KẾT LUẬN
Đức Phật là bậc đại y vương, Ngài thị hiện ra đời để trị lành căn bệnh trầm luân khổ não của chúng sanh. Tuy nhiên bệnh thì không có một, nên thuốc cũng có nhiều phương. Sự và lý luôn đi đôi với nhau như hình với bóng, sự nương vào lý mà khởi, lý nương vào sự mà hiện bày. Khi đức Thế Tôn còn tại thế, chư Tỳ kheo ngày đến thì đi khất thực ăn một bữa giữa trưa, đêm về ngủ dưới gốc cây, không được quá ba hôm phải rời đi nơi khác. Sống một cuộc đời tha phương du hóa, lấy ba cõi để làm nhà kết bạn cùng với núi non mây nước, mượn việc độ sanh làm chí hướng xuất trần. Không có nơi trú ngụ hằng thượng, không có vật gì khác ngoài ba y bình bát. Sau khi đức Thế Tôn nhập diệt, chân lý của ngài dần dần được các đệ tử truyền bá khắp nơi và cũng hòa nhập vào phong thái của từng lãnh thổ quốc gia, hình ảnh chư vị Tỳ kheo tha phương du hóa ngày xưa cũng dần dà thay đổi để phù hợp cho một thời đại mới. Các tòng lâm, tự viện được kiến tạo làm nơi an trú của chư Tăng, cũng là điểm tựa tâm linh cho hàng Phật tử. Từ đó qui củ nhà thiền, nề nếp sinh hoạt trong tự viện cũng xuất hiện nhằm cung ứng cho phù họp với một tòng lâm thanh tịnh. Từ đó, các pháp khí sử dụng trong nghi thức hành lễ của Phật Giáo dần dần phổ biến. Tuy nhiên khi người ta nghĩ đến một ngôi chùa thì “Chuông” bao giờ cũng thường được nhắc và hình dung đến. Ngoại hình của chuông ẩn tàng đường nét hoa văn tượng trưng cho chân lý sâu xa của Phật giáo đồng thời cũng hòa nhập vào thuyết lý của vũ trụ vạn hữu. Bên cạnh đó tiếng chuông cũng là bức thông điệp cho những ai đang thành kính thiết tha gởi trọn tấm lòng mình quay về nương tựa đấng tam tôn.
Âm hưởng tiếng chuông tuy không biểu đạt hết những sự cao quí trong hình thức nghi lễ, trong sinh hoạt hay những điều linh ứng mầu nhiệm thiêng liêng của đạo Phật, nhưng với danh nghĩa đã là một tòng lâm thì không thể thiếu âm vang trầm bỗng du dương đó. Chuông làm tăng thêm vẻ tôn nghiêm của một tòng lâm thanh tịnh, đồng thời cũng có năng lực siêu nhiên đánh thức lòng người.
Hơn bao giờ hết, tiếng chuông chùa vẫn hòa nhịp trôi theo dòng chảy của thời gian, gắn liền với sự vật, mãi mãi là âm thanh cao cả của nhân loại. Tiếng chuông tự nó còn là một giai điệu thiền vị, đưa con người về với thực tại, gieo rắc vào tâm hồn nhân loại những hạt giống thương yêu, thương yêu chính mình và tất cả chúng sanh đang còn trầm luân đau khổ!.
Cuộc sống đời thường có lúc ta thương yêu, buồn giận,… Bạn ơi! Xin lắng lại tâm hồn, thở thật nhẹ nhàng bước đi từng bước chậm rãi lắng nghe: Nghe thật kỹ thật sâu tiếng chuông chùa, để ta mĩm cười thật dễ thương cùng vạn vật, và có một nụ cười chuyển hóa với tất cả những nghịch cảnh khổ đau, nhẹ nhàng êm ái như tiếng chuông chùa lúc nào cũng ngân nga trong thực tại đang là!
Viên Giác 2003
Thích Thiện Phước
———————————————————–