Thích Thiện Phước
Phong tục dân gian chịu ảnh hưởng rất nhiều về tư tưởng Phật Giáo phát triển, qua quá trình chuyển mình hội nhập nhiều nền văn hóa khác nhau, dân tộc Việt Nam đã định hình tín ngưỡng phương đông, tạo thành sắc thái riêng, đặc biệt là lễ hội cúng rằm tháng giêng.
Rằm tháng giêng, còn gọi là tết nguyên tiêu, lễ thượng nguyên (ngươn), nguyên tịch, tiểu chánh nguyệt, xuân đăng tiết, tết trạng nguyên….
Nguyên tiêu 元宵, chữ nguyên là đầu tiên, thứ nhất. Chữ tiêu 宵 là đêm. Tết nguyên tiêu còn gọi là lễ thượng nguyên, vì còn có lễ trung nguyên – ngày rằm tháng 7, lễ hạ nguyên – ngày rằm tháng 10.
Tục ngữ Việt Nam ta có câu: “Đi chùa quanh năm không bằng rằm tháng giêng”.
Tháng giêng là tháng đầu tiên trong một năm, hoa lá cỏ cây xanh tươi rực rỡ, làn không khí ấm áp của mùa xuân, người dân nghỉ ngơi, đến chùa đình tạ ơn Phật tổ cùng các vị thần. Đó là ý nghĩa của Thiên Quan Tứ Phước.
Rằm thượng nguyên, ngày này người ta làm lành lánh dữ, thiết lễ cầu an đầu năm, nguyện cho gia đình một năm đầy an vui hạnh phúc. Những hình ảnh theo ngày tháng trôi đi lặp lại trên khắp xóm làng đất Việt, nó in vào tâm trí người đến khi lớn lên, dù cho có xa cách phương trời nào đi nữa nhưng không thể nào xóa nhòa đi ký ức của quê hương với hình ảnh ngôi chùa đêm rằm lễ Phật vui tươi thanh bình.
Từ thuở ra đi vắng bóng chùa
Đường đời đã nhọc chuyện hơn thua
Trong tôi bừng dậy niềm chua xót
Xao xuyến mơ về lại cảnh xưa
Thấp thoáng đâu đây cảnh tượng làng
Có con chim đỏ chạy lang thang
Có hàng tre gợi hồn sông núi
Im lặng chùa tôi ngập nắng vàng
Có những cây mai sống trọn đời
Bên hàng tùng bách mãi xanh tươi
Nhìn lên phảng phất hương trầm tỏa
Đức Phật từ bi miệng mỉm cười
Tôi nhớ làm sao những buổi chiều
Lời kinh giải thoát vọng cao siêu
Đây ngôi chùa cổ ngày hai buổi
Cầu nguyện dân làng sống mến yêu
Vì vậy làng tôi sống thái bình
Sớm khuya gần gũi tiếng chuông linh
Sắn khoai gạo bắp nuôi dân xóm
Xây dựng tương lai xứ sở mình
Mỗi tối dân quê đón gió lành
Khắp chùa dào dạt ánh trăng thanh
Tiếng chuông thức tỉnh lan xa mãi
An ủi dân hiền mọi mái tranh
Trầm đốt hương thơm bay ngạt ngào
Thôn trên xóm dưới dạ nao nao
Dân làng tắm gội lên chùa lể
Mười bốn, ba mươi mỗi tối nào.
Biết đến bao giờ trở lại quê
Phân vân lòng gởi nhớ nhung về
Tang thương dù có bao nhiêu nữa
Cũng nguyện cho chùa khỏi tái tê
Chuông vẳng nao nao nhớ lạ lùng
Ra đi ai chẳng nhớ chùa chung
Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông.
(Thích Mãn Giác)
Đối với Phật giáo nguyên thủy, ngày rằm tháng Giêng có hai ý nghĩa chính:
Lễ hội rằm tháng Giêng là ngày đại hội thường lệ của chư Phật. Tuy nhiên, theo lịch sử những vị Phật Chánh giác trong quá khứ thì số lượng chư Tăng, thời kỳ đại hội, địa điểm, có phần khác với đức Phật Thích Ca. Còn những yếu tố căn bản cho kỳ đại hội thì hoàn toàn giống nhau. Dường như đây là truyền thống của chư Phật, hội đủ bốn chi phần là:
Ðại hội thánh tăng này khai mạc đúng vào ngày trăng tròn tháng Giêng âm lịch tại Trúc Lâm Tịnh Xá.
Phật giáo Nguyên thủy tổ chức lễ rằm tháng giêng bằng nhiều hình thức nghi lễ khác nhau: như lễ hội đặt bát đến chư Tăng, lễ thọ giới, lễ quy y, lễ thuyết pháp, lễ thọ đầu đà… nhằm giúp người Phật tử có cơ hội gieo duyên lành trong chánh pháp.
Hệ phái Phật giáo phát triển, vận dụng một cách uyển chuyển, hòa nhập vào tín ngưỡng dân gian, đáp ứng nhu cầu của đồng bào bá tánh, làm cho họ có niềm tin vững vàng trong cuộc sống, đó là tổ chức lễ cầu an, kỳ tiêu tai tăng phước thọ, nhương tinh giải hạn, pháp hội Dược Sư…
Rằm tháng giêng các gia đình thường sắm sửa lễ phẩm cúng dường chư Phật, dâng lên gia tiên. Người Việt theo đạo Phật, đạo Khổng, đạo Lão, tin tưởng rằng ngày ấy chư Phật, chư Thiên giáng lâm để cứu độ chúng sanh. Đây còn là ngày vía Thiên Quan theo quan niệm của đạo Khổng và Lão, nên người ta đến chùa để cúng sao giải hạn để Thiên Quan ban phước lành – Thiên Quan Tứ Phước.
Theo quan niệm của lão giáo, khi ngũ hành luân chuyển sanh khắc mỗi năm là một vì sao ứng hiện vào một tuổi của con người, và những hạn ách là cách thức riêng ứng với sao chiếu mệnh là tốt hay xấu. Vì thế mỗi năm phải cúng sao chủ mệnh để an lành. Và tập tục này cúng từ mồng tám đến ngày rằm tháng giêng, có 9 sao và tám hạn) La Hầu, Thổ Tú, Thủy Diệu, Thái Bạch, Thái Dương, Vân Hớn, Kế Đô, Thái Am, Mộc Đức. Huỳnh Tuyền, Tam Kheo, Ngũ Mộ, Thiên Tinh, Toán Tận, Thiên La, Địa Võng, Diêm Vương.
Mỗi tập tục dân gian, biểu hiện đời sống văn hóa, gắn liền với đời sống khao khát, hướng đến nếp sống hòa bình, an vui hạnh phúc của người Việt.
Nhìn chung, trong dân gian ngày rằm tháng giêng, người ta thường đi chùa ăn chay niệm Phật tụng kinh làm phước lành,… nhằm mong cầu sự bình yên trong gia đình, đồng thời bày tỏ lòng biết ân chân thành đối với ông bà tổ tiên. Đó là chân lý của đạo Phật đã hội nhập vào tập tục của dân gian để hình thành một văn hóa tín ngưỡng riêng biệt “cúng rằm tháng giêng”.
NĂM THÁNG DẦN TRÔI
Thích Thiện Phước
Cuộc đời là một hành trình luôn đưa ta về phía trước, không giậm chân tại chỗ, không lùi lại phía sau, từng bước chân trải dài ấy, luôn mang theo: Ước mơ thách thức, hạnh phúc niềm đau, nụ cười tiếng khóc, thất bại thành công, nhục vinh được mất,… có người đạt được đỉnh cao của sự nghiệp một cách mau chóng dễ dàng khi còn rất trẻ, có người lận đận mãi vẫn không thành, có người thì chưa lên đến đài vinh quang thì nhìn lại đã già, hơi tàn sức kiệt, rồi phải chống chọi chịu đựng với bệnh tật, như chờ đợi đến hồi kết thúc một chuyến đi xa…
Ai cũng có một thời vẫy vùng xông pha nơi chân trời góc biển, rồi cũng có lúc phải thu mình bình lặng chốn quê nhà, vui cùng cỏ nội mây ngàn, đếm từng giọt mưa rơi như dòng thời gian của đời người đang trút xuống… trở về sống cho mình, ngồi cắt móng tay, đếm từng hơi thở, soi gương nhìn mặt mình thật kỹ thật lâu, để thấy những nếp nhăn in đậm nét phong trần, thấy mây bay cuối tận chân trời mà lòng đầy xao xuyến, bỗng quên đi bao ký ức về cuộc đời thành bại nhục vinh, đã là lữ khách trần gian thì cái gì là của họ của ta, đến lúc an lòng nhìn lại buông xuôi muôn duyên để nhẹ lòng cho một chuyến đi về…“cô đơn không hẵn một mình, một mình không hẵn cô đơn”, chim hót, lá rơi, bầu trời đầy sao đêm…chỉ một mình ta nhưng ngập tràn hạnh phúc bao la.
Mờ sáng rừng thiền chưa dọi nắng
Đêm về hoa cỏ cũng lặng yên
Từng tiếng chim kêu bình minh dậy
Sương lờ bóng nguyệt giới hương bay.
Thật ra, đời người mau chóng lắm bạn, tất cả mọi chúng ta đều sẽ có ngày ly biệt và đến điểm dừng, đó là ngày mà mình rời xa thế giới nầy, ly biệt người thân thương, mọi thứ mà ta gắn bó trân quí yêu thích rồi cũng phải buông xuôi, ta không giữ mãi những gì mình có được, mất mát, đổi thay, tàn hoại…vì thế gian là vô thường, có một thứ không bao giờ thay đổi, đó là luôn luôn thay đổi, sống ở đời đôi lúc cũng phải tuỳ duyên, thay đổi chính mình cho phù hợp với thời đại hoàn cảnh, nếu ta không thay đổi thì sẽ bị thay thế và lùi về phía sau.
Nếu biết còn vài ngày, vài giờ, vài phút giây nữa để sống, thì bạn sẽ sống như thế nào, và làm gì cho khoảng thời gian còn lại của mình?… Ai nấy đều có nỗi khổ niềm đau, vì vậy cho dù hoàn cảnh nào, ta phải sống tràn ngập tình thương yêu: Bản thân, mọi người và muôn loài, khi tình thương đủ lớn thì cánh cửa khổ đau cũng dần khép lại, xin cho đi tình thương vô hạn bằng nhiều phương diện ở trong đời.
Lạy Phật mong sao cho con và mọi người mọi loài sống an lành tự tại, như cánh hạc tung bay giữa bầu trời cao rộng thênh thang, như những đám mây nhẹ nhàng phiêu bồng cao vút chốn thiên không, như dòng nước thì thầm len lõi xuyên qua mọi ngóc ngách của vũ trụ bao la, thong dong từng bước chân đi ngang cuộc đời một cách an toàn không vướng mắc, như làn gió thổi qua những cánh đồng hoa cỏ, mang theo hương thơm vi diệu lan tỏa khắp mọi chân trời.
Thời gian của kiếp người là một nguồn tài nguyên có giới hạn, không thể tái chế, mua bán, trao đổi, tiền bạc châu báu mất đi hôm nay, ngày mai có thể tìm được, còn thời gian trôi qua rồi, sẽ không bao giờ trở lại. Món quà vô giá này, tạo hóa đã ban cho chúng ta và muôn loài đồng đều như nhau. Mỗi ngày đêm có 24 giờ đồng hồ, nhưng chúng ta sử dụng vào việc gì, đó là chuyện cá nhân của từng người…
Đời người sống vài mươi năm, thật quá ngắn ngủi so với vòng luân hồi vô tận. Mỗi một hành nghiệp của chúng ta, dù tốt hay xấu, đều ẩn tàng lý nhân quả ở đó. Vì vậy, khi được làm thân người, bạn hãy tận dụng cơ hội hiếm có nầy, cố gắng sống nhân từ, đạo đức, chân chánh, trung nghĩa, thanh cao, liêm khiết,… trải lòng yêu thương giúp đỡ mọi người.
Cuộc đời, vốn dĩ có nhiều sự bất an đau khổ, ta nên sống sao cho có ý nghĩa, mang lại niềm vui cho mình và người. Ngày ngày tu nhân tích đức, sớm sớm tinh tấn công phu, cầu mong cho mọi người hết khổ, sống đời an vui hạnh phúc trong cõi phù du mộng ảo nầy.
Tuy nhiên, cuộc đời thật tươi đẹp cho những ai sống chân thật với nó: Và vẫn còn đâu đó những khoảng trời bình yên vô hạn, những đàn cò trắng bay lượn xa xa trên cánh đồng lúa bất tận giữa buổi chiều thu nhạt nắng, những khu rừng nguyên sinh xanh thẳm bao la, những dòng sông tĩnh lặng uốn khúc êm đềm, những chú ong dễ thương chăm chỉ hút mật, những đàn bướm bay chập chờn trong vườn hoa cỏ dại khi bình minh về còn đượm thấm sương đêm….thành trụ hoại không – thế gian vô thường, sanh già bệnh chết – thân người giả tạm, xuân hạ thu đông – năm tháng dần trôi, lá rụng về cội nước chảy ra khơi, an nhiên cho một chuyến đi về,…
Thong dong ở mọi phương trời
Mây bay gió thổi mong đời an yên.
Gót chân thoát tục tuỳ duyên
Lối về hoa cỏ thiên nhiên thanh nhàn.
Nha Mân, 03/2023.
Kinh Vu Lan – Thích Thiện Phước.