứ 37, húy Liễu Ngọc tự Phổ Minh, hiệu Minh Ngọc Châu Hoàn, đại lão Hòa Thượng Bổn sư, tác đại chứng minh. 

(Sa môn Chánh Thành kính soạn)

◊◊————————————————————◊◊

 

Những Bài Viết Liên Quan
389805
Total Visit : 288117