Thứ 5, ngày 18 tháng 4 năm 2024
"Mùa báo hiếu ghi công đức mẹ dưỡng cha sinh, Hội Vu Lan nhớ tinh thần thầy tổ truyền dạy" KÍNH MỪNG ĐẠI LỄ VU LAN BÁO HIẾU 2023

Kim Quy Sơn – Tổ Đình Hội Phước.

Kim Quy Sơn – Tổ Đình Hội Phước. Sách:

kQS

Khai sơn Hội Phước đường Thượng, tự Lâm Tế Chánh Tông tam thập thất thế, húy Liễu Ngọc thượng Phổ hạ Minh đại lão Hòa thượng Giác linh Nghê tọa.

– Tổ đình Hội Phước tọa lạc tại Thôn Phú Nhuận, Tổng An Mỹ, Hạt Sa Đéc. Nay thuộc Xã Tân Nhuận Đông, Huyện Châu Thành, Tỉnh Đồng Tháp, dựng trên gò Kim Qui, tọa Đông hướng Tây, có long mạch ôm trọn khuôn viên đại giới Tăng già lam.

Chùa có từ năm 1842 đời vua Thiệu Trị, do Tổ sư Liễu Ngọc phụng mệnh lão Tổ Tế Giác Quảng Châu (Tiên Giác Hải Tịnh) ở Tổ Đình Giác Lâm – Sài Gòn, qua lời thỉnh cầu của Sư cô Như Định, Ngài về khai sơn và xây dựng từ năm 1848 đến 1892 mới hoàn thành các công trình như: Chánh Điện, Tổ Đường, Đông Đường, Tây Đường, Giảng Đường, Tiền Đường.

Đây là một trong những ngôi chùa tại lưu vực đồng bằng sông Cửu Long miền Tây Nam bộ. Là nơi đào tạo và xuất thân của nhiều vị cao Tăng trong thời chấn hưng Phật giáo, cũng là chỗ trú ẩn an toàn của dân chúng trong thời Pháp thuộc. Đến nay, trải qua gần 2 thế kỷ và nhiều đời Trụ trì kế nhiệm.

Với tâm nguyện giữ gìn chốn Tổ của cố Hòa thượng Bổn sư thượng Nhật hạ Thiện lúc sanh tiền, cũng như đáp ứng nhu cầu tu học của chư Tăng và đồng bào Phật tử tại địa phương, nên thầy trụ trì Thích Lệ Trang đã khởi công trùng kiến vào ngày 21- 02 – 2011 hoàn thiện hạng mục cuối cùng vào ngày 18 – 01- 2014.

Lần trùng kiến nầy phục dựng lại các công trình như: Đường dẫn vào chùa, Sơn Môn, Tiền Đường, Chánh Điện, Giảng Đường, Tổ Đường, Pháp Đường, Đông Đường, Tây Đường, Ngũ Quán Đường, Khố Phòng, Dục Thất và những hạng mục phụ khác.

Đây là một công trình kiến trúc theo phong cách triều Nguyễn, do nghệ nhân Nguyễn Văn Cư phụ trách phần gỗ, kỹ sư Nguyễn Kim Hải phụ trách nền móng kết cấu bê tông cùng các đạo hữu đốc công: Ngọc Thâm, Thiện Hào, Hoàng Sơn, giám sát công trình, với sự trợ duyên của đồng bào Phật tử và thập phương tín chủ gần xa.

Tổng diện tích xây dựng là 5.500m2, với lối kiến trúc cổ kính nội công, ngoại quốc (trong hình như chữ công工ngoài như chữ quốc 囗), đây là một trong bốn lối kiến trúc chùa tháp đặc trưng của Việt Nam, màu sắc hài hòa, gần gũi, làm cho lòng người cũng trở nên nhẹ nhàng thanh thoát, sẳn sàng mở trãi tấm lòng để đón nhận niềm an vui giải thoát của Đạo Phật khi vào chốn thiền cư.

“Nhất trần bất đáo thiền cư địa

Vạn thiện đồng qui giải thoát thiên”

Đất thiền cư mải trần không vướng bận;

Trời thong dong muôn thiện hãy quay về.

(Câu đối hai bên mặt ngoài Sơn Môn)

Sau khi rời khỏi cầu chùa 500m, tại km 0+815 tiếp giáp với tỉnh lộ 854, là ngã rẽ trái là đường vào chùa, với tổng chiều dài gần 373.36m trên bề mặt diện tích 2.841,2m2.

Lối vào uốn khúc quanh co, hai hàng cau lưa thưa ngã bóng bên các thửa ruộng hoang sơ. Sơn môn soi mình bên con rạch chùa, lung linh cùng hoa nước.

Quan đối thanh khê trừng tánh thủy;

Môn tùng trực đạo thính tâm kinh.

Cửa cạnh dòng trong in tánh nước

Ngõ vào thẳng lối khách nghe kinh.

(Câu đối bên cạnh mặt trong Sơn Môn)

* SƠN MÔN

Với đường nét hoa văn tỉ mĩ trạm trổ công phu, một cổng chính và hai cổng phụ. Trên Cổ lầu của cổng chính tôn trí Phật Mẫu Chuẩn Đề uy nghiêm 18 tay, cầm những món pháp khí khác nhau, tiêu biểu cho việc độ sanh trong nhà Phật có mở ra nhiều môn phương tiện.

* BÁI ĐƯỜNG

Từ dưới sân chùa, lớp kiến trúc đầu tiên của ngôi chùa là Bái Đường hay còn gọi là Tiền Đường, nhà Thiêu Hương, nơi đây ở giữa tôn trí Phật Di Lặc, hai bên chuông trống là điện thờ Già Lam thần, Hộ Pháp Chư Thiên, Diện Nhiên Đại sĩ, tòa nhà nầy có chiều dài 24m, 5 gian 2 chái.

* CHÁNH ĐIỆN

Nếu như ở Bái Đường thông thoáng, không gian trống trải để tiếp nhận dương quang từ bên ngoài soi vào, thì bên trong lớp cửa bàn khoan đó là chánh điện, ánh sáng dịu mờ làm tăng thêm vẽ uy nghiêm, hiện rõ nét đại hùng của Phật tượng như ẩn hiện giữa không gian u tịch qua ánh đèn phản chiếu, làm cho con người phải khép nép khiêm cung, quên đi cái tự ngã để hướng về nẽo chơn như bất diệt của đạo Phật.

 

Về cấu trúc tòa nhà nầy có 5 gian, hai chái, cổ lầu nhô cao sừng sững, như biểu hiện nét uy hùng của Phật pháp. Đây cũng là nét đặc trưng tiêu biểu cho âm dương theo lối kiến trúc truyền thống cổ đại Việt Nam.

Trong Tự Viện Phật giáo, Đại Hùng Bảo Điện là Chánh Điện, có khi gọi tắt là Đại Điện, Kim Đường, Bổn Đường. Đại Hùng Bảo Điện là tòa kiến trúc trọng tâm trong Tự Viện Phật giáo, chính là nơi để Tăng chúng, tín đồ thập phương lễ bái tu hành.

 

Đại hùng là đức hiệu của Phật. Chữ Đại là bao hàm cả vạn hữu, chữ hùng là nhiếp phục tất cả ma quân, nhân vì Phật Thích Ca có đầy đủ trí huệ tròn đầy, có đức uy hùng làm chấn động tâm phàm phu của chúng sanh ở khắp đại thiên, khiến cho bừng khai tánh giác, nhân thế mà trong đời tôn xưng Phật là bậc đại hùng. Còn chữ Bảo trong từ Bảo Điện là chỉ cho Phật Pháp Tăng Tam Bảo. Tại đây tôn phụng ba thân Phật được điêu khắc bằng ba khối Hải Nam Hoàng Hoa Lê Mộc có trên 2000 năm tuổi.

Nếu ở trước Đức Phật, ta đang say sưa cung kính thổ lộ nỗi lòng của mình bởi gương mặt từ bi hiền lành, thường ban sự vô úy, dễ gần gũi và dễ cảm mến của Ngài, thì chắc ta không khỏi sửng sốt giật mình khi nhìn sang những pho tượng “La Hán” ở hai bên Phật Điện. Có Ngài thì tỏ ra oai phong lẫm liệt, có Ngài thì tĩnh tọa điềm nhiên… nhưng điều đáng chú ý nhất là nghệ thuật tạo hồn đã khiến cho các pho tượng toát ra vẻ sống động.

Có thể nói là tác phẩm mỹ thuật tự nhiên được hình thành từ những rể cây Bách, qua bàn tay tài hoa của người điêu khắc, với sức tưởng tượng mang phong thái thiền vị, nói lên tính triết lý nhân sinh quan đa dạng nhiều môn, qua cái nhìn của Phật giáo được cách điệu trong tác phẩm nầy. A La Hán là quả vị thứ tư trong bốn quả Thanh Văn, chứng được quả nầy thì không còn sanh tử nữa.

Hai bên La Hán Đường là tôn trí tượng Đại Phạm Thiên Vương, và Thập Điện Diêm Vương. Lối thờ tự nầy mang tính giáo dục sâu sắc, nhân nào quả nấy, thiện ác phân minh, tất cả nhằm định hướng cho nhân sanh sống đời thuần thiện để tiến đến con đường an vui giải thoát của đạo Phật.

Gian phía sau vách điện Phật là khám thờ Bồ Tát Địa Tạng, cỡi trên con Đề Thính. Hai bên là thờ các hương linh ký tự, cách bố trí nầy cũng nhằm nhắn nhũ tất cả phải có lòng hiếu kính hoài niệm báo ân.

* GIẢNG ĐƯỜNG

 

Theo bố cục hệ thống kiến trúc Tòng Lâm thời xưa thì phía sau chánh điện là Giảng Đường. Tại đây giảng đường hình vuông, hai bên là sân thiên tỉnh, thông thoáng 4 mặt, không có cửa, tia nắng có thể soi ngang bên thềm, trên cổ lầu có chạm khắc hình bảo châu như ý lung linh sắc vàng trong nắng sớm, lấp lánh dưới trăng khuya.

Đứng từ Giảng Đường nầy sẽ thấy Đông Đường và Tây Đường, hai bên đối xứng nhau, trực diện là Khai Sơn Đường.

* TÂY ĐƯỜNG và ĐÔNG ĐƯỜNG

Đường diện tích 29 x 10m2 chia thành 7 gian, 1/3 mặt trong là Tăng phòng. Đây cũng là phòng khách của chùa. Gian giữa tôn thờ Bồ Tát Văn Thù.

Song song đối diện với Tây Đường là Đông Đường, về diện tích, kết cấu kiến trúc y như Tây Đường. Tại đây tôn trí Bồ Tát Quán Tự Tại.

* KHAI SƠN ĐƯỜNG

Còn gọi là Ảnh Đường, Tổ Đường, Tiên Giác Đường, chỉ cho tòa nhà dùng để thờ di ảnh, Long vị của Tông Tổ Khai Sơn cùng chư Tổ truyền thừa nhiều đời. Tại đây cũng có Long vị thờ chung các vị Tổ từ Tây Thiên Đông Độ cho đến Việt Nam thuộc dòng thiền Lâm Tế.

* PHÁP ĐƯỜNG VÀ PHƯƠNG TRƯỢNG

Phía sau hoa viên nhỏ của Nhà Tổ là khu vực Phương Trượng và Pháp Đường, không gian thông thoáng tạo thành một tòa kiến trúc riêng biệt trong hệ thống Tự Viện thời cổ đại, tại đây cũng là nơi tàng trữ Pháp Tạng và những di vật của nhiều đời Tổ Sư.

 

Về mô hình kiến trúc tại đây, dưới Pháp Đường và phía sau Tổ Đường là khu vực Phương Trượng, nơi đây có bố trí những căn phòng nhỏ để tiếp đón cung hầu các bậc Trưởng lão quang lâm.

* GÁC CHUÔNG

Tự bao đời tiếng chuông chùa đã trở thành điểm tựa tâm linh của con người, âm hưởng tiếng chuông lúc nào cũng hòa nhịp theo dòng chảy của thời gian vô cùng, lắng đọng trong không gian vô tận, gắn liền với cuộc sống đời thường.

Tiếng chuông trầm bổng du dương nhẹ nhàng êm ái, lúc nào cũng ngân nga như thức tỉnh ta trở về với thự tại. Vì thế chuông là một trong những pháp khí quan trọng không thể thiếu trong Phật giáo.

Từ cửa Đông Đường nhìn ra là Gác chuông, cao 20m trên đỉnh điêu khắc hình Linh Xử, có tứ Thiên Vương đứng trên Kim Cang tòa bốn gốc trấn giữ, phong thái nầy là biểu tượng cho đại trí hoằng pháp và đại lực hàng ma.

Tầng trệt của Gác chuông thờ Bồ tát Địa Tạng Vương, trên gác được treo đại chung, thân chuông phân bố chú Phật đảnh Tôn Thắng.

* QUAN ÂM LỘ THIÊN

Phía Tây Bắc của khuôn viên chùa có hồ Tịnh Tâm những hoa sen tươi thắm tỏa hương ngào ngạt trong ánh nắng ban mai, tạo nên nét phong thủy hữu tình và nơi đây được tôn trí tượng Quán Âm lộ thiên, đứng trên ngọn giả sơn hình Kim Qui, dòng suối rì rào hòa cùng tiếng chim kêu trong nắng, làm cho thiên nhiên trở nên sinh động hơn.

Cũng tại khuôn viên nầy, chúng ta nhìn thấy rất rõ vườn tháp của Chư vị Tổ sư.

* VƯỜN THÁP TỔ

Lối vào Tháp được lót những tán đá cổ – chính là di vật chứng minh hiện thực nhất về công đức của Tổ sư trong thời kỳ đầu khai sơn phá thạch. Hai bên hoa cỏ đơn sơ, suối nước róc rách, hình thanh long uốn lượn có vẻ đang hút nước để nhả thành dòng thác đổ vào hồ Tịnh Tâm, như những giọt nước từ bi trong mát trên tay của Bồ Tát Quán Âm để tưới vào những tâm hồn đang nóng bức khổ đau.

 

Khi bước qua Niết Bàn Môn xinh xắn nghiêng bóng trong nước là khuôn viên Tháp mộ chư vị Tổ sư, những ngôi tháp cổ kính ẩn tàng di thể của quí Ngài, nói lên dấu ấn độ sanh, hoằng truyền chánh pháp, khai sơn tạo tự, gìn giữ Tông phong cho đến khi Ta Bà báo mãn. Công đức cao vời lưu hậu thế, ảnh hiện dưới mây trời, hiên ngang cùng năm tháng.

Niết Bàn Môn

Cũng từ góc độ nầy nhìn từ xa ta có thể nhận ra HƯƠNG TÍCH TRÙ ẩn hiện trong tàng cây, tại đây thờ Đức Giám Trai Sứ giả.

* Đây là một ngôi chùa tuy mới trùng kiến, nhưng vẫn giữ theo nét cổ điển, theo lối kiến trúc nhà rường Việt Nam, tất cả đều làm bằng gỗ kiền kiền, mái ngói chồng diêm, kèo, cột cái, cột quân, cột hiên, trính xuyên, xà ngang dọc, hàng hai, hàng ba, đều liên kết bằng mộng đuôi cá, chạm khắc tỉ mỉ.

Nóc được lợp bằng ngói âm dương đỏ, trên các con lương ngang phân bố Lục Tự chơn ngôn, Tỳ Lô Quang Minh chú bằng chữ Phạn, mái đao có rồng chầu. Phong thái kiến trúc mỗi tòa nhà đều khác, những khung liên ba được phân bố xung quanh các vách ngăn và trên bao lam thành vọng.

Về sinh hoạt tu tập, Tăng chúng ở đây chuyên học nội điển thuộc hệ Hán Tạng, thực hành nghi lễ truyền thống của Thiền gia, đạo tràng tiếp nhận những ai có lý tưởng giải thoát, chịu khép mình vào qui củ, sống trong tinh thần biết đủ, tự giác.

 

Nhìn chung, chính sự hài hòa giữa phong cách kiến trúc và màu sắc thiền vị làm cho tâm linh con người trở nên trầm tĩnh. Ta còn được thấy, những pháp vật, pháp khí, phong cách thờ cúng uy nghiêm, toát ra vẻ hài hòa, về nghệ thuật thẩm mỹ của một ngôi chùa ở miền quê Nam Bộ.

Tuy cổ kính nhưng không quá cũ kỹ, tuy cách tân nhưng vẫn giữ được hồn dân tộc; tuy đường nét khắc họa công phu nhưng không đến nỗi cầu kỳ.

Đây chốn thôn quê miền Tây Nam Bộ, bốn bề sông nước mênh mông, gió sớm cuối Đông mang theo mùi cỏ dại, ánh trăng thượng tuần nhạt bóng sương pha. Con nước Cửu Long Giang mang đầy phù sa bồi đắp, những cánh đồng lúa xanh bất tận, những dòng chảy uốn khúc êm đềm, những con thuyền xuôi dòng về bến đổ… Nét nhân hậu hiền hòa của người dân bản xứ thấm nhuần Phật Pháp tự bao đời, âu cũng nhờ công đức của Chư Tổ ươm mầm giải thoát, tạo dựng Tòng Lâm xiển dương chánh pháp.

Giữa cảnh vật u tịch, chuông chùa nhẹ ngân, làn khói hương lan tỏa quyện mờ, lời kinh thánh thót du dương, làm cho tâm hồn con người trở nên nhẹ nhàng thanh thản, xua tan bao nỗi phiền muộn đời thường trở về với thực tại sâu xa.

Mờ sáng rừng thiền chưa dọi nắng

Đêm về xóm vắng cũng lặng yên

Từng tiếng chim kêu bình minh dậy

Sương lờ bóng nguyệt giới hương bay.

————————————————

* NHỮNG HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ TẠI CHÙA TRONG NĂM (NGÀY ÂM LỊCH):

– Ngày mùng 1 tháng Giêng: Lễ Thánh đản Bồ tát Di Lặc.

– Ngày 15 tháng Giêng :Lễ hội Nguyên Tiêu, kỳ an đầu năm.

– Ngày mùng 8 tháng 2 : Lễ Phật Thích Ca xuất gia.

– Ngày 15 tháng 2 : Lễ Phật Thích Ca Niết Bàn.

– Ngày 19 tháng 2 : Lễ Thánh đản Bồ tát Quán Âm.

– Ngày mùng 2, 3 tháng 3 : Lễ Húy kỵ Tổ sư khai sơn và Hiệp kỵ Chư vị Tổ sư.

– Ngày mùng 8 tháng 3 : Lễ húy kỵ Hòa thượng Chánh Hảo.

– Ngày 15 tháng 4 : Lễ Tắm Phật Thích Ca Mâu Ni.

– Ngày 19 tháng 6 : Lễ Bồ Tát Quán Âm thành đạo.

– Ngày 15 tháng 7 : Lễ Vu Lan Báo hiếu.

– Ngày 30 (29) tháng 7 : Lễ Thánh đản Bồ tát Địa Tạng, Pháp hội siêu tiến các hương linh ký tự.

– Ngày 15 tháng 8 : Tết trung thu cho các em thiếu nhi.

– Ngày mùng 8 tháng 9 : Lễ kỵ Hòa thượng Nhật Thiện Chùa Định Thành.

– Ngày 19 tháng 9 : Lễ Bồ tát Quán Âm xuất gia.

– Ngày 30 tháng 9 : Lễ Thánh đản Phật Dược Sư.

– Ngày 15 tháng 10 : Lễ Hạ Nguyên.

– Ngày 15 tháng 10 : Lễ kỵ Hòa thượng Hồng Hưng.

– Ngày 17 tháng 11 : Lễ Thánh đản Phật A Di Đà.

– Ngày 21 tháng 12 : Lễ tảo Tháp và Tống thánh.

* Mỗi nửa tháng Sám hối thuyết giới, Thí thực.

—————————————————————-

* SINH HOẠT HẰNG NGÀY:

– Khuya 3h 45’ Thức chúng, Thỉnh chuông, Thiền tọa, Công phu sáng.

– 6 giờ Điểm tâm.

– 7 giờ Chấp tác.

– 8 giờ Lên lớp.

– 10 giờ 30 Cúng Phật.

– 11 giờ Thọ trai.

– 12 giờ Chỉ tịnh.

– 13 giờ 30’ Thức chúng.

– 14 giờ Trùng tuyên.

– 15 giờ Lao động tập thể.

– 17 giờ Dược thạch.

– 18 giờ Thỉnh chuông.

– 18 giờ 30’ Tịnh độ – Thí thực.

– 9 giờ 30’ An tức.

———————————————————————

* CHỦ NHẬT HẰNG TUẦN:

– 8h -> 9h30 : Chương trình sinh hoạt Phật Học Đức Dục dành cho Thanh thiếu niên học sinh.

– 18h -> 19h30 : Chương trình Phật Pháp Ứng Dụng.

Nha Mân Tháng 12 – Quí Tỵ

Thích Thiện Phước biên soạn.

————————————————————

1.1.Kim Quy Sơn - Tổ Đình Hội Phước
389850
Total Visit : 288162