Tích trượng tiếng Phạn là Khakhara (Khiết khí la), Khích Khí La, cũng dịch là “Thanh trượng”, “Minh trượng”. “Trí trượng”, “Đức trượng”, “Kim tích trượng”… do khi chống đi phát ra tiếng kêu lích tích, là một trong những pháp khí của Phật giáo.
Tích trượng còn là cờ nêu của thánh hiền. Phần trên dùng thiếc, phần giữa dùng gỗ, phần dưới dùng sừng, ngà, như pháp mà thọ trì, hiện bày được oai nghi, giúp cho sau này chứng được quả vị, mau thành chánh giác.
Luật Thập Tụng gọi là Thinh Trượng, nhân vì khi rung tích trượng có tiếng kêu nghe lích tích nên gọi là Tích Trượng, Thinh Trượng.
* Đức Phật từ bi cho chứa cất tích trượng:
- Các Tỳ kheo trọn đời đi vân du khắp nơi, khi tuổi về già chân yếu đi lại khó khăn thường bị té ngã, Phật bèn dạy nên sử dụng Tích trượng. Trong điển tịch nhà Phật có chép câu chuyện: Lúc Phật ở trên ngọn Linh Thứu, có các Tỳ kheo già đi triều bái, lúc lên xuống núi bị té, Phật thấy thế bèn dạy: “Các Tỳ kheo nên dùng gậy để chống”. Nghe Đức Phật từ bi cho sử dụng gậy, từ đó các Tỳ kheo bèn sắm cho mình cây gậy làm vật tùy thân để tiện việc đi lại.
Kinh Tích Trượng chép: “Phật bảo các Tỳ kheo, các Thầy nên thọ trì Tích Trượng, là tại sao vậy? Vì Chư Phật đời quá khứ hiện tại vị lai đều thọ trì cầm giữ. Lại còn gọi là Trí Trượng, Đức Trượng, ý nói hiển bày các cội gốc công đức trí hạnh, là cờ xí của thánh nhơn, là sự ghi nhớ sáng suốt của các bậc hiền, là cái tràng của đạo pháp. Ngài Ca Diếp bạch Phật: Bạch Thế Tôn sao gọi là Tích Trượng. Phật dạy:
Tích là nhẹ, còn trượng là nương tựa, hay trừ sạch các phiền não, ra khỏi ba cõi.
Tích là sáng tỏ, vì được trí tuệ sáng tỏ. Tích là tỉnh vì tỉnh ngộ được các kết sử khổ không trong ba cõi.
Tích là thưa xa, ý nói người cầm giữ thì sẽ đoạn trừ xa lìa ngũ dục.
Nếu là 2 ngấn 6 khoen đó là do Phật Ca Diếp chế. Nếu 4 ngấn 12 khoen là do Phật Thích Ca chế. (Bổn kinh có giải thích rõ về danh tự, công đức, khi cầm, khi dừng, ở đây không chép ra).
Gậy có ba ngấn, nhớ nghĩ nỗi khổ của ba đường, ba tai, ba cõi. Bốn cổ dùng để đoạn hẳn bốn loài. Mười hai khoen là nhớ nghĩ mười hai nhơn duyên. Ba ngấn và bốn cổ là số bảy, tức nhớ nghĩ bảy giác chi, họp với cái chóp nhọn là tám, tức nhớ nghĩ tám chánh đạo, diệt trừ tám nạn.
Tam Thiên Oai Nghi Kinh chép: “Cầm tích trượng không được vào trong chúng. Sau giữa trưa không được cầm lại. Giữa trưa thì liền phải biết không được vác ở trên vai”.
Ngũ Bách Vấn chép: “Cầm Tích Trượng giúp nhiều việc, có thể cảnh giác độc trùng ác thú”.
* Gậy là Pháp vật của Tỳ kheo:
Đức Phật vì thương xót nên mới cho các Tỳ kheo chống gậy. Thế nhưng, có nhiều vị Tỳ kheo không hiểu được ý Phật, nên mới dùng báu vật làm gậy. Cuối cùng bị người đời chê gièm, Tỳ kheo bèn đem việc nầy trình lên Phật. Phật dạy: “Ta cho sử dụng gậy để chống đỡ, chứ không phải để trang sức”. Tỳ kheo được chống gậy trong hai tình huống:
1/ Lớn tuổi, suy yếu.
2/ Bị bệnh.
Người xưa thường dùng trong thơ văn: “Lão Tăng chống gậy” nhằm miêu tả hoàn cảnh sinh hoạt trong nhà Phật, đồng thời cũng phản ánh chính xác qui tắc chống gậy và qui định chất liệu để làm gậy.
Như thế thì không phải vật gì cũng có thể làm gậy, có vài Tỳ kheo dùng vàng, bạc… để làm gậy, vậy là trái với lời dạy của Phật, cũng không phù hợp với yêu cầu biết đủ tu hành khổ hạnh trong nhà Phật.
Nhà Phật qui định, gậy có thể dùng cây cứng chắc để làm.
Theo Điển tịch ghi chép: Tỳ kheo lúc du phương dùng gậy là vì để thăm dò thử cạn sâu khi muốn lội qua sông suối, cho nên cần phải dùng cây cứng, còn những cây nhỏ yếu thì không đủ sức chống đỡ. Dùng để dò thử cạn sâu cho nên gậy còn gọi là “Thám thủy”.
* Gậy cũng là dụng cụ dạy học trong Thiền tông:
Gậy cũng được dùng làm dụng cụ dạy học của một vài Tông phái Phật giáo. Thành ngữ “Đương đầu bỗng hát” (Ngay lúc dùng gậy đánh hét), chính là khởi nguồn từ Điển tích “Đức Sơn dùng gậy đánh, Ngài Lâm Tế thì hét”.
- Đức Sơn dùng gậy đánh, là nói đời Đường Thiền sư Đức Sơn thường thường sau khi thượng đường thì lấy gậy đánh người tham học. Thiền sư Đức Sơn từng bảo rằng: “Ở nơi ta không có Phật cũng không có Tổ”. Tăng chúng không hiểu mà đến hỏi thì có khi bị đánh tới 30 gậy.
- Lâm Tế hét: Là chỉ Thiền sư Lâm Tế đời Đường, lúc tiếp dẫn người học, Ngài thường dùng tiếng hét. Nếu hét một lần không lãnh hội được thì hét một lần nữa, thông thường là hét bốn lần, nhằm khiến đối phương dẹp bỏ vọng thức mà tỏ ngộ ngay nơi tự tâm.
Trong điển tịch nhà Phật ghi chép: “Lâm Tế hét, có khi một tiếng hét như Kim Cang vương bảo kiếm, dụ cho đoạn trừ mê hoặc; có lúc hét như Lông vàng sư tử, ví cho sự tỉnh mê; có lúc hét chẳng cho là tác dụng của một tiếng hét; có lúc hét như mồi câu dề cỏ (1)”.
Sử liệu ghi chép: “Ngài Đức Sơn dùng gậy đánh như mưa rơi, Ngài Lâm Tế hét như sấm giật”. Đột xuất biểu hiện Thiền Phong cao vọi, dùng gậy hét để cảnh tỉnh người học thiền, khiến cho trong sự chấp trước mà giác ngộ, cũng nhằm để biểu hiện lấy tâm truyền tâm, tâm tâm in họp nhau, ý là dùng ngữ ngôn cử chỉ để biểu đạt ý chỉ Thiền Tông.
Quyển “Thiền Lâm Tượng Khí Tiên” dẫn trong kinh “Phật Thuyết Đắc Đạo Thệ Đăng Tích Trượng” rằng:
Phật nói với chúng Tỳ kheo: “Các Thầy phải có tích trượng, vì sao vậy?. Bởi vì chư Phật ở quá khứ, hiện tại, vị lai đều có”.
Gọi là “Trí tượng”, biểu hiện trí tuệ của bậc thánh. Lại gọi là “Đức trượng”, hạnh công đức sâu dày. Tích trượng là trí tuệ của thánh nhân. Là sự sáng suốt của hiền sĩ, là tràng lọng của đạo pháp.
Ngài Ca Diếp hỏi Phật rằng:
- Thế nào gọi là Tích trượng?
Đức Phật đáp:
- Tích tức là nhẹ, trượng là nương tựa, có thể đoạn trừ phiền não, ra khỏi tam giới (dục giới, sắc giới, vô sắc giới);
- Tích là sáng, có thể đạt đến trí tuệ quang minh;
- Tích là tỉnh, tỉnh ngộ trước sự ràng buộc khổ não của tam giới;
- Tích là thưa thớt, cũng chính là nói người mà nắm giữ tích trượng nầy thì gần như đọan trừ hết cả ngũ dục: Sắc, thinh, hương, vị, xúc hoặc tài, sắc, danh, thực, thùy.
Tích trượng có ba cổ, biểu thị niệm tam đồ khổ não (tức địa ngục hỏa đồ, ngạ quỷ đao đồ, súc sanh huyết đồ). Tu giới, định, huệ tam học. Trừ tam độc tham, sân, si.
Tích trượng còn có bốn cổ, dùng để biểu thị “đoạn tứ sanh” (tức thai sanh, noãn sanh, thấp sanh, hóa sanh. Đây là bốn loài chúng sanh trong sáu đường sanh ra mà trong đạo Phật đã thường nói đến). Niệm tứ đế (khổ, tập, diệt đạo). Tu tứ đẳng (từ, bi, hỉ xả). Nhập tứ thiền, thông suốt tất cả.
Tích trượng cũng có năm cổ. Biểu thị đoạn trừ ngũ đạo khổ não (nhân, thiên, địa ngục, ngạ quỷ, A tu la). Tu ngũ căn tín, tấn, niệm, định, huệ.
Tích trượng có 12 vòng dùng để biểu thị thập nhị nhân duyên (vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão tử. Lão tử duyên vô minh, vô minh duyên hành…) Tu hạnh thập nhị môn thiền tức tứ đẳng, tứ thiền, tứ không (hữu pháp không, vô pháp không, tự Pháp không, tha pháp không). Ngoài ra còn dùng hai cổ. Hai biểu thị thế tục đế và đệ nhất nghĩa đế. Số vòng không khác nhau.
Quyển “Nam Hải Ký Quy Nội Pháp Truyện” Nghĩa Tịnh pháp sư đời nhà Đường chép:
Tích trượng của Ấn Độ, trên đầu chỉ có hai vòng sắt rộng 2, 3 tấc và có bọc lại bằng kim lọai, dài 4, 5 đốt ngón tay. Thân trượng bằng cây, to nhỏ tùy lúc, cao ngang mí mắt. Có 8 hoặc 6 vòng treo ở trên, đồng hay sắt cũng được. Chế ra tích trượng là để đuổi thú dữ khi đi khất thực.
Trên đây đã nói rõ chúng ta vì sao phải làm ra tích trượng, công dụng và tại sao phải có nó?.
Ngoài ra trong “Tì Nại Gia Tạp Sự” và “Thích Thị Yếu Lãm” có nói rất rõ, tích về việc sử dụng tích trượng. Ví dụ: “Cầm tích trượng không thể tùy tiện nhập chúng, quá ngọ không được gánh trên vai, không được dùng nó để đánh chó mà chỉ dọa làm cho nó sợ thôi. Khi khất thực trước cửa nhà thí chủ, không được rung liên tục gây ồn ào, mà chỉ có thể rung nhẹ 2, 3 lần”. Những điều này đương nhiên có liên quan mật thiết với giới luật.
Sau khi Tích trượng truyền đến Phương Bắc được Tăng sĩ coi trọng. Nhất là trước đời Đường, Tống, gần như trở thành pháp khí không thể thiếu đối với Tăng sĩ. Do ban đầu tích trượng được dùng để phòng thân, tránh thú dữ và còn làm đòn gánh để gánh đồ. Về sau cũng được người luyện võ phỏng theo nó mà chế thành binh khí với một đầu giống như cái xẻng bằng gang, một đầu giống như mặt trăng khuyết.
Kinh Tích Trượng chép: “Trượng có ba ngấn, phải nhớ nghĩ khổ não trong ba đường, mà tu giới định huệ, nhớ nghĩ ba tai nạn lão bệnh tử mà cố gắng trừ ba độc tham sân si”.
Hình dáng của Tích trượng, theo Đại Tỳ Kheo Tam Thiên Oai Nghi Kinh chép: “Đầu gậy giống như hình tháp, dùng thiếc làm thành, cán gậy dùng gỗ làm, đầu dưới thì dùng đồng để bịt, tầm cao ngang mày”.
Đầu gậy có 2 ngấn 6 khoen, có khi là 4 khoen, là do Phật Ca Diếp chế. Loại 4 cỗ 12 khoen là do Phật Thích Ca chế. Làm 2 ngấn là vì muốn cho chúng sanh nhớ niệm 2 đế tức thế đế và đệ nhất nghĩa đế, tạo ra 4 cỗ là dùng để đoạn tứ sanh, nhớ nghĩ tứ đế, tu tứ đẳng từ bi hỉ xả, nhập tứ thiền. 12 khoen là nhớ nghĩ 12 nhơn duyên thông đạt vô ngại, tu hành 12 môn Thiền định. Lại dùng 3 lớp 4 cỗ để nhớ nghĩ Pháp 7 giác chi của Như Lai.
Phép dùng Tích trượng có một vài quy định: Kinh Tam Thiên Oai Nghi Phật dạy: Cầm tích trượng có những việc lược nêu như sau:
1/ Không được vào trong chúng.
2/ Sau giờ ngủ không được cầm.
3/ Không được vác trên vai.
4/ Thấy Phật tượng không được rung ra tiếng.
5/ Không được dùng gậy chỉ người.
6/ Không được dùng gậy vẽ đất.
Ưu Bà Tắc Ngũ Giới Oai Nghi Kinh chép: “Tay dơ không được cầm gậy, vào trong Tăng phòng phải tháo dở đầu tích trượng không cho chấm đất, nếu cầm tích trượng vào nhà bạch y phải quay đầu cán ở phía sau. Khi có duyên sự vào nhà bạch y để thọ nhận thức ăn thì phải đứng ở trước cửa rung lên 3 tiếng, nếu không có ai ra thì rung thêm 5 tiếng nữa, bằng như không có ai ra thì rung thêm 7 tiếng nữa, cuối cùng không có ai ra thì đi qua nhà khác”.
Công dụng của Tích trượng đã được nói rõ trong kinh Tích Trượng, kinh Tam Thiên Oai Nghi, kinh Ngũ Giới Oai Nghi, Luật Tứ Phần, Luật Thập Tụng, Tỳ Nại Da Tạp Sự đều nói rất rõ như thế nầy: “Tỳ kheo ở trước nhà bạch y, rung tích trượng, khiến thí chủ biết để đem phẩm vật cúng dường. Nếu có ác thú, trâu điên, có thể làm cho chúng chạy lánh đi. Nếu đi ở những chỗ rừng núi, đồng trống,… gặp rắn độc, thú dữ, bò cạp, côn trùng độc thì rung tích trượng khiến cho chúng sợ quay lánh đi”.
Sau này chư vị Thiền sư, Tổ sư dùng gậy tích để khảo xét huyền cơ, chỉ rõ diệu nghĩa. Sự việc này đã được ghi rõ trong Cao Tăng Truyện, Cảnh Đức Truyền Đăng Lục,… Thời cận đại, trong lúc truyền giới, thuyết pháp đều có cầm gậy tích.
Quyển 2, Đại Đường Tây Vực Ký chép: “Tích trượng của Như Lai dùng sắc làm khoen, chiên đàn làm cán, dùng ống đồng để đựng”.
Quyển 5, Lạc Dương Già Lam Ký chép: “Tích trượng của Như Lai dài 1 trượng 7 thước, dùng cái ống để đựng. Bề ngoài của tích trượng có thể dác vàng, trọng lượng của tích trượng nặng nhẹ không thể lường được, nặng thì 100 người không nhắc nổi, nhẹ thì hai người cầm được”.
Do đây mà chúng ta biết được nhân duyên ứng hóa, thật không thể nghĩ bàn vậy.
* Pháp cầm tích trượng.
Khi ra đi nhận được từ của Sa Di liền đọc bài kệ:
Tay cầm tích trượng
Nguyện cho chúng sanh
Lập hội thí lớn
Bày đạo như thật.
Án na lật thế na, lật thế tra, bát để na, lật đế na dạ bát nảnh hồng phấn tra.
Khi đi thì để dưới hông bên trái, dùng ngón tay út nắm giữ, khiến hai đầu đều nhau, không cho cao thấp, khi dừng lại thì: Tăng dựng đứng ở trên trên chân trái, Ni dựng đứng ở trên chân phải, không được chấm đất. Nếu ăn xong, ở gần cho ba nhà, xa thì bảy nhà; nếu không được, lại không nên nhận nhiều hơn, nếu hơn thì chẳng phải pháp của người tu.
Nếu như trong giới hạn mà được thức ăn, cầm cây tích trượng máng ở trên cây, chớ để dính đất, nếu không có cây thì để ở chỗ đất bằng, không nên để nghiêng ngả. Khi ngủ thì gậy và thân xuôi chiều, để ở sau giường, ngang bằng với thân, không trước không sau; đi đường lúc dừng nghỉ thì đầu nên hướng về mặt trời mọc, chớ để trái ngược.
Cầm tích trượng có 11 việc.
1/ Vì đất có trùng.
2/ Vì tuổi già.
3/ Vì phân biệt để vượt qua.
4/ Không được tay cần đánh đằng xa.
5/ Không được vác tích trượng ở trên vai.
6/ Không được vác ngay trên vai ló ra hai đầu.
7/ Ra vào thấy hình tượng Phật thì không cho phát ra tiếng.
8/ Cầm tích trượng không được vào trong chúng.
9/ Không được dối cầm đến phía nhà sau.
10/ Không được cầm gậy từ trong đi ra.
11/ Không được lấy gậy chỉ người, vẽ đất, viết chữ.
Có bốn việc được đi ra từ bên trong.
1/ Ở xa xin đến ngủ.
2/ Đến nhà người bệnh.
3/ Đưa người qua đời.
4/ Ngoại đạo thỉnh.
Lại có năm việc:
1/ Ba Thầy đều đi ra, không được cầm gậy tự đi theo.
2/ Bốn người cùng đi.
3/ Trừ Thượng tòa không được, mọi người đều cầm.
4/ Đến trước cửa đàn việt, ba lần rung lên, khi rung ba lần họ không ra thì đi đến nhà khác.
5/ Xin thức ăn ra, nên cầm gậy để chính giữa cánh tay trái.
Lại có năm việc.
1/ Gậy thường ở trong phòng của mình, không được lìa thân.
2/ Không cho đầu gậy chạm đất.
3/ Không cho dùng gậy để máng áo.
4/ Mỗi ngày cần phải lau chùi.
5/ Gậy muốn đem ra thì phải nhận từ tay Sa Di. Nếu không có Sa Di thì tịnh nhơn cũng được.
Tích trượng còn biểu đạt được uy lực độ sanh, Du Già Diệm Khẩu chép: “Hoằng pháp là việc nhà, lánh ồn náo, thường tĩnh tọa, chốn lặng lẽ, che thân mặc áo thô, no lòng nhờ thảo mộc, bát hàng long (2), gậy giải hổ (3), đèn pháp luôn chiếu khắp”.
Nhìn chung, Tích trượng là một loại đạo cụ trong Phật giáo là 1 trong 18 vật của Tỳ kheo. Trong sinh hoạt nhà Phật, gậy là một loại pháp khí mà hàng Tỳ kheo phải mang theo bên mình dùng để chống, cũng được dùng để khải thị khiến cho người học ngộ vào thể tánh, ngày nay chúng ta vẫn còn thấy tích trượng sử dụng trong các pháp sự dẫn vong, khai thị cho sư Tăng viện tịch trước lúc cử hành di quan…đồng thời gậy tích cũng làm tăng thêm uy nghi dáng vẽ của một thiền Tăng trong chốn tòng lâm tịch tĩnh.
◊-◊—————————————————————◊-◊
Chú thích:
(1) Mồi câu dề cỏ. – Thám can ảnh thảo: Thám can là trên cây sào có cột chùm lông chim sau đó thả vào trong dòng nước, đợi cá bu lại rồi dùng vợt vớt chúng; còn ảnh thảo là lấy cỏ ngải bỏ vào ao nước, đợi bầy cá chui vào rồi dùng lưới bắt chúng. Đây là ví dụ cho sự dò xét trình độ ngộ đạo của hành giả tới đâu, và cũng là một trong bốn cách hét của Thiền sư Lâm Tế”.
(2) Hàng Long: Có Thiền sư vì con rồng làm hạn hán nên Ngài dùng bình bát để hàng phục và từ đó mưa hòa gió thuận dân an ổn.
(3) Giải Hổ: - Gậy can hổ: Tăng Trù Thiền Sư là một vị Cao Tăng sống đời Tề. Lúc ngài ở núi Vương Ốc đất Hoài Châu tu tập thiền định, nghe tiếng hai con cọp gầm gừ đấu nhau. Ngài Tăng Trù đi đến, dùng gậy tích thọt vào giữa để can. Cuối cùng hai con bèn quay đi hai hướng khác nhau. Nhân thế mà có tên gọi là gậy tích can hổ.
* Bát hàng long tích giải hổ: Lại cũng có một truyền thuyết khác. Khi xư Tôn giả Mục Liên, lục tổ Huệ Năng… dùng bát để hàng long. Đặng An Phong nghe hai con hổ đấu nhau Ngài liền luyện cây tích trên hư không, phát ra âm thanh do đó mà hổ lui tan.
Xuân đến rồi đi, hoa nở lại tàn, đó là định luật muôn thuở của vũ trụ. Tuy nhiên, có một mùa xuân không đến cũng không đi, hoa xuân vẫn nở mãi trong lòng người con Phật, không bao giờ tàn phai, một mùa xuân bất tận cho những ai thấy được thực tướng của các pháp.
Ta thấy được tinh thần nầy qua bài thơ của Thiền sư Đạo Xuyên:
远观山有色
近听水无声。
春去花还在
人来鸟不惊。
头头皆显露
物物体元平。
如何言不会
祗为太分明。
“Viễn quan sơn hữu sắc.
Cận thính thủy vô thinh.
Xuân khứ hoa hoàn tại.
Nhơn lai điểu bất kinh.
Đầu đầu giai hiển lộ.
Vật vật thể nguyên bình.
Như hà ngôn bất hội.
Chỉ vị thái phân minh.”
Tạm dịch:
Đứng xa nhìn mà núi vẫn màu xanh.
Lại gần nghe nước chảy không âm thanh.
Xuân đi hoa còn nở.
Người đến chim không sợ.
Mọi thứ hiển bày rõ.
Mọi vật tánh bình lặng.
Nói mãi sao không ngộ.
Do phân biệt quá nhiều.
Văn từ trong bốn câu đầu bài thơ miêu tả như một bức tranh, cho nên có khi người ta gá thêm chữ “họa” ở đầu đề. Họa về cảnh núi non thì ta thấy quá rõ về hình sắc, nên đứng xa thấy vẫn có suối chảy, có chim, có hoa núi bừng khai khi xuân về ấm áp; Khi đến gần thì không nghe tiếng suối chảy; Dù mùa xuân qua rồi nhưng hoa vẫn còn nở mãi; Người đến nhưng chim không bay đi. Bốn câu nầy mới đọc qua ta thấy tác giả dường như đang diễn tả về một bức tranh, đề cập về ngoại cảnh thiên nhiên.
Thế nhưng, bốn câu sau ta thấy tác giả không đề cập gì đến bức tranh cả, mà nói toàn nói về tự tánh thanh tịnh của nội tại, mượn cảnh để nói về thiền lý, nhìn cảnh vật với một tự tánh thanh tịnh.
Do đó, mới thấy được mọi thứ đều là đạo, mọi chỗ đều hiển lộ tự tánh sáng suốt, mọi sự mọi vật tự tánh của chúng vốn giống nhau, xưa nay vốn bình đẳng không hai không khác. Sở dĩ không rõ được bản thể xưa nay, chỉ vì rơi vào sự phân biệt tầm thường, rồi tư duy chấp trước.
Tự tánh thấy núi, mặc dù có sắc tướng, nhưng có cũng như là không, tất cả chỉ là huyễn tướng; tự tánh nghe nước chảy, mỗi tiếng đều không có thực thể, nên có tiếng cũng như là không tiếng; tự tánh nhìn thấy hoa mùa xuân, không có thủ xả, ngay lúc ấy đó chính là tự tánh, cho nên mùa xuân đi qua rồi hoa vẫn còn hé nụ, đây là hoa của tự tánh, mà hoa của tự tánh thì không có tàn phai, vì tự tánh vốn không có duyên sanh diệt; người đến gần, chim vì sợ mà bay đi, nhưng tự tánh của chim thì vẫn tự tại như nhiên, không từng sợ sệt điều chi. Tất cả mọi thứ hiển bày rõ thì đều là tự tánh đại đạo; muôn sự muôn vật đều có tự tánh thanh tịnh, xưa nay vốn bình đẳng; Thiền sư đã nói như vậy mà không lãnh hội được, bởi vì người ta thường đem tự tánh thanh tịnh sáng suốt chuyển thành vọng thức tư duy phân biệt. Vậy thì toàn bộ bài thơ là nói về Thiền lý, trong đó liên quan đến cảnh vật và con người đạt đến sự triệt ngộ. Thiền sư Bàng Uẩn nói:
但自无心于万物
何妨万物常围绕
铁牛不怕狮子吼
恰是木人见花鸟
木人本体自 无情
花鸟逢人亦不惊
心境如如只个是
何虑菩提道不成
庞蕴居士
Phiên âm:
Đản tự vô tâm ư vạn vật
Hà phương vạn vật thường vi nhiễu
Thiết ngưu bất phạ sư tử hống
Kháp tự mộc nhân kiến hoa điểu.
Mộc nhân bản thể tự vô tình
Hoa điểu phùng nhơn diệc bất kinh
Tâm cảnh như như chỉ cá thị
Hà lự Bồ đề đạo bất thành
(Bàng Uẩn Cư sĩ).
Tạm dịch
Đối với muôn vật vô tâm nha
Nào ngăn muôn vật nhiễu hại ta
Trâu sắt thản nhiên Sư tử rống
Khác gì người gỗ ngắm chim hoa.
Tình trong người gỗ vốn là không
Người gặp chim hoa bản thể đồng
Tâm cảnh như như là thế đấy
Lo gì giác ngộ chẳng thành công.
Đây là miêu tả sự thanh tịnh của tự tánh, bặt dứt tư lự không còn dùng phán đoán của tâm thức, vạn vật như nhiên. Chính vì tự tánh thanh tịnh, nên đối với cái nhìn về vạn vật xung quanh hoàn toàn thanh tịnh.
Tướng do tâm sanh, cảnh theo tâm hiện, nội tâm thanh tịnh thì ngoại tướng tự nhiên cũng thanh tịnh. Tâm mình vui vẻ điều hòa, thì ngoại duyên cũng vui vẻ điều hòa. Tâm mình thay đổi thế nào, thì thế giới cũng thay đổi như thế ấy.… tâm ta buồn thì nhìn vạn vật u buồn, tâm ta vui nhìn vạn vật vui,… bởi vì tâm làm chủ muôn vật.
Tự tánh thấy núi tuy có sắc tướng, thì có cũng như không, chỉ vì huyển tướng mà thôi. Tự tánh nghe tiếng nước chảy, biết tiếng vốn là không thật, cho nên có tiếng cũng như không.
Tuy nhiên, mây bay nước chảy là hiện tượng tự nhiên, chúng ta phải sống hài hòa với thiên nhiên, không thể nào tách rời mà tồn tại.
Tự tánh xem hoa mùa xuân nở, không có lấy không có bỏ, không khen không chê, ngay lúc ấy là tự tánh. Cho nên mùa xuân đi rồi mà hoa vẫn còn nở.
Hoa bên ngoài có nở có tàn, dù là hoa trong bức họa đi nữa rồi cũng sẽ hư mục, nhưng hoa lòng, hoa giác ngộ, thì mãi mãi nở trọn vẹn trong tự tánh.
Câu mùa xuân đi rồi mà hoa vẫn còn hàm tiếu, ý nói thời gian dù có thay đổi, cảnh vật dù có bị vô thường chi phối, nhưng tâm hoa vẫn luôn luôn tồn tại. Sắc thân thì mất, nhưng pháp thân vẫn thường hiện hữu, pháp thân không bị vô thường chi phối. Mùa xuân ấy là biểu tượng của sự khai ngộ trong tiềm thức.
Thiền sư Mãn Giác có bài thơ sau:
春去百花落
春到百花开
事逐眼前过
老从头上来
莫谓春残花落尽
庭前昨夜一枝梅.
Phiên âm:
Xuân khứ bách hoa lạc.
Xuân đáo bách hoa khai.
Sự trục nhãn tiền quá.
Lão tòng đầu thượng lai.
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận.
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
Tạm dịch:
Xuân đi trăm hoa rụng.
– Vì đây là hoa của cây cỏ, hoa ở ngoại cảnh thiên nhiên.
Xuân đến trăm hoa nở.
– Đúng thời tiết nhân duyên thì bừng nở
Trước mắt việc qua mãi.
– Sự vô thường xoay vầy thay đổi, mọi việc diễn biến theo quy luật thành trụ hoại không, sanh trụ dị diệt.
Trên đầu già đến rồi.
– Còn con người thì phải biến thiên theo bốn tướng sanh lão bệnh tử.
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết.
– Hoa trong tự tánh không tàn phai dù mùa xuân đã qua.
Đêm qua sân trước một cành mai.
– Hoa nầy vượt ra ngoài khái niệm của thời gian.
Vì đây là mùa xuân giác ngộ, tự tánh đã bừng khai.
Mọi việc xao động, tâm viên ý mã đã ẩn sâu, bặt dứt hết núi tự ngã kia, thì hoa giác ngộ sẽ hiện hữu mãi trước mặt. Cho nên hoa tự tánh thì không tàn tạ theo thời gian, vì tự tánh thì làm gì có sanh diệt?.
Như sự ngộ đạo của Thiền sư Linh Vân, sau bao nhiêu năm bôn ba tham học với những bậc có tuệ giác lớn, nhưng đến khi thời tiết nhơn duyên đã chín mùi, Lúc dừng lại ngắm nhìn hoa đào nở thì ngộ đạo, Ngài làm bài thơ diễn tả cảnh ngộ của mình trình lên Thiền sư Qui Sơn ấn chứng:
三十年来寻剑客
几回落叶又抽枝
自从一见桃花後
直至如今更不疑
灵云志勤禅师.
Phiên âm:
Tam thập niên lai tầm kiếm khách
Kỷ hồi lạc diệp hựu trừu chi
Tự tùng nhất kiến đào hoa hậu
Trực chí như kim cánh bất nghi
Tạm dịch:
Ba mươi năm rồi tìm kiếm khách
– Sau nhiều năm bôn ba tham học với những bậc giác ngộ trí tuệ, để mong cầu chứng đắc cho mình, trong Phật giáo kiếm là tiêu biểu cho trí tuệ sắc bén.
Bao lần lá rụng lại đâm chồi
– Trải qua thời gian dài, qua bao độ biến thiên của sự vật, lá già rụng chồi non ra. Thu đi xuân đến, nhưng chưa thấy gì là chứng đắc, chỉ vì lo đi tìm ở bên ngoài, bỏ quên ông Phật trong lòng mình.
Từ khi nhìn thấy hoa đào nở
– Đương niệm tiếp xúc với hiện thực khách quan, hòa nhập tâm hồn vào trong rạng thái ngay bây giờ và ở đây. Không tìm kiếm xa vời nữa, vô thường tức thường; sắc chính là không, không chính là sắc; sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc. Không phân biệt nhị biên, đã về tức là đã tới.
Mãi đến hôm nay chẳng còn nghi.
– Tuệ giác đã bừng khai, vạn hữu hiển hiện rõ ràng ngay trong đương niệm, không còn tư lự phan duyên nghi ngờ gì nữa.
Thật là “Phật tức tâm, tâm thành vốn có Phật; Tâm tức Phật, Phật chứng ở tấm lòng thành”.
Mọi việc xao động tiêu tan, tâm ý phân biệt và núi tự ngã không còn, thì hoa giác ngộ sẽ hiện hữu mãi trước mặt.
Người đến chim thấy vì sanh tâm sợ hãi mà bay đi, nhưng chim trong tự tánh thì vẫn như nhiên không lay động, không từng kinh sợ lo lắng, tất cả muôn sự muôn vật ở thế gian bổn tánh vốn là thanh tịnh.
Cho nên khi Phật mới thành đạo Ngài nói: “Nào dè tự tánh xưa nay vốn thanh tịnh” hay Ngài cũng đã từng nói: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”.
Tự tánh xưa nay thanh tịnh, bình đẳng, như thế thì tại sao Thiền sư lại phải mở lòng từ nói như thế, bởi vì con người đa phần rơi vào trạng thái tư duy phân biệt, đem tự tánh sáng suốt giác ngộ bỏ quên, cho nên mới có câu “Vác Phật đi qua nhà người để tìm Phật”.
Đây là một sự đương niệm hiện thực của hành giả trong thiền lâm, Thiền sư Huyền Quang có bài thơ nói rõ về tinh thần không phân biệt nầy, chỉ biết nhìn vào ngay hiện thực, nhìn cho thật rõ những gì đang xảy ra, không suy niệm về tương lai hay quá khứ.
花在庭中人在楼
焚香独坐自忘忧
主人与物浑无竞
花向群芳出一头
Phiên âm:
Hoa tại đình trung nhơn tại lâu
Phần hương độc tọa tự vong ưu
Chủ nhơn dữ vật hồn vô cạnh
Hoa hướng quần phương xuất nhất đầu.
Tạm dịch:
Người ở trên lầu hoa dưới sân
– Người và cảnh cùng hiện hữu trong một không gian.
Vô ưu ngồi ngắm khói trầm xông
– Biết trở về chính mình an nhiên không tư lự, vượt ngoài cái hạn hữu của thời gian.
Hồn nhiên người vật không tranh cạnh.
– Người là người vật là vật, không phân biệt nhị biên, không bị trần cảnh chi phối.
Đóa hoa nở rộ ngát hương thiền
- Cảnh tượng trước mắt, một thực tại trí tuệ hiện tiền, hương hoa giác ngộ thơm ngào ngạt khắp chốn.
Trong “Huệ Hải Thiền Sư nói: “Người mê không biết pháp thân, thì chẳng gì khác ứng vật hiện hình, bèn gọi xanh xanh trúc biếc đều là pháp thân, rực rỡ hoa vàng đều là bát nhã. Hoa vàng nếu là bát nhã, thì bát nhã tức đồng với vô tình; trúc biếc nếu là pháp thân, thì pháp thân tức đồng với cây cỏ.”
Về sau nầy, nhân vì thế mà câu “Trúc biếc hoa vàng” là chỉ cảnh tượng trước mắt, thực tại đang là, không truy tìm về quá khứ, không ước vọng tương lai, mà là một thực tại hiện tiền. Hoa vàng còn chỉ cho hoa cúc.
Sách “Lễ Ký. Thiên Nguyệt Lệnh” chép: “Tháng cuối thu, hoa có màu vàng thì chỉ có loài hoa cúc”.
Ý thức luôn luôn chạy theo vọng tưởng, đó là căn bệnh cố hữu của tất cả chúng sanh. Vì vậy làm thế nào để “Tâm không ngăn ngại nơi mọi vật”, rỗng suốt tất cả, để đạt được tâm cảnh an nhiên, tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên.
Năm mới xuân về trăm hoa đua nở, cũng chính là hình ảnh bao nhiêu hoa nở của những mùa xuân trước “tân niên hoa phát cố niên hoa”, đời như bào ảnh nhấp nhô giữa trùng dương mênh mông, công danh phú quí khác chi đám phù vân lênh đênh trên nền trời, bốn mùa xoay vần hết xuân rồi lại đến thu, cuộc sống cứ tiếp diễn và trôi qua mãi mãi không bao giờ dừng lại. Chỉ có Đức Phật ngài đã tìm ra mùa xuân mới, một mùa xuân không có thời gian cũng không có không gian, một mùa xuân giải thoát an lành cho nhân loại.
Cho dù trong cuộc sống gặp nghịch cảnh đi nữa, chúng ta cũng nên nở một nụ cười hoan hỷ buông bỏ tất cả, bặt dứt hết mọi ý niệm phân biệt nhị biên để “ánh xuân quang Phật nhật” được bừng lên từ cõi miền sâu xa của dòng tâm thức vô tận. Lúc ấy chúng ta sẽ nhận ra được thể tánh sâu xa bình đẳng của vũ trụ vạn hữu. Trăm hoa đua nở ta đều biết, vạn vật đổi thay ta đều hay, vui xuân trong sự tỉnh thức, không chạy theo ảo ảnh sanh diệt của ngoại cảnh, mà sống trọn vẹn với chất xuân, chất xuân luôn hiện hữu, mà đã luôn hiện hữu, thì nào có đến có đi?. Tuy ta đón xuân một cách tuỳ duyên tùy tục, nhịp nhàng với cuộc sống đời thường nhưng từng bước chân thực tại vẫn đang an trú trong niềm hỷ lạc vô biên. Vì lẽ dòng suối hài hoà và niềm hạnh phúc chân chánh ấy, được khơi nguồn từ sự bình an vô tận, trong một tâm hồn khoáng đạt chứ không phải hướng về ngoại cảnh để truy cầu.
Năm tháng không chờ đợi người, sanh già bệnh chết ấy là lẽ thường tình của nhân sinh, sống chết chẳng qua chỉ là một giai đoạn trong tiến trình của sinh mạng. Đương nhiên, sự sống chết sẽ không còn là một chuyện thần bí nữa, nếu những ai đã thấy rõ được thực trạng của nó và tất cả chúng ta dường như ai ai cũng không thể đoán trước được điều gì sắp xảy ra trong một tương lai đầy hứa hẹn nào đó.
Người xưa khuyên chúng ta hãy nên siêng năng tu tập ngay từ khi tuổi còn trẻ, vì lúc tuổi già gặp nhiều sự trở ngại không thể tu được. Nếu người “việc làm đã xong” thì cho dù đại hạn có đến đi nữa nhưng họ vẫn tự tại an vui, không còn bối rối và bị nghiệp lực bức bách, như người tất bật lo toan trang trải nợ nần trong ngày chạp Tết.
Quá khứ thì đã qua rồi, hiện tại vẫn còn đang tiếp diễn, tương lai là những gì chưa thấy đến, người học Phật chúng ta nên vượt khỏi mọi ngăn cách của thời gian để thấy được lẽ hiện thực của cuộc sống.
Chúng ta nên hiểu biết thương yêu nhau, hãy đặt niềm tin tha thứ cho nhau, cùng dìu nhau trên bước đường giải thoát, an trú trong thực tại với tràn đầy niềm hỷ lạc, mùa xuân ngay bây giờ và ở đây. Được vậy thì “Xuân đi rồi mà hoa vẫn còn hé nụ”, mùa xuân nầy không còn hạn cuộc bởi khái niệm về thời gian và không gian nữa, mà là xuân trong tự tánh đương niệm thực tại hiện tiền.
Nha Mân 2024.
Ý NGHĨA LỄ TRUNG NGUYÊN
THÍCH THỊ PHƯỚC
Từ đó, nguồn cội yêu thương hiếu đạo đã được khơi dậy một cách mạnh mẽ, nên rằm tháng bảy trở thành một lễ hội truyền thống tri ân cao quý của Phật giáo: Tết trung nguyên, rằm tháng bảy, địa quan xá tội, Mục liên cứu mẹ, lễ tự tứ,…Đây là ngày lễ truyền thống của đạo lý Việt Nam, dạy cho mọi người xóa bỏ hận thù, biết làm mới với tinh thần “Xá Tội – tha thứ những lỗi lầm”.
SÁM MỤC LIÊN – THÍCH THIỆN PHƯỚC
Con quỳ lạy Phật Thích Ca
Chứng minh đệ tử tên là Mục Liên
Lòng con mộ đạo tu hiền
Xuất gia theo Phật cầu nguyền hôm nay.
Nghe kinh Phật thuyết bảy ngày
Minh tâm kiến tánh như lai trọn lành
Lục thông đầy đủ nên danh
Muốn tìm Cha Mẹ lòng thành gắng công.
Đền ơn cho bú ẵm bồng
Liền dùng đạo nhãn xem liền thế gian
Thấy vong Mẹ khổ muôn vàn
Ốm gầy đói khát trong đàng quỷ ma.
Mục Liên kêu Mẹ khóc la
Đau lòng thương Mẹ đọa sa Diêm đình
Thanh Đề nhìn thấy con mình
Mục Liên cứu Mẹ hết tình gắng công.
Con ơi! Mẹ đói trong lòng
Mục Liên nghe nói khóc ròng thở than
Vội vàng trở lại thế gian
Bới cơm một bát đem sang Mẹ mừng.
Và cơm vô miệng nửa chừng
Chén cơm hóa lửa phừng phừng thành than
Mục Liên xem thấy kinh hoàng
Trong lòng đau đớn khóc than buồn tình.
Mẹ ơi! Niệm Phật độ mình
Trở về lạy phật cầu xin Mẹ già
Thích Ca Đức Phật phân qua
Mẹ ngươi tội nặng đọa ra nghiệp hành.
Ta truyền cứu tế pháp lành
Cần cầu Tăng chúng tịnh thanh chú nguyền
Cầu cho Phụ Mẫu hiện tiền
Lục thân quyến thuộc bình yên đều hòa.
Bảy đời Phụ Mẫu đã qua
Về Trời hưởng phước sáng lòa hào quang
Vui chơi thong thả thanh nhàn
Ngày rằm tháng Bảy lập đàn trai tăng.
Sắm cơm trăm món đồ ăn
Trái cây ngũ quả hương đăng rõ ràng
Chiếu, giường, bồn nước, mùng, màn
Dầu, đường, trà lá, bát vàng đựng cơm.
Những đồ vật quý bông thơm
Thành tâm dọn tiệc Lan Bồn phân minh
Cúng dường Tam Bảo cầu Kinh
Chư Tăng tịnh giới giữ gìn nghiêm trang.
Cầu cho Thí chủ Trai đàn
Tâm hành thiền định vái van chúc nguyền
Thanh Đề khổ ách hết liền
Ngày rằm tháng Bảy thành tiên về Trời.
Noi gương hiếu thảo đời đời,
Xót thương Phụ Mẫu hiện thời nuôi con.
Nhai cơm cho bú hao mòn
Ơn sâu nghĩa nặng thương con hết lòng.
Trời cao đất rộng mênh mông
Biển hồ lai láng sánh đồng Thái sơn
Tu hành báo tứ trọng ân
Độ đời ba cõi sạch trơn trọn lành.
Mục Liên đại hiếu tu hành
Báo ân Phụ Mẫu nên danh độ đời.
Câu chuyện của hai đóa hồng trong đêm trước ngày Vu Lan. Đó là Hồng Nhung đỏ Giảm và Hồng trắng tinh khôi.
Ngày lễ Vu La n người ta cài lên cánh mình đóa Hồng Nhung nếu họ may mắn còn có mẹ, người mất mẹ cài đóa Hồng trắng cho mình.
Đêm tháng 7 Âm lịch. Ngày trăng thứ 14 đủ tròn và sáng để chiếu lên vạn vật. Vườn hồng nằm dưới ánh trăng vàng dịu dàng. Tia sương của đêm đọng lại lá, lên những cánh hồng. Những đóa hồng tỏa mùi thơm khắp không gian về đêm. Chỉ còn đêm nay nữa thôi, sáng mai sớm hết những thứ đóa hồng này sẽ được ngắt, để người đời dùng chúng thay cho lời tri ân với mẹ! Ngày Lễ Vu Lan.
Hồng Trắng được trồng cạnh Hồng Nhung. Hồng Trắng say sưa tận hưởng cái lạnh của sương, uống lấy từng giọt sương để khiến mình có thể rực rỡ nhất vào ngày mai. Đóa Hồng Nhung nhìn bạn đang cố gắng hết sức có thể để tăng nhựa sống cho mình, Hồng Nhung rụt rè nói với bạn:
– Hồng Trắng ơi, mai là ngày lễ Vu lan rồi, cậu có buồn không?
– Tại sao lại buồn chứ?
Gương mặt Hồng Trắng vẫn tươi tắn lạ thường. Hồng Nhung khẽ khàng:
– Tớ không biết vì sao trong ngày lễ Vu lan con người lại dùng tớ, một loài hoa hồng mang màu đỏ để dành cho những người còn mẹ trên đời. Còn cậu – loài hoa hồng trắng luôn phải dành cho những người đã mất mẹ. Có khi nào cậu thấy buồn không?
– Không đâu, tớ không phải là đại diện cho sự bất hạnh của những người mất mẹ, tớ thay họ nói lên tình yêu vô bờ bến mà họ dành cho mẹ. Họ dùng tớ để thay lời cảm ơn và thể hiện lòng kính yêu với mẹ, ngay cả khi mẹ không còn trên thế gian này nữa. Được cài trước lồng ngực của những người mất mẹ, tớ nghe được tiếng thổn thức, một nỗi xót xa trào dâng qua từng nhịp đập của con tim.
- Nhưng những người còn mẹ sẽ vui vẻ hơn những người mất mẹ vì vậy nếu được chọn cài lên ngực những người còn mẹ sẽ hạnh phúc hơn rất nhiều phải không nào? Hồng Nhung gặng hỏi bạn.
- Tôi nghĩ đến tớ khi nằm trên thăng của người khác, những người may mắn còn mẹ sẽ hiểu họ cần phải làm gì xứng đáng với ân huệ mà cuộc đời còn dành cho họ. Họ cần phải có nhiều hơn để đến một ngày nào đó khi phải cài đặt lên vũ khí, họ không cảm thấy ân hận vì mình đã không làm một người tốt. Tôi hạnh phúc khi nói thay tình yêu của những người mất mẹ và nuôi dưỡng tới những người còn mẹ. Tôi đã làm giả sứ của tình nguyên tử quý giá.
Hồng Nhung nhìn Hồng ngưỡng ngưỡng. Cả hai yên lặng hút dưỡng dưỡng từ đất và uống sương đêm để mình đẹp hơn vào ngày mai.
(Diệu Bạch St)
◊-◊—————————————– ———————-◊-◊
NĂM THÁNG DẦN TRÔINĂM THÁNG DẦN TRÔI
Thích Thiện Phước
Cuộc đời là một hành trình luôn đưa ta về phía trước, không giậm chân tại chỗ, không lùi lại phía sau, từng bước chân trải dài ấy, luôn mang theo: Ước mơ thách thức, hạnh phúc niềm đau, nụ cười tiếng khóc, thất bại thành công, nhục vinh được mất,… có người đạt được đỉnh cao của sự nghiệp một cách mau chóng dễ dàng khi còn rất trẻ, có người lận đận mãi vẫn không thành, có người thì chưa lên đến đài vinh quang thì nhìn lại đã già, hơi tàn sức kiệt, rồi phải chống chọi chịu đựng với bệnh tật, như chờ đợi đến hồi kết thúc một chuyến đi xa…
Ai cũng có một thời vẫy vùng xông pha nơi chân trời góc biển, rồi cũng có lúc phải thu mình bình lặng chốn quê nhà, vui cùng cỏ nội mây ngàn, đếm từng giọt mưa rơi như dòng thời gian của đời người đang trút xuống… trở về sống cho mình, ngồi cắt móng tay, đếm từng hơi thở, soi gương nhìn mặt mình thật kỹ thật lâu, để thấy những nếp nhăn in đậm nét phong trần, thấy mây bay cuối tận chân trời mà lòng đầy xao xuyến, bỗng quên đi bao ký ức về cuộc đời thành bại nhục vinh, đã là lữ khách trần gian thì cái gì là của họ của ta, đến lúc an lòng nhìn lại buông xuôi muôn duyên để nhẹ lòng cho một chuyến đi về…“cô đơn không hẵn một mình, một mình không hẵn cô đơn”, chim hót, lá rơi, bầu trời đầy sao đêm…chỉ một mình ta nhưng ngập tràn hạnh phúc bao la.
Mờ sáng rừng thiền chưa dọi nắng
Đêm về hoa cỏ cũng lặng yên
Từng tiếng chim kêu bình minh dậy
Sương lờ bóng nguyệt giới hương bay.
Thật ra, đời người mau chóng lắm bạn, tất cả mọi chúng ta đều sẽ có ngày ly biệt và đến điểm dừng, đó là ngày mà mình rời xa thế giới nầy, ly biệt người thân thương, mọi thứ mà ta gắn bó trân quí yêu thích rồi cũng phải buông xuôi, ta không giữ mãi những gì mình có được, mất mát, đổi thay, tàn hoại…vì thế gian là vô thường, có một thứ không bao giờ thay đổi, đó là luôn luôn thay đổi, sống ở đời đôi lúc cũng phải tuỳ duyên, thay đổi chính mình cho phù hợp với thời đại hoàn cảnh, nếu ta không thay đổi thì sẽ bị thay thế và lùi về phía sau.
Nếu biết còn vài ngày, vài giờ, vài phút giây nữa để sống, thì bạn sẽ sống như thế nào, và làm gì cho khoảng thời gian còn lại của mình?… Ai nấy đều có nỗi khổ niềm đau, vì vậy cho dù hoàn cảnh nào, ta phải sống tràn ngập tình thương yêu: Bản thân, mọi người và muôn loài, khi tình thương đủ lớn thì cánh cửa khổ đau cũng dần khép lại, xin cho đi tình thương vô hạn bằng nhiều phương diện ở trong đời.
Lạy Phật mong sao cho con và mọi người mọi loài sống an lành tự tại, như cánh hạc tung bay giữa bầu trời cao rộng thênh thang, như những đám mây nhẹ nhàng phiêu bồng cao vút chốn thiên không, như dòng nước thì thầm len lõi xuyên qua mọi ngóc ngách của vũ trụ bao la, thong dong từng bước chân đi ngang cuộc đời một cách an toàn không vướng mắc, như làn gió thổi qua những cánh đồng hoa cỏ, mang theo hương thơm vi diệu lan tỏa khắp mọi chân trời.
Thời gian của kiếp người là một nguồn tài nguyên có giới hạn, không thể tái chế, mua bán, trao đổi, tiền bạc châu báu mất đi hôm nay, ngày mai có thể tìm được, còn thời gian trôi qua rồi, sẽ không bao giờ trở lại. Món quà vô giá này, tạo hóa đã ban cho chúng ta và muôn loài đồng đều như nhau. Mỗi ngày đêm có 24 giờ đồng hồ, nhưng chúng ta sử dụng vào việc gì, đó là chuyện cá nhân của từng người…
Đời người sống vài mươi năm, thật quá ngắn ngủi so với vòng luân hồi vô tận. Mỗi một hành nghiệp của chúng ta, dù tốt hay xấu, đều ẩn tàng lý nhân quả ở đó. Vì vậy, khi được làm thân người, bạn hãy tận dụng cơ hội hiếm có nầy, cố gắng sống nhân từ, đạo đức, chân chánh, trung nghĩa, thanh cao, liêm khiết,… trải lòng yêu thương giúp đỡ mọi người.
Cuộc đời, vốn dĩ có nhiều sự bất an đau khổ, ta nên sống sao cho có ý nghĩa, mang lại niềm vui cho mình và người. Ngày ngày tu nhân tích đức, sớm sớm tinh tấn công phu, cầu mong cho mọi người hết khổ, sống đời an vui hạnh phúc trong cõi phù du mộng ảo nầy.
Tuy nhiên, cuộc đời thật tươi đẹp cho những ai sống chân thật với nó: Và vẫn còn đâu đó những khoảng trời bình yên vô hạn, những đàn cò trắng bay lượn xa xa trên cánh đồng lúa bất tận giữa buổi chiều thu nhạt nắng, những khu rừng nguyên sinh xanh thẳm bao la, những dòng sông tĩnh lặng uốn khúc êm đềm, những chú ong dễ thương chăm chỉ hút mật, những đàn bướm bay chập chờn trong vườn hoa cỏ dại khi bình minh về còn đượm thấm sương đêm….thành trụ hoại không – thế gian vô thường, sanh già bệnh chết – thân người giả tạm, xuân hạ thu đông – năm tháng dần trôi, lá rụng về cội nước chảy ra khơi, an nhiên cho một chuyến đi về,…
Thong dong ở mọi phương trời
Mây bay gió thổi mong đời an yên.
Gót chân thoát tục tuỳ duyên
Lối về hoa cỏ thiên nhiên thanh nhàn.
Nha Mân, 03/2023.
Kinh Vu Lan – Thích Thiện Phước.