Thứ 5, ngày 03 tháng 10 năm 2024
"Mùa báo hiếu ghi công đức mẹ dưỡng cha sinh, Hội Vu Lan nhớ tinh thần thầy tổ truyền dạy" KÍNH MỪNG ĐẠI LỄ VU LAN BÁO HIẾU 2023

LỜI BẠT

LỜI BẠT

Kinh chép: “Lìa ba đường ác, được thân người là khó”. Chúng ta tuy may mắn được sanh làm thân người, nhưng mạng sống khó bảo tồn trăm năm. Sắc thân tứ đại này cuối cùng rồi sẽ bị hoại diệt, chỉ có thần thức lại theo nghiệp duyên mà thọ sanh, như kẻ thiếu nợ, người mạnh lôi đi trước, cho dù lúc còn sống, nghiệp lành mạnh mẽ, siêng tu giới định; sau khi chết đi, thác sanh vào cõi trời, sống lâu muôn kiếp, nhưng đến khi hưởng hết phước trời thì vẫn phải bị trôi giạt luân hồi, trọn kiếp chẳng hết!

Phật diệt độ đã lâu, thời Phật đã cách xa. Chúng sanh phần nhiều nghiệp chướng nặng nề, căn cơ cạn mỏng, dù có lý mầu của ThiềnGiáo, nhưng ít người tu tập; nếu có tu tập đi nữa thì cũng khó chứng quả. Nhân vì họ còn dục vọng, nên việc liễu sanh thoát tử siêu phàm nhập thánh không thể đạt được!

Kinh Đại Tập, Đức Phật dạy: “Vào thời mạt pháp, ức ức người tu hành, ít có người nào ngộ được đạo, chỉ có người nương vào câu niệm Phật thì mới được độ”.

Xem việc nầy có thể biết rằng ba ngàn năm trước Đức Thích Ca Như Lai đã dự biết như vậy, Ngài có lòng thương xót chúng sanh nói ra ba thừa giáo. Trong đó pháp môn Tịnh Độ ứng hợp ba căn, chỉ dạy chúng sanh phát lòng tu tập, hoặc chuyên quán tưởng, hoặc chấp trì danh hiệu, tu tập các công đức và phát nguyện hồi hướng về Tây phương. Khi lâm chung, nhờ Phật lực tiếp dẫn vãng sanh về Cực Lạc, hóa sanh từ hoa sen, sống lâu vô lượng; từ đấy tiến tu mãi mãi không còn thối chuyển, cho đến khi thành tựu Phật quả mới thôi! Pháp môn thù thắng vắn tắt thích hợp như thế gọi là phương tiện trong phương tiện, lối tắt trong lối tắt. Từ xưa đến nay, người tu theo pháp môn này được vãng sanh trải qua kiếp số khó mà tính đếm suy lường được!

Nếu có người niệm Phật mà chưa được vãng sanh, vì các nhân duyên khác chưa đầy đủ, có sự sai lầm khiến cho họ mê man mất đi chánh niệm, có sự ngăn cách với Phật, cuối cùng không được vãng sanh, chứ chẳng phải Phật không đến tiếp dẫn; có người lúc bình sanh, tuy phát tâm niệm Phật, nhưng chỉ mong cầu phước báu, không biết phát nguyện cầu sanh Tây phương; có người thường ngày tuy tín nguyện nhưng không tha thiết và không thường xuyên niệm Phật; có người vì lúc lâm chung không được trợ niệm hộ trì đúng như pháp; có người nhân tuy được trợ niệm nhưng quyến thuộc ở bên cạnh cứ nói lời nhảm nhí khiến họ phiền não bất an; có người  vì thân bằng quyến thuộc thương xót khóc lóc, tình ái trói buộc, khó mà xa lìa dứt bỏ; có người lúc sắp qua đời, mời thầy thuốc đến chích thuốc, hy vọng được sống lại, khiến họ phải chịu sự đau khổ; có người nhân vì khi tắt hơi toàn thân chưa lạnh, thần thức chưa lìa khỏi xác, người còn sống lại dùng tay sờ mó để xem rõ việc nóng lạnh; hoặc có người sau khi chết, thân thể còn ấm, lại cho tắm rửa, thay y phục, gắng gượng xoay trở…

Các thứ nhân duyên chưa hoàn bị nói trên và những  sự mê lầm khác đều khiến cho người bệnh mê mờ mất đi chánh niệm và không được vãng sanh. Người niệm Phật phải biết điều đó! Xưa có quyển “Sức chung Tân Lương” chỉ dẫn rất tường tận, vì văn từ ý chỉ quá sâu, người có kiến thức nông cạn khó mà hiểu rõ. Năm trước, pháp sư Tây Chấn ở Ô Châu đem sách đến nhờ pháp sư Thế Liễu dùng văn Bạch thoại để diễn ra cho dễ hiểu, lại soạn ra một quyển, đặt tên là “Sức Chung Tu Tri” (Hành Trang Cho Ngày Cuối) với ý nghĩa vô cùng cặn kẽ. Sau khi soạn xong, được hòa thượng Diệu Công ở Hoằng Hóa Xã đính chính viết lời tựa in ấn lưu hành. Bản in lần đầu gồm 2000 quyển, nhưng chưa bao lâu thì số sách ấy đã hết, lại còn rất nhiều người thích đọc. Nay dự định tái bản, nên pháp sư Tây Chấn gởi sách đến nhờ tôi viết lời bạt, nhưng tôi rất lấy làm hổ thẹn vì không có văn chương, chẳng thể phụ giúp nên đành phải lược nêu những điều mắt thấy tai nghe trong mấy mươi năm nay để chứng minh, khiến người đọc tin sâu hiểu rõ, lưu truyền nhau mãi, hầu tránh sự ngộ nhận về sau.

Tôi nghe, thuở xưa có một cư sĩ làm quan ở  Phủ Đài – Giang Tô, sau phát tâm xuất gia trong một ngôi chùa nhỏ, gần Linh Nham. Vợ ông cũng rất tin Phật, thường đi cúng dường và khuyên bảo ông hãy trở về nhà. Bà nói: “Nay ông đã là Bồ tát xuất gia thì phải cứu độ chúng sanh, không nên tu một mình. Nếu ông trở về nhà, cần dùng gì thì tôi đều cung phụng”.

Bà vợ nhiều lần khuyên bảo, vì không từ chối được nghĩa cũ tình xưa, và một phần do nơi ấy không được yên tĩnh lắm, sợ có sự nhiễu hại, nên lòng ông cảm thấy khó chịu, luôn nghĩ tới sự nguy hiểm. Cuối cùng ông quyết định trở về nhà, nhưng may là được bà vợ lo lắng chu toàn mọi thứ, nên ông an tâm niệm Phật.

Một hôm, ông nói với vợ: “Phật A Di Đà đã đến rước, tôi phải về Tây phương thôi!”.

Người vợ bèn lễ bái ông và khóc lóc: “Bồ tát ơi, nay ông đi rồi, bỏ tôi ở lại cõi đời này một mình biết nương nhờ ai để sống?”. Chợt bị tình ái của người vợ quyến luyến, nên ông khó mà thoát ly được! Thế là ngay lúc ấy, ông mê mờ mất đi chánh niệm, đôi mắt rươm rướm tuôn rơi dòng lệ. Sau lại cầu mong Phật A Di Đà đến tiếp dẫn nhưng không thấy nữa! Câu chuyện này chính tôi được nghe cư sĩ Hồ Tùng Niên kể.

Lại nghe sư Thường Thanh nói rằng: “Phụ thân sư ăn chay rất nhiều năm, tuy phát tâm niệm Phật, nhưng chỉ mong cầu phước báu mà không biết phát nguyện cầu sanh Tây phương”. Năm sư Thanh 9 tuổi, phụ thân qua đời, cả nhà tắm rửa và thay y phục cho ông. Hôm sau, khi chưa liệm ông vào quan tài thì bà cô đến khóc bên tai ông. Lúc ấy, Ngài thấy cha rơi nước mắt.

Qua hai điều này, ta có thể biết người đang và sau khi mất, toàn thân chưa lạnh, thần thức vẫn chưa lìa khỏi xác, quyến thuộc không nên ở bên cạnh khóc lóc để họ khỏi bị ái tình ràng buộc, khiến  mê mờ mất đi chánh niệm không được vãng sanh. Nếu không nén lòng được thì phải nên lánh xa, cẩn thận chớ có ở gần bởi vì nhân duyên vãng sanh Tây phương trăm ngàn muôn kiếp khó gặp! Những người trong gia đình nên thay họ phát tâm niệm Phật, giúp cho họ được vãng sanh lìa khổ được vui thì đó gọi là sự hiếu hạnh chân thật xuất thế. Sự hiếu thuận ở thế gian không thể sánh bì!

Lại xét thân sau khi hỏa hóa, những chuyện này trong sách hoàn toàn chưa đề cập đến. Người bị hỏa hóa là một cư sĩ tại gia, cũng có trường hợp là tỳ kheo xuất gia. Trong đại tòng lâm, thiêu cho người chết phần nhiều có thời gian là bảy ngày hoặc ít hơn đều không nhất định, thậm chí buổi trưa chết buổi chiều đã đem thiêu, cho nên cần phải hiểu rõ để tránh khỏi sự lầm loạn. Nay tôi xin phân biệt và bàn luận việc ấy.

Người chết cũng tùy thời tiết nóng lạnh không giống nhau. Nếu gặp thời tiết lạnh, trong vòng bảy ngày, thi thể vẫn không biến sắc, ở trường hợp nầy chưa đầy bảy ngày đem thiêu thì e rằng họ bị thống khổ, cho nên phải mãn bảy ngày. Khi thời tiết nóng nếu để  qua bảy ngày thì thịt thối rữa, ở trường hợp nầy tuy chưa đủ bảy ngày mà đem đi thiêu thì  người mất cũng không đến nỗi đau khổ!

Tôi nhớ, lúc mới xuất gia tại núi Long Phụng – Quảng Xương – Tỉnh Giang Tây, có vị sư pháp danh là Viên Minh, viên tịch vào buổi sáng tháng tư, các thầy liền cho tắm rửa và thay y phục, để ngồi vững trên chiếc ghế. Đệ tử của Ngài là sư Thánh Kim, mở sách ra xem và nói rằng: “Hôm nay thiêu thầy tôi rất tốt!”. Thế là sau khi ăn cơm trưa, nhục thể Ngài được đưa đến lò thiêu. Lúc ấy, tôi vì bận chút việc nên phải đi qua chùa Đại Thừa, vài ngày sau mới trở lại và nghe mọi người nói rằng: “Đang lúc thiêu, hai tay của thầy Viên Minh từ từ đưa lên ngang cổ”.

Sau này, tại chùa Thừa Ân – Nam Xương, vào một buổi chiều ngày rằm tháng tám, có một tỳ kheo vừa viên tịch. Ngay lúc ấy, thầy giám viện pháp danh là Hiền Mậu cho lấy ván đóng một chiếc quan tài, bên trong thì đổ tro củi vào, thầy cùng một tỳ kheo khác hè nhau ráp lại, khi ráp xong thì đậy nắp quan tài. Đến chập tối, mọi người thay phiên nhau niệm Phật. Hôm sau, quan tài được chuyển đến khu đất trống ở ngoại thành để thiêu. Tôi theo mọi người đưa quan tài ra khỏi chùa rồi trở về, sau nghe thầy giám viện nói rằng: “Ngay trong lúc thiêu, hai tay của thầy ấy bỗng dưng hướng hai bên quan tài mà đẩy bật ra”. Qua đó ta cũng cảm nhận được sự đau khổ biết dường nào rồi!.

Xem hai việc này, có thể biết rằng nếu trời không nóng, chưa đầy bảy ngày mà đem đi thiêu thì người mất sẽ còn cảm giác và rất đau khổ. Chẳng những không được vãng sanh Tây phương mà e rằng  vì một niệm sân hận khiến  họ phải bị đọa lạc vào đường ác. Người có lòng từ bi, ai mà không thương xót?

Lại nữa, lúc tôi ở núi Bách Trượng, gặp một vị tỳ kheo tên là Đức Nhã, tự kể rằng: “Năm trước, tôi ở am Tảo Lâm – Lê Xuyên, bị bệnh nặng, đã chết qua một lần. Các thầy tắm rửa và thay y phục cho tôi, để tôi nằm tạm trên giường, ngày đêm thay nhau niệm Phật. Hôm sau, tôi bỗng dưng tỉnh dậy”. Nghe thế tôi liền hỏi: “Vậy thầy có thấy hiện tượng gì lạ không?”. Thầy ấy đáp: “Tôi gặp một người đang đi trên bờ sông, chợt nghe có tiếng kêu: “Trở lại, chớ nên đi nữa!” Tôi liền giật mình tỉnh dậy. Mọi người trong lúc đang trợ niệm, thấy tôi tỉnh dậy, ai nấy đều vui mừng nói rằng: “Thầy đã chết một ngày một đêm, vậy mà còn tự biết rõ ư?”.

Lại nữa, lúc tôi triều bái núi Phổ Đà, nghe nói có pháp sư Duy Sùng (người ta thường gọi Ngài là Ma vương) ở núi Liên Hoa – Ninh Đô – Giang Tây. Tháng 10 năm ấy, Ngài đã chết sáu ngày. Lúc đầu,  liệm ở liêu Như Ý và để nơi ấy ba ngày, sau đại chúng đưa đi thiêu, lại quàng ở lò thiêu ba ngày nữa. Nửa đêm ngày thứ sáu, pháp sư Duy Sùng bỗng dưng sống lại, nhưng không người nào biết cả. Đến ngày thứ bảy, pháp sư Thông Huệ đem Ngài  hỏa táng. Khi vừa định châm lửa, pháp sư Thông Huệ chợt nghe trong lò có tiếng nói rằng: “Đừng! Xin đừng! Tôi chưa chết, không thể thiêu được!”.

Pháp sư Thông Huệ nghe xong, sợ hãi thốt lên: “Này Ma vương, ngươi chớ dọa người nhe!”.

Pháp sư Duy Sùng đáp: “Pháp sư Thông Huệ, tôi chưa chết, không thể thiêu được!”. Mọi người đều nghe, bèn mở cửa lò ra, rồi đưa về điều dưỡng. Không bao lâu, Ngài mạnh khỏe như thường. Bảy năm sau vào tiết tháng 6, pháp sư Duy Sùng đích thân triều bái núi Phổ Đà. Nhân lúc Ngài lên núi, tôi gặp Ngài và hỏi lại chuyện xưa thì Ngài nói rằng: “Tất cả đều là sự thật”.

Tôi hỏi: “Sư có thấy hiện tượng gì lạ không?”.

Ngài đáp: “Tôi thấy có một cái cõng thật to, nhiều người chen lấn ra vào. Tôi cũng theo họ ra vào. Lúc bấy giờ, người giữ cửa cầm roi ngăn không cho tôi theo vào, tôi mới giật mình tỉnh dậy. Ngay lúc ấy, lưng tôi rất lạnh. Tôi dùng tay sờ bốn bên thì thấy đều là ván cây, ở phía dưới lại lót bằng tro củi, tôi mới ngồi dậy cố thoát thân ra khỏi lò. May nhờ các thầy đưa tôi về!”.

Xét hai việc này, có thể biết rằng nếu trời không nóng, người chết trong bảy ngày được âm ty thả về, có thể sống lại. Sau khi pháp sư Duy Sùng hồi dương, Ngài lại sống thêm mười mấy năm nữa. Nếu thiêu sớm thì thật oan uổng cho một kiếp người! Cẩn thận thay!

Toàn bộ nội dung sách này tóm thuật việc cuối cùng của đời người, dù  Tăng hay tục đều cần phải biết, không nên câu chấp, vì thế gọi là “Hành Trang Cho Ngày Cuối”. Nếu như xem hình thức  biết nội dung và y theo pháp mà hành trì, khiến cho người sau này cũng niệm Phật thì ai nấy đều được thoát khỏi Ta Bà, đồng sanh về Cực Lạc. Thật không cô phụ tấm lòng của pháp sư Thế Liễu một phen từ bi trước tác vậy!

loi bat

CẢM ĐỀ

Một hành trang một cuộc đời

Lang thang lữ khách quê nhà thời xa

Sen vàng nở giữa Ta bà

Trần gian sanh tử Phật Đà hiện thân.

Viên Giác  đêm Thu  năm At Dậu (2005).

Thiện Phước.

9.4.Hành trang cho ngày cuối
462402
Total Visit : 360714