Thứ 3, ngày 03 tháng 12 năm 2024
"Mùa báo hiếu ghi công đức mẹ dưỡng cha sinh, Hội Vu Lan nhớ tinh thần thầy tổ truyền dạy" KÍNH MỪNG ĐẠI LỄ VU LAN BÁO HIẾU 2023

Ba điều quan trọng khi lâm chung

Ba điều quan trọng khi lâm chung Sách:

BA ĐIỀU

QUAN TRỌNG

KHI LÂM CHUNG

 

 

 

Tác Giả: Thích An Quang

Thích Thiện Phước dịch

 

 

 

 

Điều đáng thương nhất ở thế gian chẳng gì hơn cái chết, hơn nữa đời người không một ai có thể may mắn tránh khỏi, hễ ai có tâm muốn lợi mình lợi người không thể không lo nghĩ. Thật ra một chữ “chết” vốn là giả danh do vì sự cảm báo một thời ở đời trước đã hết, cho nên bỏ thân nầy lại thọ thân khác. Nay được nghe Như lai nói ra pháp môn tịnh độ cứu vớt khắp chúng sanh, cho nên phải tín nguyện niệm Phật chuẩn bị tư lương vãng sanh, hầu mong thoát khỏi huyễn khổ sanh tử luân hồi, chứng được chơn lạc Niết Bàn thường trụ. Nếu như ai có cha mẹ anh em và các quyến thuộc bị bệnh nặng ở trong trạng thái khó thuyên giảm nên phát lòng thương xót hiếu thuận, khuyên họ niệm Phật cầu sanh Tây Phương, trợ niệm khiến cho người bệnh khi qua đời được sanh về tịnh độ, sự lợi ích đó thật vô cùng. Nay kể ra ba điều quan trọng để làm chứng cứ thành tựu cho người vãng sanh. Lời lẽ tuy quê mùa nhưng ý vốn là kinh Phật, khi gặp nhân duyên nầy nên đem ra để thực hành. Ba điều quan trọng đó là:

1. Khéo mở bày dẫn dắt an ủi, khiến người sanh lòng chánh tín.

2. Mọi người phải luân phiên niệm Phật trợ giúp tịnh niệm cho người sắp mất.

3. Tuyệt đối không được động đậy hay khóc lóc để tránh sự nhầm lẫn xảy ra.

Một khi được vãng sanh thì siêu phàm nhập thánh, liễu thoát sanh tử, dần dần tiến tu nhất định sau này sẽ  thành tựu được quả Phật. Sở dĩ có những lợi ích như thế, tất cả là đều nhờ vào năng lực trợ niệm của quyến thuộc. Nếu ai có thể thực hành được như vậy thì đối với cha mẹ là chơn hiếu; đối với anh em là chơn để; đối với con cái là chơn từ; đối với bạn bè, mọi người là chơn nghĩa, chơn huệ. Do đây mà vun bồi nhơn duyên Tịnh độ của chính mình và mở bày lòng tin mọi người, thời gian lâu nhất định sẽ trở thành phong tục. Nay chỉ bày rõ mọi vấn đề, ngõ hầu đến khi lâm chung không vấp phải những điều không tự tại!

1. KHÉO MỞ BÀY DẪN DẮT AN ỦI KHIẾN CHO NGƯỜI SANH LÒNG TIN CHƠN CHÁNH:

Tha thiết khuyên người bệnh buông bỏ muôn duyên nhất tâm niệm Phật. Như có việc cần dặn dò thì nên dặn dò ngay. Sau khi dặn dò xong phải buông bỏ hẳn. Nghĩ rằng ta nay sắp vãng sanh về cõi Phật, những sự giàu sang vui vẻ quyến thuộc ở thế gian, tất cả các thứ trần cảnh ấy đều là những chướng ngại, khiến ta phải lãnh chịu  các họa hại. Vì thế không nên sanh lòng ràng buộc luyến tiếc, phải hiểu rằng một niệm tự tánh của mình vốn không có “chết mất”. Sở dĩ nói “chết” chính là xả bỏ thân này thọ lại thân khác. Nếu không niệm Phật thì theo nghiệp lực thiện ác mà thọ sanh vào đường thiện ác (con đường thiện tức là cõi trời, cõi người; con đường ác chính là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Tu la là con đường thiện, cũng gọi là con đường ác, vì có tu nhân mà cảm đến quả. Thế nên đều có thiện và ác xen kẽ nhau vậy). Đến lúc sắp mạng chung nhất tâm niệm Nam Mô A Di Đà Phật, đem tâm chí thành niệm Phật như thế, nhất định cảm đến lòng đại bi của Phật, Ngài sẽ dũ lòng thương xót tiếp dẫn, khiến người mạng chung được vãng sanh. Lại chẳng nên nghi ngờ  ta là hàng phàm phu bị nghiệp lực ràng buộc, thì sao có thể đem khoảng thời gian niệm Phật ít ỏi này mà  thoát ly sanh tử,  về cõi Tây Phương?.

Nên biết lòng đại từ bi của Phật dù những tội nhơn cực trọng  thập ác ngũ nghịch, khi lâm chung tướng địa ngục đã hiện ra trước mặt. Nếu có thiện tri thức dạy niệm Phật mười tiếng  hoặc chỉ một tiếng cũng được Phật tiếp dẫn vãng sanh Tây phương. Hạng người này tuy chỉ niệm vài câu mà còn được vãng sanh. Như thế, sao cho nghiệp lực nặng, niệm Phật chỉ số ít mà sanh lòng ngờ vực? Nên biết chúng ta vốn có đủ chơn tánh giác ngộ như Phật, nhưng vì  nghiệp hoặc sâu dày nên không được thọ dụng. Nay đã về nương tựa Phật như con gặp cha, trở về quê cũ của mình, há là việc ngoài phận sự ư?

Lại nữa, Phật xưa phát nguyện: “Nếu có chúng sanh nào nghe danh hiệu ta, dốc lòng tin tưởng cho đến 10 niệm, nếu không vãng sanh thì ta không thành chánh giác”. Thế nên tất cả chúng sanh lúc lâm chung phải phát tâm chí thành niệm Phật, cầu sanh về Tây phương Cực lạc thì đều được đức Phật dũ lòng từ bi  tiếp dẫn. Tuyệt đối không nên nghi ngờ, nếu còn lòng ngờ vực thì tức là tự mê lầm, họa hại ấy chẳng phải nhỏ. Huống chi lìa bỏ thế giới đau khổ này để sanh về cõi nước Cực lạc kia, đó là việc vô cùng an lạc, nên sanh lòng hoan hỷ, tuyệt đối không nên sợ chết, dù có  sợ chết nhưng vẫn không thể nào tránh khỏi cái chết. Do vì tâm mình  trái với bổn nguyện của Phật, đức Phật vốn đầy đủ lòng đại từ bi, tại sao chúng sanh không nương theo lời ngài dạy. A Di Đà Phật muôn đức hồng danh như bếp lò to lớn, còn tội nghiệp của chúng ta nhiều như tuyết ở trong hư không. Nghiệp lực phàm phu do niệm Phật mà liền tiêu diệt; khác nào như một hạt tuyết gần lò lửa thì liền tiêu tan. Nghiệp lực đã tiêu, những thiện căn đã có tự nhiên tăng trưởng thù thắng, sao lại nghi ngờ không được vãng sanh và Phật không đến tiếp dẫn? Uyển chuyển an ủi mở bày hướng dẫn như thế thì người bệnh tự sanh lòng tin chơn chánh. Ở trường hợp này là vì người bệnh mà hướng dẫn mở bày, lòng hiếu rất mực của mình cũng ở điểm này. Thật không nên thuận theo tình trần, cầu thần hỏi thuốc, khi mạng căn sắp hết, thuốc thang quỉ thần, há có thể khiến cho họ thoát khỏi chuyện sanh tử sao?. Nếu biết việc này đã không có lợi ích thì chuyện niệm Phật cần phải thành khẩn, nhất định sẽ  được cảm ứng thôi!.

Có rất nhiều người con, cha mẹ lúc lâm chung, không tiếc tài sản thỉnh rất nhiều thầy thuốc đến để khám bệnh chữa trị. Đây gọi là bán lòng hiếu nghĩa, vì họ muốn người đời khen ngợi là mình rất hiếu thảo với cha mẹ, như vậy trời đất quỷ thần nào mà chứng giám lòng họ?. Thế nên, trong lúc làm việc ma chay chôn cất cho cha mẹ mà sắp xếp như thế, nếu không có thiên tai thì nhất định cũng có nhơn họa, phận con cái phải nên chú trọng về thần thức của người thân mình.

2. MỌI NGƯỜI PHẢI THAY PHIÊN NIỆM PHẬT ĐỂ GIÚP TỊNH NIỆM CHO NGƯỜI SẮP MẤT:

Trước là hướng dẫn người bệnh, khiến họ sanh lòng tin chơn chánh. Song vì tâm lực của người bệnh yếu đuối, hằng ngày không niệm Phật thì không thể kéo dài chánh niệm, nên cần phải dùng pháp niệm Phật, và cũng phải nhờ người khác giúp đỡ mới có niệm lực. Quyến thuộc trong nhà cũng nên phát lòng hiếu thuận thương xót, trợ niệm danh hiệu Phật để hồi hướng cho họ. Nếu người bệnh chưa lâm chung thì phân ban niệm Phật, nên phân làm 3 ban, mỗi ban qui định vài người. Ban thứ nhất niệm ra tiếng, ban thứ hai, ba niệm thầm, cứ niệm một giờ đồng hồ như thế, rồi ban thứ hai niệm ra tiếng, ban thứ nhất, ba niệm thầm. Nếu có chút việc cần phải làm thì lúc làm việc phải niệm thầm, lúc trực ban không nên bỏ đi. Ban thứ hai niệm xong, ban thứ ba niệm tiếp, sau đó trở lại như lúc đầu. Niệm một tiếng đồng hồ nghỉ hai tiếng, như thế dù có niệm suốt ngày đêm cũng không hề mệt mỏi.

Nếu biết rằng giúp cho người được tịnh niệm vãng sanh thì mình cũng được phước báo trợ niệm. Hơn nữa,  không phải vì cha mẹ mới tận lòng báo hiếu như thế, mà ngay cả người bình thường cũng phải vun bồi ruộng phước, hầu làm tăng trưởng căn lành cho mình. Đây thật là con đường tự lợi không luống uổng khi được làm người. Thành tựu được một người vãng sanh Tịnh Độ tức là thành tựu một chúng sanh làm Phật, công đức thật không thể nghĩ bàn?.

Ba ban liên tục xưng danh hiệu Phật không dứt, người bệnh nếu có sức niệm được thì niệm nhỏ theo, nếu như không thể niệm thì nên lắng tai nghe, chuyên tâm nhất niệm thì tự được tương ứng với Phật. Tiếng niệm Phật không nên quá cao, cao thì hụt hơi khó mà trì niệm lâu dài; cũng không nên quá thấp đến nỗi người bệnh không nghe rõ ràng. Cũng không nên quá mau, cũng không nên quá chậm. Quá mau thì người bệnh không thể niệm theo, nghe  khó rõ ràng; quá chậm thì sẽ bị trệ hơi,  khó  được lợi ích. Tốt nhất là không nên quá cao hay quá thấp, không chậm cũng không mau, mỗi chữ phân minh, mỗi câu rõ ràng khiến cho người bệnh mỗi chữ, mỗi câu nghe qua tai thâm nhập vào tâm thức. Như thế thì thành tựu được niệm lực thanh tịnh.

Pháp khí sử dụng lúc niệm Phật nên dùng dẫn khánh, ngoài ra tất cả những thứ khác không nên dùng. Bởi vì tiếng dẫn khánh trong trẻo khiến  tâm địa người nghe dễ thanh tịnh, còn mõ thì tiếng đục không nên dùng để trợ niệm ở lúc lâm chung. Lại nữa, nên niệm bốn chữ A Di Đà Phật, không nên niệm Nam mô do vì ít chữ dễ niệm. Người bệnh dù niệm theo hay nhiếp tâm lắng nghe đều có được tâm lực an tĩnh. Những quyến thuộc trong nhà cũng niệm như thế, ngoài ra cũng nên mời các thiện hữu cùng niệm, dù người nhiều hay ít cũng đều niệm như thế. Không nên niệm một loạt rồi nghỉ, nghỉ rồi lại niệm, khiến người bệnh niệm Phật bị gián đoạn. Lúc ăn cơm thì phải thay đổi ban, chớ nên để gián đoạn danh hiệu Phật. Người bệnh sắp tắt hơi thì nên ba ban cùng niệm. Nhẫn đến khi tắt hơi trở về sau lại phải phân ban niệm ba giờ đồng hồ (ý này thì nguyên văn của quyển “Sức Chung Tân Lương” chép: “Nếu niệm càng lâu thì càng mầu nhiệm”. Các đại đức thời nay đều phổ biến đề nghị là trợ niệm từ 8 đến 24 giờ đồng hồ, chúng ta cũng nên trân trọng phương pháp này).

Sau khi người bệnh tắt hơi, để tiện việc sắp đặt, lúc niệm Phật không nên cho bạn bè thân thích đến trước người bệnh hỏi han an ủi. Nếu có cảm tình đến thăm thì nên niệm Phật theo, đó là tình thương yêu chơn thật, có ích đối với người bệnh. Nếu dùng tục tình ở thế gian thì đó là vô ý làm cho họ đọa lạc. Người chủ sự nên biết điều này và báo trước mọi người để khỏi  nhầm lẫn, hầu tránh để tai vạ cho người bệnh, do phân tâm mà không được vãng sanh.

3. TUYỆT ĐỐI KHÔNG ĐƯỢC KHÓC LÓC DI CHUYỂN, ĐỂ TRÁNH VIỆC NHẦM LẪN XẢY RA.

Lúc người bệnh sắp mất chính là lúc phân định, phàm thánh, người quỉ,  khẩn thiết như ngàn cân treo sợi tóc. Chỉ nên dùng danh hiệu Phật để dẫn dắt thần thức họ, tuyệt đối không được tắm rửa, thay đổi y phục, di chuyển giường nằm, mặc cho người mất nằm ngồi như thế nào thì phải  tuân theo thế ấy, không nên có chút dời đổi động đậy, cũng không nên ở trước họ hiện tướng buồn đau  khóc lóc. Do vì lúc này họ không làm chủ được tự thân, một khi động đậy thì tay chân thân thể đều bị đau đớn co quắp, hễ đau thì tâm sân hận dấy lên và tâm niệm Phật tiêu mất. Nếu theo tâm sân đó qua đời thì phần nhiều bị đọa vào những loài độc, thật đáng sợ thay!. Nếu buồn thương đau xót khóc lóc thì tâm tình ái sanh, tâm niệm Phật gián đoạn, nếu theo tâm tình ái dẫn đi thì đời đời kiếp không được giải thoát. Lúc này, điều lợi ích thiết thực nhất chẳng gì hơn là nhất tâm niệm Phật, điều tệ hại nhất chẳng gì hơn vọng động khóc lóc. Nếu vọng động khóc lóc, cho đến sanh lòng sân hận luyến ái, thì  không thể thoát ly Ta bà vãng sanh Tây phương. Lại nữa người sắp chết hơi nóng từ dưới lên đến trên, là tướng trạng được siêu thoát, còn từ trên lạnh xuống dưới là tướng trạng đọa lạc, cho nên có câu:

PHIÊN ÂM:

Đảnh thánh nhãn sanh thiên

Nhơn tâm ngạ quỉ phúc

Súc sanh tất cái ly

Địa ngục cước bản xuất.

TẠM DỊCH:

Đảnh sanh làm thánh mắt lên trời

Tim người bụng quỉ thật chẳng dời

Súc sanh đầu gối tồn hơi nóng

Địa ngục chân ra khổ đời đời.

 

Nếu như mọi người thành tâm trợ niệm thì có thể được vãng sanh Tây phương, không nên lúc nào cũng dò xét. Nếu như thần thức chưa lìa, nhân có sự kích thích mà tâm sanh phiền muộn đau xót, đến nỗi không được vãng sanh, tội lỗi này thật là vô lượng vô biên. Mong rằng các thân hữu đều nên khẩn thiết niệm Phật, không nên thăm dò hơi nóng lạnh ở chỗ nào sau. Phận làm con phải nên lưu tâm việc này, đó mới thật là chơn hiếu. Nếu nương theo các việc hiếu thảo tục tình của thế gian, mà không biết rằng việc làm đó vô tình khiến người thân mình đọa lạc vào bể khổ sông mê, cách hiếu thảo này thật đồng với cái ái của nữ La sát. Kinh chép: “Nữ La sát ăn thịt người rồi lại nói: Vì ta thương yêu nên mới ăn thịt ngươi”.

Người đó thực hành hạnh hiếu bằng tâm vô tri như thế thì chỉ khiến cho  thân thuộc của mình mất vui bị khổ, há không giống như cách thương yêu người của La sát ư? Lời tôi nói đây rất gần với nhơn tình và muốn ai nấy đều ở ngay trong thực tế mà thực hành thì nhất định sẽ vãng sanh, người sống hưởng được phước lành.

Nếu như có ai yêu mến người thân mình một cách chân chánh thì nhất định cần phải suy xét kỹ.

- Đầu sanh làm thánh mắt lên trời… nghĩa là người khi hơi thở đã tắt toàn thân lạnh hết, chỉ riêng đảnh đầu là nóng, thì người này nhất định sẽ siêu phàm nhập thánh thoát ly sanh tử.

- Mắt sanh lên trời: Nếu con mắt và cái trán nóng thì sanh về cõi trời; còn chỉ nóng ngay ngực, thì sanh làm người; bụng nóng thì sanh làm loài ngạ qủi; đầu gối nóng thì đọa vào đường súc sanh; bàn chân nóng thì sanh vào địa ngục. Đây là do người lúc còn sống đã tạo ra hai nghiệp thiện ác bất đồng mới cảm đến như thế, chẳng phải do thế lực giả tạo. Lúc ấy, nếu người bệnh dốc lòng niệm Phật, lại nhờ sức trợ niệm của thân hữu thì nhất định sẽ đới nghiệp vãng sanh, siêu phàm nhập thánh, không cần phải lo sờ mó khám nghiệm, dẫn đến việc đáng tiếc xảy ra. Thật trông mong!.

 

————————————————————————–

9.Ba điều quan trọng khi lâm chung
490771
Total Visit : 389083