Sau khi Bạt Đề cùng các vương tử xuất gia, Phật Đà nghĩ đến tương lai của nước Ca Tỳ La Vệ đang lâm vào cảnh đau thương. Vì lúc đó xung quanh nước Ca Tỳ La Vệ đều có các nước thù địch mà Phụ vương thì đã già, vương đệ Nan Đà thì tầm thường không có tài năng lại còn ham mê nữ sắc, La Hầu La thì còn quá nhỏ không thể đảm nhận trách nhiệm trọng đại của một quốc gia. Trong lòng Phật tràn đầy ưu tư, lo cho sự phồn vinh của đất nước, lo cho sự yên ổn trong xã hội và cuộc sống an lạc của người dân trong tương lai. Tuy đây là sự vô thường của thế gian cũng là cộng nghiệp của nhân dân nhưng Phật vẫn muốn tận lực cứu giúp nguy cơ sắp đến của tổ quốc. Phương pháp để Ngài cứu giúp tổ quốc chính là quyền lực to lớn của một đất nước không thể giao cho một người như Nan Đà, La Hầu La thì còn quá nhỏ do đó chỉ còn một cách, đó là Ngài tiếp dẫn hai người này xuất gia trước, sau đó trong triều đình sẽ chọn ra một vị có đủ tài năng đảm nhận và kế thừa vương vị. Từ cách làm này có thể thấy Phật đối với chính trị là tự do dân chủ, bình đẳng không phân biệt thân sơ.
Đầu tiên là La Hầu La khi đi đến rừng Ni Câu Đà, Phật bèn bảo Tôn giả Xá Lợi Phất xuống tóc cho La Hầu La. Khi ấy trong tăng chế của Phật không có nguyên tắc cho trẻ con xuất gia. Phật đã dùng phương pháp đặc biệt để độ cho La Hầu La lam Sa Di thọ Thập Giới, việc làm này xuất phát từ lòng yêu nước chí công vô tư của Phật.
Sau khi La Hầu La xuất gia, trong một lần Phật đi khất thực đến trước nhà Nan Đà, Ngài hỏi Nan Đà gần đây bận việc gì? Nan Đà trả lời : “Em và Tôn Đà Lợi Cơ vừa kết hôn không bao lâu, cô ta là mỹ nữ đẹp nhất nước ta, ngày nào cũng bận rộn với việc trang điểm cho nàng nên không rảnh đến thăm Phật Đà. Ngày nay Phật Đà quang lâm muốn em cúng dường thứ gì thì mau nói ra đi, em còn phải đi tìm Tôn Đà Lợi Cơ nữa!”. Những lời nói này của Nan Đà đã cho thấy tương lai bi thảm của nước Ca Tỳ La Vệ, nhưng Phật sớm đã biết điều này, sau khi nghe Nan Đà nói xong Ngài quay về rừng Ni Câu Đà.
Nan Đà nhìn thấy Phật sắp rời khỏi vội vả bới đầy cơm đuổi theo Phật, do đó ông cũng bước vào rừng Ni Câu Đà, Phật nhìn thấy Nan Đà đến liền hỏi: “Nan Đà, ta vì hạnh phúc vĩnh cữu của người mà nghĩ, người có muốn xuất gia theo ta không?”. Nan Đà nửa đùa nửa thật đồng ý, thế là Phật gọi Xá Lợi Phất đến xuống tóc cho Nan Đà. Nan Đà nhìn thấy Phật thật nghiêm túc bèn sợ hãi nhưng do dáng vẻ uy nghiêm của Phật đang ở bên cạnh nên ông không dám lên tiếng phản đối. Tuy Nan Đà đã xuống tóc nhưng ông vẫn luôn không an tâm tu hành, trong lòng luôn cảm thấy bực bội vì nhớ nàng Tôn Đà Lợi Cơ. Phật nhìn thấy vậy biết rằng không thể dùng lời nói để cảm hóa ông ta, chỉ có thể dùng việc thật mới khiến ông ta hồi đầu.
Vào một ngày nọ, Phật dẫn Nan Đà ra ngoại ô tản bộ, đi dần dần đến một nơi cây cối um tùm, đột nhiên nhìn thấy một con khỉ mẹ dơ dáy xấu xí, Phật bèn hỏi Nan Đà: “Này Nan Đà! Vợ người Tôn Đà Lợi Cơ nếu đem so sánh với con khỉ này thì người thấy thế nào?”. Nan Đà không vui trả lời: “Phật Đà, xin người đừng đùa với em nữa, vợ em đẹp khuynh thành như thiên nữ trên trời làm sao có thể đem so sánh với con khỉ này chứ!”. Phật hiền từ nói: “Nan Đà, vợ ngươi đẹp như tiên như thế, hèn gì vừa nghe lời ta nói liền cảm thấy bực tức bất bình, nhưng tiếc là người chưa nhìn thấy thiên nữ trên trời mà thôi. Thật là đẹp không gì có thể so sánh. Nếu thích ta sẽ dẫn người lên trời để cho người nhìn thấy thiên nữ”. Nan Đa vừa vui thích vừa hiếu kỳ, Phật liền dùng thần lực, trong nháy mắt đã đưa Nan Đà đến một thế giới huy hoàng sang trọng. Trong thế giới này, Nan Đà nhìn thấy cung điện vô cùng tráng lệ, nghe được những âm thanh du dương vui tai, ngửi được hương hoa thơm ngát. Hồn Nan Đà ngây ngất khi nhìn thấy những thiên nữ với làn da trắng ngần và vẻ đẹp thanh khiết. Ông bèn tới hỏi thăm, thiên nữ trả lời rằng: “Chúng tôi nơi đây mọi việc đều không thể nói cho ông biết, ông dường như vẫn là người trần gian, không trải qua tu hành khổ luyện, nghiệp cảm nơi thân ông vẫn còn, làm sao đến được nơi thiên đình chúng tôi?”. Nan Đà cảm thấy vẻ đẹp của thiên nữ thật không gì có thể so sánh. Phật hỏi Nan Đà: “Nếu đem vợ người so sánh với thiên nữ ở đây thì thế nào?”. Phật Đà xin Ngài đừng đùa với em nữa, vợ em làm sao co thể so sánh với thiên nữ, thật giống như khi nảy đem con khỉ xấu xí kia so sánh với vợ em. Trước kia em không biết tu hành nay vì cầu sanh lên cõi trời hưởng thụ ngu dục nên an tâm tu hành.
Phật Đà nghe Nan Đà lập chí tu hành, mĩm cười gật đầu. Ngài biết Nan Đà tạm thời vui với đạo là vì muốn lên thiên cung để thỏa mãn dục vọng. Phật đã biết làm cách nào để thay đổi tư tưởng không đúng này của Nan Đà. Phật lại dùng thần lực dẫn Nan Đà đến địa ngục xung quanh là những núi bằng thiết, tham quan cảnh địa ngục. Nhìn thấy núi đao, rừng kiếm, nĩa thiết, đồng trụ, sông máu, chảo dầu, cắt lưỡi, lột da tất cả những sự thê thảm bày ra trước mắt. Nan Đà nhìn thấy mọi nơi đều có người thọ hình, nhưng chỉ có nơi vạc dầu là vẫn chưa có ai đến thọ hình cả. Ngục tốt nói rằng: “Tại nhân gian ở nước Ca Tỳ La Vệ có Nan Đà, ông ta tu hành vì cầu lên trời hưởng phước, đợi hết phước rồi sẽ tới thọ hình ở vạc dầu này”. Nan Đà nghe xong hết sức kinh hãi, hồn bay phách lạc. Thiên nữ đa tình, hạnh phúc cõi trời, đau khổ nơi địa ngục khiến Nan Đà cảm nhận sâu sắc nhân sinh là vô thường, phát Bồ Đề Tâm tu hành giải thoát sinh tử luân hồi không dám chần chờ.
Phật Đà luôn cứu vớt chúng sinh, biết Nan Đà đã thật sự giác ngộ, Ngài vuốt ve và nói với Nan Đà: “Này Nan Đà! Ông không nên đau lòng, nay thay đổi tu hành vẫn chưa muộn, ông theo ta về thôi!”. Nan Đà từ đó an tâm xuất gia học đạo. Việc ông ta cùng Bạt Đề vương tử xuất gia làm đệ tử Phật đã gây chấn động xã hội lúc bấy giờ, do đó sự giáo hóa của Phật ngày càng trở nên sâu rộng trong tầng lớp vương hầu, quý tộc.
◊-◊——————————————————————- ◊-◊
NĂM THÁNG DẦN TRÔI
Thích Thiện Phước
Cuộc đời là một hành trình luôn đưa ta về phía trước, không giậm chân tại chỗ, không lùi lại phía sau, từng bước chân trải dài ấy, luôn mang theo: Ước mơ thách thức, hạnh phúc niềm đau, nụ cười tiếng khóc, thất bại thành công, nhục vinh được mất,… có người đạt được đỉnh cao của sự nghiệp một cách mau chóng dễ dàng khi còn rất trẻ, có người lận đận mãi vẫn không thành, có người thì chưa lên đến đài vinh quang thì nhìn lại đã già, hơi tàn sức kiệt, rồi phải chống chọi chịu đựng với bệnh tật, như chờ đợi đến hồi kết thúc một chuyến đi xa…
Ai cũng có một thời vẫy vùng xông pha nơi chân trời góc biển, rồi cũng có lúc phải thu mình bình lặng chốn quê nhà, vui cùng cỏ nội mây ngàn, đếm từng giọt mưa rơi như dòng thời gian của đời người đang trút xuống… trở về sống cho mình, ngồi cắt móng tay, đếm từng hơi thở, soi gương nhìn mặt mình thật kỹ thật lâu, để thấy những nếp nhăn in đậm nét phong trần, thấy mây bay cuối tận chân trời mà lòng đầy xao xuyến, bỗng quên đi bao ký ức về cuộc đời thành bại nhục vinh, đã là lữ khách trần gian thì cái gì là của họ của ta, đến lúc an lòng nhìn lại buông xuôi muôn duyên để nhẹ lòng cho một chuyến đi về…“cô đơn không hẵn một mình, một mình không hẵn cô đơn”, chim hót, lá rơi, bầu trời đầy sao đêm…chỉ một mình ta nhưng ngập tràn hạnh phúc bao la.
Mờ sáng rừng thiền chưa dọi nắng
Đêm về hoa cỏ cũng lặng yên
Từng tiếng chim kêu bình minh dậy
Sương lờ bóng nguyệt giới hương bay.
Thật ra, đời người mau chóng lắm bạn, tất cả mọi chúng ta đều sẽ có ngày ly biệt và đến điểm dừng, đó là ngày mà mình rời xa thế giới nầy, ly biệt người thân thương, mọi thứ mà ta gắn bó trân quí yêu thích rồi cũng phải buông xuôi, ta không giữ mãi những gì mình có được, mất mát, đổi thay, tàn hoại…vì thế gian là vô thường, có một thứ không bao giờ thay đổi, đó là luôn luôn thay đổi, sống ở đời đôi lúc cũng phải tuỳ duyên, thay đổi chính mình cho phù hợp với thời đại hoàn cảnh, nếu ta không thay đổi thì sẽ bị thay thế và lùi về phía sau.
Nếu biết còn vài ngày, vài giờ, vài phút giây nữa để sống, thì bạn sẽ sống như thế nào, và làm gì cho khoảng thời gian còn lại của mình?… Ai nấy đều có nỗi khổ niềm đau, vì vậy cho dù hoàn cảnh nào, ta phải sống tràn ngập tình thương yêu: Bản thân, mọi người và muôn loài, khi tình thương đủ lớn thì cánh cửa khổ đau cũng dần khép lại, xin cho đi tình thương vô hạn bằng nhiều phương diện ở trong đời.
Lạy Phật mong sao cho con và mọi người mọi loài sống an lành tự tại, như cánh hạc tung bay giữa bầu trời cao rộng thênh thang, như những đám mây nhẹ nhàng phiêu bồng cao vút chốn thiên không, như dòng nước thì thầm len lõi xuyên qua mọi ngóc ngách của vũ trụ bao la, thong dong từng bước chân đi ngang cuộc đời một cách an toàn không vướng mắc, như làn gió thổi qua những cánh đồng hoa cỏ, mang theo hương thơm vi diệu lan tỏa khắp mọi chân trời.
Thời gian của kiếp người là một nguồn tài nguyên có giới hạn, không thể tái chế, mua bán, trao đổi, tiền bạc châu báu mất đi hôm nay, ngày mai có thể tìm được, còn thời gian trôi qua rồi, sẽ không bao giờ trở lại. Món quà vô giá này, tạo hóa đã ban cho chúng ta và muôn loài đồng đều như nhau. Mỗi ngày đêm có 24 giờ đồng hồ, nhưng chúng ta sử dụng vào việc gì, đó là chuyện cá nhân của từng người…
Đời người sống vài mươi năm, thật quá ngắn ngủi so với vòng luân hồi vô tận. Mỗi một hành nghiệp của chúng ta, dù tốt hay xấu, đều ẩn tàng lý nhân quả ở đó. Vì vậy, khi được làm thân người, bạn hãy tận dụng cơ hội hiếm có nầy, cố gắng sống nhân từ, đạo đức, chân chánh, trung nghĩa, thanh cao, liêm khiết,… trải lòng yêu thương giúp đỡ mọi người.
Cuộc đời, vốn dĩ có nhiều sự bất an đau khổ, ta nên sống sao cho có ý nghĩa, mang lại niềm vui cho mình và người. Ngày ngày tu nhân tích đức, sớm sớm tinh tấn công phu, cầu mong cho mọi người hết khổ, sống đời an vui hạnh phúc trong cõi phù du mộng ảo nầy.
Tuy nhiên, cuộc đời thật tươi đẹp cho những ai sống chân thật với nó: Và vẫn còn đâu đó những khoảng trời bình yên vô hạn, những đàn cò trắng bay lượn xa xa trên cánh đồng lúa bất tận giữa buổi chiều thu nhạt nắng, những khu rừng nguyên sinh xanh thẳm bao la, những dòng sông tĩnh lặng uốn khúc êm đềm, những chú ong dễ thương chăm chỉ hút mật, những đàn bướm bay chập chờn trong vườn hoa cỏ dại khi bình minh về còn đượm thấm sương đêm….thành trụ hoại không – thế gian vô thường, sanh già bệnh chết – thân người giả tạm, xuân hạ thu đông – năm tháng dần trôi, lá rụng về cội nước chảy ra khơi, an nhiên cho một chuyến đi về,…
Thong dong ở mọi phương trời
Mây bay gió thổi mong đời an yên.
Gót chân thoát tục tuỳ duyên
Lối về hoa cỏ thiên nhiên thanh nhàn.
Nha Mân, 03/2023.
Kinh Vu Lan – Thích Thiện Phước.