Chư Đại Đức 90 pháp Ba Dật Đề nầy
mỗi nửa tháng nói, trong giới kinh chép ra
Giới thứ 1
CỐ NÓI DỐI.
Phật ở vùng chủng tộc họ Thích, có một Thích tử tên là Tượng Lực, giỏi bàn luận, có lúc bàn luận với ngoại đạo mà bị thua thường liền lật ngược lại lời nói trước. Nếu trong Tăng hỏi thì cũng lật ngược lại lời nói trước. Phạm Chí chê bai Sa môn không có chánh pháp, Tỳ kheo đem lỗi này bạch Phật, nhân thế Ngài chế giới.
* Nếu Tỳ kheo biết.
Nghĩa là thấy, nghe, tiếp xúc, biết, cho đến không thấy, biết, cả thảy có 8 loại.
Thấy: Nhãn thức có thể thấy, cho đến ý thức có thể biết.
Không thấy: Trừ nhãn thức ra, chỉ cho năm thức còn lại, trường hợp trái lại cũng như thế.
* Mà nói dối.
Hoặc cảnh giới thấy, nghe, xúc chạm, biết như thế, hoặc tưởng, hoặc nghi, liền nói không thấy, nghe, xúc chạm, biết, thì phạm Ba Dật Đề. Cho đến không thấy, nghe… cũng giống như trên. Nếu khởi lên ý niệm nói dối và lúc nói dối không nhớ là mình nói dối thì phạm Đột Kiết La. Nếu trước sau không nhớ, lúc đang nói dối biết mình đang nói dối, phạm Ba Dật Đề. Nếu chỗ thấy có khác, chỗ chấp nhận có khác, chỗ muốn có khác, chỗ xúc chạm có khác, chỗ tưởng có khác, chỗ dụng tâm có khác, các việc như thế đều là vọng ngữ. Khi thuyết giới cho đến ba lần hỏi, nhớ nghĩ có tội mà không nói thì phạm tội Đột Kiết La.
* Ba Dật Đề.
Nếu nói không rõ phạm Đột Kiết La, Ni đồng phạm, ba chúng sau phạm Đột Kiết La.
Không phạm:
Không thấy nói không thấy, cho đến biết nói biết… có tám trường hợp. Nếu trong ý tưởng có thấy, tưởng bèn nói ra thì không phạm.
Giới thứ 2
NÓI LỜI MẮNG NHIẾC.
Phật ở nước Xá Vệ, lục quần đứng trước người giải quyết việc tranh cãi, dùng đủ mọi thứ để mắng nhiếc Tỳ kheo ấy. Làm cho Tỳ kheo quên mất việc trước sau, hổ thẹn không nói được. Hàng Tỳ kheo đem chuyện này qua bạch Phật, Phật liền dẫn chuyện con bò đực để ví dụ. Súc sanh bị hủy nhục còn không thể gắng sức tiến tới, nhân thế Ngài liền chế ra giới này.
* Nếu Tỳ kheo đem dòng giống.
Có nhiều dòng giống, sanh trong dòng họ thấp hèn, nghề nghiệp cũng thấp hèn, tài năng, kỹ thuật cũng thấp hèn, là kẻ phạm tội, hoặc nói ngươi là kẻ nhiều kiết sử, là kẻ mù lòa…
* Nói lời hủy nhục.
Đưa ra sáu thứ như trên để mắng Tỳ kheo khác, hoặc mắng ngay mặt, dùng ví dụ để mắng, tự so sánh để mắng, phạm tội Đọa. Nói không rõ thì phạm tội Đột Kiết La.
* Ba Dật Đề.
Nếu nói pháp lành để mắng vào mặt, nói ngươi là kẻ A Lan Nhã, cho đến người ngồi thiền, hoặc ví dụ để mắng nhiếc nói: Ngươi giống như người ngồi thiền, hoặc tự so sánh để mắng nhiếc, nói rằng: Tôi chẳng phải như thế, dù nói rõ hay không rõ đều phạm Đột Kiết La, Ni phạm tội Đọa, ba chúng sau phạm Đột Kiết La.
Không phạm:
Vì có lợi cho nhau nên nói, vì pháp, vì luật, vì giáo thọ, vì bà con, hoặc đùa giỡn, hoặc lỡ lời, hoặc nói nhầm.
Giới thứ 3 NÓI HAI LƯỠI.
Phật ở nước Xá Vệ, lục quần truyền rao lời người nầy sang người kia, khiến cho mọi người tranh cãi không thể chấm dứt. Tỳ kheo đem chuyện này bạch Phật, Ngài liền dẫn chuyện con dã can làm hai con thú (sư tử và cọp) đấu tranh nhau, huống chi lại đối với người. Phật dùng phương tiện quở trách xong và chế ra giới nầy.
* Nếu Tỳ kheo nói hai lưỡi.
Nói ra lời làm mười chúng tranh cãi nhau, muốn chia rẽ đôi bên vậy.
* Ba Dật Đề.
Không phạm:
Phá bạn xấu, phá bè đảng của bạn xấu, đồng thầy Hòa thượng, kẻ quen biết bạn thân, luôn luôn nói lời vô nghĩa không ích lợi, muốn dùng phương tiện làm việc không có nghĩa lợi. Phá những kẻ như vậy thì không phạm.
Giới thứ 4
NGỦ CHUNG NHÀ VỚI NGƯỜI NỮ.
Phật ở nước Xá Vệ, A Na Luật đi lỡ đường đến xin nghỉ tạm qua đêm trong nhà của dâm nữ, nữ khỏa thân đến để khiêu gợi, Tôn giả bèn bay lên hư không, nữ kia hổ thẹn xin sám hối. Tôn giả nói pháp cho nghe mà được đạo quả. Các Tỳ kheo bèn cử tội, Phật liền chế ra giới nầy.
* Nếu Tỳ kheo cùng với người phụ nữ.
Người nữ có trí, đang sống bình thường.
* Cùng nhà.
Xung quanh có tường ngăn che, trên có lợp, hoặc phía trước để trống không có vách, hoặc có che nhưng không giáp, hoặc che giáp nhưng có chỗ để trống.
* Ở ngủ tạm.
Hoặc Tỳ kheo đến trước, phụ nữ đến sau, hoặc hai người đến một lượt, hoặc hơi nghiêng mình mà nằm, hễ hông dính chiếu, xoay trở đều phạm vậy.
* Ba Dật Đề.
Hoặc phi nhơn nữ, súc sanh cái, huỳnh môn, hoặc cùng ngủ với người hai căn, phạm Đột Kiết La. Ban ngày phụ nữ đứng, Tỳ kheo nằm phạm Đột Kiết La.
Không phạm:
Không biết trong nhà kia có người nữ, hoặc nhà không có lợp, hoặc bị ngăn phân nửa, ngăn ít phần, hoặc ngăn hết, hoặc ngăn che phân nửa, câu này căn cứ theo phép trên, hoặc bị bệnh nằm, bị trói, bị mạng nạn, phạm hạnh nạn… đều khai cho.
Giới thứ 5
CÙNG VỚI NGƯỜI CHƯA THỌ CỤ GIỚI
NGỦ QUÁ HẠN.
Phật ở thành Khoáng Dã, lục quần Tỳ kheo cùng với trưởng giả ngủ qua đêm ở nơi nhà giảng. Tỳ kheo lúc ngủ loạn tâm để lộ hình, bị các trưởng giả chê cười. Các Tỳ kheo bạch Phật, Phật nhân thế mới chế giới. Phật ở nước Câu Thiểm Di, phương tiện khai cho được ngủ chung hai, ba đêm và kết lại giới nầy.
* Nếu Tỳ kheo cùng với người chưa thọ đại giới.
Trừ Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni ra còn lại những người khác là chưa thọ đại giới vậy.
* Cùng ngủ.
Ngủ chung một phòng như trước đã nói.
* Quá hai đêm cho đến ba đêm.
Nếu cùng ngủ hai đêm, hoặc ba đêm, khi minh tướng chưa xuất hiện nên thức dậy tránh đi, đến đêm thứ tư, hoặc tự đi, hoặc bảo người chưa thọ cụ giới đi.
* Ba Dật Đề.
Nếu cùng với phi nhơn, súc sanh đực ngủ quá ba đêm, tất cả đều phạm Đột Kiết La. Duyên khai cho đều giống như giới trước.
Giới thứ 6
CÙNG VỚI NGƯỜI CHƯA THỌ ĐẠI GIỚI TỤNG KINH.
Phật ở thành Khoáng Dã, lục quần Tỳ kheo cùng tụng kinh với các trưởng giả ở nhà giảng, cao tiếng lớn giọng làm rối tâm người ngồi thiền. Tỳ kheo đem chuyện nầy bạch Phật, Phật nhân thế chế giới.
* Nếu Tỳ kheo cùng với người chưa thọ đại giới.
Như trên.
* Cùng tụng.
Ý nói: Tụng về cú nghĩa, cú vị, tự nghĩa, phi cú nghĩa cũng vậy. Cú nghĩa: Là cùng tụng với người không trước, không sau. Phi cú nghĩa: Như người thứ nhất đọc: “Chớ làm các điều ác” chưa xong, người thứ hai đọc lại y như thế. Cú vị: Mắt vô thường…. Phi cú vị: Nói lặp lại y như trước vậy. Tự nghĩa: Cùng tụng chữ A. Phi tự nghĩa: Nói lặp lại chữ A như trước.
* Pháp.
Nghĩa chánh pháp do Phật, Thanh văn, tiên nhơn, chư thiên nói.
* Ba Dật Đề.
Nếu cùng tụng một lời, hai lời, ba lời, hoặc truyền trao bằng miệng, hoặc truyền trao bằng cách ghi chép, nếu không rõ ràng, cho đến loài phi nhơn hay súc sanh đều phạm Đột Kiết La.
Nếu vị thầy không dạy: “Để ta nói xong rồi ngươi sẽ nói” thì vị thầy này phạm Đột Kiết La.
Không phạm:
Ta nói rồi ngươi nói, một người tụng xong rồi một người ghi chép, hoặc bạn đồng nghiệp cùng tụng, hoặc nói đùa, nói một mình, nói nhầm giữa việc nầy với việc khác, những trường hợp như thế thì đều không phạm.
Giới thứ 7
NÓI THÔ TỘI.
Phật ở thành La Duyệt Kỳ, có Tỳ kheo đang hành pháp Ba Lợi Bà Sa và Ma Na Đỏa nên ngồi ở sau. Lục quần Tỳ kheo đem việc phạm tội ấy để nói với hàng cư sĩ, vị Tỳ kheo có lỗi và các Tỳ kheo khác nghe được đều hổ thẹn. Tỳ kheo cử tội, Phật mới quở trách mà chế giới.
* Nếu Tỳ kheo biết Tỳ kheo khác
Không biết thì khai cho.
* Có tội thô ác.
Bốn tội Ba La Di, mười ba pháp Tăng Già Bà Thi Sa.
* Đến nói với người chưa thọ đại giới trừ Tăng có làm pháp yết ma, phạm Ba Dật Đề.
Trừ thô tội ra, đem các tội khác nói, tức là: Tự nói thô tội, cho đến những tội của người khác, tất cả đều phạm Đột Kiết La.
Không phạm:
Hoặc không biết, hoặc chúng Tăng sai, hoặc tưởng chẳng phải thô ác, hoặc bạch y đã nghe trước thì đều không phạm.
Giới thứ 8
ĐẾN HÀNG CƯ SĨ NÓI LÀ MÌNH ĐÃ THẬT ĐẮC ĐẠO.
Phật ở Tỳ Xá Ly, do nhơn duyên giới đại vọng ngữ trước, Phật nhóm họp Tăng chúng quở trách xong, bèn chế giới nầy.
* Nếu Tỳ kheo đến người chưa thọ đại giới nói pháp hơn người, nói rằng tôi thấy như thế, tôi đã biết như thế. Nếu thật thì phạm Ba Dật Đề. Đều giống như giới (đại vọng ngữ) ở thiên thứ nhất. Nếu nói về nghiệp báo, nói nhầm, nói đùa, đều không phạm.
Giới thứ 9
NÓI PHÁP RIÊNG CHO NGƯỜI NỮ NGHE.
Phật ở nước Xá Vệ, Ca Lưu Đà Di ở trước mặt bà mẹ chồng, rỉ tai nói pháp cho cô dâu trẻ nghe. Nhân đó bà mẹ chồng chê gièm, Tỳ kheo cử tội, Phật nhân thế mà cấm hẳn. Sau Ngài khai cho nói năm, sáu lời và được nói nhiều hơn khi có mặt người nam có trí…
* Nếu Tỳ kheo cùng với người nữ.
Như trên.
* Nói pháp quá năm.
Sắc, thọ, tưởng, hành, thức vô ngã.
* Sáu lời.
Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý vô thường.
* Trừ có người nam có trí.
Hiểu rõ việc thô ác hay không thô ác.
* Ba Dật Đề.
Nếu nói không rõ thì phạm Đột Kiết La, còn nói với phi nhơn, súc sanh cũng phạm lỗi như thế.
Không phạm:
Nếu nói năm, sáu lời, còn nói hơn thì phải có mặt người nam có trí. Bằng như không có mặt người nam có trí, người nữ hỏi thì nên trả lời giảng nói rộng rãi, nếu trao năm giới cho Ưu Bà Di, cho đến nói về năm giới pháp và trao cho giới Bát quan trai, nói pháp Bát quan trai, pháp Bát thánh đạo, mười nghiệp bất thiện. Người nữ vì không hiểu hỏi về ý nghĩa đó, hễ giảng rộng ra thì đều được.
Giới thứ 10
ĐÀO ĐẤT.
Phật ở thành Khoáng Dã, lục quần Tỳ kheo vì Phật mà sửa chữa giảng đường, rồi tự tay đào đất xung quanh. Các trưởng giả chê gièm là không biết chánh pháp, làm đoạn mất mạng sống của loài khác. Tỳ kheo bạch Phật, Phật nhân thế chế giới. Sau bảo người sửa sang giảng đường, nói rằng phải đào như thế, đắp như thế. Trưởng giả lại chê gièm, Tỳ kheo cử tội, Phật lại chế giới.
* Nếu Tỳ kheo tự tay đào.
Hoặc lấy bừa, cuốc, chày đập, cho đến dùng móng tay khoét làm đất bị tổn thương, lấy cọc đóng vào đất, đốt lửa trên đất và có ý tưởng là đất.
* Đất.
Hoặc chưa đào, hoặc đã đào, hoặc qua bốn tháng bị mưa thấm nên đất trở lại như cũ.
* Hoặc dạy người đào.
Hoặc không dạy: “Nhìn cái nầy, biết cái nầy” thì phạm Đột Kiết La.
* Ba Dật Đề.
Ba chúng sau phạm Đột Kiết La, thiên sau giống như đây.
Không phạm:
Hoặc dạy rằng: “Biết cái nầy, nhìn cái nầy”, hoặc kéo cây, hoặc dựng hàng rào lên, hoặc lật đá để lấy phân bò, lấy đất bờ bị lỡ, hoặc lấy đất ở hang chuột hư. Ngoài ra, đất ở chỗ kinh hành và đất ở trong nhà, hoặc tới lui kinh hành, quét đất, không cố ý đào, tất cả đều không phạm.
Giới thứ 11
HOẠI MẦM SỐNG.
Phật ở thành Khoáng Dã, Ngài nhóm họp chư Tăng bảo rằng: Có một Tỳ kheo sửa chữa phòng nhà mà tự tay mình chặt cây, đó thật chẳng phải là pháp của Sa môn. Phật bèn quở trách và chế giới.
* Nếu Tỳ kheo phá hoại.
Hoặc chặt, bẻ cho rơi rớt, đều gọi là phá hoại cả.
* Quỉ thần.
Tức loài phi nhơn.
* Thôn.
Tất cả những cỏ cây, đó là nơi mà các loài quỷ thần, súc sanh nương ở. Thôn có năm loại: Củ, nhánh, lóng, phú la (mía, tre, lau, củ ngó), hạt.
* Ba Dật Đề.
Nếu cỏ cây đang sống, tưởng là có sự sống, tự mình chặt, dạy người khác chặt, tự mình rang, nấu, hoặc dạy người, đều phạm tội Đoạ. Còn cỏ cây đang sống mà nghi ngờ thì phạm Đột Kiết La. Cây cỏ có bảy màu (xanh, vàng, đỏ, trắng, đen, xanh lam, đỏ tía) hoặc tự mình chặt, bảo người chặt phạm tội Đọa. Cỏ cây đang sống mà nghi ngờ và tưởng thì đều phạm tội Đột Kiết La. Nếu đóng cọc trên cây cỏ sống, hoặc dùng lửa đốt thì đều phạm tội Đọa. Nếu chặt nhiều cây cỏ tươi sống thì phạm tội Đọa, chặt nửa phần khô sống và không nói, thấy như thế, biết như thế, tất cả đều phạm Đột Kiết La.
Không phạm:
Hoặc nói, thấy như thế, biết như thế, hoặc chặt cây cỏ khô héo, hoặc kéo cành cây, cành tre trên cỏ cây tươi sống, sửa sang hàng rào, dọn dẹp ngói đá, lấy phân bò, hoặc cỏ tươi tốt mọc bít lối đi, lấy gậy vẹt mở đường, hoặc lấy ngói đá chống đỡ mà làm thương đứt đến cây cỏ, hoặc ban chỗ đất để đi kinh hành, hoặc quét chỗ đất đi kinh hành, hoặc dùng gậy cắm xuống đất, vẹt nhầm cỏ sống mà bị đứt thì đều không phạm.
Giới thứ 12
NÓI LỜI KHÁC LÀM NÃO NGƯỜI.
Phật ở nước Câu Thiểm Tỳ, Tỳ kheo Xiển Đà phạm tội, các Tỳ kheo khác hỏi, ông đánh trống lãng đáp sang chuyện khác. Tỳ kheo đem việc này bạch Phật, Ngài phương tiện quở trách xong. Xiển Đà lại đem lời nói khác để trả lời. Sau làm não loạn chúng Tăng, Tăng gọi đến thì không đến, cho đến điều không nên nói mà lại nói. Tỳ kheo đem chuyện này bạch Phật, Phật quở trách xong, làm pháp bạch xúc não (khiển trách gây sự não loạn). Nhân thế mà Phật chế ra giới này vậy.
* Nếu Tỳ kheo dối nói lời khác.
Tăng chưa tác bạch liền nói lời khác là: Thầy nói với ai, vì việc chi mà nói, bàn vì lý do gì, vì tôi nói hay vì người khác nói, tôi không biết tội nầy, tất cả đều phạm Đột Kiết La, hoặc tác bạch xong rồi nói như thế thì phạm tội Đọa.
* Làm phiền não người khác.
Như nhơn duyên trước, cho đến điều không nên nói mà nói, tất cả đều phạm Đột Kiết La. Nếu tác bạch rồi thì phạm Ba Dật Đề.
* Ba Dật Đề.
Nếu bậc Thượng tòa gọi mà không đến thì phạm Đột Kiết La.
Không phạm:
Nghe lại mà không hiểu, lời nói trước có sai lầm, thầy nói với ai, cho đến tôi không hề biết lời nầy, hoặc tác yết ma phi pháp không có lợi ích, không cùng hòa họp, gọi đến mà không đến, hoặc tác yết ma phi pháp, hoặc không muốn biết, bảo rằng chớ nên đến mà lại đến, hoặc ngồi ăn một lần, hoặc không làm pháp dư thực mà ăn, hoặc bị bệnh, gọi đứng dậy mà không đứng, hoặc bị mạng nạn, phạm hạnh nạn…, bảo chớ đứng dậy mà lại đứng, hoặc đem lòng xấu ác hỏi, không cùng nói chuyện, hoặc quở trách khi làm việc phi pháp, liền nói lời can ngăn, bảo chẳng đứng dậy mà đứng dậy, hoặc nói nhỏ, nói nhầm, tất cả đều không phạm.
Giới thứ 13
HIỀM MẮNG NGƯỜI.
Phật ở thành La Duyệt Kỳ, Tỳ kheo Đạp Bà Ma La Tử được Tăng sai làm tri sự. Tỳ kheo Từ Địa đứng nơi có tầm mắt nhìn thấy mà tai không nghe bèn chê gièm. Tỳ kheo đem chuyện Nầy sang bạch Phật, Phật dùng phương tiện quở trách chế giới. Sau ở chỗ nghe mà không thấy hiềm mắng, Tỳ kheo đem chuyện nầy bạch với Phật, Phật dùng phương tiện nương theo điều ngăn cấm trước chế lại giới nầy.
* Nếu Tỳ kheo hiềm mắng.
Nghĩa là ở chỗ thấy mặt mà không nghe. Lời nói có yêu, giận, sợ, si.
* Mắng.
Ở sau lưng, nơi tai nghe, mắt không thấy mà bày ra lời mắng nhiếc.
* Ba Dật Đề.
Nếu không chịu nhận lời Thượng tòa bảo mà lại chê bai, mắng nhiếc thì phạm Đột Kiết La.
Không phạm:
Thật không có việc như thế, sợ sau có sự hối hận, nên nói ra khiến họ phát lồ như pháp, nói có yêu… hoặc nói đùa, nói nhầm thì đều không phạm.
Giới thứ 14
TRẢI VẬT TỌA CỤ CỦA TĂNG Ở CHỖ ĐẤT TRỐNG.
Phật ở nước Xá Vệ, có trưởng giả thỉnh chư Tăng, thập thất quần Tỳ kheo lấy tọa cụ của Tăng trải ở chỗ đất trống rồi đi kinh hành. Chờ đến giờ ăn, không dọn dẹp tọa cụ mà qua nơi mời ăn, tọa cụ bèn bị gió thổi, bụi, đất, trùng, chim làm hư hoại, nhơ nhớp. Tỳ kheo đem chuyện này bạch Phật, Phật quở trách xong bèn chế giới.
* Nếu Tỳ kheo lấy của Tăng.
Có ba loại: 1/ Vật của chúng Tăng; 2/ Vật dành cho Tăng; 3/ Vật thuộc về Tăng. (Xem lại giới 30 – Ni Tát Kỳ Ba Dậc Đề đã giải thích rõ).
* Giường dây.
Có 5 loại: Chân xoay, chân thẳng, chân cong, chân ráp mộng, không chân.
* Giường cây.
Cũng như trên đã nói.
* Hoặc ngọa cụ.
Hoặc dùng để ngồi, hay dùng để nằm.
* Nệm ngồi.
Định thường dùng để ngồi.
* Trải nơi đất trống, hoặc dạy người trải, bỏ đi không tự cất, không bảo người cất phạm Ba Dật Đề.
Tỳ kheo kia đem vật của Tăng trao cho tri sự rằng: “Nay tôi trao cho Thầy, Thầy nhớ trông chừng, giữ gìn cho”. Nếu không có ai thì phải cất nơi chỗ khuất, hoặc không có chỗ khuất thì phải biết cất ở chỗ không bị hư hoại. Nên đem vật xấu đậy trên vật tốt, nếu trở về ngay lúc ấy thì liền nên đi, tùy theo mưa gấp hoặc mưa vừa về lại kịp thì nên đi. Tỳ kheo ấy nên theo thứ lớp làm phương tiện như thế thì nên đi. Nếu không làm khi vừa ra khỏi cửa thì phạm tội Đọa, còn phương tiện hối hận trở về thì đều phạm Đột Kiết La. Hoặc giả hai người ngồi chung, người ngồi sau nên dọn dẹp, nếu không thì phạm hai tội, Thượng tòa phạm một tội Đọa. Nếu cả hai không dẹp, thì thảy đều phạm tội Đọa. Ngoài ra, giường nằm, ghế ngồi… không dọn dẹp, cho đến lớp bọc ngọa cụ, tất cả đều phạm Đột Kiết La. Nếu trải ngọa cụ của Tăng ở chỗ đất trống mà vào phòng tư duy, thì mắc tội Đột Kiết La.
Không phạm:
Trải ngọa cụ của Tăng ở chỗ đất trống, khi đi có báo với người cựu trú, người tri sự, khiến cho họ biết những phương tiện như trên thì đều không phạm.
Giới thứ 15
TRẢI NGỌA CỤ CỦA CHÚNG TĂNG
CHỖ CÓ MÁI CHE.
Phật ở nước Xá Vệ, có vị khách Tỳ kheo trải ngọa cụ ở bên phòng để ngủ, sau không nói liền bỏ đi, ngọa cụ bị hư mục, trùng cắn làm đổi sắc. Tỳ kheo thấy lỗi đem bạch Phật, Phật nhân thế chế ra giới nầy.
* Nếu Tỳ kheo ở trong phòng của Tăng trải ngọa cụ của Tăng.
Nghĩa là giường dây, giường cây, đệm nằm, tọa cụ, gối, vật trải dưới đất, nhẫn đến đồ nằm được làm bằng lông.
* Nếu tự trải, hoặc bảo người trải, hoặc ngồi, hoặc nằm, khi bỏ đi không tự cất, không bảo người cất.
Người đó nên nói với vị cựu trú Tỳ kheo: Dọn dẹp dùm tôi. Nếu không người, không sợ mất, nên dời giường ra cách vách, kê chân giường lên cao, đem gối, nệm ngọa cụ để vào trong, nên lấy vật thô khác để che ở trên, nếu sợ bị hư hoại thì lấy ngọa cụ… để trên giá máng áo, dựng đứng giường lên rồi hãy đi. Không như thế, Tỳ kheo đi ra khỏi ngoại giới liền phạm tội Đọa. Khi vừa đi khỏi lại ăn năn trở về phạm Đột Kiết La. Nếu trở về liền, không bao lâu, cho hai đêm ở ngoài giới, đến đêm thứ ba khi minh tướng chưa xuất hiện mà không tự trở về, không mượn người cầm hộ thì phạm tội Đọa.
* Ba Dật Đề.
Không phạm:
Như phần phương tiện đã nói trên. Ở ngoài giới, đường xá bị cách trở, hoặc bị mạng nạn, phạm hạnh nạn… hễ có những duyên như thế thì khai cho.
Giới thứ 16
CƯỠNG ĐOẠT TRẢI CHỖ NGỒI.
Phật ở nước Xá Vệ, lục quần Tỳ kheo và thập thất quần Tỳ kheo cùng đi trên đường đến nơi không có trú xứ của Tỳ kheo. Thập thất quần tự tìm chỗ ở, lục quần biết thập thất quần đã tìm được chỗ nghỉ bèn cố ý trải ngoạ cụ ngủ ở giữa. Tỳ kheo đem lỗi này bạch Phật, nhân thế mà Phật chế giới.
* Nếu Tỳ kheo biết.
Không biết thì khai cho.
* Trú xứ Tỳ kheo đã ở trước, sau đến chen vào chỗ giữa.
Hoặc bên đầu, bên chân, hai bên hông.
* Trải ngọa cụ.
Trải bằng cỏ, lá cây, cho đến trải ngọa cụ bằng nỉ trên đất để nằm.
* Ngủ nghỉ, nghĩ rằng: “Người kia nếu hiềm chật sẽ tự tránh ta đi”. Gây nhân duyên như thế, chớ chẳng chi khác, trái với oai nghi, phạm Ba Dật Đề.
Nghĩa là tùy theo mỗi lần trở mình, hông dính giường thì kết tội Đọa.
Không phạm:
Trước không biết, hoặc xin rồi mới ở, trước họ đã nhường chỗ, khoảng rộng lớn không trở ngại nhau, người thân cũ bảo rằng: “Cứ trải, tôi sẽ tự nói với chủ”. Hoặc bị té xuống đất, bị bệnh xoay trở ngã lên trên, bị thế lực ép buộc, bị trói nhốt, bị mạng nạn, phạm hạnh nạn, đều không phạm.
Giới thứ 17
ĐUỔI TỲ KHEO KHÁC RA KHỎI PHÒNG.
Phật ở nước Xá Vệ, lục quần Tỳ kheo và thập thất quần Tỳ kheo cùng đi đến một trú xứ nhỏ. Thập thất quần ở trước, vào chùa quét dọn, rưới nước sạch sẽ. Lục quần biết thập thất quần tìm được chỗ tốt, nên đuổi họ ra khỏi phòng. Tỳ kheo đem lỗi nầy bạch Phật, Phật bèn chế giới.
* Nếu Tỳ kheo giận Tỳ kheo khác không vui ở trong Tăng phòng, hoặc tự mình đuổi ra, hoặc dạy người khác đuổi.
Nếu tự mình, hoặc dạy người lôi kéo, tùy theo việc lôi kéo nhiều ít; tùy theo việc đuổi ra khỏi phòng, theo đó mà phạm. Nếu kéo nhiều người ra khỏi một cửa, hoặc kéo một người ra nhiều cửa , đều phạm tội Đoạ. Nếu kéo một người ra một cửa, phạm một tội Đọa. Nếu đem vật của người khác ra, hoặc ném ra ngoài cửa, đóng cửa để cho người khác ở bên ngoài, đều phạm tội Đột Kiết La.
* Ba Dật Đề.
Không phạm:
Không có tâm giận bực, theo thứ tự kéo đi ra, hoặc đuổi người chưa thọ cụ giới ra, hoặc đuổi người phá giới, phá kiến, phá oai nghi, cho đến người bị cử tội, bị đuổi. Vì duyên cớ như thế, hoặc đuổi hạng người bị mạng nạn, phạm hạnh nạn, đều khai cho.
Giới thứ 18
NGỒI GIƯỜNG CHÂN RÁP.
Phật ở nước Xá Vệ, Tỳ kheo đang ở trên tầng gác ngồi giường chân ráp, chân bị sút rơi trên thân Tỳ kheo khác bị thương chảy máu. Tỳ kheo đó ngước mặt lên, nóng giận mắng. Tỳ kheo cử tội, bạch Phật, Phật quở trách chế giới.
* Nếu Tỳ kheo, hoặc phòng.
Ý nói phòng của Tăng, hoặc phòng riêng.
* Hoặc trên tầng gác.
Nghĩa là khi đứng, đầu không bị đụng ở trên.
* Giường dây chân ráp, hoặc giường cây.
Chân ráp: Là ráp chân vào lỗ mộng.
* Hoặc ngồi, hoặc nằm.
Tùy theo hông đặt dính xuống giường, hoặc tùy theo sự xoay trở.
* Ba Dật Đề.
Trừ giường đã tháo chân ra, hoặc giường ngồi một mình, hoặc giường bằng tấm ván lớn, hoặc giường tắm. Tất cả đều phạm Đột Kiết La.
Không phạm:
Hoặc ngồi giường chân xoay, chân thẳng, chân cong, không chân. Hoặc giường chân lớn, giường chân ráp có sợi dây cột kỹ. Hoặc trên tầng gác có ván lót, hoặc cây chạm hoa để che, hoặc che dày, hoặc ngồi giường lật ngửa, hoặc ngồi giường tháo chân, đều khai cho.
Giới thứ 19
UỐNG NƯỚC CÓ TRÙNG.
Phật ở nước Câu Thiểm Tỳ, Tỳ kheo Xiển Đà xây phòng, dùng nước có trùng trộn với bùn, lại dạy người trộn. Trưởng giả thấy thế chê gièm không có chánh pháp, giết hại mạng chúng sanh. Tỳ kheo cử tội, Phật nhân thế chế giới.
* Nếu Tỳ kheo biết.
Không biết thì chẳng phạm.
* Nước có trùng, hoặc rưới lên bùn, hoặc cỏ, hoặc dạy người rưới.
Nếu lấy cỏ, đất ném vào trong nước có trùng, hoặc dùng (lạc tương) nước lạc có trùng, hoặc nước lạc không có trùng, hoặc trong dấm, cho đến lấy nước rưới trên bùn, cỏ. Tất cả đều phạm tội Đọa, dạy người làm cũng đồng tội.
* Ba Dật Đề.
Không phạm:
Không biết có trùng, làm mà tưởng không trùng, hoặc trùng lớn, dùng tay khuấy động nước khiến cho trùng đi, hoặc dùng nước đã lọc mà rưới trên đất, hoặc dạy người lọc. Tất cả đều không phạm.
Giới thứ 20
LỢP NHÀ QUÁ HẠN ĐỊNH.
Phật ở nước Câu Thiểm Tỳ, Xiển Đà làm phòng, lợp thêm nhiều lớp không ngừng. Do đó nhà liền bị hư sập, cư sĩ chê gièm, đàn việt tuy dâng cúng, nhưng người thọ nhận phải tự biết đủ. Tỳ kheo cử tội, Phật nhân thế chế giới.
* Nếu Tỳ kheo làm phòng nhà lớn.
Dùng nhiều tài vật.
* Cánh cửa, khung cửa và những thứ trang trí khác.
Khắc chạm vẽ vời.
* Chỉ bảo lợp tranh.
Có hai loại: Lợp chiều dọc và lợp chiều ngang.
* Chừng hai, ba đốt tay, nếu quá.
Ý nói Tỳ kheo kia chỉ bảo lợp ba đốt tay chưa xong, nên đến chỗ không thấy, nghe. Nếu không đến chỗ không thấy, nghe, lợp xong ba đốt tay thì phạm tội Đọa.
* Ba Dật Đề.
Nếu đến chỗ nghe mà thấy hay ngược lại thì phạm Đột Kiết La.
Không phạm:
Chỉ bảo lìa xa những chỗ như trên thì khai cho.
Giới thứ 21
TỰ Ý ĐI DẠY BẢO NI.
Phật ở nước Xá Vệ, Ni Đại Ái Đạo đến xin dạy bảo. Phật sai Tăng theo thứ lớp đi, tới phiên Bàn Đà đến nơi ấy nói pháp. Sau lục quần thứ tự đến nói bàn việc đời. Ái Đạo bạch Phật, Ngài liền yết ma sai đi và chế giới.
* Nếu Tỳ kheo Tăng
Đồng nhất thuyết giới, đồng nhất yết ma.
* Không sai.
Không được trong Tăng bạch nhị yết ma sai đi.
* Dạy bảo:
Tám pháp không được vượt qua (tức bát kỉnh pháp), văn đủ như trong luật.
* Tỳ kheo Ni, phạm Ba Dật Đề.
Nếu trong lúc thuyết giới, Thượng tòa hỏi đáp xong, hoặc Tăng sai, hoặc theo lời cầu thỉnh của Ni, Tỳ kheo kia liền đến, bên Ni cũng phải đúng thời đón tiếp. Nếu trái thì đều phạm Đột Kiết La. Khi nghe tin giáo thọ sắp đến, Tỳ kheo Ni nên ra nửa do tuần đón rước, cung cấp những thứ cần dùng. Nếu không thì cũng phạm tội Đột Kiết La. Nếu Tăng không sai, chẳng phải ngày giáo thọ mà lại nói “tám pháp không được vượt qua” thì phạm Đột Kiết La. Nếu Tăng không sai mà đến nói pháp, phạm tội Đọa. Hoặc Tăng bị bệnh, không hòa họp, không đủ số chúng, nên sai người đến lễ bái thăm hỏi. Ni chúng bị bệnh thì cũng sai người lễ bái vấn tấn. Nếu không làm như thế thì phạm Đột Kiết La. Tỳ kheo Ni và hai chúng đều phạm Đột Kiết La.
Không phạm:
Chúng Tỳ kheo nói phương tiện như trên xong nhưng bị các nạn: Nước lớn, đường xá trở ngại, không thể cho người đi đến lễ bái, chào hỏi đều không phạm.
Giới thứ 22
NÓI PHÁP CHO TỲ KHEO NI ĐẾN CHIỀU TỐI.
Phật ở nước Xá Vệ, Nan Đà được Tăng sai đi dạy bảo Ni xong, Tôn giả ngồi im lặng, Ái Đạo thỉnh nói thêm, ngài nói đến chiều tối. Khi Ni đi ra khỏi tinh xá Kỳ Hoàn thì cửa thành đã đóng, nên đành phải ngủ bên ngoài, bị người tục chê gièm, Tỳ kheo bạch Phật, Phật liền quở trách chế giới nầy.
* Nếu Tỳ kheo được Tăng sai.
Một lần dạy bảo, một lần yết ma.
* Giáo thọ.
Trong Tăng bạch nhị yết ma sai đi.
* Tỳ kheo Ni cho đến mặt trời lặn.
Tỳ kheo được Tăng sai đi dạy bảo Tỳ kheo Ni nên trở về trước lúc mặt trời lặn. Trừ giáo thọ ra, nếu dạy kinh, hoặc tụng kinh, tham vấn, cho đến tham vấn những việc khác đến khi mặt trời lặn. Trừ Ni ra, nếu vì nhận những phụ nữ khác tụng kinh… đến mặt trời lặn, tất cả đều phạm tội Đột Kiết La.
* Ba Dật Đề.
Tỳ kheo Ni… phạm Đột Kiết La.
Không phạm:
Giáo thọ cho Ni, đến lúc mặt trời chưa lặn liền thôi. Trừ phụ nữ ra, nếu vì người khác hoặc nói pháp trên thuyền, Ni tự nghe, hoặc cùng với khách buôn nói pháp ban đêm, hoặc trong chùa Ni, hoặc được người thỉnh, gặp khi nói pháp mà Ni liền nghe thì khai cho.
Giới thứ 23
CHÊ TRÁCH TỲ KHEO KHÁC ĐI DẠY BẢO.
Phật ở nước Xá Vệ, Ni nghe thầy giáo thọ đến, ra ngoài nửa dặm đón rước cung cấp cúng dường, lục quần sanh tâm ghen ghét nghĩ rằng: “Tỳ kheo ấy không thật, chỉ vì ăn uống mà đi dạy bảo Ni thôi!”. Tỳ kheo đem lỗi nầy bạch Phật, Phật nhân thế chế giới.
* Nếu Tỳ kheo nói với Tỳ kheo như thế nầy: “Các Tỳ kheo vì ăn uống đi dạy bảo Tỳ kheo Ni”, phạm Ba Dật Đề.
Nếu nói không rõ phạm Đột Kiết La. Tỳ kheo Ni… cũng phạm Đột Kiết La.
Không phạm:
Chân thật làm việc ấy, vì đem thức ăn uống cúng dường để được giáo thọ, vì cớ dâng thức ăn uống mà dạy tụng kinh, dạy kinh, tham vấn, hoặc giỡn cợt, nói nhầm, tất cả đều không phạm.
Giới thứ 24
CHO Y TỲ KHEO NI KHÔNG PHẢI BÀ CON.
Phật ở nước Xá Vệ, Tỳ kheo khất thực, oai nghi đầy đủ, Ni thấy sanh tâm lành nên thường thỉnh, Tỳ kheo không nhận, sau Tăng chia y, liền đem y mình cho Ni, Ni liền nhận, Tỳ kheo kia hiềm trách Ni, luôn đến nói với người khác. Tỳ kheo đem lỗi nầy bạch Phật, Phật quở trách chế giới.
* Nếu Tỳ kheo cho y.
Có mười loại như trên.
* Tỳ kheo Ni không phải bà con.
Như đã giải thích trên.
* Trừ khi trao đổi.
Tức lấy y đổi y, đổi phi y, đổi kim, đổi dao, hoặc chỉ, cho đến một gói thuốc.
* Ba Dật Đề.
Tỳ kheo Ni… phạm Đột Kiết La.
Không phạm:
Cho y Ni bà con, trao đổi lẫn nhau, hoặc cúng tháp, cúng Phật, cúng Tăng thì đều không phạm.
Giới thứ 25
MAY Y CHO NI KHÔNG PHẢI BÀ CON.
Phật ở nước Xá Vệ, Ca Lưu Đà Di may đại y Tăng Già Lê. Lúc cắt may vẽ hình tượng nam nữ dâm dục. Khi may xong trao cho Ni và bảo phải mặc đi ở sau đại chúng, khiến cho người tục thấy vậy sanh lòng chê cười. Chư Ni đem lỗi nầy bạch Phật, nhân thế mà chế giới.
* Nếu Tỳ kheo may y cho Tỳ kheo Ni không phải bà con phạm Ba Dật Đề.
Tỳ kheo ấy tùy theo sự cắt rọc nhiều hay ít, tùy theo một lần may, mỗi mũi kim đều phạm tội Đọa. Hoặc mặc vào để xem, kéo ra cho thẳng, lấy tay vuốt, hoặc kéo cho ngay góc, vuốt cho vuông vức, thẳng thóm. Hoặc viền, kết thêm, cột chỉ, hoặc nối chỉ. Tất cả đều phạm tội Đột Kiết La, Ni phạm Đột Kiết La.
Không phạm:
May y cho Tỳ kheo Ni bà con, may cúng Tăng, tháp, mượn mặc rồi giặt nhuộm, sửa sang để trả lại cho chủ, tất cả đều khai cho.
Giới thứ 26
NGỒI CHUNG VỚI NI.
Phật ở thành Xá Vệ, Ca Lưu Đà Di cùng với Ni Thâu Lan Nan Đà, cả hai dung mạo đều đẹp đẽ, đều có ý dục nhiễm, ngồi ở ngoài cửa. Cư sĩ cùng nhau chê gièm, ví dụ như đôi uyên ương. Tỳ kheo nghe được bạch Phật, Phật nhân thế chế giới.
* Nếu Tỳ kheo cùng với Tỳ kheo Ni.
Một chỗ: Nơi chỉ có một Tỳ kheo và một Tỳ kheo Ni.
* Ngồi ở chỗ khuất kín.
Có hai loại:
1/ Chỗ khuất đối với sự thấy, hoặc bụi, sương mù, khói, mây, chỗ tối tăm không thấy.
2/ Chỗ khuất đối với sự nghe, cho đến không nghe lời nói bình thường.
* Ngăn che.
Hoặc cây, tường, rào giậu, vải, bị ngăn che bởi các vật khác.
* Ngồi ở chỗ.
Hoặc người thứ ba mù mà không điếc, điếc mà không mù, hoặc đứng. Tất cả đều phạm tội Đột Kiết La.
* Ba Dật Đề.
Ni phạm Đột Kiết La.
Không phạm:
Hoặc Tỳ kheo có bạn, hoặc có người trí và có đủ hai điều kiện: Không mù không điếc, không điếc không mù; hoặc đi qua bị té xuống đất, bị bệnh, bị thế lực bắt, mạng nạn, phạm hạnh nạn… thì đều khai cho.
Giới thứ 27
ĐI CHUNG VỚI NI.
Phật ở nước Xá Vệ, lục quần Tỳ kheo cùng với lục quần Ni du hành trong nhơn gian. Cư sĩ chê gièm, Tỳ kheo cử tội, Phật liền quở trách chế giới.
* Nếu Tỳ kheo cùng với Tỳ kheo Ni hẹn nhau.
Nói cùng đi đến thôn, thành, nước ấy.
* Cùng đi một đường.
Là khoảng cách ở trong thôn xóm có chừa lối để đi.
* Từ một xóm đến một xóm.
Tùy theo sự phân chia giới hạn số chúng nhiều ít. Mỗi mỗi đều phạm tội Đọa. Nếu chẳng phải thôn, hoặc đi đến chỗ trống cho đến 10 dặm phạm tội Đọa, nếu chưa đến một thôn ít hơn 20 dặm. Nếu đi trong khoảng cách nhiều thôn mà cùng giới hạn. Cho đến phương tiện hẹn nhau, tất cả đều phạm Đột Kiết La.
* Trừ ở trường hợp khác, Ba Dật Đề. Ở trường hợp khác là cùng đi với người khách buôn, hoặc khi nghi ngờ.
Nghi có giặc cướp.
* Có sợ hãi.
Sợ có giặc cướp.
* Đó gọi là ở trường hợp khác.
Ni phạm Đột Kiết La.
Không phạm:
Không cùng hẹn, có nhiều bạn cùng đi, chỗ có sự sợ hãi, nghi ngờ, hoặc cùng đến nơi đó để được an ổn, bị thế lực ép buộc, mạng nạn, phạm hạnh nạn… đều khai cho.
Giới thứ 28
ĐI CÙNG MỘT THUYỀN VỚI TỲ KHEO NI.
Phật ở nước Xá Vệ, lục quần Tỳ kheo cùng với lục quần Ni cùng ở trên thuyền xuôi ngược dòng nước. Cư sĩ cùng nhau chê gièm, Tỳ kheo cử tội, Phật nhân thế chế giới.
* Nếu Tỳ kheo cùng với Tỳ kheo Ni hẹn nhau cùng đi một thuyền xuôi dòng hay ngược dòng.
Nếu vào trong thuyền phạm tội Đọa. Các phương tiện khác, phạm tội Đột Kiết La.
* Trừ khi đi đò ngang phạm Ba Dật Đề.
Ni phạm Đột Kiết La.
Không phạm:
Không có hẹn, hoặc qua thẳng bờ bên kia, hoặc vào trong thuyền, hoặc người lái thuyền bị lạc hướng mà đi xuôi hay ngược dòng, hoặc qua bờ bên kia không được an ổn, hoặc bị thế lực ép buộc, mạng nạn, phạm hạnh nạn, đều không phạm.
Giới thứ 29
THEO NI KHEN NGỢI ĐỂ ĐƯỢC THỨC ĂN.
Phật ở nước Xá Vệ, có cư sĩ thỉnh ngài Xá Lợi Phất… cư sĩ trải toà tốt, Ni Thâu Lan Nan Đà thấy rồi nói dối những người được thỉnh toàn là dòng họ thấp hèn. Nếu hỏi tôi thì tôi sẽ thỉnh Điều Đạt vì thầy ấy là rồng trong loài rồng, ăn xong nói đủ các pháp. Phật nhân thế quở trách, chế ra giới nầy.
* Nếu Tỳ kheo biết.
Không biết thì không phạm.
* Tỳ kheo Ni khen ngợi, giáo hóa.
Nghĩa là người ở nơi A Luyện Nhã khất thực để ăn, cho đến trì ba y, dùng kệ khen ngợi pháp sư đa văn, trì luật, tọa thiền.
* Nhân duyên được thức ăn mà ăn.
Từ sớm đến trưa được thức ăn.
* Trừ khi đàn việt có ý trước. Ba Dật Đề.
Nghĩa là ăn mỗi một miếng phạm tội Đọa, trừ thức ăn uống ra nếu được áo lót, dầu, đèn, phạm Đột Kiết La. Ni cũng phạm Đột Kiết La.
Không phạm:
Hoặc không biết, hoặc đàn việt có định ý trước, hoặc không có ý tưởng giáo hóa, hoặc Ni tự làm, hoặc người đàn việt bảo Ni tổ chức, hoặc không cố ý giáo hóa mà khất thực được, thì đều không phạm.
Giới thứ 30
ĐI CHUNG VỚI NGƯỜI NỮ.
Phật ở nước Xá Vệ, bấy giờ có nàng dâu cãi lộn với mẹ chồng. Sau nàng dâu trở về nước Tỳ Xá Ly. Bấy giờ Tôn giả A Na Luật muốn đến nước ấy, nên làm bạn với người nữ nầy. Chồng cô bèn đuổi theo gặp được và đánh A Na Luật sắp chết. Tỳ kheo đem lỗi nầy bạch Phật, Ngài liền quở trách và chế giới.
* Nếu Tỳ kheo cùng với người phụ nữ.
Như trên.
* Hẹn nhau cùng đi một đường, cho đến khoảng một làng, Ba Dật Đề.
Hoặc chỉ đi trong thôn cùng một cương giới, cho đến Ni, bốn chúng… Tất cả đều phạm Đột Kiết La.
Không phạm:
Trước không biết, không hẹn nhau, cần đến nơi kia để được an, hoặc bị thế lực, và các nạn khác, thì đều khai cho.
Giới thứ 31
CHỖ CÚNG THỨC ĂN NHẬN HƠN MỘT BỮA.
Phật ở nước Xá Vệ, bấy giờ nước Câu Tát La có một thôn không có trú xứ cho chư tăng ở, cư sĩ bèn dựng chỗ ở, thường cúng dường một bữa ăn. Lục quần thọ nhận nhiều lần. Cư sĩ nói tôi chỉ chu cấp cho người ở tạm một đêm. Tỳ kheo đem lỗi nầy bạch Phật, Ngài nhân thế mà chế giới.
* Nếu Tỳ kheo trú xứ cúng một bữa ăn.
Ở trong một đêm. Bữa ăn: Nhẫn đến bữa ăn đúng thời.
* Không bệnh.
Bệnh: Nếu lìa khỏi thôn ấy thì bệnh càng thêm nặng.
* Tỳ kheo nên nhận một bữa ăn, nếu nhận hơn.
Ăn mỗi miếng phạm tội Đọa. Ngoài thức ăn ra, nhận các thứ khác như áo lót, đèn dầu, đều đồng phạm tội Đột Kiết La.
* Ba Dật Đề.
Ni đồng phạm.
Không phạm:
Nghỉ một đêm nhận thức ăn, nếu bệnh thì được nhận quá một bữa, hoặc cư sĩ thỉnh ở lại: “Tôi vì Sa môn Thích tử mà sắm thức ăn nầy”. Nếu đàn việt theo thứ lớp thỉnh thọ thức ăn, hoặc các cô cậu, chị em, các bà theo thứ lớp thỉnh. Hoặc ngày nay nhận thức ăn của người nầy, ngày mai nhận thức ăn của người kia, hoặc bị đường xá cách trở… các nạn như thế.
Giới thứ 32
THỌ THỈNH TRÁI LỜI.
Phật ở thành La Duyệt Kỳ du hành trong nhơn gian, đến nước A Na Tần Đà. Nhân lúc Sa Nâu cúng cháo, Phật bèn khai cho ăn cháo, vì ăn cháo đặc, lại gặp lúc tiết hội đàn việt cúng thức ăn. Sau lại thọ thỉnh (ở nhà khác), người tục chê gièm trách móc. Phật nhân thế mà chế ra giới nầy.
* Nếu Tỳ kheo lần lượt.
Nghĩa là mời vậy, có hai loại:
1. Thỉnh Tăng theo thứ tự.
2. Thỉnh riêng.
* Ăn.
Cơm, bún, bánh khô…
* Trừ ở trường hợp đặc biệt, Ba Dật Đề. Ở trường hợp đặc biệt là khi bị bệnh.
Không thể ăn một lần mà phải ăn nhiều lần mới no.
* Khi thí y.
Tự tứ xong, không thọ y Ca Hi Na thì được chứa một tháng, có thọ thì năm tháng. Nếu có những chỗ khác mời cúng thức ăn và y.
* Đó gọi là trường hợp đặc biệt.
Nếu không xả chỗ mời trước, nhận chỗ mời sau, hễ ăn mỗi một miếng thì đều phạm tội Đọa. Nếu không xả chỗ mời sau, nhận chỗ mời trước, ăn mỗi một miếng, phạm tội Đột Kiết La.
Không phạm:
Khi bị bệnh, khi thí y, hoặc trong một ngày có nhiều nơi thỉnh, mình chỉ nhận một chỗ, các chỗ khác nên nhường lại cho người, thưa trưởng lão: “Tôi lẽ ra phải đến nơi ấy, nhưng nay xin cúng dường cho Ngài”. Hoặc nhận thỉnh mà không dùng thức ăn, hoặc thức ăn không đủ, hoặc không mời ăn, hoặc ăn rồi lại nhận được thức ăn, hoặc một chỗ có bữa ăn trước, bữa ăn sau, đều khai cho.
Giới thứ 33
CHÚNG ĂN RIÊNG.
Phật ở thành La Duyệt Kỳ, Đề Bà Đạt Đa sai người hại Phật, lại xúi vua A Xà Thế giết cha, tiếng xấu đồn khắp, nên bị dứt mất lợi dưỡng, bèn cùng với 5 Tỳ kheo khất thực. Tỳ kheo đem chuyện nầy qua bạch Phật, Phật liền quở trách chế giới.
* Nếu Tỳ kheo chúng riêng.
Bốn người, hơn bốn người.
* Ăn.
Cơm, bún, cơm khô…
* Trừ ở trường hợp khác, Ba Dật Đề. Trừ ở trường hợp khác là khi bị bệnh.
Cho đến bàn chân bị trật.
* Khi may y.
Tự tứ xong, không thọ y Ca Hi Na thì trong một tháng, có thọ y thì 5 tháng, cho đến trên y may một đường bằng răng con ngựa.
* Khi thí y.
Giống như giới trước.
* Khi đi đường.
Cho đến chỉ trong nửa do tuần, trong ấy có sự tới lui.
* Khi đi thuyền.
Cho đến nửa do tuần ngồi ở trên thuyền đi xuôi dòng hay ngược dòng.
* Khi đại chúng nhóm họp.
Thức ăn dành đủ cho bốn người, dư một người thì thiếu. Năm người, mười người, cho đến 100 người, hễ dư một người là thiếu.
* Khi đem thức ăn cúng cho Sa môn.
Đây là nói ngoài Sa môn Thích tử ra còn có những người xuất gia theo ngoại đạo vậy.
* Đây là những trường hợp đặc biệt.
Nếu không có duyên cớ mà ăn chúng riêng, thì nên đứng dậy bạch rằng: “Ở đây tôi không có nhơn duyên trong những người được ăn chúng riêng, muốn xin ra khỏi”. Nếu người khác không có nhơn duyên cũng cho ra. Nếu hai, ba người tùy ý ăn, bốn người hoặc hơn nên phân làm hai nhóm thay nhau vào ăn. Nếu có nhân duyên biệt chúng muốn xin vào, liền đứng dậy bạch rằng: “Tôi có nhơn duyên được ăn chúng riêng muốn xin vào”. Phật dạy: “Nên theo thứ lớp Thượng tọa ngồi vào”. Nếu có duyên mà không nói phạm Đột Kiết La. Tùy theo việc ăn chúng riêng, hễ ăn mỗi miếng phạm tội Đọa, Tỳ kheo Ni đồng phạm.
Không phạm:
Nhơn duyên đã khai đầy đủ như trên. Hoặc hai, ba người thay nhau ăn, hoặc nói đi vì có nhơn duyên thì không phạm.
Giới thứ 34
NHẬN THỨC ĂN QUÁ HẠN CỦA KHÁCH BUÔN,
VÀ PHỤ NỮ VỀ NHÀ CHỒNG.
Phật ở nước Xá Vệ, có người phụ nữ sắp về nhà chồng, cô bèn đem những thức ăn vừa sắm sửa dâng cúng hết cho các Tỳ kheo. Trong khoảng thời gian cô chưa kịp trở về thì người chồng lại lấy vợ khác.
Lại có khách buôn vì mãi lo đem thức ăn cúng cho Tỳ kheo nên bị giặc cướp. Tỳ kheo đem lỗi này bạch Phật, nhân thế Phật chế giới.
* Nếu Tỳ kheo đến nhà bạch y.
Có nam, có nữ.
* Mời Tỳ kheo cho bánh, cốm, cơm. Nếu Tỳ kheo cần thì nhận chừng hai, ba bát, về đến trong Tăng Già Lam, nên chia cho Tỳ kheo khác ăn.
Nếu không đem thức ăn về, thì nên báo cho các Tỳ kheo rằng: “Ở nhà… có người phụ nữ mang thức ăn về nhà chồng, hoặc lương thực đi đường của khách buôn. Nếu muốn ăn thì khi ăn xong phải trở ra. Còn muốn cầm đem về thì chỉ được hai, ba bát. Hoặc giữ một bát, còn hai bát mang về, mỗi một bát phải nói cho rõ”. Cho đến Tỳ kheo đã mang ba bát về rồi thì nói với Tỳ kheo khác cẩn thận chớ có mang về nữa.
* Nếu Tỳ kheo không bệnh.
Ý nói không thể ăn một lần mà phải ăn nhiều lần.
* Nhận quá ba bát mang về đến trong Tăng Già Lam.
Mang ra khỏi cửa thì phạm tội đọa, hối hận ngay lúc đó thì phạm tội Đột Kiết La.
* Không chia cho các Tỳ kheo khác.
Chỉ ăn riêng một mình phạm Đột Kiết La.
* Ba Dật Đề.
Hoặc không luận là thức ăn của phụ nữ đem về nhà chồng, thức ăn đi đường của khách buôn, nếu không nói với các Tỳ kheo khác phạm tội Đột Kiết La.
Không phạm:
Thọ hai, ba bát, nếu bệnh thì được nhận hơn. Bạch xong liền cùng nhau chia, để khiến cho biết nơi thôn xóm. Nếu họ tự mang đến trong chùa thì được nhận, hoặc họ mang đến trong chùa Ni thì cũng được nhận và không phạm.
Giới thứ 35
ĂN VỪA ĐỦ.
Phật ở nước Xá Vệ, nói pháp ăn một lần trong năm loại thức ăn, khiến cho no đủ, sau thân thể bị gầy còm. Phật dạy cho người nuôi bệnh ăn thức ăn còn thừa của người bệnh, lại khai cho làm pháp dư thực. Do có người tham ăn, không biết đúng pháp để ăn. Nhân thế Phật chế giới.
* Nếu Tỳ kheo ăn xong, hoặc khi thọ thỉnh.
Thức ăn: Trong năm thứ thức ăn đó, nếu ăn mỗi một thứ nào, hoặc ăn no đủ cơm, bún khô, bánh khô…
* Không làm pháp dư thực.
Người kia đem thức ăn về, tác pháp: “Nầy Đại Đức, tôi ăn xong rồi. Phải thấy thế, biết thế mà làm pháp dư thực”. Vị kia nên lấy chút ít thức ăn và ăn, rồi nói với vị nầy rằng: “Tôi không ăn nữa, thầy nên lấy ăn”. Tỳ kheo kia nếu không làm pháp dư thực.
* Ăn phạm Ba Dật Đề.
Tỳ kheo trong đó đi, đứng, ngồi, nằm đều giống như trên, trình bày việc phạm kể đủ như trong luật. Thức ăn Khư Xà Ni có củ, nhánh, lá, hoa, quả, dầu mè, đường đen, thức ăn nghiền nát. Tỳ kheo ấy nếu ăn đủ rồi không làm pháp dư thực, nhận được thức ăn mà ăn mỗi một miếng phạm Ba Dật Đề. Nếu ăn xong vì người khác làm pháp dư thực, còn biết người khác ăn đủ rồi mà làm, tự tay mà cầm lấy thức ăn tác pháp dư thực. Cầm thức ăn để dưới đất tác pháp dư thực; bảo tịnh nhơn làm pháp dư thực, tịnh nhơn làm pháp dư thực xong lại lấy thức ăn không ngon phủ lên thức ăn ngon để tác pháp dư thực, hoặc đem đi đều không thành pháp dư thực, phạm tội Đột Kiết La. Ni, bốn chúng… phạm tội Đột Kiết La.
Không phạm:
Khi ăn, khởi ý tưởng chẳng phải ăn, không nhận pháp dư thực, và làm trái lại với văn đã chế trên. Hoặc bị bệnh không làm pháp dư thực, thức ăn còn thừa của người bệnh không tác pháp dư thực hoặc đã làm pháp dư thực thì đều không phạm.
Giới thứ 36
ĂN ĐỦ RỒI KHUYÊN KHIẾN CHO PHẠM.
Phật ở nước Xá Vệ, có hai huynh đệ cùng làm Tỳ kheo. Trong đó có một người tham ăn, ăn không biết túc thực hay không túc thực, dư thực hay không dư thực, hễ được thức ăn thì ăn. Tỳ kheo kia đem lỗi nầy ra trách mắng, tâm vị nầy sanh lòng giận bực, thấy Tỳ kheo kia ăn xong, liền cố khuyên ăn, lại đem lỗi nầy ra để trách cứ. Phật nhân thế chế giới.
* Nếu Tỳ kheo biết.
Không biết thì không phạm.
* Tỳ kheo kia ăn đủ rồi.
Thức ăn có năm loại như trên.
* Nếu nhận lời thỉnh.
Cũng có năm loại như đã kể trên.
* Không làm pháp dư thực, ân cần mời cho ăn: “Trưởng lão dùng thức ăn nầy đi”. Do nhân duyên đó, không chi khác.
Nếu trước không biết, tưởng ăn không đủ, hoặc khiến cho bỏ, hoặc cho bảo cất mà ăn, hoặc bảo đem cho người, hoặc chưa làm pháp dư thực mà bảo làm, hoặc đem thức ăn dư của người bệnh mà cho, hoặc đã làm pháp dư thực, không khiến cho người khác phạm.
* Muốn khiến cho Tỳ kheo khác phạm.
Nếu Tỳ kheo kia nhận thức ăn đó, ăn mỗi một miếng thì cả hai phạm tội Đọa. Nếu mời ăn mà Tỳ kheo kia bỏ hoặc nhận để qua một bên, hoặc nhận cho người khác, hoặc người kia nhận rồi làm pháp dư thực, hoặc cho thức ăn người bệnh, muốn cho người bệnh phạm, đem thức ăn thừa của người bệnh cho, hoặc làm pháp dư thực rồi cho, muốn khiến cho người khác phạm. Những nhơn duyên như trên, tất cả người cho đều phạm Đột Kiết La.
* Ba Dật Đề.
Ni và bốn chúng khác phạm Đột Kiết La.
Giới thứ 37
ĂN PHI THỜI.
Phật ở thành La Duyệt Kỳ, lúc ấy nhân dân đang lễ hội. Có hai Thích tử Nan Đà, Bạt Nan Đà cùng xem kỷ nhạc đều nhận thức ăn uống, mãi đến chập tối mới về đến núi Linh Thứu. Ca Lưu Đà Di ban đêm đi vào thành khất thực, trong lúc sấm chớp người nữ thấy bèn hoảng sợ, thốt lên: “Ối, Con quỉ! Con quỉ!”. Tỳ kheo đem lỗi nầy bạch Phật, Ngài nhân thế quở trách mà chế giới.
* Nếu Tỳ kheo phi thời.
Thời chính là khi minh tướng xuất hiện cho đến giữa ngày. Xét ra đây là thời gian ăn đúng như pháp, bốn thiên hạ ăn cũng như vậy. Phi thời là từ giữa trưa cho đến khi minh tướng chưa xuất hiện.
* Nhận thức ăn.
Có hai loại thức ăn Khư Xà Ni như trên; Bồ Xà Ni có năm loại cũng như trên.
* Nếu ăn thì phạm Ba Dật Đề.
Tỳ kheo nào nhận thức ăn phi thời mà ăn mỗi một miếng thì phạm tội Đọa. Nếu phi thời, quá phi thời, bảy ngày, quá bảy ngày, đều phạm tội Đọa. Thuốc thọ suốt đời không có nhơn duyên mà uống dùng thì phạm tội Đột Kiết La.
Không phạm:
Thấy người làm đường đen vì phương pháp chế biến phải như thế, hoặc có Tỳ kheo uống thuốc ói mửa, thời gian cháo chín quá giờ, nên nấu lúa mạch khiến cho nó không tách vỏ, chắt lấy nước uống, lại thức ăn trong cổ ói ra rồi nuốt vào thì không phạm.
Giới thứ 38
ĂN THỨC ĂN CÁCH ĐÊM.
Phật ở thành La Duyệt Kỳ, Tỳ kheo Ca La tọa thiền, khất thực mệt nhọc nên ăn thức ăn hôm trước đã khất thực được. Hàng Tỳ kheo lúc đại, tiểu thực đều không thấy, bèn tìm kiếm. Sau đó, thầy nói rõ hết mọi duyên do, Tỳ kheo bạch Phật, Phật bèn quở trách: “Ngươi tuy thiểu dục nhưng chúng sanh đời sau sẽ bắt chước làm theo”. Nhân thế Phật liền chế giới.
* Nếu Tỳ kheo ăn thức ăn cách đêm.
Hôm nay thọ xong lại để đến ngày mai, đối với tất cả sa môn Thích tử thọ đại giới đều không thanh tịnh.
* Thức ăn.
Có hai loại.
1/ Thức ăn phụ: Là thức ăn từ cũ cho đến những thức ăn nghiền nhỏ ra – Khư Xà Ni.
2/ Thức ăn chính: Từ cơm, mì, cho đến thịt – Bồ Xà Ni.
* Mà ăn.
Để qua đêm mà ăn mỗi một miếng phạm tội Đọa. Thức ăn phi thời, thuốc bảy ngày quá hạn cũng phạm tội Đọa, thuốc thọ suốt đời không có nhơn duyên bệnh mà uống thì phạm tội Đột Kiết La.
* Ba Dật Đề.
Không phạm:
Nhận thức ăn cách đêm đem cho cha mẹ, nếu có người làm việc ở nơi tháp, phòng nhà, tính ra giá tiền trao cho họ thức ăn, hoặc sau đó Tỳ kheo khất thực đến bên người làm việc xin lại thì được. Nếu như bát có lỗ nứt, thức ăn lọt vào khi rửa phải đúng như pháp, nếu rửa không ra thì không phạm. Hoặc nhận sữa, dầu cách đêm để nhỏ mũi, hoặc khi nhỏ vào mà nó chảy ra thì bỏ, ngoài ra các thứ khác đều được dùng.
Giới thứ 39
ĂN THỨC ĂN KHÔNG MỜI.
Phật ở nước Xá Vệ, có người ở trong thành vì cha mẹ… nên đem thức ăn cúng tế ở ngã tư đường, cho đến ở trong miếu. Tỳ kheo mặc y phấn tảo khất thực tự lấy ăn, hàng cư sĩ đều chê gièm. Tỳ kheo đem lỗi nầy bạch Phật, Ngài liền kết giới.
* Nếu Tỳ kheo người khác không trao cho thức ăn.
Thức ăn không cho: là chưa nhận vậy. Nhận có năm cách: Tay trao tay nhận; tay trao cầm vật nhận; cầm vật trao tay nhận; hoặc vật trao cầm vật nhận. Nếu đưa vật ở khoảng cách xa người cho và người nhận đều biết ở trong khoảng giữa không có sự tiếp xúc; khi cho vật được rớt vào trong tay. Lại có năm loại: Thân, vải, khủy tay co lại, vật đựng, dùng bốn cách nhận trên, hoặc có nhân duyên để dưới đất nhận, đó là năm cách nhận vậy.
* Thức ăn.
Thức ăn Khư Xà Ni: Thức ăn từ gốc đến những mạt xay nhỏ mịn, lại nói: cơm, bún, bánh khô…
* Hoặc thuốc.
Thức ăn Xà Da Ni là tô, du, sanh tô, mật, đường phèn.
* Để ở trong miệng.
Hoặc không cho ăn mà tự lấy để vào trong miệng, ăn mỗi miếng phạm tội Đọa. Thức ăn phi thời được dùng trong bảy ngày, nếu quá hạn cũng phạm tội Đọa. Thuốc suốt đời không có nhân duyên, không được trao cho mà nhận dùng phạm tội Đột Kiết La.
* Trừ nước và nhành dương phạm Ba Dật Đề.
Không phạm:
Là lấy nước sạch nhành dương, hoặc sữa, dầu không được trao nhận mà nhiểu vào mũi, chảy vào miệng rồi nhổ ra hết, còn dư thì không phạm. Hoặc chim ngậm thức ăn làm rớt vào bát của Tỳ kheo đang khất thực, hoặc gió thổi rớt vào trong bát. Muốn bỏ những thức ăn nầy, nhẫn đến chỉ bằng một móng tay thì có thể trừ bỏ, ngoài ra đều không phạm vậy.
Giới thứ 40
ĐÒI THỨC ĂN NGON.
Lúc Phật ở nước Xá Vệ, Bạt Nan Đà do có thương gia là đàn việt, bèn nói:
– Tôi muốn được thức ăn ngon.
Người chủ buôn hỏi:
– Thầy bị bệnh gì mà nghĩ đến món ăn nầy?
Bạt Nan Đà Đáp:
– Không bệnh chi, chỉ vì thèm.
Người chủ buôn chê gièm, Tỳ kheo đem lỗi nầy bạch Phật, Phật liền chế giới.
* Nếu Tỳ kheo được thức ăn ngon như: Sữa, lạc, cá, thịt, thọ những thức ăn ngon như thế mà không có bệnh.
Bệnh là không thể ngồi để ăn xong một bữa.
* Tự vì mình đòi, phạm Ba Dật Đề.
Ni… phạm Đột Kiết La.
Không phạm:
Người bệnh tự mình xin, xin cho người bệnh, nếu được mà ăn, hoặc mình vì người khác, người khác vì mình, hoặc không xin mà được thì không phạm.
Giới thứ 41
CHO NGOẠI ĐẠO THÚC ĂN.
Phật dẫn các đệ tử từ nước Câu Tát La du hành đến thành Xá Vệ, Phật và chúng Tăng được rất nhiều bánh, thức ăn, Ngài bèn sai A Nan phân phát chúng tăng, và số còn lại đem cho người ăn xin. A Nan bèn đem bánh dính lại cho người nữ, do ngoại đạo được thức ăn, bảo được từ cư sĩ trọc đầu. Phật nhóm chúng, trong Tăng đem những điều nghe được bạch với Phật, Phật nhân thế chế giới.
* Nếu Tỳ kheo ngoại đạo nam, ngoại đạo nữ.
Ngoại đạo: Chỉ người lõa hình dị học. Ba Tư Ba La Xà: Là người xuất gia trong chúng dị học ấy.
* Tự tay
Người đem cho để dưới đất, sai người đem cho.
* Cho thức ăn.
Thức ăn Khư Xà Ni, thức ăn bằng củ, cho đến thức ăn bằng quả, thức ăn dầu, nhẫn đến thức ăn được mài xay nhuyễn ra. Thức ăn có năm loại, giống như đã nói ở trên.
* Ba Dật Đề.
Tỳ kheo Ni phạm tội Đột Kiết La.
Không phạm:
Nếu để dưới đất mà cho, hoặc bảo người cho, hoặc cho cha mẹ, cho người coi tháp, cho riêng người làm việc phòng, cứ tính theo giá mà cho, hoặc bị thế lực cưỡng đoạt, đều không phạm.
Giới thứ 42 TRƯỚC VÀ SAU BỮA ĂN ĐẾN NHÀ NGƯỜI KHÁC.
Phật ở nước Xá Vệ, trưởng giả Bạt Nan Đà cúng dường cơm cho chúng Tăng. Lúc ấy Tỳ Kheo Bạt Nan Đà đi qua phương khác, Tỳ kheo được ăn nhưng không no. Lại nữa, có vị đại thần ở trong thành La Duyệt Kỳ được trái cây liền nhờ Bạt Nan Đà phân ra cúng cho chúng Tăng. Sau khi ăn xong đi đến nhà người khác, Tỳ kheo bảo hai lần qua, Phật hai lần chế ra giới nầy.
* Nếu Tỳ kheo trước thọ thỉnh xong, bữa ăn trước.
Khi minh tướng xuất hiện cho đến khi ăn.
* Bữa ăn sau.
Từ khi ăn cho đến giữa ngày.
* Đến nhà người khác.
Chỗ có nam, nữ ở.
* Không dặn bảo Tỳ kheo khác.
Hoặc ở riêng trong một phòng, dặn bảo Tỳ kheo ở gần, cùng ở chung trong một cương giới.
* Trừ trường hợp đặc biệt phạm Ba Dật Đề. Trừ ở trường hợp đặc biệt là lúc bệnh.
Như trên.
* Lúc may y.
Cũng như trên.
* Khi thí y.
Sau khi tự tứ, không có thọ y Ca Thi Na thì một tháng, có y thì năm tháng, trừ trường hợp nầy ra, ở lúc khác khuyến hóa cúng thức ăn và y đó vậy.
* Đây gọi là trường hợp đặc biệt.
Tỳ kheo kia nếu trước đã nhận lời thỉnh xong, mà trước hay sau bữa ăn không dặn Tỳ kheo khác, vừa vào cửa thì phạm tội Đọa, các phương tiện khác phạm tội Đột Kiết La.
Không phạm:
Như những duyên đã khai trên, dặn bảo cho Tỳ kheo, nếu không có Tỳ kheo không dặn bảo, cho đến chỗ kho lẫm, tụ lạc, biên phòng, hoặc đến chùa Ni, đến dặn nhà bạch y, hoặc có nhiều nhà trải tọa cụ thỉnh Tỳ kheo, hoặc khi có nạn duyên thì khai cho.
Giới thứ 43
CỐ NGỒI NÁN TRONG NHÀ ĂN.
Phật ở nước Xá Vệ, Ca Lưu Đà Di khi còn ở thế tục có quen thân với người vợ của ông bạn, cô tên là Trai Ưu Bà Tư, họ đều đẹp đẽ và để ý nhau. Sau Ca Lưu Đà Di đến nhà ông bạn, người vợ ấy trang điểm thân mình, được chồng cực kỳ yêu mến. Tỳ kheo Ca Lưu Đà Di ăn xong ngồi hoài. Người chồng liền tức khí bỏ nhà ra đi. Tỳ kheo đem lỗi nầy bạch Phật, Phật nhân thế chế giới.
* Nếu Tỳ kheo ở trong nhà ăn.
Nam lấy nữ làm thức ăn, nữ lấy nam làm thức ăn.
* Nhà
Như trên.
* Bên trong có của báu
Xa cừ, nã não, chơn châu, hổ phách, vàng bạc.
* Cố ngồi yên.
Ngồi nơi đưa tay đụng cửa.
* Ba Dật Đề.
Nếu có người đui lẫn điếc thì phạm Đột Kiết La.
Không phạm:
Nếu trong nhà ăn chỗ ngồi có của báu, duỗi tay đụng cánh cửa. Hoặc có hai Tỳ kheo làm bạn, biết có người khác, hoặc có người khách ở chỗ ấy, hoặc không đui điếc, hoặc đi ngang qua không ở lại, hoặc phát bệnh té nhào xuống đất, bị thế lực bắt, hoặc bị trói buộc, mạng nạn, phạm hạnh nạn. Đều không phạm.
Giới thứ 44
NGỒI CHỖ KHUẤT TRONG NHÀ CÓ VIỆC ĂN.
Phật ở nước Xá Vệ, Ca Lưu Đà Di do vì nghĩ rằng giới trước chỗ ngồi tay phải chạm cánh cửa, nên ngồi ở sau cánh cửa nói chuyện với Trai Ưu Bà Tư. Tỳ kheo nghe được chê gièm và bạch Phật, Phật nhân thế quở trách chế giới.
* Nếu Tỳ kheo ở trong nhà ăn có vật báu
Giống như giới trước.
* Ở chỗ khuất
Hoặc cây, tường vách, rào giậu, hoặc y, cho đến có các vật khác ngăn che.
* Ngồi phạm Ba Dật Đề
Hoặc ở trong phòng ăn duỗi tay đụng cánh cửa khiến cho Tỳ kheo khất thực thấy, các tướng khai duyên khác giống như giới trước.
Giới thứ 45
MỘT MÌNH CÙNG VỚI NGƯỜI NỮ NGỒI Ở CHỖ ĐẤT TRỐNG.
Phật ở nước Xá Vệ, Ca Lưu Đà Di cùng với Trai Ưu Bà Tư ngồi ở chỗ đất trống, Tỳ kheo khất thực thấy thế chê gièm, và kể hết cho các Tỳ kheo nghe, sau đem lỗi nầy bạch Phật, Phật nhân thế mà chế giới.
* Nếu Tỳ kheo một mình.
Chỉ có một người nữ và một Tỳ kheo.
* Cùng với người nữ.
Người nữ có trí, mạng căn chưa dứt.
* Ngồi chỗ đất trống.
Nghĩa là nơi khuất đối với việc thấy nghe.
* Ba Dật Đề.
Nói rõ tướng, duyên khai cho đều giống như giới trước.
Giới thứ 46
ĐUỔI TỲ KHEO KHÁC RA KHỎI TỤ LẠC.
Phật ở nước Xá Vệ, Bạt Nan Đà cùng với Tỳ kheo khác cãi lộn, nên ôm ấp điều giận bực trong lòng, sau đó dẫn đến trong thành chỗ không có người cúng thức ăn. Biết rằng nếu trở về Tinh xá Kỳ Hoàn thì đã quá giờ ngọ, bèn nói: “Ngươi là kẻ vô cùng ác độc, khiến cho ta không được ăn, hãy cút đi!”. Thầy ấy không được thức ăn, Tỳ kheo cử tội, nhân thế Phật quở trách chế giới.
* Nếu Tỳ kheo nói với Tỳ kheo khác như thế nầy: “Đại Đức cùng đến tụ lạc”.
Thôn có bốn loại như đã nêu trên.
* Tôi sẽ cho Đại Đức ăn.
Tức ăn đúng giờ.
* Tỳ kheo kia rốt cuộc không cho Tỳ kheo ấy ăn, nói rằng: “Thầy đi chỗ khác đi, tôi cùng với thầy ở một chỗ, hoặc ngồi, hoặc nói chuyện thì không vui. Tôi ngồi một mình, nói một mình thì vui”. Do nhân duyên nầy.
Nếu phương tiện đuổi tới chỗ thấy nhưng còn trong phạm vi nghe, phạm Đột Kiết La, ngược lại cũng vậy. Nếu như đuổi đến chỗ không thấy không nghe thì phạm tội Đọa.
* Chẳng chi khác, phương tiện mà đuổi đi phạm Ba Dật Đề.
Không phạm:
Cho ăn rồi đuổi đi, hoặc bệnh, hoặc không có oai nghi, người thấy không vui, tự đưa thức ăn cho, hoặc phá giới…, hoặc bị mạng nạn, phạm hạnh nạn, phương tiện đuổi, không vì hiềm giận.
Giới thứ 47
THỌ THỰC QUÁ HẠN.
Phật ở vùng chủng tộc họ Thích, Ma Ha Nam nguyện xin cúng dường thuốc cho chư Tăng. Lục quần vì ghét, nên yêu cầu thứ thuốc khó tìm được, Ma Ha Nam vì lục quần mà ra chợ kiếm mua, lục quần liền quở trách. Do đó mà ông không cúng thuốc cho chư Tăng nữa. Tỳ kheo cử tội, Phật nhân thế mà chế giới.
* Nếu Tỳ kheo bốn tháng.
Tức là bốn tháng mùa hạ.
* Cho thuốc.
Nhơn duyên nguyện cúng dường thuốc.
* Tỳ kheo không bệnh.
Nếu có duyên bệnh thầy thuốc bảo phải uống thứ thuốc đó.
* Nên thọ, nếu quá thọ.
Nếu ban đêm mà thuốc có giới hạn, bốn tháng mùa hạ được thọ, nếu ban đêm thuốc không giới hạn, cho khi nào nhận khi ấy, không luận về giới hạn thuốc.
* Trừ khi thường thỉnh.
Người ấy nói như vầy: “Tôi nguyện thường cho thuốc”.
* Thỉnh lại.
Chấm dứt xong, sau lại thỉnh cho nữa.
* Thỉnh từng phần.
Thí chủ đem thuốc đến trong Tăng Già Lam, cúng rồi phân chia.
* Thỉnh trọn đời.
Tôi nguyện trọn đời cúng thuốc.
* Ba Dật Đề.
Không phạm:
Duyên khai cho giống như giới trước.
Giới thứ 48
XEM QUÂN TRẬN.
Phật ở nước Xá Vệ, người dân làm phản, vua thống lãnh sáu đội quân chinh phạt, lục quần đến quân trận xem. Vua Ba Tư Nặc thấy thế trong lòng không vui, bèn lấy gói đường phèn gởi lục quần dâng cúng Phật, nhờ nhân danh vua lễ Phật, họ đến chỗ Phật kể hết nhân duyên, nhân thế Ngài quở trách chế giới.
* Nếu Tỳ kheo đi xem quân trận.
Hoặc đùa giỡn, hoặc chiến đấu. Quân: Cho đến một quân ngựa, một quân xe, một quân bộ.
* Trừ khi có nhân duyên.
Hoặc Tỳ kheo có việc cần phải đến, hoặc có người thỉnh.
* Ba Dật Đề.
Nếu không lánh, phạm Đột Kiết La. Từ thấp đến cao, đường đến chẳng phải đường, đến mà không thấy phạm Đột Kiết La, tạo phương tiện mà không thấy cũng vậy. Nếu thấy phạm tội Đọa.
Không phạm:
Hoặc có việc phải đi, thế lực bắt đi, hoặc mình đi phía trước quân đi ở sau, có quanh lánh ở bên đường. Hoặc đường bộ, đường nước bị gián đoạn, bị nạn ác thú, giặc, nước lụt, hoặc bị thế lực trói buộc, hoặc bị mạng nạn, phạm hạnh nạn, không lánh bên lề đường thì không phạm.
Giới thứ 49
ĐẾN TRONG QUÂN QUÁ HAI, BA ĐÊM.
Phật ở nước Xá Vệ, lục quần Tỳ kheo có nhân duyên đến nghỉ lại ban đêm trong quân. Cư sĩ nói: “Chúng ta vì ái dục nên ở trong đây, còn các Sa môn ở đây làm gì cà?”. Tỳ kheo đem lỗi nầy bạch Phật, Phật nhân thế chế giới.
* Nếu Tỳ kheo có nhân duyên cho đến ở trong quân hai, ba đêm, quá thì phạm Ba Dật Đề.
Không phạm:
Được hai đêm, đến đêm thứ ba minh tướng chưa xuất hiện, lìa chỗ thấy nghe, hoặc đường bộ, đường thủy bị gián đoạn, hoặc bị mạng nạn, phạm hạnh nạn, không lìa khỏi thì không phạm.
Giới thứ 50
XEM CHIẾN ĐẤU.
Phật ở nước Xá Vệ, lục quần Tỳ kheo có nhơn duyên ở trong quân xem các sức mạnh chiến đấu. Trong đó có một Tỳ kheo bị tên bắn trúng, đồng bạn lấy y khiêng về, cư sĩ chê cười, Phật nhân thế chế giới.
* Nếu Tỳ kheo ở trong quân hai, ba đêm, hoặc xem lúc quân trận, hoặc xem thế lực quân, voi, ngựa đi phạm Ba Dật Đề.
Những điều khác nói rõ như giới trước.
Giới thứ 51
UỐNG RƯỢU.
Phật ở nước Chi Đà, Tôn giả Ta Già Đà hầu cận bên Phật, đến ngủ trong nhà độc long của phạm chí xõa tóc, ngay trong đêm đó Tôn giả hàng phục được độc long. Sáng hôm sau đem trình lên vua nước Câu Thiểm Di. Sau Tôn giả lại đi qua nước ấy, được vua cúng loại hắc tửu, bèn uống say mèm nằm ở giữa đường. Phật dạy: “Uống rượu có mười điều lỗi rồi chế giới”.
* Nếu Tỳ kheo uống rượu.
Rượu nấu bằng cây, rượu nấu bằng lúa, các loại rượu khác nấu bằng gạo, rượu nấu bằng đại mạch, hoặc có các cách thức làm rượu khác, cũng đều như thế.
* Ba Dật Đề.
Hoặc là rượu mà chẳng có sắc, hương, vị, hoặc chẳng phải rượu mà có sắc, hương, vị đều không được uống. Hoặc nấu rượu, pha rượu, hoặc ăn uống, tất cả đều phạm tội Đọa. Hoặc uống rượu có vị ngọt, hoặc nhấm rượu để thù tạc, hoặc ăn men, cơm rượu, tất cả đều phạm tội Đột Kiết La. Tưởng nghi (rượu, tưởng là rượu, rượu mà nghi, rượu mà không có ý tưởng là rượu) ba câu phạm tội Đọa. Hoặc có bệnh, trị các thứ thuốc khác không khỏi, bắt buộc dùng rượu để làm thuốc, hoặc dùng rượu thoa nơi mục ghẻ, đều không phạm.
Giới thứ 52
ĐÙA GIỠN TRONG NƯỚC.
Phật ở nước Xá Vệ, thập thất quần Tỳ kheo đang đùa giỡn ở trong dòng sông A Kỳ La Bà Đề rồi tát nước với nhau. Vua Ba Tư Nặc cùng với phu nhơn Mạt Lợi ở trên lầu trông thấy. Vua nói: “Khanh xem những người khanh kính thờ kìa!”. Phu nhân nói: “Các thầy ấy tuổi nhỏ mới xuất gia, hoặc lớn tuổi nhưng kém hiểu biết”. Phu nhân liền đem đường phèn cúng Phật và bạch chuyện nầy, Ngài liền quở trách chế giới.
* Nếu Tỳ kheo đùa giỡn trong nước.
Tự buông thả tâm ý, từ bờ nầy đến bờ bên kia, ngược hoặc xuôi dòng, lặn chỗ nầy nổi chỗ kia, hoặc lấy tay vẽ nước, tát nước nhau, cho đến lấy bát đựng nước đùa giỡn.
* Ba Dật Đề.
Ngoài nước ra, hoặc lạc tương, rượu đắng, nước lúa mạch. Dùng đồ đựng để giỡn cợt, tất cả đều phạm tội Đột Kiết La.
Không phạm:
Đi đường phải lội qua sông, hoặc từ bờ nầy sang bờ kia, hoặc kéo tre, gỗ, nứa xuôi ngược lên xuống, hoặc lấy đá, cát, hoặc mất vật lặn xuống đáy để tìm, lặn bờ bên nầy nổi bờ bên kia, lặn xuống nổi lên, hoặc học bơi nên phải dùng tay tát nước, quạt nước thì đều không phạm.
Giới thứ 53
THỌC LÉT NHAU.
Phật ở nước Xá Vệ, một thầy trong lục quần Tỳ kheo thọc lét một thầy trong thập thất quần Tỳ kheo, đến nỗi sắp chết. Tỳ kheo đem lỗi nầy bạch Phật, Phật nhân thế mà chế giới.
* Nếu Tỳ kheo lấy tay.
Tay chân có mười ngón.
* Thọc lét nhau, phạm Ba Dật Đề.
Ngoài tay chân ra, hoặc dùng cây gậy, chốt cửa, chìa khóa và các vật khác thọc lét nhau phạm Đột Kiết La.
Không phạm:
Hoặc không cố làm, hoặc khi ngủ phải đánh thức dậy, qua lại ra vào, quét đất đụng nhầm, đầu gậy chạm phải người khác thì không phạm.
Giới thứ 54
KHÔNG NGHE NGƯỜI KHÁC CAN GIÁN.
Phật ở nước Câu Thiểm Tỳ, Xiển Đà sắp phạm giới, Tỳ kheo can ngăn: “Thầy chẳng nên dấy ý niệm đó, thật không nên vậy”. Tỳ kheo ấy vì không nghe các Tỳ kheo khác can ngăn, nên liền phạm các tội. Tỳ kheo đem lỗi nầy bạch Phật, Phật nhân thế quở trách chế giới.
* Nếu Tỳ kheo không chịu nghe lời can gián, phạm Ba Dật Đề.
Nếu các Tỳ kheo khác ngăn rằng: “Chẳng nên làm thế, thật không nên vậy”, nhưng vẫn cố làm thì phạm tội căn bản, do vì không nghe lời phạm tội Đột Kiết La. Nếu tự biết việc mình làm là quấy nhưng vẫn cố làm thì phạm tội căn bản, do không nghe lời can ngăn nên phạm Ba Dật Đề.
Không phạm:
Hoặc người vô trí đến can ngăn, đáp rằng: “Nên hỏi thầy Hòa thượng ngươi để học thêm việc tụng kinh, biết pháp can ngăn”. Hoặc đang dùng pháp can ngăn, hoặc đùa cười, nói một mình, nói trong mộng, muốn nói việc nầy nhưng nhầm qua việc kia, đều không phạm.
Giới thứ 55
HÙ NHÁT TỲ KHEO.
Phật ở nước Ba La Lê Tỳ, Tôn giả Na Ca Ba La hầu cận đức Thế Tôn. Theo phép thường của chư Phật, hoặc khi kinh hành người phục vụ phải đứng ở đầu đường kinh hành. Tỳ kheo Na Ca Ba La biết đầu đêm, nửa đêm, cuối đêm đã qua nên bạch Phật để Ngài trở về. Thế là thầy liền lộn ngược chiếc y lại đến để hù Phật. Sáng sớm Ngài nhóm Tăng, nhân thế mà chế giới nầy.
* Nếu Tỳ kheo dọa Tỳ kheo khác sợ, phạm Ba Dật Đề.
Hoặc dùng sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp để dọa sợ người, dù người kia có sợ hay không, tất cả đều phạm tội Đọa. Người kia không biết thì phạm tội Đột Kiết La. Nếu nói sáu trần sắc, thanh… dọa sợ, nói rõ ràng thì phạm Ba Dật Đề, nói không rõ thì phạm Đột Kiết La.
Không phạm:
Hoặc chỗ tối tăm không có lửa, hoặc chỗ đại tiểu tiện rồi bảo rằng chỗ ấy có ác thú nên liền sợ sệt. Cho đến tiếng người đi, tiếng tằng hắng, tiếng động chạm mà sanh ra sợ sệt, hoặc dùng sắc… chỉ bày cho người mà không làm cho họ có ý sợ sệt, hoặc thật có tướng như thế, hoặc mộng thấy sắp sửa chết, bỏ đạo, mất vật, Hòa thượng, cha mẹ bệnh nặng hoặc chết, nói cho họ biết, hoặc nói bỡn cợt, hoặc nói nhầm, tất cả đều không phạm.
Giới thứ 56 TẮM QUÁ MỘT LẦN TRONG NỬA THÁNG.
Phật ở La Duyệt Kỳ, trong vườn trúc có một cái ao, Bình Sa Vương cho các Tỳ kheo thường tắm trong đó. Lục quần cuối đêm vào tắm trong ao, vua cùng thể nữ đến ao, rốt cuộc vua không tắm được. Đại thần hiềm giận, Tỳ kheo bạch Phật, Ngài nhân thế quở trách chế giới.
* Nếu Tỳ kheo nửa tháng tắm rửa, Tỳ kheo không bệnh nên thọ, không được hơn.
Nghĩa là ở trong nửa tháng tắm nhiều lần là quá.
* Phạm Ba Dật Đề, trừ ở trường hợp đặc biệt. Ở trường hợp đặc biệt là khi nóng.
Bốn mươi lăm ngày cuối xuân, một tháng đầu mùa hạ.
* Khi bệnh.
Cho đến thân thể hôi dơ.
* Khi làm việc.
Cho đến quét đất ở phía trước phòng.
* Khi gió mưa.
Cho đến một cơn gió xoáy, một giọt nước mưa rơi trên thân.
* Khi đi đường.
Cho đến nửa do tuần, hoặc qua lại.
* Đó là trường hợp đặc biệt.
Tỳ kheo nếu tắm qua khắp thân, nửa thân đều phạm tội Đọa, hoặc chuẩn phương tiện nhưng lại hối hận không đi, phạm Đột Kiết La.
Không phạm:
Duyên khai cho số lần tắm như trên, hoặc bị thế lực gượng ép khiến phải tắm.
Giới thứ 57
ĐỐT LỬA NGOÀI ĐẤT TRỐNG.
Phật ở thành Khoáng Dã, lục quần Tỳ kheo bảo nhau: Chúng ta ở trước mặt Thượng tòa nói năng không được tự nhiên, liền ra chỗ đất trống lượm củi, cỏ rồi nổi lửa lên đốt, trong gốc cây có con rắn độc, bị hơi lửa xông nóng liền nhảy vọt ra, các Tỳ kheo hốt hoảng lấy củi lửa ném theo, rốt cuộc làm cháy rụi cả giảng đường, Tỳ kheo cử tội, Phật nhân thế quở trách và chế ra giới nầy.
* Nếu Tỳ kheo không bệnh.
Bệnh nếu cần lửa để sưởi ấm thân.
* Tự vì mình đốt lửa ở chỗ đất trống hoặc bảo người, trừ khi có nhân duyên phạm Ba Dật Đề.
Tỳ kheo ở trong chỗ đất trống đốt tất cả các vật như: Cỏ cây, cành lá, dây gai, sô ma; hoặc phân bò, phân trấu, cho đến đốt bất cứ vật gì đều phạm tội Ba Dật Đề. Nếu lấy lửa để ở trong cỏ cây cho đến trong trấu cũng phạm tội Đọa.
Nếu lấy cây đã bị đốt phân nửa quăng vào trong lửa, cho đến đốt tro phạm Đột Kiết La. Nếu không nói cho người đối diện biết như thế, xem như thế cũng phạm tội Đột Kiết La.
Không phạm:
Nói cho người biết là thế, thấy như thế hoặc người bệnh tự nhóm lửa nhờ người nhóm lửa. Khi có nhân duyên, nuôi người bệnh, nấu cháo, nấu canh, nấu cơm hoặc ở trong nhà bếp, nhà tắm, xông bát, nấu thuốc nhuộm, đốt đèn, đốt nhang tất cả đều không phạm.
Giới thứ 58
GIẤU Y VẬT CỦA NGƯỜI KHÁC.
Phật ở nước Xá Vệ có cư sĩ thỉnh Tăng thọ trai, thập thất quần mang y bát, tọa cụ, ống đựng kim, để một bên rồi đi kinh hành xung quanh trông chừng, lúc bấy giờ lục quần rình khi thấy thập thất quần xoay lưng thì lấy y và những vật ấy giấu. Các Tỳ kheo xét biết, đem lỗi nầy bạch Phật, nhân thế Ngài quở trách chế giới.
* Nếu Tỳ kheo giấu y bát, tọa cụ, ống đựng kim của Tỳ kheo, tự mình giấu, hoặc dạy người giấu cho đến đùa cười mà giấu, phạm Ba Dật Đề.
Không phạm:
Nếu thật biết vật của người kia, vì thân thiện nên cất đi, hoặc để ở nơi đất trống bị gió mưa trời ướt mà đem cất, hoặc người chủ của vật để bừa bãi, y vật bỏ lung tung, vì để răn bảo nên lấy cất. Nếu mượn y của người khác mà người mượn đó không thu xếp gọn gàng, sợ mất cho nên lấy cất, hoặc vì các vật y bát nầy sẽ có mạng nạn, phạm hạnh nạn… cho nên cất lấy, tất cả đều không phạm.
Giới thứ 59
TỊNH THÍ CHÂN THẬT CHỦ KHÔNG BIẾT LIỀN LẤY Y.
Phật ở nước Xá Vệ, lục quần thật lòng cho y Tỳ kheo bà con xong, sau không nói với chủ lấy lại mặc. Tỳ kheo đem lỗi nầy bạch Phật, nhân thế Ngài quở trách chế giới.
* Nếu Tỳ kheo cho y Tỳ kheo Ni, Thức Xoa Ma Na, Sa Di, Sa Di Ni, sau không nói với chủ tự lấy lại mặc, phạm Ba Dật Đề.
Không phạm:
Tịnh thí chơn thật nói với chủ rồi lấy, triển chuyển tịnh thí, tùy ý lấy.
Giới thứ 60
MẶC Y MỚI.
Phật ở nước Xá Vệ, lục quần mặc y màu trắng đi, cư sĩ chê gièm không có chánh pháp như vua đại thần, Tỳ kheo đem lỗi nầy bạch Phật, nhân thế Ngài chế giới.
* Nếu Tỳ kheo được y mới.
Hoặc bản thể vốn là y mới, hoặc vừa được từ người khác.
* Nên lấy ba loại màu tùy ý làm cho hoại, hoặc xanh, hoặc đen, hoặc vỏ cây mộc lan.
Luật chú thích: Nói tác tịnh ở đây nghĩa là hoặc nhuộm thành hoại sắc nên gọi là tịnh, hoặc đã thành màu tịnh y, nên lấy vật khác, màu khác đem may ở bất kỳ chỗ nào để làm dấu cho nên gọi là tịnh. Từ đó về sau hoặc là y, chẳng phải y, đó là vật không được sử dụng vì thế phải làm phép điểm tịnh rồi mới được chứa để. Nói y kép là loại thảm lông dày, nghĩa là dày nhất trong các loại y vậy.
* Nếu Tỳ kheo không lấy ba loại màu làm cho hoại, hoặc xanh, hoặc đen, hoặc mộc lan, mà mặc y mới khác phạm Ba Dật Đề.
Nếu Tỳ kheo không lấy ba loại màu nhuộm mà mặc thì liền phạm tội Đọa, hoặc y kép, y đơn không làm phép điểm tịnh mà mặc thì phạm Đột Kiết La. Nếu chẳng phải túi y bát, túi giày dép, túi đựng kim chỉ, dây ngồi thiền, dây lưng, mão, bít tất, khăn quấn cho ấm, khăn gói giày dép, không làm phép tịnh thí mà cất chứa thì phạm tội Đột Kiết La. Nếu đem y chưa nhuộm mà gởi vào nhà cư sĩ, phạm Đột Kiết La.
Không phạm:
Được y trắng dùng ba màu để nhuộm. Ngoài ra y kép, y đơn cho đến khăn, hễ làm phép tịnh thí mới được chứa để.
Giới thứ 61 CỐ GIẾT HẠI CHÚNG SANH
Phật ở nước Xá Vệ, Ca Lưu Đà Di không thích khi thấy quạ, nên dùng trúc làm cung bắn chết, rồi đem chất thành đống, hàng cư sĩ đi lễ bái thấy vậy cùng nhau chê gièm, Tỳ kheo cử tội, Phật nhân thế mà chế giới.
* Nếu Tỳ kheo cố ý.
Bấy giờ các Tỳ kheo đứng ngồi tới lui, phần nhiều giết chết các côn trùng nhỏ hoặc có người làm phép sám hối tội Ba Dật Đề, hoặc có người sợ nên cẩn thận. Phật dạy: “Nếu không biết thì không phạm”.
* Giết.
Hoặc tự tay giết, hoặc bảo người giết mạng sống của những loài súc sanh không thể biến hóa.
* Ba Dật Đề.
Tỳ kheo Ni đồng phạm, duyên khai cho giống như giới giết người.
Giới thứ 62
UỐNG NƯỚC CÓ TRÙNG.
Phật ở nước Xá Vệ, lục quần Tỳ kheo lấy nước có nhiều thứ trùng uống dùng. Cư sĩ chê gièm, Tỳ kheo đem lỗi này bạch Phật, Phật quở trách chế giới.
* Nếu Tỳ kheo biết.
Không biết có trùng thì không phạm.
* Nước.
Trừ nước thường ra, còn những nước có tạp trùng như: Rượu, sữa, nước ngâm gạo hễ uống dùng thì đồng phạm.
* Có trùng mà uống dùng thì phạm Ba Dật Đề.
Ni đồng phạm.
Không phạm:
Trước không biết, hoặc tưởng không có trùng, hoặc trùng lớn, động nước đuổi nó đi, hoặc có nước lọc qua rồi uống dùng thì đều không phạm.
Giới thứ 63
NGHI NGỜ LÀM TỲ KHEO KHÁC BỰC BỘI.
Phật ở nước Xá Vệ, thập thất quần hỏi lục quần:
– Thế nào là nhập sơ thiền? Cho đến, thế nào là được quả A La Hán?.
Đáp rằng:
– Những điều ông vừa nói là đã phạm Ba La Di rồi.
Thập thất quần bèn đi đến Tỳ kheo khác hỏi, Phật quở trách xong, nhân thế Ngài chế giới.
* Nếu Tỳ kheo cố ý.
Bấy giờ, nhiều Tỳ kheo nhóm họp lại một chỗ để cùng bàn luận về luật pháp. Có một Tỳ kheo tự bỏ ra đi, vị ấy khởi tâm nghi nói rằng: “Các Tỳ kheo có cho ta đã nghi ngờ về họ không?”. Phật dạy nếu không cố ý thì không phạm.
* Làm não loạn Tỳ kheo khác.
Nghi ngờ não loạn: Hoặc nghi về tháng năm sanh, hoặc nghi về sự thọ giới, hoặc làm pháp yết ma, hoặc là phạm tội, hoặc làm các pháp khác.
* Khiến không được vui trong chốc lát, phạm Ba Dật Đề.
Ni đồng phạm.
Không phạm:
Sự thật vốn là như thế, cho nên không làm, người kia chẳng phải sanh vào lúc đó, sợ sau họ có sự nghi hối, vô cớ nhận lợi dưỡng của người khác, nhận sự lễ kính của đại Tỳ kheo, liền nói rằng: “Thầy chẳng phải sanh vào lúc ấy so với thời gian sanh của người khác, phải biết rằng thầy chẳng phải sanh vào lúc đó”. Kỳ thật là thế, người kia không phải ở tuổi đó, e sau có sự nghi hối, nhận sự lợi dưỡng cung phụng của kẻ khác, nói rằng: “Thầy không phải với số tuổi đó, như tuổi của Tỳ kheo khác, phải biết thầy chưa ở số tuổi đó”.
Sự thật đã thế, hoặc không đủ 20 tuổi trong cương giới biệt chúng e sau nầy có sự nghi hối, nhận sự lợi dưỡng kính lễ, nói cho người kia biết để họ trở về chỗ cũ thọ giới lại.
Sự thật đã là như vậy, tác bạch không thành, yết ma không thành, phi pháp biệt chúng, sợ sau có sự nghi hối, nhận sự lễ kính lợi dưỡng, nói cho người kia biết, trở về chỗ cũ để thọ giới lại.
Sự thật đã vậy, phạm Ba La Di. Cho đến ác thuyết, e rằng sau nầy có sự nghi hối, nhận lợi dưỡng của người, nhận sự kính lễ của Tỳ kheo trì giới. Muốn khiến cho họ biết như pháp sám hối, nên nói cho biết “Thầy phạm (Ba La Di), cho đến ác thuyết”.
Lại nữa vì người kia tánh tình quê mùa, không biết cách diễn đạt nên liền bảo: “Thầy nói như thế là tự xưng được pháp thượng nhơn”. Nếu như nói lầm, nói đùa giỡn đều không phạm.
Giới thứ 64
CHE GIẤU LỖI CỦA TỲ KHEO.
Phật ở nước Xá Vệ, Bạt Nan Đà quen thân với một Tỳ kheo, thầy thường phạm tội và chỉ nói với Tỳ kheo kia, không nói cho người khác biết. Sau Bạt Nan Đà cùng với Tỳ kheo ấy có sự bất hòa. Tỳ Kheo ấy liền nói Bạt Nan Đà phạm tội, nay vì không thuận tình mới nói ra, Tỳ kheo đem lỗi nầy bạch Phật, Phật liền quở trách chế giới.
* Nếu Tỳ kheo biết.
Bằng không biết thì không phạm.
* Tỳ kheo khác phạm tội thô.
Phạm 4 pháp Ba La Di, 13 pháp Tăng Tàn.
* Che giấu.
Nếu biết Tỳ Kheo khác phạm tội thô, ăn sáng biết, sau khi ăn mới nói, sau khi ăn mới biết, đến đầu hôm mới nói, tất cả đều phạm tội Đột Kiết La. Hoặc giữa hôm biết, đến cuối hôm muốn nói mà chưa kịp nói minh tướng đã hiện, phạm ba dật Đề. Trừ thô tội ra, che giấu các tội khác, tự che giấu tội, trừ Tỳ kheo Ni che giấu tội người khác tất cả phạm tội Đột Kiết La.
* Ba Dật Đề.
Ni đồng phạm.
Không phạm:
Trước không biết, tưởng là không có tội thô hoặc nói với người khác hoặc không có người để nói, hoặc tâm nghĩ mình sẽ nói nhưng minh tướng đã xuất hiện, hoặc bị mạng nạn, phạm hạnh nạn, thì không phạm.
Giới thứ 65
CHO NGƯỜI KHÔNG ĐỦ TUỔI THỌ CỤ TÚC.
Phật ở thành La Duyệt Kỳ, có 17 đồng tử, đứa lớn nhất 17 tuổi, đứa nhỏ nhất 11 tuổi (Luật Tứ Phần 12 tuổi), đi xuất gia bằng lòng tin, Tỳ kheo liền độ cho thọ đại giới, vì chúng không chịu nỗi nếp sống ngày ăn một bữa, nên ban đêm đói bụng kêu khóc, Phật biết mà vẫn hỏi. Sáng hôm sau Ngài bèn nhóm Tăng, căn cứ theo pháp chế giới.
* Đủ 20 tuổi nên cho thọ đại giới.
Phật dạy: “Nếu tuổi chưa đủ 20, không kham nổi sự nóng lạnh, đói khát, mưa gió, muỗi mòng, trùng độc cho đến lời nói ác, hoặc như thân bị đau khổ không thể nhịn chịu, lại không thể trì giới và không thể ăn một bữa. Vì người đủ 20 tuổi mới có thể kham chịu được những việc khổ não trên”.
* Nếu Tỳ kheo biết.
Không biết thì không phạm.
* Tuổi không đủ 20 mà cho thọ giới, người này không đắc giới, Tỳ kheo kia bị quở trách là si mê, phạm Ba Dật Đề.
Người thọ giới kia biết tuổi không đủ, Hòa Thượng và Tăng cũng biết, nhưng khi hỏi giữa chúng Tăng: “Ngươi đủ 20 tuổi chưa?”. Người thọ giới đáp: “Hoặc đủ hoặc không đủ. Hoặc nghi, hoặc không biết, hoặc im lặng, hoặc Tăng không hỏi. Trong bốn trường hợp (đầu) nếu biết hoặc nghi, thì Hòa Thượng phạm Ba Dật Đề, chúng Tăng phạm Đột Kiết La. Nếu bảo không biết thì đều không phạm. Nếu thọ ba pháp yết ma xong, Hòa thượng phạm tội Đọa, hoặc khoảng giữa, hoặc bạch chưa xong, hoặc vì phương tiện, hoặc cạo tóc, hoặc nhóm Tăng, Hòa Thượng và tất cả mọi người đều phạm tội Đột Kiết La. Chúng Tăng cũng vậy, Tỳ kheo Ni phạm Ba Dật Đề.
Không phạm:
Trước không biết, tin lời người thọ giới nói, hoặc có người bên cạnh làm chứng hoặc tin lời cha mẹ nói, hoặc thọ giới rồi nghi, Phật dạy nên tính tháng năm ở trong thai, tính tháng nhuần, hoặc tính tất cả 14 ngày thuyết giới để đủ số năm thì khai cho.
Giới thứ 66
GÂY BỐN VIỆC TRANH CÃI NHAU.
Phật ở Xá Vệ, lục quần Tỳ kheo đấu tranh như pháp chấm dứt xong, sau lại dấy khởi. Tỳ kheo đem chuyện nầy bạch Phật, nên Phật chế giới.
* Nếu Tỳ kheo biết.
Hoặc không biết như pháp mà diệt thì không phạm.
* Việc tranh cãi.
Có 4 loại:
1/ Lời nói tranh cãi.
2/ Tìm lỗi tranh cãi.
3/ Phạm tội tranh cãi.
4/ Việc tranh cãi.
* Như pháp sám hối xong.
Như pháp, như luật mà Phật đã dạy.
* Sau lại dấy lên phạm Ba Dật Đề.
Nói không rõ ràng phạm Đột Kiết La, trừ việc tranh cãi nầy ra, hoặc gây các việc mắng chửi đấu tranh khác. Dấy lên, tức là khơi gợi lại việc mà mình đã tranh cãi. Ngoài hai chúng Tỳ kheo, Tỳ kheo ni ra, nếu cùng với người khác tranh cãi mà khơi gợi lại thì tất cả phạm tội Đột Kiết La. Ni đồng phạm.
Không phạm:
Hoặc trước không biết, hoặc quán sát, dấy ý tưởng không quán sát, hoặc sự thật là quan sát mà nói không khéo quan sát…, hoặc giỡn cợt, hoặc nói lầm đều không phạm.
Giới thứ 67
HẸN CÙNG ĐI VỚI GIẶC.
Phật ở Xá Vệ, có nhiều Tỳ Kheo đến Tỳ Xá Ly. Khách buôn vì muốn tìm cách lén vượt qua ải không đóng thuế cho vua, nên làm bạn với Tỳ kheo, bị người giữ cửa ải bắt được, áp giải đến nơi vua, tội nầy thật đáng chết. Vua quan thế tục chê gièm, quở trách. Tỳ kheo đem lỗi nầy bạch Phật, Phật nhân thế chế giới.
* Nếu Tỳ kheo biết.
Nếu không biết, không kết giao thì đều không phạm.
* Bạn giặc.
Hoặc làm giặc rồi trở về, hoặc vừa muốn đi.
* Kết hẹn cùng đi một đường.
Kết giao: Là cùng hẹn đến thành, hoặc đến thôn. Đường: Là những con đường khoảng cách giữa hai thôn.
* Cho đến khoảng một thôn, phạm Ba Dật Đề.
Hoặc đi đến những con đường khoảng cách giữa hai thôn, trong các đường đó hoặc chỉ đi đến một đường thì phạm. Nơi không có thôn, chỗ đất bỏ trống không có ranh giới, cùng đi mười dặm thì phạm. Nếu cùng đi nửa thôn hoặc kém hơn mười dặm, hoặc đi trong một thôn, hoặc phương tiện giao hẹn, hoặc không đi, tất cả đều phạm Đột Kiết La. Ni đồng phạm.
Không phạm:
Hoặc đi vì sự an ổn để được đến nơi đó, hoặc bị mạng nạn, phạm hạnh nạn, thế lực ép buộc thì đều không phạm.
Giới thứ 68
NÓI DỤC KHÔNG PHẢI LÀ PHÁP CHƯỚNG ĐẠO,
CHỐNG TRÁI CHƯ TĂNG CAN NGĂN.
Phật ở nước Xá Vệ, Tỳ kheo A Lê Tra sanh ác kiến: “Tôi biết Đức Phật nói hành dâm dục không phải là pháp chướng đạo”. Tỳ kheo can ngăn, khuyên bảo mà vẫn không bỏ. Tỳ kheo bạch Phật, Phật hỏi ông tự khai xong. Phật sai Tăng bạch tứ yết ma can gián, Ngài liền quở trách chế giới.
* Nếu Tỳ kheo nói thế nầy: “Tôi biết Phật nói pháp, hành dâm dục không phải là pháp chướng đạo”. Tỳ kheo kia can ngăn Tỳ kheo nầy: “Đại Đức chớ nói như thế, chớ vu báng Thế Tôn, vu báng Thế Tôn là điều không tốt, Thế Tôn không nói như thế, Thế Tôn vô số phương tiện nói phạm dâm dục là pháp chướng đạo”. Tỳ kheo kia can ngăn Tỳ kheo nầy Tỳ kheo nầy cố giữ không bỏ, Tỳ kheo kia can ngăn cho đến ba lần khiến cho bỏ việc nầy. Nếu can ngăn ba lần, bỏ thì tốt, không bỏ phạm Ba Dật Đề.
Ni phạm giống như Tăng, ngoài ra giống như giới can ngăn, chỉ có hơn kém về tội danh.
Giới thứ 69
THEO TỲ KHEO BỊ CỬ TỘI.
Phật ở nước Xá Vệ, Tỳ kheo Lê Tra sanh ác kiến, Tăng can gián không bỏ. Phật sai các Tỳ kheo bạch tứ yết ma cử tội, lục quần cung cấp các thứ cần dùng, cùng đồng yết ma. Tỳ kheo cử tội, Phật nhân thế quở trách chế giới.
* Nếu Tỳ kheo biết.
Hoặc ban đầu không biết, sau không phạm.
* Người nói như thế.
Là nói như vầy: “Tôi nghe Thế Tôn nói pháp, hành dâm dục không phải là pháp chướng đạo”.
* Chưa làm phép giải.
Hoặc bị cử tội mà chưa làm pháp giải.
* Tà kiến như thế.
Khởi lên sự hiểu biết như thế nầy: “Pháp mà đức Thế tôn nói chẳng phải là pháp chướng đạo”.
* Mà không xả.
Tăng chúng can ngăn quở trách mà không xả ác kiến.
* Cung cấp vật cần dùng.
Có 2 loại: Hoặc là pháp hoặc là tài.
1/ Pháp là dạy tu tập tăng thượng giới, ý, trí, học vấn, tụng kinh.
2/ Tài là cấp cho y phục, đồ ăn uống, giường nệm, thuốc thang…
* Cùng đồng yết ma.
Đồng nói giới…
* Cùng ngủ.
Nhà có bốn vách, tất cả đều có ngăn lợp, hoặc lợp hết mà không ngăn hết, hoặc ngăn hết mà không lợp hết, hoặc không lợp hết, không ngăn hết.
* Cùng nói chuyện.
Hoặc Tỳ kheo vào nhà trước người kia vào sau, người kia đến trước, hoặc cùng vào. Tuỳ theo hông dính chiếu, tất cả đều phạm tội Đọa.
* Ba Dật Đề.
Ni đồng phạm.
Không phạm:
Hoặc không biết, hoặc nhà lợp kín hết mà không ngăn bốn phía, hoặc ngăn phân nữa, hoặc ngăn chút ít, hoặc ngăn tất cả nhưng không lợp, lợp phân nửa; lợp ít phần, hoặc ngăn lợp phân nửa, ngăn lợp ít phần; đất trống, hoặc bệnh, hoặc bị bắt buộc, mạng nạn, phạm hạnh nạn… thì không phạm.
Giới thứ 70
NUÔI SA DI BỊ ĐUỔI.
Phật ở nước Xá Vệ, Bạt Nan Đà có hai Sa Di (Yết Na và Ma Hầu Ca) cùng làm chuyện bất tịnh, rồi tự bảo: “Chúng tôi theo Phật nghe pháp hành dâm dục chẳng phải là pháp chướng đạo”. Tỳ kheo cử tội, Phật cho bạch tứ yết ma can ngăn, vì Sa Di không chịu bỏ nên đuổi đi. Lục quần Tỳ kheo thấy thế dụ dỗ dẫn về nuôi dưỡng. Tỳ kheo cử tội, Phật nhân thế quở trách chế giới.
* Nếu Tỳ kheo biết Sa Di nói như vầy: “Tôi nghe pháp từ Thế Tôn, nói rằng: “Hành dâm dục chẳng phải là pháp chướng đạo”. Tỳ kheo kia can gián Sa Di: “Ngươi chớ nói như thế, chớ chê bai Thế Tôn, chê bai Thế Tôn là không tốt, Thế Tôn không nói như thế. Sa Di! Thế Tôn dùng vô số phương tiện nói dâm dục là pháp chướng đạo”. Tỳ kheo kia can gián Sa Di nầy, nhưng Sa Di cứ bền giữ không bỏ, Tỳ kheo kia nên can gián đến ba lần, khiến cho bỏ việc nầy. Can gián đến ba lần chịu bỏ thì tốt nếu không chịu bỏ thì Tỳ kheo kia nói với Sa Di rằng: “Ngươi từ nay trở đi không được nói Phật là Thế Tôn ta, không được theo các Tỳ kheo khác, như các Sa Di được cùng Tỳ kheo ngủ hai, ba đêm. Ngươi nay không được làm việc ấy, ngươi mau đi khỏi nơi nầy, không nên ở đây”. Nếu Tỳ kheo biết.
Không biết thì không phạm.
* Sa Di bị đuổi trong chúng như thế.
Đuổi: Tăng thực hiện pháp bạch tứ yết ma đuổi hẳn.
* Dụ dỗ dẫn về nuôi dưỡng.
Tự nuôi, hoặc cho người nuôi. Dụ dỗ: Tự mình dụ, hoặc bảo người khác.
* Cùng ngủ nghỉ.
Như đã giảng giải ở trên.
* Phạm Ba Dật Đề.
Ni đồng phạm, duyên khai cho đều giống như trên.
Giới thứ 71
CHỐNG CỰ NGƯỜI KHUYÊN HỌC.
Phật ở Câu Thiểm Tỳ, lúc Xiển Đà được các Tỳ kheo can gián, thầy liền nói: “Tôi nay không học giới nầy, tôi sẽ hỏi các Tỳ kheo có trí huệ trì luật khác”. Tỳ kheo cử tội, Phật nhân thế chế giới.
* Nếu Tỳ kheo khi được các Tỳ kheo khác can gián như pháp.
Như pháp, như luật, như lời Phật đã dạy.
* Nói như vầy: “Tôi nay không học giới nầy, tôi sẽ hỏi nạn các Tỳ kheo có trí huệ trì luật khác”, phạm Ba Dật Đề.
Nếu nói không rõ ràng, phạm Đột Kiết La. Tỳ kheo Ni phạm giống như Tăng.
* Nếu vì muốn học thì nên nạn vấn
Không phạm:
Tỳ kheo được can ngăn vì bị si mê nên không hiểu được lời nói, bảo rằng: “Ngươi hãy trở về chỗ Hòa Thượng A Xà Lê của ngươi mà học hỏi thêm, tụng kinh thêm”. Hoặc sự thật đã đúng như thế thì không phạm.
Giới thứ 72
PHÁ HỦY TỲ NI.
Phật ở Xá Vệ, Tỳ kheo cùng nhóm họp tụng pháp Tỳ Ni, lục quần bảo nhau: “Tỳ kheo cùng nhóm họp, tụng luật thông suốt lanh lợi, nhất định sẽ thường cử tội ta. (Vâng ta nên) nói rằng: “Trưởng lão nói giới nhỏ nhặt ấy để làm gì? Nên tụng đến 13 việc thôi!”. Vì có Tỳ kheo biết họ muốn tiêu diệt chánh pháp nên nói như thế, Tỳ kheo đem lỗi nầy bạch Phật, Ngài liền quở trách chế giới.
* Nếu Tỳ kheo lúc nói giới.
Lúc tự mình nói giới, hoặc lúc người khác nói giới, hoặc khi tụng giới.
* Nói như vầy: “Đại Đức nói giới nhỏ nhặt ấy làm gì?”.
Nếu muốn tụng thì nên tụng bốn việc, mười ba việc, ngoài ra không cần tụng nhiều, cớ sao?
* Vì khi nói các giới ấy khiến cho người buồn phiền hổ thẹn, ôm lòng nghi ngờ vì khinh chê giới, phạm Ba Dật Đề.
Nếu nói không rõ ràng, phạm tội Đột Kiết La. Chê bai Tỳ Ni, phạm Ba Dật Đề. Chê bai A Tỳ Đàm và các khế kinh khác, phạm Đột Kiết La. Ni đồng phạm.
Không phạm:
Hoặc nói phải tụng A Tỳ Đàm trước rồi sau mới tụng luật, các khế kinh cũng thế. Hoặc có bệnh phải đợi cho hết hẳn rồi hãy tụng luật, phải siêng năng cầu những phương tiện trong Phật pháp, thành tựu được bốn quả Sa môn, sau mới tụng luật. Nói ra những lời khiến chánh pháp không bị hoại diệt, nếu nói nhầm thì đều khai cho.
Giới thứ 73
SỢ CỬ TỘI NÊN NÓI TRƯỚC.
Phật ở nước Xá Vệ, có một Tỳ kheo trong nhóm lục quần khi đang nghe nói giới, tự biết tội chướng, vì sợ Tỳ kheo khác biết cử tội. Nên đã đến nói với vị Tỳ kheo thanh tịnh trước: “Tôi nay mới biết giới pháp nầy trong giới kinh chép ra, mỗi nửa tháng nói, từ trong giới kinh chép ra”. Tỳ kheo cử tội, Phật bèn chế giới.
* Nếu Tỳ kheo lúc nói giới.
Hoặc tự nói, hoặc người khác nói, hoặc lúc tụng giới.
* Nói như thế nầy: “Tôi nay mới biết giới pháp nầy mỗi nửa tháng nói, chép ra từ trong giới kinh”. Các Tỳ kheo khác biết Tỳ kheo nầy hoặc hai, ba lần ngồi trong chỗ thuyết giới, huống chi đã nhiều lần. Tỳ kheo kia không phải vì không biết không hiểu. Nếu có phạm tội, nên như pháp mà trị, lại chồng thêm tội vô tri.
Vì vô tri nên trao cho thêm tội Ba Dật Đề, nếu không trao phạm Đột Kiết La.
* Nói rằng: “Trưởng lão! Ông không ích lợi, không được tốt. Lúc nói giới, ông không lắng tâm suy nghĩ”.
Không dụng ý tư duy.
* Không nhất tâm lắng tai nghe pháp. Tỳ kheo kia vì không biết nên phạm Ba Dật Đề.
Ni đồng phạm.
Không phạm:
Hoặc trước chưa từng nghe nay mới được nghe, hoặc nói đùa, nói nhầm đều khai cho.
Giới thứ 74
CÙNG YẾT MA SAU HỐI HẬN.
Phật ở thành La Duyệt Kỳ, Đạp Bà Ma La Tử làm tri sự trong Tăng. Vì thế, những dịp thí chủ cúng dường ở bên ngoài Tôn giả không rảnh để đi dự, y phục rách nát. Sau trong Tăng được chiếc y quí bèn bạch nhị yết ma trao cho Đạp Bà Ma La Tử. Lục quần hối hận, Tỳ kheo bạch Phật, Ngài quở trách chế giới.
* Nếu Tỳ kheo, cùng chung yết ma xong, sau đó nói thế nầy: “Các Tỳ kheo theo chỗ thân hữu”.
Cùng Hòa thượng, cùng A Xà Lê, cùng ngồi đứng nói năng gần gũi với nhau.
* Lấy vật của chúng Tăng.
Vật của Tăng như trên. Vật: Là y bát, ống đựng kim, Ni Sư Đàn cho đến đồ đựng nước uống.
* Hễ đem cho, phạm Ba Dật Đề.
Nếu nói không rõ ràng, phạm Đột Kiết La. Ni đồng phạm.
Không phạm:
Sự thật đã như vậy. Lấy vật của chúng Tăng cho thân hữu, hoặc cười giỡn, hoặc nói nhầm, đều khai cho.
Giới thứ 75
KHÔNG DỰ DỤC.
Phật ở nước Xá Vệ, nhiều Tỳ kheo nhóm họp bàn về pháp Tỳ Ni. Lục quần bảo nhau:”Xem ra các Tỳ kheo dường như sắp vì chúng ta làm pháp yết ma”. Thế là các vị ấy bèn rời tòa đứng dậy đi, Tỳ kheo gọi ở lại mà vẫn cố đi. Sau Tỳ kheo đem chuyện nầy bạch Phật, Ngài liền quở trách chế giới.
* Nếu Tỳ kheo chúng Tăng.
Cùng một thuyết giới, cùng một yết ma.
* Xử lý việc chưa xong.
Có 18 việc phá Tăng: Pháp, phi pháp, cho đến nói, không nói (xem giới thứ mười – Tăng Già Bà Thi Sa).
* Không gởi dục.
Nếu vì bận việc Tăng, việc tháp việc chùa, nuôi người bệnh thì cho gởi dục.
* Đứng dậy đi, phạm Ba Dật Đề.
Nếu xử lý việc chưa xong, chân bước ra khỏi cửa phạm tội Đọa. Một chân ở trong cửa, phương tiện muốn đi mà không đi, phạm Đột Kiết La. Ni phạm Ba Dật Đề.
Không phạm:
Hoặc có gởi dục, hoặc bị câm, hoặc yết ma phi pháp, hoặc vì Tăng, tháp, chùa, Hòa thượng, A Xà Lê, bạn đồng học làm việc tổn giảm, không gởi dục mà đứng dậy đi thì được.
Giới thứ 76
DỰ DỤC RỒI SAU ĂN NĂN.
Phật ở nước Xá Vệ, lục quần Tỳ kheo sợ bị cử tội nên sáu người lúc nào cũng đi chung với nhau, khiến các thầy Tỳ kheo khác không lý do gì tác pháp yết ma được. Thời gian sau, lúc lục quần may y, Tăng cho người gọi, lục quần sai một người nhận dục đến, liền cùng với Tỳ kheo làm pháp yết ma. Sau lục quần nói: “Chúng tôi gởi dục việc kia”. Tỳ kheo cử tội, Phật nhân thế quở trách chế giới.
* Nếu Tỳ kheo, gởi dục rồi sau hối hận.
Nói như vầy: “Các Tỳ kheo làm yết ma phi pháp, yết ma không thành, vì chúng tôi gởi dục việc kia chớ không phải gởi việc nầy”.
* Ba Dật Đề.
Nếu nói không rõ ràng, phạm Đột Kiết La. Ni đồng phạm.
Không phạm:
Sự thật đã là như vậy, tác pháp yết ma không đúng cách thức, hoặc nói việc nầy nhầm qua việc kia đều khai cho.
Giới thứ 77
TRỘM NGHE BỐN VIỆC TRANH CÃI.
Phật ở nước Xá Vệ, lục quần Tỳ kheo trộm nghe những lời của các Tỳ kheo khi tranh cãi, đến nói với người khác, khiến cho việc tranh cãi trong Tăng không thể trừ diệt. Tỳ kheo cử tội, Phật nhân thế quở trách chế giới.
* Nếu Tỳ kheo sau khi các Tỳ kheo khác tranh cãi nhau.
Tranh cãi có bốn: Ngôn tránh, mích tránh, phạm tránh, sự tránh.
* Nghe người nầy nói rồi đem nói với người khác.
Nghe: Là lén nghe người khác nói, hoặc nghe lời tranh cãi của Tỳ kheo khác, từ đạo đến phi đạo, từ chỗ cao đến thấp, hoặc từ chỗ thấp đến cao, đến mà nghe được.
* Ba Dật Đề.
Nếu không nghe phạm Đột Kiết La, hoặc phương tiện muốn đi mà không đi, người ấy hẹn đi mà chẳng đi, tất cả đều phạm Đột Kiết La. Hoặc hai người cùng nói ở chỗ tối, cùng nói ở chỗ khuất, hai người cùng nói trên đường đi, hoặc không khải tay, tằng hắng để nhắc nhở họ, tất cả đều phạm Đột Kiết La. Tỳ kheo Ni đồng phạm.
Không phạm:
Hoặc tác pháp yết ma phi pháp không có lợi ích, muốn được biết nên khai cho.
Giới thứ 78
ĐÁNH TỲ KHEO KHÁC.
Phật ở nước Xá Vệ, một vị trong lục quần Tỳ kheo, nóng giận đánh một vị trong thập thất quần, người bị đánh bèn la lớn lên. Tỳ kheo ở phòng gần nghe đủ những lời ấy, sau đem lỗi nầy bạch Phật, Ngài nhân thế quở trách chế giới.
* Nếu Tỳ kheo vì nóng giận, không vui đánh Tỳ kheo khác.
Hoặc dùng tay, đá, gậy… đánh.
* Ba Dật Đề.
Trừ tay, đá, gậy ra nếu dùng các thứ khác để đánh như: Chốt cửa (chìa khóa), móc câu, cán phất trần, cán thủ lư, tất cả đều phạm Đột Kiết La. Ni đồng phạm.
Không phạm:
Khi có bệnh cần phải đấm bóp, hoặc ăn bị nghẹn cần vuốt cho xuống, hoặc cùng nói mà không nghe phải xúc chạm để khiến cho nghe, hoặc khi ngủ đụng trên mình người khác, hoặc lúc đi kinh hành qua lại đụng nhau, hoặc lúc quét đất cán chổi đụng nhầm thì khai cho.
Giới thứ 79
TÁT TỲ KHEO KHÁC.
Phật ở nước Xá Vệ, lục quần lấy tay tát thập thất quần, Tỳ kheo bị tát bèn hét lên. Tỳ kheo đem lỗi nầy bạch Phật, nhân thế Phật quở trách chế giới.
* Nếu Tỳ kheo vì giận bực không vui lấy tay tát Tỳ kheo, phạm Ba Dật Đề.
Nếu lấy hai tay tát người kia phạm tội Đọa. Nếu dùng chốt cửa … đánh thì tất cả đều phạm Đột Kiết La, Ni đồng phạm.
Không phạm:
Hoặc có duyên sự cần đưa tay ngăn chận, hoặc ngoắc lại mà xúc chạm.
Giới thứ 80
HỦY BÁNG PHẠM TỘI TĂNG TÀN.
Phật ở nước Xá Vệ, lục quần Tỳ kheo nóng giận, đem việc không căn cứ vu khống thập thất quần Tỳ kheo phạm tội Tăng Tàn. Tỳ kheo cử tội, Phật bèn quở trách chế giới.
* Nếu Tỳ kheo nóng giận đem việc không căn cứ.
Ý nghĩa giống như trên đã giải thích.
* Vu khống phạm Tăng Già Bà Thi Sa, Ba Dật Đề.
Ni đồng phạm.
Không phạm:
Có đủ ba căn cứ thấy, nghe, nghi, hoặc nói đúng sự thật, khiến cho họ ăn năn mà không chê gièm vu khống, hoặc nói đùa, hoặc nói nhầm.
Giới thứ 81
VÀO CỬA CUNG VUA.
Phật ở nước Xá Vệ, phu nhân Mạt Lợi dốc lòng tin thờ Phật. Khuyên vua tín ngưỡng, cho các Tỳ kheo tự do vào cung, Ca Lưu Đà Di đến giờ vào cung, lúc ấy phu nhân đang lau sàng tòa, bị tuột y lộ hình. Tỳ kheo cử tội bạch Phật, nhân thế Ngài quở trách chế giới.
* Tỳ kheo nào đối với nhà vua thuộc dòng Sát Lợi đã được quán đảnh.
Đã được quán đảnh: Lấy nước trong biển lớn, dùng sừng bên phải con bò trắng, gom nhặt tất cả những hạt giống đựng đầy bên trong, rồi để trên chiếc xe vàng của nhà vua, bảo các tiểu vương khiêng, lúc ấy Đại Bà La Môn lấy nước rưới trên đảnh của nhà vua. Nếu là dòng Sát Đế Lợi, khi rưới như thế là lập lên ngôi vua, cho nên có tên như thế. Nếu là dòng Bà La Môn, Tỳ Xá, Thủ Đà La khi lập ngôi vua cũng gọi là quán đảnh.
* Khi Vua chưa ra.
Vua chưa ra tức Thể Nữ chưa trở về chỗ cũ.
* Chưa cất của báu.
Vàng bạc, chơn châu, xa cừ, mã não, thủy tinh, lưu ly, bối ngọc và các vật báu anh lạc chưa đem cất vậy.
* Nếu vào qua khỏi ngạch cửa cung, phạm Ba Dật Đề.
Hoặc một chân còn ngoài, một chân đã bước vào trong, ý muốn đi, tất cả đều phạm Đột Kiết La. Trừ dòng vua ra, nếu bước vào ngạch cửa của các nhà túc tán tiểu vương, hào quí trưởng giả đều phạm Đột Kiết La, Ni đồng phạm.
Không phạm:
Hoặc có việc phải đến tâu bạch, được mời đến, hoặc bị mạng nạn, phạm hạnh nạn thì đều khai cho.
Giới thứ 82
NHẶT CỦA BÁU.
Phật ở nước Xá Vệ, có một ngoại đạo trên đường đi, nhân dừng nghỉ bên đường, lúc ra đi bỏ quên 1000 lượng vàng. Tỳ kheo thấy thế mới vì họ cầm đi nhưng khi đem vàng trả lại, người mất nói là số vàng còn thiếu, vua xử phạt và tịch thu số vàng ấy sung vào của quan. Tỳ kheo đem lỗi nầy bạch Phật, Ngài quở trách chế giới.
* Nếu Tỳ kheo, của báu.
Tức vàng, bạc, chơn châu, hổ phách, xa cừ, mã não, lưu ly, bối ngọc, sanh tượng ([1]).
* Và những của báu trang sức khác.
Đồng ,sắt, chì, thiếc, hợp kim, cho đến các của báu trang sức.
* Tự mình cầm hoặc bảo người cầm, trừ trong Tăng Già Lam.
Bấy giờ bà Tỳ Xá Khư mở y báu đến chỗ đức Phật nghe pháp, vì mãi nhớ đến pháp mà quên y. Tỳ kheo bạch Phật: Phật cho vì để giữ gìn khiến không bị mất nên được đem cất.
* Chỗ ngủ nhờ.
Bấy giờ Tỳ kheo trên đường đi ghé vào ngủ nhờ trong nhà của một người thợ vàng. Trong đó có số vàng đã làm thành, và một số chưa thành, các Tỳ kheo suốt đêm phải thức giữ nên bạch Phật, Phật dạy vì cớ giữ gìn nên cho gôm cất.
* Ba Dật Đề.
Ni phạm giống như Tăng.
* Nếu Tỳ kheo ở trong Tăng Già Lam hoặc chỗ ngủ nhờ, nắm lấy của báu và của báu trang sức, tự nắm hoặc bảo người nắm, nên nghĩ thế nầy: Nếu có chủ nhớ sẽ đến nhận.
Nếu được của báu từ hai nơi, nên nắm giữ và phải biết tướng của mỗi cái túi số lượng bao nhiêu. Khi họ có đến thì hỏi, nếu quả đúng như thế thì trao cho, bằng không đúng thì nói tôi không thấy. Nếu không biết trong túi có bao nhiêu miếng dính lại với nhau, không xem coi nó vuông tròn mới cũ tất cả đều phạm tội Đột Kiết La.
* Vì nhơn duyên như thế không chi khác.
Không phạm:
Trong Tăng Già Lam, chỗ ngủ nhờ, phương tiện cầm nắm như trên, hoặc là cúng dường những món đồ ấy để trang nghiêm chùa tháp, vì để gìn giữ nên gôm cất thì tất cả đều không phạm.
Giới thứ 83
PHI THỜI VÀO LÀNG XÓM.
Phật ở nước Xá Vệ, Bạt Nan Đà phi thời vào thôn đánh cờ cùng cư sĩ. Tỳ kheo thắng, cư sĩ ghen ghét nên chê gièm. Tỳ kheo đem chuyện nầy bạch Phật, Ngài quở trách chế ra giới nầy.
* Nếu Tỳ kheo phi thời.
Thời là từ khi minh tướng xuất hiện cho đến lúc giữa trưa, phi thời là từ sau buổi trưa đến khi minh tướng chưa xuất hiện.
* Vào làng xóm.
Làng xóm, có bốn loại như trên (Xem giới trộm thứ 2 – Thiên Ba La Di)
* Không dặn cho Tỳ kheo khác.
Bấy giờ có Tỳ kheo vì việc Tăng, chùa, tháp, hoặc vì việc nuôi người bệnh, Phật bảo nên dặn lại các Tỳ kheo. Nếu ở một mình thì dặn lại với Tỳ kheo gần phòng.
* Ba Dật Đề.
Nếu vừa bước vào cửa thôn, phạm tội Đọa, một chân vào trong cho đến phương tiện, cùng hẹn nhau đều phạm Đột Kiết La. Ni đồng phạm.
Không phạm:
Hoặc vì lo việc cho chư Tăng, chùa, tháp, nuôi bệnh, dặn lại cho Tỳ kheo khác hoặc đường đi qua thôn, có việc cần khải bạch, hoặc bị kêu, được mời, bị mạng nạn, phạm hạnh nạn thì đều không phạm.
Giới thứ 84
LÀM GIƯỜNG QUÁ LƯỢNG.
Phật ở nước Xá Vệ, ca Lưu Đà Di biết trước Phật sẽ đi qua con đường nầy. Thế nên, ông liền đem chiếc sàng tòa cao đẹp trưng bày ở giữa đường. Ông bạch rằng: Thế Tôn! Ngài xem giường của con thế nào?. Phật dạy: Nên biết ngươi là kẻ ngu si, đầy ắp lòng tệ ác. Ngài bèn nhóm họp chúng Tăng quở trách Ca Lưu Đà Di, nhân thế mà Phật chế ra giới nầy.
* Nếu Tỳ kheo làm giường dây, giường cây.
Có năm loại như trên.
* Chân cao cỡ chừng bằng tám ngón tay đức Như Lai, trừ lỗ vào mộng để ráp thanh giường trở lên. Nếu quá, phạm Ba Dật Đề.
Nếu tự mình làm, dạy người khác làm thành quá lượng phạm tội Đọa. Nếu không thành, hoặc vì người khác làm thì tất cả đều phạm Đột Kiết La, Ni đồng phạm.
Không phạm:
Hoặc làm chân cao bằng tám ngón tay, hoặc thấp hơn, hoặc người khác đem cho cắt bỏ bớt mà dùng, hoặc tháo chân bỏ đi.
Giới thứ 85
DỒN BÔNG ĐÂU LA LÀM NỆM.
Phật ở nước Xá Vệ, lục quần làm nệm bằng bông Đâu La, cư sĩ chê gièm cho là sát sanh không có lòng từ bi. Tỳ kheo cử tội, Phật quở trách, chế giới.
* Nếu Tỳ kheo, bông Đâu La.
Tức là hoa cây Bạch Dương, hoa cây Liễu, hoa cây Bồ Đài.
* Dồn làm giường dây, giường cây.
Đều có năm loại như trên.
* Nệm lớn nhỏ.
Dùng để ngồi nằm.
* Thành thì phạm Ba Dật Đề.
Tự mình làm hoặc dạy người khác đều như trên. Ni đồng phạm.
Không phạm:
Tất cả duyên khai cho giống như trên.
Giới thứ 86
LÀM ỐNG ĐỰNG KIM BẰNG XƯƠNG, RĂNG NANH, SỪNG.
Phật ở thành La Duyệt Kỳ, có người thợ tin theo Phật pháp, vì làm ống đựng kim cho Tỳ kheo bằng xương, răng, sừng, nhân thế mà bỏ hết cả việc nhà đến nỗi không đủ cơm ăn áo mặc, rốt cuộc bị người đời chê gièm. Ông trông mong được phước nhưng trái lại bị tai ương. Tỳ kheo đem lỗi nầy bạch Phật, Phật nhân thế quở trách chế giới.
* Nếu Tỳ kheo làm ống đựng kim bằng xương, răng, sừng, khoét đục làm thành phạm Ba Dật Đề.
Tự mình làm, dạy người khác làm hễ thành thì phạm tội như trên. Tỳ kheo Ni phạm Đột Kiết La.
Không phạm:
Hoặc làm bằng đồng, sắt, chì, thiếc, bạch lạp, hoặc bằng tre, bằng cây, cỏ lau, cỏ xá la, dùng làm ống đựng kim thì không phạm. Hoặc dùng thiếc làm chóp bọc trên đầu tích trượng, hoặc làm chóp bịt đầu tàng lộng, cho đến đồ đo lường, hoặc nắp của đồ đo lường, hoặc làm cái móc, hoặc dao cạo mồ hôi, hoặc làm như ý, hoặc nút áo, hoặc cái muỗng, hoặc cái gáo, hoặc móc y, hoặc đồ để thuốc nhỏ mắt, hoặc dao, đồ cạo lưỡi, đồ xỉa răng, đồ móc tai, thiền trấn, ống xông mũi. Tất cả những thứ như thế đều không phạm.
Giới thứ 87
MAY TỌA CỤ QUÁ LƯỢNG.
Phật ở nước Xá Vệ, theo phép thường của Chư Phật, ngày nào không thọ thỉnh thì đi xem khắp các phòng xá. Ngài nhìn thấy ngoạ cụ của chúng Tăng trải ở trên đất thật nhơ nhớp, sau Ngài bảo các Tỳ kheo: “Tiên nhơn ngoại đạo ly dục còn không có việc nầy, ta cho phép các Tỳ kheo vì để lót y, lót ngọa cụ nên may Ni Sư Đàn”. Nhóm lục quần may quá lớn, Tỳ kheo cử tội. Phật nhân thế chế giới.
* Nếu Tỳ kheo may Ni Sư Đàn.
Trải ngồi dưới đất.
* Nên làm đúng lượng, đúng lượng ở đây là bề dài hai gang tay, rộng một gang tay rưỡi Phật.
Bấy giờ Ca Lưu Đà Di, thân người to lớn, nhưng chiếc Ni Sư Đàn thì nhỏ. Ông mới bạch với Phật việc ấy, Phật liền cho nới rộng ra.
* Lại thêm bề rộng, bề dày mỗi bề nửa gang tay, khi cắt xong, nếu quá lượng phạm Ba Dật Đề.
Hoặc bề rộng bề dài đều quá lượng, tự mình may dạy người khác may, thành phạm tội Đọa, không thành thì phạm Đột Kiết La. Vì người khác may, dù thành hay không thành đều phạm Đột Kiết La, Ni phạm Đột Kiết La.
Không phạm:
Hoặc ít hơn, hoặc xếp làm đôi, hoặc được từ của người khác thì đều không phạm.
Giới thứ 88
MAY ÁO CHE GHẺ QUÁ LƯỢNG.
Phật ở nước Xá Vệ, có Tỳ kheo bị bệnh ghẻ nhọt, máu mũ chảy ra làm dơ ngoạ cụ của Tăng. Phật cho dùng loại vải tốt che ghẻ, rồi mặc Niết Bàn Tăng vào, đến nhà cư sĩ, nói rằng tôi có ghẻ, nên vén Niết Bàn Tăng lấy y nầy phủ lên trên mụt ghẻ mà ngồi. Lục quần bèn làm nhiều, Tỳ kheo cử tội, Phật nhân thế chế giới.
* Nếu Tỳ kheo may y che ghẻ.
Có nhiều loại bệnh ghẻ, lấy y nầy dùng để phủ lên thân vậy.
* Nên may cho đúng lượng, đúng lượng ở đây, là bề dài bốn gang tay Phật, bề rộng hai gang tay, khi cắt xong, nếu quá lượng phạm Ba Dật Đề.
Hoặc bề rộng dài đều hơn kém nhau, nếu tự may hoặc dạy người may hễ thành thì phạm tội Đọa, không thành phạm Đột Kiết La. Vì người khác làm dù thành hay không thành đều phạm Đột Kiết La, Ni… phạm Đột Kiết La.
Không phạm:
Là may đúng lượng, hoặc lượng ít hơn, hoặc được cái đã may xong, hoặc cắt rọc đúng lượng may thành hai lớp.
Giới thứ 89.
MAY Y TẮM MƯA QUÁ LƯỢNG.
Phật ở nước Xá Vệ, bà Tỳ Xá Khư cúng y tắm mưa, Phật dạy không được tự tiện chia, phải thứ lớp theo bậc Thượng tòa mà trao cho. Nếu không đủ thì theo thứ lớp mà trao tiếp cho Tăng, lục quần may quá lớn, Tỳ kheo cử tội, Phật nhân thế chế giới.
* Nếu Tỳ kheo may y tắm mưa.
Vì để mặc trong lúc trời đang mưa vậy.
* Nên may cho đúng lượng, đúng lượng ở đây là bề dài sáu gang tay Phật, rộng hai gang rưỡi, khi cắt xong, nếu quá lượng phạm Ba Dật Đề.
Tự làm hoặc dạy người khác làm, rộng dài đều hơn kém nhau, Tỳ kheo Ni, duyên khai cho giống như giới trước.
Giới thứ 90
MAY BA Y QUÁ LƯỢNG.
Phật ở vùng chủng tộc họ Thích, Tôn giả Nan Đà thấp hơn Phật bốn ngón tay, vậy mà Tỳ kheo từ xa thấy cứ ngỡ là Phật nên cung kính đón tiếp, khi đến gần mới biết là chẳng phải, mọi người đều xấu hổ. Phật bèn chế cho Nan Đà mặc y màu đen. Lục quần bèn may y bằng, hoặc lớn hơn y của Phật. Tỳ kheo cử tội, Phật nhân thế chế giới.
* Tỳ kheo may y bằng lượng y của Như Lai hoặc may lớn hơn thì phạm Ba Dật Đề. Trong đây lượng y của Như Lai là bề dài chín gang, rộng sáu gang tay Phật. Đó gọi là lượng y của Như Lai.
Nếu bề rộng bề dài đúng lượng, hai bề đắp đổi không đúng lượng (rộng đúng dài không, dài không rộng đúng) đều phạm. Ngoài ra tự may, dạy người hoặc Tỳ kheo Ni may đều giống như trên.
Không phạm:
Được y của người khác đã may xong. Cắt rọc đúng lượng, hoặc gấp lại may thành hai lớp thì không phạm.
Chư Đại Đức tôi đã nói 90 Pháp Ba Dật Đề. Bây giờ hỏi Chư Đại Đức trong đây có thanh tịnh không? (Nói 3 lần). Chư Đại Đức trong đây thanh tịnh vì im lặng, việc nầy xin ghi nhận như vậy.
———————————————————-
([1]) Sanh tức kim dã, tượng tợ dã. Tợ kim dã ngân dã, vị kim sắc sanh bổn tự huỳnh, ngân khả nhiễm huỳnh tợ kim dã: (Chữ sanh là vàng thiệt, chữ tượng là giống như vàng. Giống như vàng tức là bạc vậy, vì bạc xi vàng nên giống như vàng vậy. (Giới thứ 10 “Sa di Luật Giải yếu lược Tăng chú”. Sa môn Châu Hoằng biên chánh văn, sa môn Hoằng Tán chú giải). Sanh là thứ vàng bạc, vật báu còn trong quặng, chưa được công sức người tạo thành. Còn tượng là thứ vàng bạc, vật báu đã thành hình tượng được công sức người tạo thành món đồ”. (Trùng Trị Tỳ Ni Sự Nghĩa tập yếu Q. 18 – Sa môn Trí Húc giải thích).