Tỳ kheo (khưu): Tiếng Phạn gọi là Tỳ kheo.(Bali:Bhikkhu,Phạn:Bhikṣu), đời Tần dịch là Khất sĩ, nghĩa là trên xin giáo pháp của Phật để nuôi lớn tuệ mạng, dưới xin cơm của thí chủ để giúp ích sắc thân.
Triệu Pháp Sư nói: “Nhân quả có ba tên gọi:
1/ Bố ma tức là nguyên nhân, vì lúc xuất gia cung điện của Ma vương chấn động, đến khi chứng quả thì gọi là Sát Tặc (có người nói rằng xuất gia là đầy đủ chánh tín, chánh nhơn, phát tâm dõng mãnh, cầu thành Phật quả đại giác ngộ, thề độ tất cả chúng sanh). Người tâm chơn thật rộng lớn thì mới hay làm chấn động cung điện của Ma vậy.
2/ Nguyên nhân gọi là khất sĩ, đến khi chứng quả gọi là ứng cúng.
3/ Nguyên nhân gọi là phá ác – trì giới gọi là phá ác, đến khi chứng quả thì gọi là vô sanh.
Kinh Niết Bàn chép: “Phá được phiền não cho nên gọi là Tỳ kheo. Phá vọng tưởng về cái ta…”.
Tu giới định tuệ, vượt qua ba cõi bốn dòng, ở trong đạo vô úy cho nên gọi là Tỳ kheo.
Kinh Đại Trang Nghiêm chép: “Phá tan và dọn sạch kho vô minh, gọi là Tỳ kheo”.
Luận Du Già chép: “Tỳ kheo tức là xả bỏ phép nhà, để đến chỗ không nhà… Đầy đủ biệt giải thoát luật nghi, chúng đồng phần (*), tự tánh ấy ở nơi các hình sắc, chuyên cần tinh tấn. Bố úy các nẻo ác, vì tự phòng giữ, vì nhiếp trì khiến cho không bị tổn hoại, cho nên mới gọi là Tỳ kheo”.
Trong Luận Tỳ Bà Sa có bài kệ rằng:
“Tay chân chớ dối phạm.
Lựa lời thuận việc làm.
Thường vui giữ định ý.
Đó gọi chơn Tỳ kheo”
Kinh Tạp A Hàm có bài kệ rằng:
“Sở dĩ gọi Tỳ kheo.
Thường vui đi khất thực.
Thọ trì pháp tại gia.
Sao gọi là Tỳ kheo.
Lìa bỏ lỗi lầm ác.
Tu công đức chánh hạnh.
Tâm ấy không hổ thẹn.
Đó gọi là Tỳ kheo”
Trong Đại Oai Đức Đà La Ni chép: “Có một vị Trưởng giả, tên là Tuyển Trạch, theo Phật xuất gia, cạo tóc rồi. Bấy giờ có Tôn giả Sa Nan Đà, vẫn gọi là Trưởng giả Tuyển Trạch. Trưởng giả trả lời rằng: “Tôi bây giờ đã cạo tóc xuất gia làm Tỳ kheo, chứ chẳng phải là Trưởng giả ngày xưa vậy”. Khi ấy Sa Nan Đà nói: Không chỉ cạo tóc xong mà gọi là Tỳ kheo. Bèn dùng bài kệ nói rằng:
Nếu dứt bỏ dục vọng.
Lại đoạn sạch các lậu.
Các pháp không mong cầu.
Không thể nói hữu pháp.
Tùy thuận đến Niết Bàn.
Tùy thuận nẻo chán lìa.
Tin sâu đến bờ kia.
Đây thật là Tỳ kheo”
Chú thích:
(*) Chúng đồng phần: Nghĩa là các loài hữu tình đều đồng đẳng trên các nghiệp báo.
Có bốn hạng Tỳ kheo:
1/ Tỳ kheo rốt ráo đạt được đạo quả: Nghĩa là A La Hán.
2/ Tỳ kheo hiển bày được đạo: Nghĩa là chứng tam quả Thánh nhơn.
3/ Tỳ kheo thọ nhận đạo pháp: Nghĩa là chứng sơ quả hướng.
4/ Tỳ kheo làm dơ đạo: Nghĩa là người phàm phu phá giới.
Hỏi: Tỳ kheo làm dơ đạo có thể làm ruộng phước không?
Đáp: Đại Bà Sa Luận chép: “Tỳ kheo làm dơ đạo, tuy phá giới nhưng không phá kiến, tuy phá gia hành (**) mà không phá ý lạc. Tin có nhân quả, như thế vẫn còn có chánh kiến ý lạc, còn 96 thứ ngoại đạo thì không. Nếu người thí chủ đối với vị ấy khởi tâm chánh tín, không sanh lòng chê bai thì tự sanh phước lớn vậy”.
Chú thích:
(**) Gia hành: Tức là đem tâm tự lợi lợi tha, dõng mãnh tu hành không thoái chuyển, cho nên gọi là gia hành.
◊-◊———————————————————◊-◊
NĂM THÁNG DẦN TRÔI
Thích Thiện Phước
Cuộc đời là một hành trình luôn đưa ta về phía trước, không giậm chân tại chỗ, không lùi lại phía sau, từng bước chân trải dài ấy, luôn mang theo: Ước mơ thách thức, hạnh phúc niềm đau, nụ cười tiếng khóc, thất bại thành công, nhục vinh được mất,… có người đạt được đỉnh cao của sự nghiệp một cách mau chóng dễ dàng khi còn rất trẻ, có người lận đận mãi vẫn không thành, có người thì chưa lên đến đài vinh quang thì nhìn lại đã già, hơi tàn sức kiệt, rồi phải chống chọi chịu đựng với bệnh tật, như chờ đợi đến hồi kết thúc một chuyến đi xa…
Ai cũng có một thời vẫy vùng xông pha nơi chân trời góc biển, rồi cũng có lúc phải thu mình bình lặng chốn quê nhà, vui cùng cỏ nội mây ngàn, đếm từng giọt mưa rơi như dòng thời gian của đời người đang trút xuống… trở về sống cho mình, ngồi cắt móng tay, đếm từng hơi thở, soi gương nhìn mặt mình thật kỹ thật lâu, để thấy những nếp nhăn in đậm nét phong trần, thấy mây bay cuối tận chân trời mà lòng đầy xao xuyến, bỗng quên đi bao ký ức về cuộc đời thành bại nhục vinh, đã là lữ khách trần gian thì cái gì là của họ của ta, đến lúc an lòng nhìn lại buông xuôi muôn duyên để nhẹ lòng cho một chuyến đi về…“cô đơn không hẵn một mình, một mình không hẵn cô đơn”, chim hót, lá rơi, bầu trời đầy sao đêm…chỉ một mình ta nhưng ngập tràn hạnh phúc bao la.
Mờ sáng rừng thiền chưa dọi nắng
Đêm về hoa cỏ cũng lặng yên
Từng tiếng chim kêu bình minh dậy
Sương lờ bóng nguyệt giới hương bay.
Thật ra, đời người mau chóng lắm bạn, tất cả mọi chúng ta đều sẽ có ngày ly biệt và đến điểm dừng, đó là ngày mà mình rời xa thế giới nầy, ly biệt người thân thương, mọi thứ mà ta gắn bó trân quí yêu thích rồi cũng phải buông xuôi, ta không giữ mãi những gì mình có được, mất mát, đổi thay, tàn hoại…vì thế gian là vô thường, có một thứ không bao giờ thay đổi, đó là luôn luôn thay đổi, sống ở đời đôi lúc cũng phải tuỳ duyên, thay đổi chính mình cho phù hợp với thời đại hoàn cảnh, nếu ta không thay đổi thì sẽ bị thay thế và lùi về phía sau.
Nếu biết còn vài ngày, vài giờ, vài phút giây nữa để sống, thì bạn sẽ sống như thế nào, và làm gì cho khoảng thời gian còn lại của mình?… Ai nấy đều có nỗi khổ niềm đau, vì vậy cho dù hoàn cảnh nào, ta phải sống tràn ngập tình thương yêu: Bản thân, mọi người và muôn loài, khi tình thương đủ lớn thì cánh cửa khổ đau cũng dần khép lại, xin cho đi tình thương vô hạn bằng nhiều phương diện ở trong đời.
Lạy Phật mong sao cho con và mọi người mọi loài sống an lành tự tại, như cánh hạc tung bay giữa bầu trời cao rộng thênh thang, như những đám mây nhẹ nhàng phiêu bồng cao vút chốn thiên không, như dòng nước thì thầm len lõi xuyên qua mọi ngóc ngách của vũ trụ bao la, thong dong từng bước chân đi ngang cuộc đời một cách an toàn không vướng mắc, như làn gió thổi qua những cánh đồng hoa cỏ, mang theo hương thơm vi diệu lan tỏa khắp mọi chân trời.
Thời gian của kiếp người là một nguồn tài nguyên có giới hạn, không thể tái chế, mua bán, trao đổi, tiền bạc châu báu mất đi hôm nay, ngày mai có thể tìm được, còn thời gian trôi qua rồi, sẽ không bao giờ trở lại. Món quà vô giá này, tạo hóa đã ban cho chúng ta và muôn loài đồng đều như nhau. Mỗi ngày đêm có 24 giờ đồng hồ, nhưng chúng ta sử dụng vào việc gì, đó là chuyện cá nhân của từng người…
Đời người sống vài mươi năm, thật quá ngắn ngủi so với vòng luân hồi vô tận. Mỗi một hành nghiệp của chúng ta, dù tốt hay xấu, đều ẩn tàng lý nhân quả ở đó. Vì vậy, khi được làm thân người, bạn hãy tận dụng cơ hội hiếm có nầy, cố gắng sống nhân từ, đạo đức, chân chánh, trung nghĩa, thanh cao, liêm khiết,… trải lòng yêu thương giúp đỡ mọi người.
Cuộc đời, vốn dĩ có nhiều sự bất an đau khổ, ta nên sống sao cho có ý nghĩa, mang lại niềm vui cho mình và người. Ngày ngày tu nhân tích đức, sớm sớm tinh tấn công phu, cầu mong cho mọi người hết khổ, sống đời an vui hạnh phúc trong cõi phù du mộng ảo nầy.
Tuy nhiên, cuộc đời thật tươi đẹp cho những ai sống chân thật với nó: Và vẫn còn đâu đó những khoảng trời bình yên vô hạn, những đàn cò trắng bay lượn xa xa trên cánh đồng lúa bất tận giữa buổi chiều thu nhạt nắng, những khu rừng nguyên sinh xanh thẳm bao la, những dòng sông tĩnh lặng uốn khúc êm đềm, những chú ong dễ thương chăm chỉ hút mật, những đàn bướm bay chập chờn trong vườn hoa cỏ dại khi bình minh về còn đượm thấm sương đêm….thành trụ hoại không – thế gian vô thường, sanh già bệnh chết – thân người giả tạm, xuân hạ thu đông – năm tháng dần trôi, lá rụng về cội nước chảy ra khơi, an nhiên cho một chuyến đi về,…
Thong dong ở mọi phương trời
Mây bay gió thổi mong đời an yên.
Gót chân thoát tục tuỳ duyên
Lối về hoa cỏ thiên nhiên thanh nhàn.
Nha Mân, 03/2023.
Kinh Vu Lan – Thích Thiện Phước.