Thứ 2, ngày 21 tháng 4 năm 2025
MỪNG XUÂN DI LẶC ẤT TỴ - 2025 . KÍNH CHÚC CHƯ TÔN ĐỨC TĂNG NI, PHẬT TỬ VÔ LƯỢNG AN LẠC, VẠN SỰ HANH THÔNG, CÁT TƯỜNG NHƯ Ý.

Các giai thoại về chuông

Các giai thoại về chuông Sách:

 

         

CÁC GIAI THOẠI VỀ CHUÔNG

 

 

          TIẾNG CHUÔNG CHỈ RÕ TÁNH NGHE.

          Kinh Lăng nghiêm chép:

          Khi bấy giờ, đức Như Lai bảo ông La Hầu La đánh một tiếng chuông, rồi hỏi ông A Nan rằng: “ Ông có nghe chăng?” Ông A Nan và đại chúng đều nói: “Có nghe”.

          Chuông hết ngân, không tiếng, Phật lại hỏi rằng: “Ông có nghe chăng?” A Nan và đại chúng đều đáp: “Không nghe”.

          Khi đó, La Hầu La đánh một tiếng, Phật lại hỏi rằng: “Ông có nghe chăng?” A Nan và đại chúng đều nói: “Có nghe”.

          Phật hỏi A Nan: “Thế nào thì có nghe, còn thế nào thì  không nghe?”.

          A Nan và đại chúng bạch Phật: “Tiếng chuông nếu đánh lên, thì chúng con được nghe; đánh lâu tiếng hết, tăm vang đều không còn, thì gọi là không nghe”.

          Như Lai lại bảo La Hầu La đánh chuông, rồi bảo A Nan rằng: “Theo ông bây giờ có tiếng không?”.

          A Nan và đại chúng đều nói: “Có tiếng”.

          Ít lâu tiếng dứt, Phật lại hỏi rằng: “Theo ông, bây giờ có tiếng không?”.

          A Nan và đại chúng đều đáp: “Không tiếng”.

          Lát sau, La Hầu La lại đánh chuông, Phật lại hỏi rằng: “Theo ông, bây giờ có tiếng không?”.

          A Nan và đại chúng bạch Phật: “Tiếng chuông nếu đánh lên, thì gọi là có tiếng; đánh lâu tiếng hết, tăm vang đều không còn, thì gọi là không tiếng”.

          Phật quở A Nan và đại chúng: “Hôm nay các ông sao nói trái ngược, lộn xộn như thế?”.

          Đại chúng và A Nan đồng thời bạch Phật: “Phật bảo chúng con trái ngược lộn xộn, là sao?”.

          Phật dạy: “Ta hỏi ông về nghe, thì ông nói là nghe, ta hỏi về tiếng, thì nói là tiếng, chỉ cái nghe và cái tiếng mà trả lời không nhất định như thế, sao lại không gọi là trái ngược lộn xộn? A Nan, tiếng tiêu mất, không tăm vang, thì ông gọi là không nghe; nếu thật không nghe, thì tính nghe đã diệt rồi, đồng như cây khô, khi tiếng chuông lại đánh lên, làm sao ông còn biết được. Biết có, biết không là tự cái tiếng hoặc không, hoặc có, đâu phải tính nghe kia vì đó mà có, mà không; nếu tính nghe thật là không, thì còn cái gì biết là không nữa.

          Vậy nên A Nan, cái tiếng ở trong cái nghe tự có sinh, có diệt, không phải vì ông nghe cái tiếng sinh diệt, mà làm cho tánh nghe của ông thành có, thành không. Ông còn lộn lạo, lầm cái tiếng làm cái nghe, lạ gì chẳng mê mờ, lấy cái thường làm cái đoạn. Tóm lại, ông không nên nói rằng rời các thứ động tĩnh, đóng mở, thông bít, thì cái nghe không có tánh.

          Như người ngủ mê, nằm trên giường gối; trong nhà có người, trong lúc ngườii kia ngủ, giã một cối gạo; người ấy trong chiêm bao nghe tiếng giã gạo, lầm thành vật khác, hoặc cho là đánh trống hoặc cho là đánh chuông. Tức trong chiêm bao người ấy cũng lấy làm lạ rằng sao tiếng chuông lại vang lên như cây, như đá. Khi chợt tỉnh lại, liền nghe tiếng chày, thì người ấy tự bảo người nhà rằng chính trong lúc chiêm bao, tôi đã lầm tiếng chày này là tiếng trống. A Nan! Người đó, trong chiêm bao, đâu nhớ những chuyện động tĩnh, đóng mở, thông bít; hình người kia tuy ngủ nhưng tánh nghe không mờ, dầu cho hình ông tiêu tan, thân mạng dời đổi diệt mất, làm sao tánh nghe ấy lại vì ông mà tiêu diệt được.

          Do các chúng sinh, từ vô thỉ đến nay, rong rũi theo thanh sắc, theo niệm mà lưu chuyển, không hề khai ngộ bản tánh thanh tịnh hằng thường; không theo cái thường, chỉ theo các thứ sinh diệt, do đó, đời đời bị tạp nhiễm mà phải lưu chuyển.

          Nếu bỏ cái sinh diệt, giữ tính chân thường; cái sáng suốt chân thường hiện tiền, thì các tâm niệm căn, trần, thức. Ngay đó đều tiêu mất; tướng vọng tưởng là trần, tánh phân biệt là cấu, hai cái đó đã xa rời, thì pháp nhãn của ông liền được trong suốt, làm sao lại không thành bậc vô thường chánh giác?”.

          (Theo quyển 5 Kinh Lăng Nghiêm – Tâm Minh dịch)

          TIẾNG CHUÔNG CHÙA HÀN SƠN.

          Với sức diệu dụng cảm hóa không lường như thế tiếng chuông đã đánh thức lòng người, gợi cho con người một cảm xúc mãnh liệt với thiên nhiên cuộc sống các văn nhân mặc khách của nhiều triều đại cũng đã có không ít lời ca vịnh đối với tiếng chuông và từ đó tiếng chuông chùa  đã đi sâu vào văn học. Như bài “Phong Kiều Dạ Bạc” được xem là một kiệt tác của thi nhân Trường Kế.

          Ngày xưa, đời Đường bên Trung Hoa nổi danh là thời văn thơ lỗi lạc và xuất phát nhiều danh sĩ nhất. Hồn thơ bao giờ cũng phảng phất trong tất cả mọi tầng lớp người: Từ bình dân đến trí thức và bậc quan trường thi sĩ, thậm chí các vị sư, chú tiểu ở nơi cảnh chùa thanh vắng cũng dào dạt ý thơ, thật biết bao nguồn cảm hứng của thi nhân.

          Vào thời điểm kinh thành Trường An chìm trong khói lửa  mịt mù hoà cùng với tiếng reo hò vang dội của quân An Lộc Sơn, đã báo hiệu thời đại hoàng kim của triều đại Đuờng Minh Hoàng đến hồi phải loạn ly tan tác. Khi nhà vua chạy trốn sang đất Thục trong cảnh núi non hiểm trở, đêm nằm nhớ đến  hoàng cung  nguy nga lộng  lẫy nay đã vào tay của kẻ khác, thật đau đớn vô cùng. Và nhà thơ Trường Kế vốn là  một đại quan tiến sĩ Ngự Sử Đài, chẳng kịp hộ giá vương tôn lánh nạn nên đành xuống thuyền lưu lạc đến tận  miền Giang Nam. Đêm nọ ông đáp thuyền trên bến Cô Tô, nằm co ro trong khoang thuyền mơ màng ngắm cảnh. Trong đêm vắng cô liêu ấy ông nhìn  vầng trăng đang từ từ vươn lên trong bầu trời đen tối, trên bến nước tất cả sự vật như mênh mông xa vời trống vắng, duy chỉ có vầng trăng khuyết treo lơ lửng trên nền trời. Đêm càng về khuya, trăng càng sáng và sương cũng bắt đầu rơi, những chú quạ ăn đêm rướn cổ bay rời rạc kêu lên những tiếng não nùng trong đêm vắng. Mấy chiếc thuyền chài trên bến Cô Tô đậu san sát vào nhau chong những đốm lửa hồng lập lòe. Một cảnh thật nên thơ, có vẻ buồn buồn, mông lung lơ lửng! Hồn thơ trổi dậy, thi sĩ Trường Kế tức cảnh ngâm lên:

          Phiên âm:

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên,


Giang Phong ngư hỏa đối sầu miên.

          Dịch:

Quạ kêu trăng lặn sương rơi,

Lửa chài, cây bãi đối người nằm co.

          Còn hai câu nữa thi nhân nghĩ không ra, ý thơ bị nghẹn, không sao làm trọn bài được. Lòng buồn tức tối vô hạn, chẳng hiểu vì sao mình bỗng cụt hứng như vậy, và cứ thế ông nằm nghĩ ngợi… Cũng vào giờ nầy, nơi chùa Hàn Sơn, vị Hòa thượng đang thong dong dạo cảnh trước sân, soát xét thấy sự tu hành của mình còn lờ mờ như ánh trăng mồng 4 chưa được hoàn toàn, ví như trăng kia còn khuyết. Buồn lòng, Ngài thốt lên:

          Phiên âm:

Sơ tam sơ tứ nguyệt mông lung,


Bán tự ngân câu bán tự cung.

          Dịch:

Mồng ba, mồng bốn trăng mờ,


Nửa in móc bạc nửa ngờ vòng cung.

          Rồi Ngài nín lặng, không sao làm nốt hai câu sau, lòng bứt rứt khó chịu, Ngài trằn trọc mãi không ngủ được, chú tiểu trong chùa thấy Thầy mình hơi khác hơn mọi hôm, lo sợ, vào bạch Hòa thượng rằng:

          – Bạch Thầy, hôm nay chắc thầy không được an vui?.

          Vị Hòa thượng bèn kể việc làm thơ của mình cho chú tiểu nghe. Bỗng chú tiểu vụt thưa:

           - Bạch Thầy, khi nãy con vào điện thắp hương, có làm được hai câu thơ, đây con xin đọc cho Thầy nghe và thử ráp vào xem có hợp không:

          Phiên âm:

Nhất phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn,

Bán trầm thủy để bán phù không.

          Dịch:

Vầng trăng ai xẻ làm đôi,


Nửa in dưới nước cài trên không.

          Nghe xong, vị Hòa thượng vui mừng reo lên rằng: Hay, hay lắm, hay lắm! Thế là hôm nay thầy trò ta đã làm được một bài thơ rồi, vậy con hãy mau mau vào thỉnh một hồi chuông để thầy trò ta làm lễ cúng dường Phật tổ bài thơ nầy:

          Phiên âm:

Sơ tam sơ tứ nguyệt mông lung,


Bán tự ngân câu bán tự cung,

Nhất phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn,

Bán trầm thủy để bán phù không.

          Dịch:

Mồng ba mồng bốn trăng mờ,

Nửa in móc bạc nửa ngờ vòng cung,

Vầng trăng ai xẻ làm đôi,

Nửa in dưới nước nửa cài trên không.

          Một hồi chuông vang lên ngân nga giữa đêm khuya tịch mịch, lan toả khắp cả thành Cô Tô và tiếng chuông ấy lọt đến tai Trường Kế trong lúc ông đang mải mê tìm vần thơ. Bấy giờ Trường Kế nghe được tiếng chuông chùa, bỗng la lên: Ha ha…! Được rồi, có rồi, ta đã được hai câu nữa rồi, như thế ta đã làm trọn được bài thơ, rồi ông bắt đầu đọc:

          Phiên âm:

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên,

Giang Phong ngư hỏa đối sầu miên,

Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự,

Dạ bán chung thinh đáo khách thuyền.

          Dịch:

Quạ kêu trăng lặn sương rơi,

Lửa chài, cây bãi đối người nằm co,

Thuyền ai đậu bến Cô Tô,

Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn.

          Tiếng chuông chùa đã làm lòng Trường Kế thoát khỏi cái sầu lo khoắc khoải để tìm lại được trạng thái yên vui thoả mãn. Và cũng tiếng chuông làm tràn trề những vầng thơ bất hữu, đến nỗi hai thầy trò trong phút chốc vượt khỏi sự ngăn cách nội tâm và ngoại cảnh, hoà nhập vào bức tranh thiên nhiên để thốt lên những dòng thơ tuyệt tác.

          (Theo tạp chí Từ Quang)

          DANH TỪ CHUÔNG U MINH.

          Theo như thuyết tương truyền thì nguyên thời Lương Võ Đế còn tại vị, ông là một vị vua rất tôn sùng đạo Phật, nên đã lập ra 72 cảnh chùa để truyền bá và duy trì chánh pháp của Như Lai. Nhân ông đọc thấy những tội khổ của chúng sanh đã diễn tả trong kinh Địa Tạng, nên lấy làm cảm động thương xót. Một hôm mới khẩn cầu Hòa Thưọng Chí Công– một vị nhục thân Bồ tát – dùng thần thông khai nhãn quang cho Ngài được thấy suốt cõi U Minh để quan sát những tội khổ của chúng sanh phải lãnh chịu.

          Sau khi đã nhận thấy ngục nào cũng đầy chật những tội nhân ốm o tiều tụy và chịu đủ mọi cực hình rất khổ não, ông hỏi Hòa thượng:

          – Bạch Ngài, xin Ngài từ bi hoan hỉ chỉ cho một phương pháp để khiến cho tội nhân ở cõi ấy bớt được sự đau khổ?

           Hòa thượng liền đáp:

          – Tâu bệ hạ, xét ra trong khi quá đau đ?n khổ sở, nếu họ nghe được những tiếng ngân nga âm u lảnh lót như tiếng chuông rền, họa may họ mới dịu bớt phần nào những sự đau khổ.

          Đó rồi, Lương Võ Đế liền sắc chỉ cho các chùa trong toàn quốc đều phải đúc những cái chuông thật lớn gọi là Đại Chung để mỗi ngày bốn thời, đóng lên, khiến cho những tội nhân ở cõi U Minh đều nghe thấu, cho bớt sự đau đớn khổ sở.

          Và cũng từ thời Lương Võ Đế, người ta mới kêu cái Đại Chung là chuông U Minh.

          Vì thế, sau nầy chư Tổ cũng lấy ý nghĩa đó mà đặt ra bài kệ khai chuông như sau:

          Phiên âm:

Nguyện thử chung thinh siêu Pháp giới,

Thiết vi U ám tất giai văn,

Văn, trần thanh tịnh, chứng viên thông,

Nhất thiết chúng sanh thành chánh giác.

 

Văn chung thinh, phiền não khinh;

Trí huệ trưởng, bồ đề sanh,

Ly địa ngục, xuất hỏa khanh;

Nguyện thành Phật, độ chúng sanh.

          Dịch nghĩa:

Pháp giới, chuông này, nguyện tiếng vang!

U Minh tù tội khắp ba đàng

Nghe rồi nghiệp chướng tiêu mòn hết,

Viên giác, chúng sanh chứng rõ ràng

Nghe chuông, nhẹ hẳn nỗi phiền đau!

Trí huệ, Bồ đề phát rất mau.

Địa ngục phát ra, qua hồ lửa,

Nguyện thành Phật qủa, độ trần lao.

          Cho nên từ ấy tới nay, các chùa cứ theo đúng như thế mà mỗi ngày đêm phân ra bốn thời chuông, mà thời nào cũng có đầy đủ các bài bài khai và thâu chuông.

          Những thời chuông U minh, không những lợi lạc riêng cho tội nhân ở chốn U đồ mà còn lợi lạc chung cho tất cả chư Tăng Ni ở chùa, nhớ đến bổn phận phải công phu, bái sám, niệm Phật, tham thiền, tấn tu đạo nghiệp, ngõ hầu làm tròn sứ mạng tự lợi lợi tha, duy trì chánh pháp, tiếp dẫn hậu lai.

          (Theo Tạp chí Từ Quang)

          GIAI THOẠI TRÍ HƯNG.

          Trong phần Thích Trí Hưng sách Cao Tăng Truyện chép: Có một người mất báo mộng với vợ rằng: “Tôi không may bị bệnh chết, đoạ vào địa ngục nhưng lại nhờ vào tiếng chuông của Ngài Trí Hưng ở chùa Thiền Đình đóng, làm rung động cõi địa ngục khiến cho bao nhiêu người đồng chiụ khổ đều được thoát khỏi. Có người hỏi Ngài Trí Hưng vì sao tiếng chuông có sự cảm ứng lạ lùng như thế?

          Trí Hưng đáp:

          – Tôi không có diệu thuật gì khác, chỉ xem câu chuyện trong sách Phó Pháp Tạng truyện và công đức của tiếng chuông trong kinh Tăng Nhất A Hàm mà cung kính tuân hành theo thôi, nhưng sau khi đánh 3 hồi nếu muốn đánh thêm nữa thì phải có lòng chí kính. Nguyện cho chúng sanh ở các nẻo ác nghe được tiếng chuông nầy đều được thoát khỏi khổ đau. Đúng như lời nguyện mà cung kính thực hành thì nhất đnh sẽ đợc cảm ứng không thể nghĩ bàn.

          QUẢ BÁO CỦA VUA SÀI ĐẾ.

          Đời hậu Châu có vị vua tên là Sài Đế, tánh tình hung ác, huỷ báng Tam bảo thường hay phá chùa huỷ tượng Phật đập chuông để đúc tiền, lấy niên hiệu là Châu Thông. Một hôm ông ra lệnh phá hủy tượng Phật Di Đà bằng đồng ở chùa Đại Bi vùng Trấn Châu. Nhưng vì sợ oai linh của hộ pháp long thiên nên không ai dám ra tay. Vua nghe được bèn tức giận ngạo nghễ đến chùa và đch thân dùng búa bổ vào hông tượng Phật, rồi bảo bọn thợ cứ y theo đó mà làm. Khi về đến hoàng cung trong lòng cảm thấy bất an, hồi hộp sợ hãi lo toan  cuối cùng mắc phải căn bệnh ung thư lở lói bên hông đau nhức không thể chịu nỗi, căn bệnh ấy hành hạ thân xác  đến  ba sau năm ông mới thăng hà. Bấy giờ xứ Biện Đô có đại thần tên Châu Bá Thắng là người trước kia phò vua đánh giăc giữ nước. Khi tuổi về già  ông lui về chốn điền viên tịch mịch chuyên lo tu niệm. Đêm nọ ông nằm mộng thấy một nha lại thân mặc áo vàng đến mời ông vào trong một thành rất lớn để xem qua các cửa ngục. Đến ngục nọ ông thấy có người thân thể đen thủi nằm  trên giường sắt bị  ngục tốt đục khoét xương sườn đổ nước đồng sôi vào hông, đau nhức kêu la thê thảm. Châu Bá Thắng sanh lòng bi cảm miệng luôn luôn niệm danh hiệu Phật.

          Ông hỏi ngục tốt:

          -Người ấy phạm tội chi mà mắc quả báo như thế?.

          Ngục tốt trả lời:

          – Nguyên tội nhơn đó chính là vua Sài Đế vì không tin tam bảo đập chuông, phá huỷ tư?ng Phật nên chịu ác báo như vậy.

          Châu Bá Thắng bèn than:

          – Như thế chính là  chúa của tôi rồi!. Vậy làm thế nào để khỏi tội?

          Ngục tốt đáp: 

          – Khi nào trên dương thế hết tiền niên hiệu Châu Thông thì vua ấy mới thoát khỏi địa ngục.

          Đoạn nha lại dẫn Châu Bá Thắng trở về, khi vừa ra khỏi cửa thành thì nghe tiếng chuông chùa dọng Boong boong… ông tỉnh giấc, biết rằng đó là điềm ác mộng. Ông đem chuyện nầy kể lại cho những thiện hữu tri thức nghe ai nấy đều sửng sờ.

          Đến thời vua Thái Tổ nhà Tống, triệu Khuôn Dẫn thống nhất giang sơn. Nhờ lúc nhỏ ông từng chứng kiến những việc làm của vua Sài Đế lại nghe lời tường thuật của Châu Bá Thắng nói về sự thống khổ của vua Sài Đế ở chốn âm ty, nên ba tháng sau khi lên ngôi ông truyền lệnh thu gôm hết tiên có niên hiệu Châu Thông lo tu bổ chùa chiền đúc chuông tạo tượng Phật, cuối cùng vua Sài Đế thoát khỏi cảnh khổ địa ngục.

          VUA ĐƯỜNG ĐÚC CHUÔNG SIÊU TIẾN – CAO TỔ HOÀNG ĐẾ

          Lại trong bộ Phật Tổ Thông Tải nói: “Huyện Thượng Ngươn có người dân chết ngang, thấy người bị gông trói trong 5 cây nói rằng: “Ta là Tiên Chúa trào Nam Đường, bị lầm nghe Tống Tề Khưu mà giết quân hơn một ngàn người, họ tố oan, ta bị cầm tù ở đây, nhờ người về nói với Từ quân: Phàm khi chùa viện dộng chuông, phải dài tiếng ra. Ta thọ khổ chỉ nghe tiếng chuông thì tạm hết. Hoặc có thể giúp ta đúc một qủa chuông thì càng hay”.

          Lại nói: “Ta ngày ở ngôi, nước Vu Điền tặng ta một tướng Thiên Vương bằng ngọc, giấu trong đầu gối phía tả của của Phật trong chùa Ngoã Quan, không ai biết cả, người lấy đó làm chứng nghiệm”. Nghe xong hoát nhiên tỉnh dậy, hối hả đến tâu với vua Đường, qủa y như lời, vua cảm động khóc, đúc một qủa chuông cúng dường chùa Thanh Lương, khắc ở trên rằng: “Cầu siêu cho Liệt khảo Cao Tổ Hoàng Đế thoát u xuất ách”, và đem tượng ngọc xây tháp ở núi Tán Tượng”.

          SƯ MINH KHÔNG VÀ TỨ KHÍ CỦA ĐẠI VIỆT

          Thiền sư Minh Không tự Không Lộ (1076 – 1154), họ Nguyễn tên Chí Thành, sinh ngày 14 tháng 8 năm Bính Thìn (1076) tại làng Loại Trì, huyện Chân Định, tỉnh Nam Định làm bạn với Đạo Hạnh và Giác Hải. Năm Minh Không 29 tuổi, ba người sang Tây Trúc học. Minh Không đắc lục trí thần, trở về quê quán dựng chùa Diên Phúc, chuyên trì chú Đại Bi. Minh Không muốn tạo ra bốn kỳ quan của nư?c Đại Việt là: Tháp Báo Thiên, Đình Phổ Minh, Chuông Qui Điền, và Tượng Quỳnh Lâm, nhưng không có đủ đồng. Ngài bèn suy nghĩ:

          – Nước Tống ắt có nhiều đồng tốt, có thể dùng đúc được.

          Nghĩ xong sư thẳng đường sang Trung Hoa. Trước hết Ngài ngủ đêm tại nhà của một người giàu có, Minh Không xin sáu thước đất để lập tu viện Kỳ Viên, người trưởng giả cười nói:

          – Ngày xưa thái tử nhà Lương lập Kỳ Viên có đất rộng đến cả ngàn dăm, nay ông xin mảnh đất bằng chiếc ca sa, chỉ có sáu thước thì làm được gì?.

          Đêm ấy Minh Không tung áo cà sa mình che cả đám đất ngàn dặm. Thấy có thần thông người, trưởng giả đem vợ con đến quì lạy xin qui y Tam bảo. Sáng sớm Minh Không mặc pháp phục, chống tích trượng vào triều.

          Vua hỏi:

          – Sư muốn gì?

          Minh Không đáp:

          – Bần tăng xuất gia đã lâu, nay muốn tạo tứ khí cho Đại Việt, nên không quản ngại ngàn dặm tới đây, xin bệ hạ bố thí cho một ít đồng:

          Vua hỏi:

          – Có bao nhiêu đồ đệ đi theo?.

          Minh Không đáp:

          – Đi một mình chỉ xin đầy tay nải nầy thôi.

          Vua nói:

          Đường về quí quốc xa xôi lắm, vậy Thầy muốn lấy bao nhiêu thì tùy.

          Với chiếc tay nải Minh Không nhét hết kho đồng của nước bạn nhưng vẫn chưa đầy. Minh Không bèn quẩy tai nải lên vai, vào cung chào vua về nước. Vua tiếc nhưng không biết sao lấy lại kho đồng.

           Vua Tống sai bá quan tiễn về nước, sư từ rằng:

          – Một tay nải đồng nầy một mình bần tăng vận sức quải nổi, không dám làm phiền nhọc các ngài tiễn đưa.

          Nói xong sư bước ra lấy tai nải máng vào đầu gậy nhẹ nhàng mang đi. Đến sông Hoàng Hà sư lấy nón thả xuống nước làm bè sang sông, chỉ trong khoảnh chớp mắt đã đến bờ.

          Sau khi về nước, Ngài đem đồng đến chùa Quỳnh Lâm, đúc một tượng Phật A Di Đà thật to, một đỉnh tháp lấy tên Báo Thiên, một đại hồng chung tại làng Phả Lại, và một chiếc đỉnh lớn tại chùa Phổ Minh. Số đồng còn đủ để đúc quả hồng chung cho chùa Đại Phương nặng ba ngàn năm trăm cân, một quả hồng chung khác cho chùa Diên Phúc ở huyện Giao Thủy, nặng ba ngàn cân. Công quả xong rồi Minh Không đọc bài kệ:

          Phiên âm:

Lạp phù việt đại hải

Nhất tức vạn lý trình

Tống đồng nhất nan tận

Phấn túy thiên câu lực:

          Tạm dịch:

Nón nổi vựợt đại dương

Một hơi muôn dặm đường

Kho đồng trong một túi

Dang tay ngút  ngàn phương.

          CHÚA NGUYỄN PHÚC ÁNH THOÁT NẠN.

          Vào thời Nam Bắc phân tranh, quân Tây Sơn đang trong tư thế mạnh, giặc giã cướp bóc loạn lạc khắp nơi. Lúc ấy Nguyễn Phúc Anh bị quân Tây Sơn đánh bại, đôn đáo chạy ẩn khắp nơi, khi ẩn lúc hiện, một thời long đong khổ cực. Bấy giờ quân Tây Sơn lùng tìm, chúa Nguyễn Phúc Anh và ông Nguyễn Huỳnh Đức đành phải vượt thác trèo non vào Nam ẩn náo, tình cờ  đến chùa Long Tuyền – tức  chùa Sắc Tứ Linh Thứu ở Tiền Giang. Hòa thượng Nguyệt Hiện với lòng bi mẫn của đạo Phật nên cho tá túc. Khi Nguyễn Phúc Anh đến chùa, cách trang phục như kẻ thường dân, nói tránh rằng: “Tôi là Khách phương xa đến xin ở tạm”. Qua cử chỉ và tình thế đất nước hiện tại, Hoà thượng biết đây là người phi thường, nhưng vẫn không  nói ra mà tiếp đãi tử tế. Nguyễn Phúc Anh vì lặn lội gió sương, lo đến vận mệnh của đất nước, nên mắc phải chứng bệnh thương hàn ăn ngủ không ngon, tinh thần hốt hoảng. May thay hoà thượng là người giỏi về dược thảo, thấy vậy thương xót, hết lòng thưa hỏi. Vì thấy Ngài là người có đức hạnh cao vời nên ông nhận là sự thật. Từ đó, Hoà thượng tận tâm lo toan thuốc thang, cơm áo cho vua.

          Vài hôm sau vừa được khoẻ thì quân Tây Sơn ruồng bắt. Nhưng cửa chùa bấy giờ nhện giăng bít cả lối vào, cảnh vật trở nên hoang sơ, trông như chùa  hoang không có người ở nên chúng kéo nhau đi thẳng.

          Lúc ấy trong chùa chúa tôi đều hoảng hốt, chẳng biết ẩn náo nơi nào. Hoà thượng bỗng dưng nhớ đến quả hồng chung trên đại điện, tâu:

          – Xin Hoàng thượng tạm vào lánh nạn.

          Nguyễn Phúc Anh nhận lời, khi vua vừa ngồi ngay ngắn thì  Nguyễn Huỳnh Đức và Hoà thượng cùng vài điệu nhỏ kéo dây thả chuông xuống. Dọn dẹp phi tang xong ông Nguyễn Huỳnh Đức chạy tháo ra ngoài tìm nơi ẩn náo. Lát sau có một toán quân nữa  kéo vào bao vây khuôn viên chùa và lục soát khắp nơi nhưng chẳng thấy ai ngoài Hoà thượng già và vài chú điệu. Sau cùng đến chỗ hồng chung có vài tên quân nghi ngờ nên cùng nhau xô thử. Song chẳng thấy nhúc nhích chi chúng mới kêu số đông lại cùng nhau hè nhấc lên. Nhưng  càng không xê dịch nỗi. Bọn chúng ngớ ngẫn làm lạ nhìn nhau!. Lúc ấy có tên thủ lãnh bàn rằng:

          – Cái chuông nầy chắc để đây đã lâu rồi, bằng cớ là ở chùa chỉ có một lão Hoà thượng và năm ba chú điệu trói gà không chặt thì làm ăn gì?. Thôi! Chúng ta đi nơi khác. Nhờ vậy mà được thoát nạn. Sau khi bình định đất nước Nguyễn Phúc Anh lên ngôi vì nhớ lại ơn cũ nên sắc tứ cho chùa./.

——————————————————–

           

Chuông trong phật giáo
572408
Total Visit : 470720