Chủ nhật, ngày 15 tháng 9 năm 2024
"Mùa báo hiếu ghi công đức mẹ dưỡng cha sinh, Hội Vu Lan nhớ tinh thần thầy tổ truyền dạy" KÍNH MỪNG ĐẠI LỄ VU LAN BÁO HIẾU 2023

Năng lực của Tiếng chuông

Năng lực của Tiếng chuông Sách:

NĂNG LỰC CỦA TIẾNG CHUÔNG

 

 

 

          Theo tín ngưỡng của Phật giáo đồ cho rằng âm vang của chuông thần biến khắp muôn nơi vạn hương, làm vơi bớt nỗi đau khổ của cuộc đời, thấu đến cõi địa ngục u ám, chúng sanh nào bị đọa nơi địa ngục nhờ nghe tiếng chuông nầy liền được giải thoát. Lại nữa tiếng chuông chùa thanh thoát của có thể giúp cho loài quỉ đói nhẹ bớt lòng tham lam sân hận giải thoát kiếp đọa đày. Tín đồ Phật giáo quan niệm rằng khi đánh chuông nhờ năng lực của chuông mà âm siêu dương thới nên thường phía bên trong họ dán những tên họ vào để cầu người chết mau siêu thoát kẻ sống chóng qua khỏi tai ươngQuyển A Dictionnary of Symbols (London, 1692, trang 23) cho rằng âm thanh của chuông là biểu trưng của năng lực sáng tạo. Chuông treo lơ lửng là tượng trưng cho sự huyền bí của trời đất. Hình dáng của chuông xuất phát lấy từ hình vòm trời.

          Phần Thánh Tiết, Bộ Sắc Tu Bách Trượng Thanh Qui chép: “Đánh đại chung vì để vân  tập Tăng chúng lên đại điện và cảnh tỉnh sự hôn trầm”.

          Tiếng chuông đầu hôm là nhắc nhở mọi người biết rằng cơn vô thường đến với tất cả chúng ta bất kỳ lúc nào không hứa hẹn, thời gian rất ngắn ngủi và nhanh chóng, đánh vào lúc gần sáng là khuyên mọi người hãy tinh tấn tu hành hầu thoát khỏi cảnh khổ đau không vướng mắc vào con đường tội lỗi, mau vượt ra vùng luân hồi sanh tử. Tiếng chuông sớm hay chiều không những cảnh tỉnh dương thế mà còn lan toả khắp cùng pháp giới thấu suốt đến chốn điạ ngục đau khổ tối tăm.

          Ý nghĩa số tiếng khi đánh chuông:

         Nhịp hai tiếng: Tiêu biểu cho nhị đế – tục đế và chơn đế. Ý nói chân lý của Phật dung thông không ngăn ngại, bao trùm khắp cả pháp thế gian và xuất thế  gian.

          Lôi thất: Tiêu biểu cho thất chi tội. Hành giả sau khi đoạn trừ được bảy chi tội nầy thì liền chứng vào thất giác chi: Trạch pháp, khinh an, hỷ, trừ, xả, định, niệm.

         Đánh ba tiếng: Chúng sanh từ bấy lâu do ba nghiệp sáu căn gây tạo nhiều tội lỗi về sau sẽ đọa vào ba đường dữ địa ngục ngạ quỉ súc sanh. Nhưng cũng có ý nghĩa là trừ ba độc tham sân si để vượt lên ba giải thoát chứng đắc ba đc: Pháp thân đức, bát nhã đức, giải thoát đức.

        Đánh 108 tiếng: Tượng trưng cho diệt trừ hết 108 phiền não, 108 tam muội mỗi chày đánh lên mà thành tựu.

          Bộ Cam Châu chép: “Phàm đánh 108 tiếng chuông là để tương ứng với con số 12 tháng 24 khí 72 hầu”. 

          Dứt bốn tiếng: Một hành giả dành trọn đời mình tu tập theo giáo pháp của Đức Phật không ngoài mục đích là sao cho tiêu trừ được bốn tướng sanh lão bệnh tử và chuyển thành bốn trí:

          *Thành sở tác trí: Năm thức trước nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý.

          *Diệu quan sát trí: Thức thứ sáu –  Ý thức.

          * Bình đẳng tánh trí:  Thức thứ bảy – Mạt Na thức.

          * Đại viên cảnh trí: Thức thứ tám – A Lại Da thức.

          Hành giả khi nghe tiếng chuông sẽ liền chắp tay phát nguyện:

Phiên âm

Nguyện thử chung thinh siêu Pháp giới,

Thiết vi u ám tất giai văn,

Văn trần thanh tịnh, chứng viên thông,

Nhất thiết chúng sanh thành chánh giác.

Dịch nghĩa:

Cầu tiếng chuông nầy thấu các pháp giới

Trong Thiết Vi tối tăm thảy đều nghe

Việc trần trong sạch chứng bực viên thông

Tất cả chúng sanh thành chánh giác.

          Với năng lực siêu nhiên ấy, tiếng chuông có thể làm cho con người vơi đi biết bao phiền não, phát sanh trí huệ nuôi lớn tâm bồ đề khiến cho chính mình thoát khỏi ba đường ác và thành tựu được đạo quả giải thoát. Như vậy tâm nguyện tự lợi lợi tha luôn luôn hiện hữu trong mỗi hành giả  khi nghe tiếng chuông:

Phiên âm:

Văn chung thinh, phiền não khinh;


Trí huệ trưởng, bồ đề sanh,

Ly địa ngục, xuất hỏa khanh

Nguyện thành Phật, độ chúng sanh.

Án dà ra đế da ta bà ha (3 lần)

Dịch nghĩa:

Nghe tiếng chuông phiền no nhẹ

Trí huệ lớn đại đạo sanh

Lìa địa ngục khỏi hầm lửa

Cầu thành Phật độ các loài.

Án dà ra đế da ta bà ha. (3 lần)

          Đây chính là tán thán sự diệu dụng sâu xa khó nghĩ bàn của tiếng chuông. Ngoài ra tiếng chuông khi phát ra còn nói lên sự vận hành của vũ trụ, tiêu biểu chơn lý của một Tôn giáo.

Song tiếng có ba loại khác nhau:

          1. Tiếng có chấp thọ chủng lớn là tiếng của tất cả loài hữu tình.

          Tiếng không chấp thọ chủng lớn là tiếng gió, mưa… của tất cả loài vô tình phát ra.

          Tiếng cả hai chấp thọ chủng lớn, phải đợi người (hữu tình) dùng chày gỗ (vô tình) đánh vào tiếng mới phát ra. Chính là tiếng chuông nầy vậy.

          Chuông được dùng chày gỗ để đánh: Theo ngũ hành tướng sanh và ngũ hành tương khắc thì kim khắc mộc chính vì thế dùng chày gỗ đánh chuông thì tiếng sẽ kêu to và vang xa. Hơn nữa chày có chạm hình con cá. Theo quyển Mười Vạn Câu Hỏi Vì sao NXB Văn Hóa Sài Gòn: “Cá không có mi mắt do đó khi ngủ cá không thể nhắm mắt”. Và cá là loài thích hoạt động, ngụ ý là khi đánh tiếng chuông vang ra có công năng thức tỉnh lòng người.

          Hơn nữa Phật pháp không lìa tất cả các pháp thế gian, khi nhìn thấy chiếc lá rơi, dòng nưóc chảy, một áng mây bay trên nền trời… đều là những cảnh tượng để ta quán chiếu lại tự tâm nương vào ngoại cảnh để tỏ suốt nguồn tâm, không hướng ngoại để truy cầu.

 

——————————————————-

 

Chuông trong phật giáo
452978
Total Visit : 351290