TIẾNG CHUÔNG TRONG THƠ VĂN
Tiếng chuông chùa không chỉ đơn thuần ngân nga làm vơi đi bao phiền muộn khổ đau mà còn là hiệu lệnh của trời người là phép lớn của Phật Tổ. Theo quan niệm Phật giáo “Vạn sự khởi đầu nan” khi khai giới đàn, Tác pháp an cư, Tết Nguyên đán, hay tổ chức những Pháp hội lớn đều có nghi thức khai chung bảng để cung thỉnh chư Phật, thiên long bát bộ quang giáng đạo tràng chứng minh công đức. Hầu cho cho pháp hội được thành tựu viên mãn, nên nhất nhất đều có nghi khai chung bảng, nhưng điều đáng nói ở đây là khía cạnh triết lý văn chương sâu xa của nó.
Cũng là một vật thể bình thường tròn tròn vuông vuông, nhưng nói lên tính quyền thật trong Phật giáo, lúc nào cũng hỗ tương nhau, có sức diệu dụng không thể nghĩ bàn bao trùm cả tam thiên đại thiên thế giới:
Nhất cá viên hề nhất cá phương
Đại thiên sa giới tuyệt tư lương
Kim chung mộc bảng tùng tư chấn
Vạn cổ sum nhiên tuyển Phật trường.
Tạm dịch:
(Một cái tròn chừ một cái vuông, cõi đại thiên nhiều như số cát sông hằng cũng không thể nghĩ bàn, chuông vàng bảng gỗ từ đây dống, muôn đi trường tuyển Phật lúc nào cũng dập dìu đông đúc).
Chỉ một tiếng chuông thôi mà xé nát cả hư không, làm rơi rụng sạch những vô minh phiền não và làm tiêu tan khối u tà kiến ngã chấp:
Nhất chùy đả phá thái hư không
Vạn lý cô vân tuỳ tán lạc
Túng ngộ đồng đầu thiết ngạch nhơn
Nhậm bỉ như tư hoán bì xác.
(Chỉ một chày nầy thôi nhưng khi đánh lên thì phá tan cả cõi hư không, làm rơi rớt những đám mây vô minh rời rạc khắp nơi, giả như gặp những kẻ đầu đồng trán sắt – cơ phong lanh lợi, mặc theo đây mà thay hình đổi dạng).
Nếu có những ai đang còn bị danh lợi buộc ràng bỗng dưng nghe tiếng chuông tỉnh mộng. Thấy rằng thân người mong manh vô thường, sớm còn tối mất vì thế nên siêng năng tu tập không dám để thời gian trôi qua.
Nghe chuông tỉnh giấc ta bà
Danh lợi buộc ràng nguyện thoát ra
Nếu mất thân người thôi khó gặp
Cần lo giải thoát niệm Di Đà.
Khung cảnh thiên nhiên tuyệt trần hiện lên, khi tiếng chuông chùa vừa vang vọng.
Chốn tòng lâm dộng hồi chuông cảnh tỉnh
Khi muôn sao lấp lánh rọi thiền môn
Cửa từ bi thoang thoảng nén hương trầm
Đêm huyền diệu lâng lâng hồn Phật tử.
Ta còn cảm nhận được năng lực của tiếng chuông thấu suốt khắp cõi ta bà, làm vơi đi phiền não nghiệp chướng của chúng sanh.
Nguyện chuông kêu thấu cõi ta bà
Pháp giới chúng sanh đạo Thích Ca
Ngân nga siêu độ tiêu phiền não
Nguyện đến Tây Phương thấy Di Đà.
Từ nghìn xưa tiếng chuông chùa, luôn tô điểm cho bức tranh thiên nhiên thêm sống động nhất là giữa lúc sương mù lan toả, dưới ánh trăng ngà, con người đã cảm nhận một cách trọn vẹn như hơi thở như nhịp đập con tim. Trong bài Hà Nội Tức Cảnh nhà thơ Dương Khuê đã thật sự cảm xúc:
Phất phơ ngọn trúc trăng tà
Tiếng chuông Trấn Võ canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói toả ngàn sương
Nhịp chày An Thái mặt gương Tây Hồ
Đời sống tâm linh và xã hội đã hoà quyện vào nhau thành một thực thể, cùng một lúc ta tiếp xúc trọn vẹn cả hai cội nguồn tâm linh và huyết thống, chính là nét nhân bản đẹp đẽ muôn đời của tổ tông từ cuộc sống hiện tại cho đến mai sau. Ta lại nghe âm điệu của tiếng chuông chùa buồn bả ngân lên chia sẻ cùng sông núi trong hoàn cảnh tan thương, suy sụp của đất nước quê hương:
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ Canh gà Thọ Xương
Tiêu điều mặt nước sông Hương
Héo khô đỉnh Ngự tan thương cổ thành.
(Ca dao)
Tiếng chuông không hoàn toàn phảng phất những nỗi u buồn man mác của đêm thu mà còn là một âm thanh thoát tục, nhờ tiếng chuông tàn ngân lên mà cảnh vật đêm thu trở nên đẹp đẽ nên thơ.
Đêm thu chùa thoảng tiếng chuông tàn
Phong đỏ, trăng ngời, sóng nguyệt tan.
Diên Hựu Tự – Huyền Quang Thiền Sư (Huệ Chi dịch)
Tiếng chuông không còn dừng lại với ý nghĩa tiếng chuông êm đềm trong chốn già lam hay tự viện nào đó mà nó có ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống con người, làm cho lòng người trở nên tràn đầy cảm xúc ý thơ dạt dào.
Làm sao mà không cảm xúc được khi hồi chuông thu không thong thả ngân dài trong êm trường tịch mịch, có năng lực thức tỉnh lòng người đang còn nặng kiếp trần ai:
“Tiếng chuông ngân ngợi trong đêm vắng
Thử hỏi lòng ai đã tỉnh chưa”
Khung cảnh thiên nhiên nhịp sống hài hòa tinh tế, tiếng chuông chùa ấm áp đã hiện diện và nó gắn liền với con người, quê hương dân tộc:
Quê tôi có gió bốn mùa
Có trăng giữa tháng có chùa quanh năm
Chuông hôm gió sớm trăng rằm
Chỉ thanh đạm thế âm thầm thế thôi.
Nguyễn Bính
Dưới mái chùa rêu phong ẩn mình trong hoa lá, hương hoa hòa quyện lan toả trong không khí tịch mịch, giữa cảnh trăng thanh gió ấy tiếng chuông thức tỉnh lại vang lên:
Mỗi tối dân quê đón gió lành
Khắp chùa dào dạt ánh trăng thanh
Tiếng chuông thức tỉnh lan xa mãi
An ủi dân lành mọi mái tranh.
Huyền Không
Và ở một khoảnh khắc nào đó thời gian, sự vật không còn là hình ảnh đơn độc u buồn nữa vì khi cảnh tượng: “Ngô đồng nhất lạc diệp, thiên hạ cộng tri thu” vẫn có tiếng chuông chùa ngân nga kịp thời xuất hiện trong buổi Vu lan về:
Mỗi độ Vu lan rằm tháng bảy
Chiều xa vang dội tiếng chuông chùa
Ngày xưa sống lại trong tâm trí
Mỗi một tâm hồn một trẻ thơ
Ngày xưa sống lại trong tâm trí
Mường tượng hình ai đượm võ vàng
Khoắc khoải chiều nay cơn gió thoảng
Chuông chùa vang vọng nhớ Vu lan.
Khuyết Danh
Hơn bao giờ hết tiếng chuông chùa xem như giọt nước cành dường làm tan đi bao ưu sầu phiền muộn trong lòng nhân thế. Vào lúc hoàng hôn vừa bao phủ hay buổi sớm tinh sương khi nghe tiếng chuông chùa ngân vang làm lắng đọng cõi lòng. Đồng thời chỉ tiếng chuông chùa thôi cũng diễn tả và chuyên chở chân lý sâu xa của đạo Phật, chuông chùa thong thả thanh thoát không vội vàng thôi thúc mà ngư?c lại khiến lòng người lắng đọng không hối hả bon chen. Âm thanh nhè nhẹ cho bao dục vọng vơi đi, cho tham lam lắng xuống, và luôn mang tính chất từ bi dung tha của Phật giáo, được diễn tả qua mấy vầng thơ của thi sĩ Trúc Điệp:
Đây dư âm của hồn chuông quá khứ
Đương gào hồn thức tỉnh mộng thiên thu
Hỡi sinh linh trong kiếp sống mê mù
Say đắm mãi cõi lòng thêm đau khổ.
Và:
Chuông cảnh tỉnh vang lên lời kể lể
Như khuyên lơn an ủi vạn linh hồn
Khắp trần gian mà vọng lại cô thôn
Cho tất cả một cái gì linh động.
Người dân làng quê cũng sống hiền hoà thuần thiện như tiếng chuông chùa:
Vì vậy làng tôi sông thái bình
Sớm khuya gần gũi tiếng chuông linh
Sắn khoai gạo bắp nuôi dân sớm
Xây dựng tương lai xứ sở mình.
Huyền Không
Tiếng chuông linh thiên mầu nhiệm, vượt qua thời gian không gian, ý nghĩa đó bao giờ cũng là bức thông điệp tình thương của đấng Đại Giác.
Chuông không ngại ngày đêm mưa gió thổi
Chuông không vì sông núi bể đèo ngăn
Tiếng của chuông là bản thể xa xăm
Đây vọng lại mấy nghìn năm âm hưởng.
Trúc Điệp
Những ai đang não ruột thê lương nuối tiếc những gì đã mất, hay đeo đuổi theo những hy vọng hạnh phúc xa xăm, bạn có nghe chăng tiếng chuông thức tỉnh?. Tiếng chuông như cảm thông với những người đang lâm vào hoàn cảnh trớ trêu. Thúy Kiều sau những năm lưu lạc với những chán chường đau khổ, buộc lòng phải nương náu nơi cửa Phật để mong thoát kiếp trần duyên. Đại thi hào Nguyễn Du, trong tuyệt tác Đoạn Trường Tân Thanh, ông đã miêu tả sự hạ thủ công phu của Thúy kiều:
“Sớm khuya lá bối phiến mây
Ngọn đèn khêu nguyệt tiếng chày nện sương”
Lúc ánh tà dương dần dần khuất dạng dưới ráng vàng, trên bầu trời mênh mông có cánh chim đơn lẻ bay bay tìm nơi trú ngụ, tiếng chuông bỗng ngân lên trong khoảng không êm ả, làm vơi đi bao nỗi ưu tư phiền lụy, như thầm nhủ xót thương chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh nào đó, giữa buổi chiều tịch mịch cô liêu.
Xanh biếc cô đơn tím những chiều
Chuông chùa vơi nhẹ nỗi cô liêu
Ngân nga trong khoảng trời an tịnh
Thương cánh chim côi vọng sáo diều.
Thích Thiện Phước –
Mái chùa Quê hương tôi.
Chuông còn gợi cảm lòng người phải tâm sự và thốt lên nỗi mất mát, chia ly tình mẫu tử trong buổi hoàng hôn da diết nhớ thường, như mất hết không gian vũ trụ:
Hoàng hôn phủ trên mộ
Chuông chùa nhẹ rơi rơi
Tôi thấy tôi mất mẹ
Mất cả một bầu trời.
(TS Nhất Hạnh)
Tiếng chày kình làm thức tỉnh biết bao người còn đắm chìm trong giấc mộng. Cuộc đời là bãi biển nương dâu, con người tuy sống trong cõi vô thường mà không hề hay biết, không ý thức được sự thay đổi của vạn hữu. Tiếng chuông chùa ngân lên làm họ giật mình tỉnh thức thấy rõ cuộc đời là vô thường. Chính vì thế họ cảm nhận được lẽ đích thực của cuộc sống. Tiếng chuông chùa đã làm thức tỉnh lòng người trong bài “Hương Sơn Phong Cảnh”:
…Thăm thẳm một hang lồng bóng nguyệt
Hững hờ khe Yến cá nghe kinh
Vẳng bên tai một tiếng chày kình
Khách tang hải giật mình trong giấc mộng.
Chu Mạnh Trinh
Ta còn nghe tiếng chuông chùa trong thơ của Bashô trong đêm xuân khi hoa đào đang toả hương thơm ngát:
Chuông chùa tàn dần
Hương hoa đào buổi tối
Vẫn còn vang ngân.
Không gian càng rộng càng yên tĩnh tiếng chuông nghe càng sâu lắng, khiến cho tâm hồn trở nên thuần tịnh. Khi tâm hồn thanh tịnh người ta có cảm nhận như đang trở về quê hương đch thực của chính mình. Vì lẽ ai ai cũng có một tuổi thơ hồn nhiên trong sáng, không bận bịu lo toan, không não phiền bi lụy. Chính tuổi thơ ấy đưa con người sống thực với hiện hữu chung quanh. Ôi! đẹp làm sao, một tiếng chim hót trong vòm cây xanh thẳm, một chiếc lá vàng rơi lác đác, một cánh bướm bay chập chờn… với tất cả những gì ta yêu thương nhất. Lúc ấy âm vang chuông chùa là tiếng gọi thiết tha để đưa ta về với quê hương hiện thực, xua tan đi bao nỗi vấn vương trần tục của tâm hồn:
Đánh tan tục lụy hồi chuông sớm
Gõ nát trần tâm tiếng mõ trưa.
“Thâm ân nan báo trọng như sơn” đó là lời nhắn nhủ của người xưa. Gió chiều thổi lên bóng núi ngã màu tím thẳm, thời gian rồi sẽ biến đổi như vầng thái dương kia sớm chiều mọc lặn, nhưng “thâm ân dưỡng dục” vẫn là mãi mãi như núi cao sừng sững khó báo đền, và như tiếng canh chuỳ ngân nga lay động cả không gian, làm thức tỉnh biết bao tâm hồn còn thơ dại.
Đỉnh núi vươn cao vầng dương xuống
Canh chày ngân động ánh trăng non.
Thích Thiện Phước
Tiếng chuông như có thần lực dũng mãnh trên thông đến thiên đường, dưới thấu suốt cả địa ngục, phá tan tối tăm, mang ánh sáng cho kiếp sinh linh đang đoạ đày đau khổ, được cảm nhận qua “Tiếng chuông Giao Thừa” của Thiền Sư Nhất Hạnh:
“Boong, boong… Nhè nhẹ tiếng đại hồng chung bắt theo nhịp trống ngân lên. Tiếp theo những tiếng trống oai hùng như sấm dậy, mở đầu cho những tiếng đại hồng chung ngân vang sung sương, bảy hồi chuông náo động cả đêm khuya tịch mịch, tưng bừng đón tiếp một mùa xuân mới… … Bốn phía thấp thoáng những ngọn đèn của xóm làng trở dậy cùng giao thừa. Có lẽ cửa nào cũng mở rộng, núi đồi mất hẳn vẻ hoang dại, trở nên hiền lành. Tiếng đại hồng chung oai nghiêm và ấm áp đã xua đuổi những bóng hình sợ hãi và đánh tan u tịch tất cả xóm làng đều đã thấy mùa xuân trở về?.
Đại hồng chung vẫn khoan thai điểm từng tiếng rành rọt, âm thanh ngân dài ấm áp và thuần hậu…?
Chuông chùa ngân nga không đánh mất đi không khí đạo vị của thiền môn mà còn làm tăng thêm sự giải thoát của lòng người. Tiếng chuông như tha thiết như lời nhắc nhở khuyên mọi người hãy mau mau trở về bến giác, qua tác phẩm Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng.
“Trong làn không khí yên tĩnh êm đềm, tiếng chuông thong thả ngân nga… như đem mùi thiền làm tăng thêm vẻ đẹp của thiên nhiên. Lá cây rung động ngọn khói thướt tha, bông lúa sột soạt, như cảm tiếng gọi của Mâu Ni muốn theo về nơi hư không tịch mịch”.
Tiếng chuông còn là dòng suối từ bi tuôn chảy làm tắc đi ngọn lửa hận thù đen tối:
“Tiếng chuông ngân nga trong bóng hoàng hôn xuống, hởi Daniel! Thanh lương ở bên trời xa, anh có nghe tiếng chuông chùa vọng lại không? Anh cứ tin tưởng ở tương lai nhân loại, hãy cầu nguyện cho suối từ bi của Đức Phật mau dập tắc lửa cuồng bạo của mọi người”. (TS. Nhất Hạnh – Tình người)
Tiếng chuông chùa ngân lên trong một không gian tĩnh mịch tô điểm cho một bức tranh thiên nhiên thêm sống động đầy gợi cảm.
“Một buổi mai, tiếng chuông chùa từ từ ngân, tôi tựa lưng bên góc chùa tĩnh mịch, nhìn những đàn hải âu bay lượn thấp thoáng ở chân trời…?
(Tiểu thuyết Nhà Sư Vương Luỵ hay chuyện Con Hồng Nhạn Lưu Ly của Tô Mạn Thù – Bùi Giáng dịch)
Âm thanh Tiếng chuông đôi lúc còn để trấn át những trần tình, chận đường những kỷ niệm xa xăm trần tục nào đó đang len lỏi, dồn dập tuôn trào trong lòng của người đã khoác áo ca sa:
“Đoạn sư cụ quì trên chiếu cỏ cố thành tâm tụng niệm để quên những chuyện xa xưa. Một sự thầm tiếc thoáng qua lòng, sư cụ đã vội vàng đánh mõ khua chuông để che lấp. Đôi mắt sư cụ luôn luôn nhìn tướng Đức Thích Già như để cầu mong sự che chở?.
(Một Đêm Xuân – Thanh Tịnh).
Tiếng chuông chùa đã đi vào thi ca, truyện kể một cách nhẹ nhàng sâu lắng, bình dị mà thiêng liêng, đại chúng ta về với thực tại sống trong tỉnh thức an trú trong chánh niệm. Chuông chùa lúc nào cũng gắn liền với tâm tình của nhân loại và hòa quyện theo sự vận hành của vũ trụ không gian. Cho dù ở hoàn cảnh thời đại nào âm vang tiếng chuông chùa vẫn mãi mãi gợi nên những cảm xúc trong tâm hồn để thành những áng văn chương lưu lại đến ngàn sau./.
——————————————————-