Đối diện với mỗi việc lớn cần phải “tĩnh khí”, đây là câu nói mà Thầy giáo của hai vị Hoàng đế cuối đời nhà Thanh đã dạy bảo học trò của mình.
Ông cho rằng: Từ xưa đến nay, các bậc thánh nhân, càng gặp phải những việc lớn kinh thiên động địa, việc nguy hiểm thì càng có thể tĩnh tâm như nước, không hề sợ hãi. Từ xưa đến nay, phàm là người làm được việc lớn nhất định phải là người có “tĩnh khí”.
Thế nào được gọi là “tĩnh khí”? Núi Thái Sơn sụp đổ ngay trước mắt mà sắc mặt không biến đổi. Nói đơn giản hơn, “tĩnh khí” chính là có thể “bảo trì sự bình thản”. Trận chiến Phì Thủy (Phì thủy chi chiến) lừng danh trong lịch sử, quân Đông Tấn chưa đến 10 vạn binh sĩ phải chống cự lại 100 vạn binh sĩ dũng mãnh của quân Tiền Tần, tình thế không thể nói là không nguy kịch. Nhưng lúc này, tại sở chỉ huy hậu phương, chủ soái Tạ An vẫn đang chơi cờ vây mà không một chút hoang mang. Đợi đến lúc quân tiền tuyến báo về, ông chỉ nhìn thoáng qua rồi lại tiếp tục chơi cờ. Người bên cạnh thực sự đã không thể nhịn được nữa, liền hỏi ông tình hình chiến sự ra sao, lúc này Tạ An mới nhẹ nhàng nói: “Bọn trẻ chúng đã đánh bại quân địch rồi”.
“Tĩnh khí” của một người đến từ đâu? Nó không phải là sinh ra đã có, nó cũng không phải từ trên trời rơi xuống, nó đòi hỏi phải không ngừng rèn luyện và tích lũy mà thành.
Có một số người khi gặp việc lớn lại rất hoảng sợ, đó là vì họ không đủ tự tin, cũng chính là không có năng lực và bản lĩnh kiểm soát đại sự. Tục ngữ có câu “thủ trung hữu lương, tâm trung bất hoảng” (trong tay có lương thực rồi thì trong tâm không phải lo lắng). Sách vở chính là món ăn tinh thần, thông qua đọc sách, chúng ta có thể hấp thụ kiến thức của những người đi trước, tăng trưởng năng lực, vượt qua sợ hãi. Vì vậy, càng là người học rộng thì tầm nhìn của họ càng khoáng đạt và đầu óc càng thanh tỉnh. Còn muốn thiện dưỡng chính khí, Gia Cát Lượng đã viết trong “giới tử thư” (thư dạy con): “Làm theo đạo của người quân tử, tu thân thanh tịnh, cần kiệm để dưỡng đức, đạm bạc để nuôi dưỡng chí, tĩnh lặng để nghĩ xa”.
Tĩnh khí cần dựa vào sự hỗ trợ của chính khí, chỉ có chính khí trong thân mới có thể không màng danh lợi, không tham muốn, mới có thể không bị vướng mắc phiền toái và làm được “không quan tâm thiệt hơn”.
(Ngọc Lan St)
◊-◊———————————————————————◊-◊
NĂM THÁNG DẦN TRÔI
Thích Thiện Phước
Cuộc đời là một hành trình luôn đưa ta về phía trước, không giậm chân tại chỗ, không lùi lại phía sau, từng bước chân trải dài ấy, luôn mang theo: Ước mơ thách thức, hạnh phúc niềm đau, nụ cười tiếng khóc, thất bại thành công, nhục vinh được mất,… có người đạt được đỉnh cao của sự nghiệp một cách mau chóng dễ dàng khi còn rất trẻ, có người lận đận mãi vẫn không thành, có người thì chưa lên đến đài vinh quang thì nhìn lại đã già, hơi tàn sức kiệt, rồi phải chống chọi chịu đựng với bệnh tật, như chờ đợi đến hồi kết thúc một chuyến đi xa…
Ai cũng có một thời vẫy vùng xông pha nơi chân trời góc biển, rồi cũng có lúc phải thu mình bình lặng chốn quê nhà, vui cùng cỏ nội mây ngàn, đếm từng giọt mưa rơi như dòng thời gian của đời người đang trút xuống… trở về sống cho mình, ngồi cắt móng tay, đếm từng hơi thở, soi gương nhìn mặt mình thật kỹ thật lâu, để thấy những nếp nhăn in đậm nét phong trần, thấy mây bay cuối tận chân trời mà lòng đầy xao xuyến, bỗng quên đi bao ký ức về cuộc đời thành bại nhục vinh, đã là lữ khách trần gian thì cái gì là của họ của ta, đến lúc an lòng nhìn lại buông xuôi muôn duyên để nhẹ lòng cho một chuyến đi về…“cô đơn không hẵn một mình, một mình không hẵn cô đơn”, chim hót, lá rơi, bầu trời đầy sao đêm…chỉ một mình ta nhưng ngập tràn hạnh phúc bao la.
Mờ sáng rừng thiền chưa dọi nắng
Đêm về hoa cỏ cũng lặng yên
Từng tiếng chim kêu bình minh dậy
Sương lờ bóng nguyệt giới hương bay.
Thật ra, đời người mau chóng lắm bạn, tất cả mọi chúng ta đều sẽ có ngày ly biệt và đến điểm dừng, đó là ngày mà mình rời xa thế giới nầy, ly biệt người thân thương, mọi thứ mà ta gắn bó trân quí yêu thích rồi cũng phải buông xuôi, ta không giữ mãi những gì mình có được, mất mát, đổi thay, tàn hoại…vì thế gian là vô thường, có một thứ không bao giờ thay đổi, đó là luôn luôn thay đổi, sống ở đời đôi lúc cũng phải tuỳ duyên, thay đổi chính mình cho phù hợp với thời đại hoàn cảnh, nếu ta không thay đổi thì sẽ bị thay thế và lùi về phía sau.
Nếu biết còn vài ngày, vài giờ, vài phút giây nữa để sống, thì bạn sẽ sống như thế nào, và làm gì cho khoảng thời gian còn lại của mình?… Ai nấy đều có nỗi khổ niềm đau, vì vậy cho dù hoàn cảnh nào, ta phải sống tràn ngập tình thương yêu: Bản thân, mọi người và muôn loài, khi tình thương đủ lớn thì cánh cửa khổ đau cũng dần khép lại, xin cho đi tình thương vô hạn bằng nhiều phương diện ở trong đời.
Lạy Phật mong sao cho con và mọi người mọi loài sống an lành tự tại, như cánh hạc tung bay giữa bầu trời cao rộng thênh thang, như những đám mây nhẹ nhàng phiêu bồng cao vút chốn thiên không, như dòng nước thì thầm len lõi xuyên qua mọi ngóc ngách của vũ trụ bao la, thong dong từng bước chân đi ngang cuộc đời một cách an toàn không vướng mắc, như làn gió thổi qua những cánh đồng hoa cỏ, mang theo hương thơm vi diệu lan tỏa khắp mọi chân trời.
Thời gian của kiếp người là một nguồn tài nguyên có giới hạn, không thể tái chế, mua bán, trao đổi, tiền bạc châu báu mất đi hôm nay, ngày mai có thể tìm được, còn thời gian trôi qua rồi, sẽ không bao giờ trở lại. Món quà vô giá này, tạo hóa đã ban cho chúng ta và muôn loài đồng đều như nhau. Mỗi ngày đêm có 24 giờ đồng hồ, nhưng chúng ta sử dụng vào việc gì, đó là chuyện cá nhân của từng người…
Đời người sống vài mươi năm, thật quá ngắn ngủi so với vòng luân hồi vô tận. Mỗi một hành nghiệp của chúng ta, dù tốt hay xấu, đều ẩn tàng lý nhân quả ở đó. Vì vậy, khi được làm thân người, bạn hãy tận dụng cơ hội hiếm có nầy, cố gắng sống nhân từ, đạo đức, chân chánh, trung nghĩa, thanh cao, liêm khiết,… trải lòng yêu thương giúp đỡ mọi người.
Cuộc đời, vốn dĩ có nhiều sự bất an đau khổ, ta nên sống sao cho có ý nghĩa, mang lại niềm vui cho mình và người. Ngày ngày tu nhân tích đức, sớm sớm tinh tấn công phu, cầu mong cho mọi người hết khổ, sống đời an vui hạnh phúc trong cõi phù du mộng ảo nầy.
Tuy nhiên, cuộc đời thật tươi đẹp cho những ai sống chân thật với nó: Và vẫn còn đâu đó những khoảng trời bình yên vô hạn, những đàn cò trắng bay lượn xa xa trên cánh đồng lúa bất tận giữa buổi chiều thu nhạt nắng, những khu rừng nguyên sinh xanh thẳm bao la, những dòng sông tĩnh lặng uốn khúc êm đềm, những chú ong dễ thương chăm chỉ hút mật, những đàn bướm bay chập chờn trong vườn hoa cỏ dại khi bình minh về còn đượm thấm sương đêm….thành trụ hoại không – thế gian vô thường, sanh già bệnh chết – thân người giả tạm, xuân hạ thu đông – năm tháng dần trôi, lá rụng về cội nước chảy ra khơi, an nhiên cho một chuyến đi về,…
Thong dong ở mọi phương trời
Mây bay gió thổi mong đời an yên.
Gót chân thoát tục tuỳ duyên
Lối về hoa cỏ thiên nhiên thanh nhàn.
Nha Mân, 03/2023.
Kinh Vu Lan – Thích Thiện Phước.