Thứ 6, ngày 19 tháng 4 năm 2024
"Mùa báo hiếu ghi công đức mẹ dưỡng cha sinh, Hội Vu Lan nhớ tinh thần thầy tổ truyền dạy" KÍNH MỪNG ĐẠI LỄ VU LAN BÁO HIẾU 2023

Quải dép về Tây.

Quai depThích Thiện Phước

 

To Dat Ma

       Trong các Thiền Lâm, trên bàn Tổ ta thường thấy hình tượng Tổ Sư Bồ Đề Đạt Ma quải một chiếc dép, mặt như ngoái nhìn lại phía sau và có khi thấy quải cái túi đứng trên cành lau giữa biển nước mênh mông, biểu tượng nầy hàm ẩn Thiền lý sâu sắc về việc du hóa của những bậc xuất sĩ đã dấn thân vào đời, hi sinh tất cả vì chí nguyện tiếp độ chúng sanh.

       Do vậy, ngày nay khi có các bậc cao Tăng trong tòng lâm viên tịch, ta thường thấy câu biểu ngữ:

“Dép cỏ (1) lối về còn hiển hiện

Hoa đàm tuy rụng vẫn dư hương”

       Khi việc làm đã xong, thân ngũ uẩn theo luật vô thường để trở về cát bụi, nhưng công hạnh vẫn còn in đậm trên trang thiền sử, ảnh hiện trong lòng nhân thế. Cho dù đóa hoa Đàm có héo tàn, nhưng mùi hương vẫn thơm lừng theo ngược dòng chảy của thời gian, đó là hương giới đức.

       Câu “Quải Dép Về Tây” hoặc “Đạt Ma Mất Dép“, đó chính là nói về Tổ Đạt Ma. Ngài cũng là Tổ sư phái võ Thiếu Lâm, cũng  là vị Tổ đầu tiên trong thiền tông Trung Hoa, ngài vượt đại dương đến đất Quảng Châu, ngày 21 tháng 9 năm Canh Tý, đời vua Lương Võ Đế, vào năm thứ nhất niên hiệu Phổ Thông, tức năm 520 Tr CN.

Hinh To Dat Ma

       Chuyến hoằng pháp phương xa nầy, Ngài đã chuẩn bị khá lâu, và cũng trải qua nhiều gay go thử thách, qua lời huyền ký của tổ Bát Nhã Đa La: “Tổ Đạt Ma bèn bạch Tôn giả Bát Nhã Đa La rằng: “Con đã đắc pháp rồi nên đến nước nào làm Phật sự, xin Thầy thương mà chỉ dạy”.

         Tôn Giả nói: “Ngươi tuy đắc pháp, nhưng chưa thể đi xa, hãy tạm nán lại Nam Thiên Trúc đợi ta thị tịch 67 năm rồi mới đến nước Chấn Đán (Trung Hoa) rộng ban, thuốc pháp, tiếp dẫn thẳng bậc thượng căn, chớ vội vàng đi mà phải suy vi nơi Lạc Dương”.

       Tổ hỏi lại: “Nước ấy có bậc đại sĩ kham nổi cương vị pháp khí chăng? Ngàn năm sau có lưu lại nạn gì không? 

 

Hinh Quai dep

        Thông thường, tượng Ngài Đạt Ma được vẽ theo các chủ đề:

       - Lô Diệp Đạt Ma, còn gọi là Nhất Vi Độ Giang, nghĩa là Tổ Bồ Đề Đạt Ma ngồi trên cọng lau vượt sông Dương Tử sang nước Ngụy.

       – Chích Lý Đạt Ma cũng gọi là Chích  Lý Tây Qui  tranh vẽ sự tích Tổ Đạt Ma tay mang một chiếc giày về Tây Vực.

        – Diện Bích Đạt Ma bức tranh Tổ Đạt Ma xoay mặt vào vách ngồi thiền 9 năm …

        Bồ Đề Đạt Ma tiếng Phạn là Bodhi Dharma, dụng ý là đạo pháp, còn gọi là Bồ Đề Đạt Ma Đa La, Bồ Đề Đa La. Thông thường gọi là Đạt Ma, là vị Tổ thứ 28 Thiền Tông Ấn Độ và là Tổ đầu tiên của Thiền Tông Trung Quốc. Con thứ ba vua nước Hương Chí, đắc pháp với tổ Bát Nhã Đa La.

       Hình tượng Tổ Đạt Ma đối với mọi người chúng ta rất quen thuộc, đặc biệt là thiền, hình tượng Ngài rất đặc trưng và cũng là một đề tài để các nhà nghệ thuật thể hiện phong thái thẩm mỹ của mình qua điêu khắc, thư họa theo phong cách thiền.

        Ngay Tổ Đường, chúng ta thấy Ngài quải trên vai một chiếc giày, theo Lịch Đại Pháp Bảo Kí chép:

       “Lúc bấy giờ, tại Ngụy có Tam Tạng Bồ Đề Lưu Chi và Luật sư Quang Thống tẩm độc trong thức ăn, rồi mang đến thết đãi Đại sư. Đại sư ăn xong, bảo đem chậu tới mửa ra một thăng rắn. Lại lần khác thết đãi thức ăn tẩm độc, sư ăn xong, ngồi trên tảng đá to, chất độc thấm ra làm nứt cả tảng đá. Trước sau sáu lần đánh thuốc độc, Đại sư bảo các đệ tử: “Ta đến đây vốn là để truyền pháp, nay đã có được người (Huệ Khả) truyền thừa, thì ở lâu nào có ích gì?”. Thế là Đại sư truyền lại một chiếc cà sa để làm tin và nói với Huệ Khả: “Ta nhân việc truyền pháp mà bị ngộ độc, ngươi cũng không tránh khỏi nạn này. Pháp ta truyền đến đời thứ sáu, người được truyền pháp thì mạng như tơ treo”.

        Nói xong, Sư liền nhân ngộ độc mà qua đời. Ngày thường, Sư thường tự nói: “Ta tuy năm nay 150 tuổi, nhưng thật cũng chẳng biết là mấy tuổi nữa!”. Đại sư nói: “Ở nước Đường, có ba người được pháp ta: Một người được tủy ta, một người được xương ta và một người được thịt ta. Được tủy ta là Huệ Khả, được xương ta là Đạo Dục và được thịt ta là Ni Tổng Trì”. An táng tại núi Hùng Nhĩ, đất Lạc Châu (nay là Hà Nam, huyện Lạc Dương).

To Dat Ma

        Lúc ấy, Tống Vân nước Ngụy đi sứ gặp đại sư ở ngọn Thông Lãnh, tay quải một chiếc giày. Tống Vân hỏi: “Đại sư đi đâu?”. Đáp: “Ta trở về bổn quốc. Quốc vương của ngươi hôm nay qua đời”. Tống Vân liền ghi chép việc đó, rồi lại hỏi: “Đại sư nay ra đi, Phật pháp phó chúc cho ai?”. Đáp: “Sau khi ta ra đi 40 năm, có một ông tăng người Hán, chính là người nối pháp vậy!”. Thế là Tống Vân trở về triều, quả nhiên Minh Đế đ băng hà, Hiếu Trang Đế vừa lên ngôi. Tống Vân bảo các triều thần: “Đại sư tay cầm một chiếc giày đi về nước Tây Vực. Ngài nói: Vua nước ông hôm nay mất. Thật đúng như điều Đại sư đã nói”. Các triều thần đều chẳng tin, bèn cho đào mộ của Đại sư, quả nhiên chỉ còn một chiếc giày!

        Tiêu Lương Võ Đế tạo văn bia. Đệ tử có Bát Nhã Mật Đa La ở Tây quốc. Riêng ba người đệ tử ở nước Đường là Đạo Dục, Ni Tổng Trì và Huệ Khả thì chỉ có Huệ Khả là người thừa y đắc pháp”.

        Ngài viên tịch vào ngày 5 tháng 10 năm Bính Thìn, niên hiệu Đại Thông thứ 2, tức năm 528 TCN đời nhà Lương, có thuyết nói Ngài viên tịch vào niên hiệu Đại Đồng năm đầu (535) hoặc năm Đại Đồng thứ 2 (536) đời Lương.

       Thế là vua bèn hạ sắc lệnh đưa chiếc dép về chùa Thiếu Lâm. Đến năm Khai Nguyên thứ mười lăm đời Đường, tức năm Đinh Mão (728 CN). Người ta mới đem chiếc giày này về Chùa Hoa Nghiêm.

        Có câu chuyện Thiền nổi tiếng qua cuộc đối thoại giữa Ngài và vua Lương Võ Đế.

          Vua hỏi: “Trẫm thường hay xây chùa, chép kinh, độ Tăng rất nhiều, vậy có công đức gì không”.

          Đạt Ma đáp: “Không có công đức”.

          Vua hỏi: “Vậy công đức chân thật là gì?”.

          Sư đáp: “Trí thanh tịnh hoàn toàn, như vậy là công đức”.

          Vua hỏi: “Người đối diện với Trẫm là ai?

          Sư đáp : “Không biết”.

         Việc gặp gỡ không thành, Ngài mới vượt sông Dương Tử, lên núi ẩn tu xoay mặt vào vách 9 năm. Cho nên câu Thiền ngữ Đạt Ma diện bích có xuất xứ từ đây.

         Sau lần gặp gỡ với vua Lương Võ Đế, vì thấy căn cơ vua không lãnh hội được yếu chỉ Thiền Tông này nên Ngài rời khỏi kinh đô nhà Lương, nay là Kim Lăng, đến Lạc Dương vào chùa Thiếu Lâm Trung Sơn.

          Về việc Ngài quải một chiếc dép đi, có nhiều ý kiến cho rằng, đó là vượt ra ngoài vọng chấp nhị biên, những gì Ngài để lại cũng như những gì Ngài mang đi không hơn không kém, quải trên vai là ý nói đảm đang, hoằng truyền chánh pháp, đạo pháp để lại, đạo pháp mang đi… Hiện tại, câu Thiền ngữ Quải Dép Về Tây –  Chích Lý Tây Qui –  chỉ cho các bậc Tôn túc trong thiền lâm viên tịch.

“Thiền thất đăng quang lãnh

Kinh song nguyệt ảnh không

Nhất triêu huề chích lý

Thiên tải mích vô tung”

        (Đèn thiền thất đã lụn tàn lạnh lẽo, vầng trăng đêm nào soi sáng ngay án kinh bên khung cửa giờ đã lặn bóng mờ sương, chỉ một chốc thôi mà Thầy đã quải dép qui tịch, ngàn năm sau tìm mãi cũng không thấy dáng hình).

         Qua hành trạng Tổ sư cho ta thấy rằng: dù đã đạt đạo nhưng việc hành đạo cũng tùy duyên đi ở. Trên con đường giáo hóa cũng bị chướng duyên nghịch cảnh, nhưng Ngài cũng đã trải qua hết, để thực hiện chí nguyện độ sanh.

◊——————————————————

Chú thích:

     (1): Dép cỏ là dép mà chư Tăng ngày xưa mang đi hành cước, vì vậy lộ phí mà chư Tăng cần dùng khi đi hành cước thì gọi là Thảo hài tiền.

 

 

 

 

 

 

 

Những Bài Viết Liên Quan
390191
Total Visit : 288503