Thứ 5, ngày 03 tháng 10 năm 2024
"Mùa báo hiếu ghi công đức mẹ dưỡng cha sinh, Hội Vu Lan nhớ tinh thần thầy tổ truyền dạy" KÍNH MỪNG ĐẠI LỄ VU LAN BÁO HIẾU 2023

VẤN ĐÁP VỀ MỐI TƯƠNG QUAN CỦA THÂN TRUNG ẤM

VẤN ĐÁP VỀ MỐI TƯƠNG QUAN CỦA THÂN TRUNG ẤM Sách:

VẤN ĐÁP VỀ MỐI TƯƠNG QUAN

CỦA THÂN TRUNG ẤM

HỎI: Người sau khi mất, trong gia đình phải ăn chay niệm Phật trong 49 ngày, tạo các công đức để siêu độ cho người quá cố, việc làm nầy có ý nghĩa gì?

ĐÁP: Người mất nếu thật sự được sanh về Tây phương, những người trong gia đình ăn chay niệm Phật tu tạo công đức lành để siêu độ, có hai ý nghĩa:

Một là tăng thêm phẩm vị hoa sen của họ.

Hai là mỗi người trong gia đình đều được phước vô lượng.

Giả như không được vãng sanh Tây phương, tuy đã chết nhưng vẫn còn chưa quyết định để thọ sanh thì trong thời kỳ này gọi là thân trung ấm. Lúc bấy giờ, gia đình phải niệm Phật hồi hướng, tu tạo các công đức và khơi mở căn lành tịnh độ, khiến họ trong thời kỳ thân trung ấm sanh tín tâm, phát thệ nguyện niệm Phật cầu sanh về Tây phương. Chỉ cần người trong gia đình và đích thân họ có đầy đủ ba tư lương: Tín, nguyện, hạnh thì nhất định được Phật tiếp dẫn vãng sanh về Tây phương.

HỎI: Trung ấm nghĩa là gì?

ĐÁP: Người chết sau khi thần thức đã lìa khỏi xác, tức là khi chưa đi đầu thai, ví như người từ trong gian phòng này đi ra định đến một gian phòng khác mà chưa vào được, còn ở khoảng giữa, đây nghĩa là trung ấm. Người chết biết niệm Phật thì được vãng sanh Tây phương, người làm lành thì được sanh lên cõi trời, người làm ác thì bị đọa xuống địa ngục vô gián, các hạng người này không trải qua thời kỳ thân trung ấm. Thường người không quá ác cũng chẳng làm lành đều phải trải qua thời kỳ thân trung ấm. Thân trung ấm nếu mau thì chỉ trong  khoảng một khảy móng tay liền thác sanh vào sáu đường; chậm thì đến 49 ngày hoặc qua 49 ngày, không nhất định.

HỎI: Người sau khi chết, vì sao không được đi đầu thai liền, lại phải vào thân trung ấm và trải qua 49 ngày?

ĐÁP: Nhân vì người mất từ nhiều kiếp cho đến nay đã tạo ra những nghiệp thiện ác chưa nhất định là nặng hay nhẹ. Đó là do vọng tâm vô minh nghiệp thức, một tâm niệm lành, một tâm niệm ác, sanh rồi diệt, diệt rồi sanh. Nghiệp thiện  ác thường không nhất định. Nếu định  nghiệp lành thì sanh vào cõi lành, tâm lành cũng có bậc thượng  trung  hạ, cho nên mới cảm đến ba con đường lành  Trời, Người, A tu la. Nếu định nghiệp ác thì đầu thai vào cõi ác, tâm ác cũng có  thượng trung hạ, cho nên mới chiêu cảm đến ba đường ác Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sanh.

Chúng ta phải hiểu vì có mối quan hệ như thế, cho nên những người thân trong 49 ngày hẳn phải ăn chay niệm Phật, thay người mất tu tạo các công đức lành khiến cho người mất nương vào các công đức ấy tiêu trừ được tội ác, phước lành thêm lớn, được vãng sanh Tây phương hoặc thác sanh vào cõi trời người. Nếu những người trong gia đình không phát tâm ăn chay niệm Phật và tu tạo các công đức lành, lại gây tạo các ác nghiệp như sát sanh, tà dâm, ăn thịt, uống rượu… như thế túc nghiệp của người mất cho dù là lành đi nữa thì cũng chuyển làm ác nghiệp; nếu túc nghiệp của họ là ác thì ác nghiệp lại chồng thêm ác nghiệp, mà ác nghiệp cộng thêm ác nghiệp thì chính là phẩm ác bậc thượng; người mất nhất định sẽ đọa ngay vào địa ngục chịu khổ mãi mãi.

HỎI: Nếu gặp người có gia cảnh nghèo cùng khốn khổ, trong 49 ngày ăn chay niệm Phật, lại gây tạo các công đức lành thì làm sao có thể duy trì được cuộc sống?

ĐÁP: Muốn tu tạo các công đức, chỉ cần niệm Phật là có công đức rất lớn. Nếu cuộc sống gia đình chật vật khó khăn thì đâu cần phải thỉnh Tăng Ni, tổ chức các pháp hội để siêu tiến… toàn thể gia đình cứ ăn chay niệm Phật thì công đức ấy đã quá lớn rồi. Mỗi ngày phải quy định thời gian niệm Phật.

Sáng sớm, khi niệm Phật xong, liền đến trước linh vị của người mất mà hồi hướng công đức cho họ, sau đó mới ăn cơm sáng.

Buổi trưa, niệm Phật trước hoặc sau khi ăn cơm, nên xem xét có trở ngại gì trong công việc của mình không, rồi mới định thời khóa.

Buổi tối, khi ăn cơm chiều xong thì mới niệm Phật, niệm xong lại ở trước bàn linh mà hồi hướng công đức cho họ. Mỗi ngày niệm Phật ba lần như thế và mỗi lần đều phải hồi hướng.

Ngoài ra, trong lúc làm việc, tâm miệng cũng phải niệm thầm câu Phật hiệu. Phương pháp niệm Phật độ vong như thế đối với kinh tế chẳng những tiết kiệm, lại còn giản tiện, không bị trở ngại trong sinh hoạt, công đức lại càng lớn, gia đình được mát mẻ bình an, mọi người trong gia quyến đều được phước và người mất cũng được lợi ích rất lớn. Đây là phương pháp tốt nhất cho kẻ còn lẫn người mất đều được lợi.

9.4.Hành trang cho ngày cuối
462397
Total Visit : 360709